Một số nội dung cơ bản về biên giới quốc gia <!HOTNEW>

1. Thế nào là biên giới quốc gia
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đường biên giới quốc gia được quy định cụ thể tại Điều 1, Luật biên giới quốc gia năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngay 01/01/2004. Theo đó, “Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ trên đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

2. Nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về biên giới, lãnh thổ quốc gia
Luật pháp quốc tế đã xác lập những nguyên tắc cơ bản về biên giới và lãnh thổ quốc gia. Theo đó, tính bất khả xâm phạm, toàn vẹn về biên giới và lãnh thổ quốc gia là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật quốc tế hiện đại. Nội dung này được quy định cụ thể tại Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, theo đó, trong quan hệ quốc tế, tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng các cam kết và thỏa thuận quốc tế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền tự quyết của mỗi quốc gia, dân tộc.

3.Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ
Điều 2, Khoản 3 Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng khác đều quy định rõ các quốc gia phải có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, an ninh quốc tế và công lý. Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc cũng quy định về các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp như đàm phán ngoại giao giữa các bên liên quan hoặc thông qua trung gian hòa giải, tòa án pháp lý, tòa án trọng tài…

4. Các bộ phận đường biên giới quốc gia
Đường biên giới quốc gia được cấu thành bởi 04 (bốn) bộ phận sau đây:
– Đường biên giới quốc gia trên đất liền
Biên giới quốc gia trên đất liền (bao gồm cả biên giới trên các sông, suối, hồ biên giới) là biên giới phân chia chủ quyền lãnh thổ đất liền của một quốc gia với một quốc gia khác. Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và phân giới, cắm mốc thông qua đàm phán thương lượng giữa các quốc gia có chung biên giới; kết quả này được ghi nhận bằng văn kiện pháp lý về phân giới cắm mốc, trong đó có một Phần và một Điều chính mô tả chi tiết vị trí của mốc quốc giới, cọc dấu (nếu có), hướng đi của đường biên giới và địa hình đường biên giới đi qua.

 

Mốc quốc giới Việt Nam – Lào
(đoạn biên giới Quảng Bình – Khăm Muộn)

– Đường biên giới trên biển
Theo Điều 2, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì “chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và các vùng nội thủy tới một vùng biển tiếp giáp với chúng dưới tên gọi là lãnh hải và có bề rộng không vượt quá 12 hải lý”. Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới ngoài của lãnh hải.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí tương quan giữa bờ biển của các quốc gia trên biển, biên giới quốc gia trên biển có thể có hai phần. Một là đường phân định nội thủy, lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển liên tiếp liền hay đối diện trong trường hợp khoảng cách giữa hai hệ thống đường cơ sở của hai quốc gia cách nhau nhỏ hơn 24 địa lý, đường này được xác định bởi điều ước giữa các quốc gia hữu quan. Hai là đường ranh giới ngoài của lãnh hải phân cách với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển; đường này do luật của các quốc gia ven biển hữu quan quy định phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

– Đường biên giới trên không
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với vùng trời quốc gia được chính thức đặt ra từ khi con người có các phương tiện bay, nhất là từ khi có máy bay và ngành hang không phát triển. Chủ quyền đối với vùng trời thuộc phạm vi lãnh thổ đã trở thành phạm trù pháp lý quốc tế kể từ khi Hội nghị quốc tế về hàng không họp tại Pari ghi nhận trong văn bản của Hội nghị ngày 13/10/1919 rằng “ Các quốc gia ký kết công nhận rằng mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt đối với vùng trời thuộc phạm vi lãnh thổ của mình”.

– Đường biên giới bên trong lòng đất
Là một bộ phận của biên giới quốc gia, được xác định theo một phương thẳng đứng dựa theo các đường biên giới trên đất liền và trên biển, kéo dài đến tâm của trái đất. Trong thực tiễn quốc tế, giới hạn trừu tượng này được các quốc gia mặc nhiên thừa nhận.

Điều 5 khoản 4 Luật biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 quy định: “Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất. Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển giữa năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa nước CHXHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan”.

Thanh Nhàn

Rate this post

Viết một bình luận