» Đặc điểm các bộ phận trên cây chuối

Rễ cây chuối

Hệ thống rễ chuối

– Khác với các loại cây ăn quả khác, chuối không có rễ cọc. Rễ chuối là dạng rễ chùm, 2 – 5 rễ một chùm. Rễ có hệ thống rễ con phân bố gần phủ kín bề mặt rễ kể từ phần giáp thân chính. Rễ được hình thành và sinh trưởng, phát triển ở phần thân ngầm.

Nội dung trong bài viết

  • Rễ cây chuối
  • Thân cây chuối

    • Thân ngầm
    • Thân giả
    • Bẹ lá
    • Cuống lá
    • Phiến lá
  • Hoa và quả

    • + Hoa trung tính
    • + Hoa đực
  • Chồi mầm

    • Các loại chồi chuối
    • + Loại chồi đuôi chiên
    • + Loại chồi con lá rộng:
  • Vai trò của chồi mầm

– Rễ con rất nhỏ và ngắn so với rễ chính (rễ cấp một) do đó sự hình thành rễ con này có ảnh hưởng đến khả năng hút nước và dinh dưỡng liên quan đến cách bón phân thúc cho chuối trong quá trình chăm sóc sau khi trồng như thế nào là hợp lý. Rễ có chức năng hút dinh dưỡng, nước và khoáng.

– Đường kính khoảng 5 – 10 mm. Rễ chuối mềm, dễ thối khi điều kiện môi trường bất lợi như úng nước, sát thương cơ giới, sâu bệnh hại rễ…

Hình thái rễ chuối

– Rễ bất định mọc từ bề mặt trung tâm của củ chuối (thân ngầm) thành từng nhóm 2 hoặc 5 rễ.

– Các rễ nằm ở đáy củ thường ăn sâu xuống đất 60 – 70 cm, các rễ nằm xung quanh củ có khuynh hướng ăn lan rộng, nếu đất tơi xốp và thoáng khí, nhiều mùn thì rễ chuối có thể ăn lan rộng  4 – 4,5 mét tùy theo giống.

– Một cây chuối trưởng thành có khoảng 500 – 600 rễ.

– Lông hút nằm ở xa thân ngầm, gần với chóp rễ. Vì thế cần chú ý khi bón phân bón cách xa gốc khoảng 50 – 60cm nơi tập trung nhiều lông hút.

– Rễ chuối hút nước yếu khoảng 40% lượng nước có ích trong đất , cho nên tốt nhất cần duy trì độ ẩm trong đất luôn luôn tiếp cận độ ẩm tối đa. Đặc biệt đối với chuối tiêu là giống chịu hạn kém nhất. Trường hợp hạn hán kết hợp với rét sẽ làm cho cây chuối trưởng thành “ nghẹn buồng” (hoa không trổ thoát).

Mặt ngoài thân ngầm và thân giả của cây chuối

Khi hoa đã trổ thoát, nếu bị hạn buồng chuối sẽ ngắn lại, quả chuối nhỏ hàm lượng đường thấp, hàm lượng acid cao, mất giá trị thương phẩm.

Thân cây chuối

Thân ngầm

– Thân ngầm của chuối còn được gọi là củ chuối, là bộ phận quan trọng của cây chuối.

– Thân ngầm chủ yếu nằm dưới đất.

– Thân ngầm là bộ phận phát sinh rễ, bẹ lá (thân giả) và phát hoa.

+ Có bản chất là căn hành- Thân ngầm (củ chuối)

+ Phát triển theo kiểu cọng trụ (theo bề đứng)

+ Thân ngầm của chuối mỗi ngày một trồi dần lên mặt đất trong quá trình sinh trưởng và phát triển do đó trong thời kỳ chăm sóc cần vun gốc chuối thường xuyên.

Bổ dọc thân ngầm và thân giả

– Cấu tạo thân ngầm có 2 phần:  Phần vỏ màu sẫm và phần trung tâm củ màu nhạt hơn.

– Ngoài mặt củ chuối có vết của bẹ lá tạo thành vòng xoay quanh củ chuối.

– Bề mặt củ chuối có nhiều mầm, trong đó một số mầm phát triển thành chồi các chồi này về sau có thể  hình thành cây con.

