Theo Bác sỹ chuyên khoa Nội tổng hợp Hoàng Thị Bạch Dương, các gia đình có người già cần phải đặc biệt chú ý trong việc chăm sóc, cũng như cẩn trọng trong chế độ ăn uống, bởi có rất nhiều yếu tố đặc trưng của ngày Tết lại chính là “kẻ thù” của sức khỏe người cao tuổi.
Nhấn để phóng to ảnh
Theo phân tích của BS Bạch Dương, Người già răng không còn, lợi kém, việc vận động của lưỡi cũng rất hạn chế nên khó đưa thức ăn vào đúng chỗ, dễ dẫn đến các tai nạn như sặc nghẹn.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trên thực tế, một trong những nguyên nhân tai biến phổ biến nhất ở người già chính là do sặc, nghẹn khi ăn uống.”
Các món ăn mềm, dẻo, có độ kết dính lớn, điển hình như bánh chưng là cái tên hàng đầu trong danh sách các món ăn ngày Tết có nguy cơ gây nghẹn cho người cao tuổi. “Đã có trường hợp một cụ ở viện dưỡng lão sau khi được gia đình đón về ăn Tết thì mất ngay ngày hôm sau vì nghẹn bánh chưng, do gia đình không biết cách cho ăn.”
Theo hướng dẫn của chuyên gia về lĩnh vực Y tế gia đình này, trong trường hợp muốn cho người cao tuổi ăn bánh chưng, để cảm nhận không khí Tết, gia đình phải cắt bánh chưng rất nhỏ, thậm chí là nghiền, xay ra. Đồng thời, trong quá trình các cụ ăn cũng cần theo dõi rất sát. “Tuy nhiên, tốt nhất với các cụ đã mất nhiều răng, gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, nhai nuốt thì cần tránh ăn bánh chưng.” – BS Bạch Dương khuyến cáo.
Nhấn để phóng to ảnh
Các món ăn cho người cao tuổi cần được cắt, nghiền nhỏ để tránh hiện tượng sặc, nghẹn
Bên cạnh bánh chưng, các món ăn có trứng cút, điển hình như canh bóng, súp cũng rất nguy hiểm với người cao tuổi. “Việc kiểm soát hành động của người lớn tuổi đã kém linh hoạt, vì vậy nhiều lúc ăn trứng cút chưa kịp nhai đã bị trôi xuống họng gây nghẹn.” – BS Bạch Dương cho biết.
Trong danh sách các món ăn nguy cơ cao của ngày Tết, BS Bạch Dương còn lưu ý thêm về: xúc xích, lạp sườn, dưa góp muối lâu, hành muối. “Muốn cho các cụ ăn dưa hành phải cắt rất mỏng, rất nhỏ hoặc có thể xay cùng với bánh chưng” – BS Bạch Dương hướng dẫn.
Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm, chính là ở những người cao tuổi có biểu hiện sa sút trí tuệ, các cụ thường ăn không biết no và cứ đòi ăn thêm. Vào ngày Tết, con cháu vui vẻ đoàn tụ thấy ông bà mình thích ăn nên cũng chiều và cứ cho ăn thêm dẫn đến bội thực và thậm chí đã có không ít trường hợp các cụ mất do nguyên nhân này.
“Về vấn đề dinh dưỡng đối với người già, chúng ta cần cho ăn đúng, ăn đủ chứ không ăn theo nhu cầu của các cụ. Việc định lượng sai khẩu phần cần thiết cho người già dễ gây tai biến, tăng đường huyết đột ngột, bội thực, tiêu chảy.” – BS Bạch Dương chỉ rõ.
Nhấn để phóng to ảnh
Mời nhau ly bia, chén rượu là một văn hóa quen thuộc vào dịp Tết. Nhiều người cao tuổi thường ngày được gia đình chăm sóc rất kỹ, rất khắt khe trong việc ăn uống, nhưng đến ngày Tết cũng cho các cụ “phá lệ” để chung vui.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia y tế đã từng chứng kiến nhiều vụ việc đáng tiếc xuất phát từ thói quen này, BS Bạch Dương khuyến nghị: “Việc cho người cao tuổi uống bia, rượu là rất không nên. Trong trường hợp uống mừng ngày Tết, các gia đình phải cho các cụ uống bằng thìa, bởi uống trực tiếp bằng lon, cốc, chén rất dễ gây sặc và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.”
Nhấn để phóng to ảnh
Về vấn đề này, BS Bạch Dương phân tích: “Ngày Tết, việc người cao tuổi thường ăn uống không đúng giờ giấc, rối loạn giấc ngủ, các sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn dẫn đến nhiều vấn đề với sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính.”
Ví dụ điển hình trong trường hợp này là bệnh tiểu đường ở các cụ thường nặng lên do uống thuốc, ăn uống không đúng giờ giấc. Bên cạnh đó, rối loạn tâm thần cũng tăng lên như vui quá, buồn quá cũng có thể gây đột tử cho bệnh nhân cao huyết áp.
Nhân đây, chuyên gia này cũng khuyến cáo: “Ngày Tết, các gia đình cố gắng hạn chế thay đổi lịch sinh hoạt của các cụ nhất có thể, bữa ăn của người cao tuổi cũng nên chia làm 4-5 bữa/ ngày và cố gắng duy trì ăn đúng giờ.”