» Kinh nghiệm nuôi ếch thịt

Giai đoạn nuôi ếch thịt là giai đoạn quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của mô hình nuôi ếch công nghiệp, để đạt được hiệu quả cao nhất xin mời bạn đọc theo dõi phương pháp nuôi ếch thịt trong bài sau.

Nội dung trong bài viết

  • Chăm sóc

Ếch thịt thường được “xuất chuồng” khi chúng được 4 tháng tuổi. Sở dĩ người ta bán ếch thịt vào lứa tuổi này, vì nếu nuôi dài ngày hơn chúng sẽ chậm lớn mà lại hao tốn nhiều thức ăn nên mức lợi sẽ không nhiều. Hơn nữa ở vào lứa tuổi này thịt ếch cũng đã săn chắc (không còn nhão) và chất lượng thịt lại thơm ngon hơn là ếch già tháng tuổi hơn.

Tuy vậy, với những con chậm lớn, vẫn phải nuôi tiếp thêm một vài tháng nữa mới đủ lớn để bán được giá cao hơn.

Vì rằng, theo tâm lý chung, khách hàng sành ăn thường chọn mua loại ếch vừa tơ lại vừa lớn con. Loại ếch này vừa ngon lại cho nhiều thịt. Đó là loại 4 hay 5 con 1 kg, dù bán với giá cao. Loại ếch 7 hay 8 con 1 kg bao giờ cũng bán với giá thấp hơn. Còn loại 10 con 1 kg phải bán với giá rẻ may ra mới có người chịu mua.

Giá cả chênh lệch như vậy cũng rất dễ hiểu, vì trong lãnh vực ẩm thực món ăn ngon bao giờ cũng đắt tiền, mà lại lắm người mua.

Chính vì lẽ đó nên nuôi ếch thịt, ai cũng muốn chọn nuôi những giống to con, như giống ếch Bò chẳng hạn.

Chọn giống: Giống ếch thuộc loại “siêu thịt” hiện nay được nhiều nước chọn nuôi là giống ếch Bò (Bull Frog) có trọng lượng tối đa đến 1,2 kg. Chính giống ếch lớn con này mới đáp ứng đúng mức yêu cầu của thị trường xuất khẩu: chỉ tiêu thụ hai đùi sau chứ không phải mua nguyên con. Muốn có một kí đùi ếch như vậy phải cần đến 4 kg ếch sống.

Giống ếch thứ hai chúng ta có thể nuôi thịt là ếch lai tạo từ ếch Bò và ếch đồng (Rana Rugolusa). Giống ếch lai này có những ưu điểm như sau:

– Ếch được thuần hóa nên đằm tính, ít bỏ trốn.

– Đẻ sai, mỗi lứa được 3000 trứng đến 5000 trứng (trong khi ếch Bò mỗi lần đẻ được từ 5000 trứng đến 10 ngàn trứng).

– Ếch tăng trưởng nhanh, thịt thương phấm có phẩm chất tốt.

Hai giống ếch trên sẽ là mặt hàng xuất khẩụ có giá trị.

Riêng loại ếch đồng, vừa nhỏ con lại chậm lớn nếu nuôi thịt chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước vốn dễ tính mà thôi.

Cả ba giống ếch trên, sau 4 tháng nuôi, đạt trọng lượng như sau:

– Ếch Bò: Mỗi con nặng trung bình từ 250gr đến 300gr.

– Ếch lai tạo: Mỗi con nặng trung bình 200gr.

– Ếch đồng: Mỗi con chỉ nặng từ 80gr đến l00gr mà thôi.

Trong trường hợp được bồi bổ đúng mức, nhất là có thời gian vỗ béo thích hợp, chúng còn tăng cân hơn.

nuôi ếch thịt

Cách nuôi: Nói chung phương pháp nuôi ếch thịt cũng không khác mấy so với phương pháp nuôi ếch giống cho sinh sản.

– Ao, hồ nuôi: Khi nuôi ếch thịt ai cũng nuôi với số lượng nhiều, từ vài ngàn đến cả chục ngàn con như vậy mới đủ thịt để cung ứng cho thị trường. Vì vậy cần có ao hay hồ xi măng rộng hơn kiểu ao, hồ nuôi ếch giống sinh sản. Để giúp ếch sinh trưởng tốt và tăng trọng nhanh, ta cần chú trọng đến khâu gìn giữ vệ sinh môi trường cho ếch thịt thật tốt, đồng thời nên cung cấp khẩu phần ăn nhiều chất bổ dưỡng.