– Khi cây chuối trưởng thành, từ đỉnh sinh trưởng của thân ngầm hình thành bộ phận nằm ở trung tâm của thân giả, có hình trụ tròn (còn được gọi là thân thật), bộ phận này là cơ quan hình thành phát hoa.

– Thân giả có chiều cao khác nhau tùy thuộc giống chuối khoảng 1,5 m – 3 m đối với chuối già lùn, cao tới 8m đối với giống Gros Michel.

Vết bẹ lá trên thân ngầm chuối

Thân giả

– Thân giả chính là các bẹ lá, được phát triển từ phần trên của thân ngầm.

Lá chuối gồm 3 phần: Bẹ lá, cuống lá, phiến lá.

Bẹ lá

– Được phát triển từ phần trên của thân ngầm.

– Các bẹ lá hình lòng máng bó lấy nhau hợp thành thân giả của cây chuối.

– Mặt ngoài của bẹ lá có màu đặc trưng cho mỗi giống chuối.

– Khi bẹ lá già dần thì mặt trong của bẹ lá có màu không đồng nhất giữa các vùng của bẹ do ảnh hưởng bởi màu sắc mặt ngoài của bẹ phía trong.      

Thân ngầm, thân giả và cơ quan hình thành hoa chuối

– Khi bẹ lá còn non phần lớn mặt trong có màu trắng ngà.

– Phần lớn diện tích mặt trong của bẹ lá về già có màu đặc trưng của giống.                           

– Đầu trên của mỗi bẹ lá là nơi phát triển hình thành cuống lá.

– Tùy vào giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây, kích thước và hình dạng đầu trên bẹ lá khác nhau:

+ Khi cây chuối còn non thì đầu trên bẹ lá thon nhỏ.

+ Khi cây chuối trưởng thành thì đầu trên bẹ lá lớn hơn.

Đầu trên của bẹ lá

– Đầu trên mỗi bẹ lá là phần ngừng sinh trưởng, héo dần và khô (cùng với lá trên bẹ)  trước phần dưới của bẹ đó.

Cuống lá

– Cuống lá hình lòng máng.

– Cuống lá dài hay ngắn tùy vào giống chuối.

Phiến lá

– Phiến lá lúc non khi mới ra khỏi thân giả hai nửa phiến lá cuộn vào nhau thành hình ống.

–  Phiến lá chuối rộng và mỏng, dễ bị gió thổi rách.

–  Phiến lá gồm 1 sóng giữa lớn, 2 nửa phiến lá có các gân bên .

–  Phiến lá dài hay ngắn, rộng hay hẹp tùy giống chuối.

Đặc điểm

– Trong điều kiện thuận lợi cứ 7 – 10 ngày cây chuối ra một lá.

– Theo quy luật cứ một lá mới hình thành thì có một lá cũ khô đi.

– Thông thường trên cây luôn tồn tại 10 – 15 lá tươi gọi là lá hoạt động.

– Khi một phần hai số lá đã phát triển trên cây thì cây bắt đầu phân hóa mầm hoa, trong thời gian này số lá còn lại tiếp tục phát triển.

– Trong giai đoạn này cần tìm mọi biện pháp duy trì số lá xanh trên cây, tối thiểu là 10 lá xanh vào lúc chuối trổ buồng.

– Gặp điều kiện khắc nghiệt, cây sinh trưởng không bình thường, thân giả ngắn, cây bị chùn đọt.

Hoa và quả

– Khi cây chuối đến giai đoạn trưởng thành, từ đỉnh sinh trưởng của thân ngầm hình thành thân thật.

– Chóp thân thật phát triển dần về phía trên hình thành trụ hoa và hoa.

– Trụ hoa nằm ở trung tâm của thân giả.

– Trong giai đoạn đầu trụ hoa còn bị thân giả bao kín.

– Khi trụ hoa phát triển, hoa chuối (bắp chuối) được hình thành, di chuyển trong thân giả rồi trổ ra ngoài thành buồng chuối.

Trụ hoa chuối

+ Các hoa mọc xung quanh trụ hoa, tạo thành cụm hoa.- Mỗi bắp chuối là một chùm hoa, gồm các bộ phận:

+ Mỗi cụm hoa được bao bởi lá mo màu nâu đỏ.

+ Khi cụm hoa nở lá mo uốn cong và lật ngược lên, để lộ rõ cụm hoa.

+ Chùm hoa nở dần từ cụm hoa gần cuống đến các cụm phía dưới.

Hoa chuối thuộc loại hoa có đầy đủ các bộ phận đế hoa, đài hoa, tràng hoa, nhị và nhụy hoa.

– Trên chùm hoa (hoa tự) có 3 loại

+ Hoa cái.

Cụm hoa chuối mới nở

Có đế hoa rất phát triển, chiếm 2/3 chiều dài hoa. Chỉ có hoa cái là có thể hình thành quả. Hoa cái tập trung ở phần gốc của chùm hoa. Mỗi cụm hoa cái phát triển hình thành một nải chuối (nhánh chuối).

+ Hoa trung tính

Có đế hoa kém phát triển, chiều dài bằng 1/2 chiều dài hoa. Nhị đực khá phát triển. Loại hoa này có số lượng ít, mọc ở giữa chùm hoa cái và hoa đực. Các hoa này không hình thành quả.+ Hoa trung tính.

+ Hoa đực

Có nhị đực rất phát triển, dài hơn cả đầu nhụy. Đế hoa kém phát triển, bằng 1/3 chiều dài hoa. Loại hoa này không hình thành quả, mọc tập trung ở ngọn của chùm hoa.

Các cụm hoa cái hình thành các nải chuối

–  Phần bắp chuối mà nhân dân ta thường cắt để làm rau ăn gồm một số ít hoa trung tính và phần chủ yếu là hoa đực.

– Cắt phần bắp chuối này có tác dụng tập trung dinh dưỡng vào hoa cái trên chùm hoa để trái chuối to hơn. Mặt khác tận dụng làm rau ăn rất tốt. Cắt bắp chuối cách nải cuối buồng khoảng 10 – 20 cm.

– Một buồng chuối có khoảng 5 -15 nải (nhánh), mỗi nải có khoảng 12 – 20 trái tùy từng giống chuối.

Chồi mầm

Các loại chồi chuối

– Chồi (chuối con) được hình thành từ phần trên của thân ngầm (củ chuối).

– Có hai loại chồi: Loại chồi đuôi chiên và loại chồi đuôi lá rộng.

Buồng chuối

 

+ Loại chồi đuôi chiên

* Được sinh ra từ khoảng tháng 4, tháng 5 trở đi. Nếu điều kiện ánh sáng và nhiệt độ thích hợp, loại chồi này sinh ra rất nhanh và sinh trưởng rất mạnh.

* Mầm ngủ phát triển hình thành dạng chồi mụt, chồi mụt tiếp tục phát triển hình thành giai đoạn chồi búp măng.

* Chồi búp măng phát triển hình thành chồi đuôi chiên.

* Đường kính gốc to, tỷ lệ giữa đường kính gốc với đường kính ngọn lớn. Cây có dạng như đuôi cá chiên (chồi đuôi chiên).

+ Loại chồi con lá rộng:

* Loại chồi được sinh ra từ một mảnh thân ngầm sót lại của cây mẹ (chồi con mồ côi) hoặc ở những cây mẹ yếu ớt.

* Do không có cây mẹ hỗ trợ nên khi mọc lên sớm phát triển bộ lá để có thể sống độc lập. Dinh dưỡng rễ cây lấy được chủ yếu nuôi lá nên phát triển đường kính thân giả chậm, thân giả có dạng ống nứa.

Vai trò của chồi mầm

– Chồi con có vai trò trong nhân giống chuối.

– Với chồi đuôi chiên

+ Loại chồi đuôi chiên giữ lại, để đến tháng 8 – 9 trồng rất tốt.

+ Loại chồi đuôi chiên sung sức, khi trồng mau bén rễ, tốc độ hồi sinh nhanh, sinh trưởng mạnh, mau ra buồng, sản lượng cao.

– Với chồi lá rộng

+ Loại chồi lá rộng trồng lâu bén rễ, tốc độ sinh trưởng chậm, cho năng suất thấp.

+ Thường dùng chồi lá rộng làm giống khi thiếu cây giống bằng chồi đuôi chiên.

– Trong quá trình hình thành chồi con gốc chuối cao dần lên, nên khi trồng cần có độ sâu 20 – 30 cm đối với thân ngầm và trong quá trình chăm sóc cần vun gốc để tránh đổ cây khi gặp điều kiện bất lợi như gió, bão.

Rate this post

Viết một bình luận