Tiếc thay nhiều người nuôi ếch thịt lại tỏ ra lơ là đến hai khâu này, mặc dù họ vẫn muốn thu được nhiều lợi.

Ở đây không có chuyện “trời sinh, trời dưỡng” để rồi mọi chuyện cứ phó thác cho trời, được đâu hay đấy. Xin nhớ thịt ếch bán ra không những tính bằng kí lô mà còn kèm theo chất lượng, chứ không chịu tính theo kiểu “cá kể đầu, rau kể mớ”, vì vậy nếu nuôi không đúng phưong pháp, không chịu đầu tư công sức và tiền của thì sao mong kiếm được đồng lời.

Trở lại chuyện ao, hồ, việc gìn giữ môi trường sống cho ếch sinh sản ra sao thì cũng nên áp dụng y như vậy đối vói ếch thịt. Việc cần trước tiên là phải thay đổi nước mới mỗi ngày, kế đó là tạo cho môi trường sống của ếch thịt luôn luôn được thông thoáng, mát mẻ, yên tĩnh. Và nhất là phải ngăn ngừa dịch hại cho ếch để giảm thiểu mức hao hụt đáng tiếc.

Mật độ ếch thịt thả nuôi không nên quá dày, độ 50 con trong một mét vuông là vừa.

– Thức ăn nuôi ếch thịt: Nuôi ếch thịt, ba tháng đầu ta cung cấp cho chúng thức ăn bình thường như nuôi ếch con, nhưng trước khi xuất chuồng một tháng, cần được nuôi thúc để ếch tăng trọng nhanh, mập béo hơn. Thức ăn cũng cần các thành phần đạm thực vật và đạm động vật, nhưng tỷ lệ đạm động vật tăng cao hơn, đồng thời nên cho ăn bổ sung vào ban đêm. Còn lượng thức ăn trong ngày dành cho ếch thịt cũng như cách nuôi ếch con, ếch sinh sản: bằng 10% trọng lượng thân ếch.

Chăm sóc

Giống ếch tuy hiền lành, thụ động, nằm đâu chỉ nằm lì một chỗ, nó chỉ chạy khi nguy khốn mà thôi. Thế nhưng, nuôi ếch, công việc chăm sóc cũng khá nhiều. Mọi việc chăm sóc chỉ tập trung nhiều nhất vào một khâu: tạo môi trường sống thích hợp cho ếch.

– Thay nước sạch: Ếch là loài lưỡng cư, sống được dưới nước lẫn trên cạn, mà thời gian sống trên cạn của nó lại nhiều hơn thời gian sống ở dưới nước, thế nhưng, nước trong hồ nuôi ếch cần phải giữ sạch, cần phải thay nước mới hàng ngày, còn cẩn thận hơn việc xử lý nước trong hồ nuôi cá cảnh nữa? Tại sao lại như vậy? Lý do dễ hiểu là nước hồ có thể thẩm thấu qua da ếch, cho nên nếu sống trong môi trường nước bẩn, ếch nuôi sẽ bị vướng nhiều thứ bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, thay nước sạch vào hồ thường xuyên chính là cách bảo vệ sức khỏe cho ếch.

– Môi trường sống mát mẻ: Hồ nuôi ếch cần có ánh nắng rọi vào, nhưng hạn chế trong phạm vi nửa hồ mới tốt. Vì vậy, nếu bên trên không có cây cao che bóng mát, thì nên làm mái che, dù chỉ là lợp sơ sài để cản bớt một phần ánh nắng cho ếch. Nhiệt độ thích hợp đối với ếch du di từ 25°c đến 30°c.

– Cần được yên tĩnh: Do có rất nhiều kẻ thù luôn luôn rình rập để chờ dịp sát hại, nên ếch luôn có sự bất an, lo sợ. Vì vậy, ếch thường ẩn mình trong hang sâu, trong bụi cỏ rậm hoặc một nơi yên tĩnh nào đó để được yên thân. Do đó, chúng ta nên hạn chế tối đa việc lui tới, gần gũi chúng, trừ trường hợp cần thiết lắm như làm yệ sinh ao, hồ, như cho ăn hoặc trị bệnh. Và những khi tiếp cận chúng như vậy ta nên thể hiện những động tác nhẹ nhàng, tránh gây cho ếch sự hoảng loạn được chừng nào tốt chừng nấy.

nuôi ếch thịt

– Ngăn ngừa kẻ thù: Ngăn ngừa mọi kẻ thù cho ếch cũng là cách tạo được môi trường sống tốt cho ếch. Ếch nhái nói chung có rất nhiều kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng chờ cơ hội tốt để sát hại. Những loài thú ăn thịt này vốn coi ếch là một thứ mồi ngon đối với chúng, nên gặp đâu là sát hại đó. Khổ nỗi nơi nuôi ếch lại quá trống trải, chung quanh tuy có tường bao che nhưng đâu phải là kín mít, trong khi mọi kẻ thù của ếch lại có nhiều, khả năng để xâm nhập vào tận ao, hồ nuôi ếch không mấy khó khăn, cần có nhiều biện pháp để phòng trừ các giống dịch hại này, như vậy mới tránh được sự hao hụt đáng tiếc.

+ Rắn: Đối với ếch, rắn là kẻ thù không đội trời chung, cũng như chuột đối với mèo vậy. Ếch là mồi ngon của rắn, vì vậy ở đâu nuôi ếch là ở đó có rắn xuất hiện. Khổ nỗi, “con ếch chết vì lỗ miệng”, do nghe tiếng ếch kêu rắn mới biết chỗ mà trườn đến, và khi đã quen mùi thì rắn cứ đến mãi. Tác hại của rắn gây ra không những chỉ có ăn thịt ếch mà còn gây sự sợ hãi cho cả ao, hồ nuôi ếch, khiến con vật hiền lành đáng thương này cứ nháo nhào lên tìm đường trốn tránh loạn xạ.

Không ai có cách nào để trừ rắn hữu hiệu, trừ việc gặp đâu giết đấy mà thôi.

+ Chuột: Chuột cũng là kẻ thù của ếch. Chuột lọt vào ao, hồ nuôi ếch thì mục đích trước tiên là tìm thức ăn rơi vãi. Thế nhưng, khi gặp ếch con vừa miệng thì chuột nhắt cũng không từ. Giống này ở đâu cũng có sẵn đội ngũ đông đảo, nên nếu không có biện pháp bài trừ thì số lượng ếch con sẽ hao hớt rất nhanh. Chuột nhắt xuất hiện sẽ dẫn lối cho chuột cống. Mà với chuột cống thì ếch có trọng lượng một vài trăm gờ-ram nó cũng thừa sức “cõng” về hang như chơi!

+ Mèo: Đa số mèo gặp ếch đều vồ chụp, nhưng chỉ giết chết chứ không mấy con ăn, trừ trường hợp quá đói. Thế tại sao ở đâu nuôi ếch là có mặt bọn mèo? Chúng đến đây với mục đích là rình chuột. Vì ở đâu có chuột là ở đó có mèo. Khi không vồ được chuột để đỡ đói lòng thì lúc đó mèo mới vồ ếch. Như vậy, muốn diệt mèo trước hết phải diệt hết chuột lai vãng đến khu nuôi ếch. Diệt mèo cũng có nhiều cách như đặt bẫy, rượt đuổi…

+ Chim: Có những loài chim dữ cũng thích ăn thịt chuột, như quạ, diều… Chỉ những ao ếch nằm ở những vùng quá trống trải, xa khu dân cư mới bị các giống chim này thường xuyên đến “viếng” mà thôi.

+ Rái cá, kỳ đà: Đa số các trại nuôi ếch đều ở cận kề sông rạch, vì nhắm cái lợi trước mắt là tận dụng được nguồn nước bất tận của thiên nhiên phục vụ cho nghề chăn nuôi của mình. Thế nhưng, ở gần sông rạch thường có rái cá, kỳ đà trú ngụ, hai giống này là những sát thủ đáng gờm của ếch. Chúng lại đi cả bầy đàn, mà khi đã lọt vào ao thì mỗi con cũng dằn bụng cả chục con ếch mới thỏa sức!

+ Ếch lớn có nhiều kẻ thù của ếch lớn, còn nòng nọc cũng có vô số kẻ thù của nòng nọc. Nòng nọc được nở trong hồ ương còn được bảo vệ, còn nòng nọc nở ngoài ao đất thì là món mồi ngon miệng của các loài tôm cá, bắp cày, niềng niểng, cà cuống và các loài cóc nhái khác.

Muốn phòng trừ các loại dịch hại của ếch này ta nên phát quang quanh khu vực nuôi theo định kỳ để các loài chuột, mèo, rắn, kiến…không còn nơi trú ngụ. Đồng thời tìm cách lấp hang ổ của rắn, chuột và đặt bẫy, đánh bã để tiêu diệt chúng.

Rate this post

Viết một bình luận