2.5/5 – (2 bình chọn)
Flash mob
Flash mob hay Flashmob (tiếng Anh, dịch là một cuộc huy động chớp nhoáng hay ngắn gọn là đám đông chớp nhoáng, “tự phát ngẫu hứng”) là hoạt động của một nhóm bạn bè cùng hẹn trước (thông qua Internet, blog, email hoặc tin nhắn nhanh, SMS,…) nhanh chóng tụ họp tại một nơi công cộng để cùng làm một việc gì đó lạ mắt và lý thú theo kịch bản hay là tự phát ngẫu hứng rồi lập tức giải tán nhanh như là lúc tụ họp, xem như là chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Flash mob thông thường chỉ để làm một trò lạ mắt, vui nhộn, ngẫu hứng vô thưởng vô phạt nhằm góp vui cho mọi người; nhưng nhiều khi nó còn được sử dụng để gây chú ý trong việc truyền một thông điệp cụ thể nào đó; hiện nay nó còn được sử dụng trong các mục đích khác nhau, ví dụ như việc tỏ tình, quảng cáo, biểu tình vì các vấn đề xã hội và chính trị…
Hiện nay, nhờ Internet, Flashmob đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, đặc biệt là một vài năm trở lại đây ở Việt Nam.
Lịch sử Flashmob
Flashmob được xem là đã ra đời vào năm 2003, theo sáng kiến của Bill Wasik, trưởng ban biên tập của tờ báo Harper’s Magazine. Để huy động đám đông, anh đã phát tán một email hướng dẫn cho tất cả những người mà quen biết. Hơn 100 người đã đáp lời kêu gọi của anh và đã cùng xuất hiện tại cửa hàng Macy’s ở New York. Họ tụ họp lại một cách bất ngờ, đồng loạt vỗ tay reo hò và chớp nhoáng rút lui.
Ngày nay, nhờ các mạng xã hội như Facebook và Twitter, Flashmob ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới, quy mô của một màn trình diễn cũng vì thế hoành tráng hơn, đa dạng về hình thức, lớn mạnh về số lượng tham gia, đặc biệt có những màn Flash mob có sự tham gia của hàng chục ngàn người. Những kiểu flashmob phổ biến có thể kể nhảy đồng diễn, đấu súng nước, đấu gối ôm, ôm tự do (free hugs),…
Những sự kiện flash mob lớn có thể kể “Ngày nhảy thế giới” (tiếng Anh: World Jump Day) tổ chức vào ngày 20 tháng 7 năm 2006. Hoặc là “Sàn nhảy im lặng” (Silent disco) vào tháng 4 năm 2007 tại nhà ga Victoria ở Luân Đôn với 4000 người đã tụ tập với các thiết bị nghe nhạc cầm tay của họ và nhảy múa .
Hoặc là “Cuộc đấu Gối ôm Toàn cầu” (Worldwide Pillow Fight Day) vào ngày 22 tháng 3 năm 2008 được tổ chức tại trên 25 thành phố khắp thế giới và được coi là sự kiện flash mob lớn nhất từ xưa đến nay . Các thành phố tham gia bao gồm Atlanta, Beirut, Boston, Budapest, Chicago, Copenhagen, Dublin, Houston, Huntsville, Luân Đôn, Los Angeles, Melbourne, New York, Paris, Pécs, Stockholm, Sydney, Székesfehérvár, Szombathely, Thượng Hải, Vancouver, Washington DC, và Zurich và trở thành sự kiện hàng năm
Flash mob tại Việt Nam
Flashmob là vũ điệu của cả cộng đồng, không những giúp giải tỏa căng thẳng mà còn kết nối mọi người với nhau. Mặc dù không phân biệt lứa tuổi, tuy nhiên do hoạt động vui nhộn và sôi động, Flash mob dễ dàng thu hút các bạn trẻ tuổi teen trên toàn thế giới tham gia và dễ dàng tìm thấy các video mới quay cảnh nhóm nhảy Flash mob rầm rộ được đăng lên Youtube hàng giờ.
Rất nhiều teen Việt cũng đang say mê theo đuổi, thậm chí thành lập cả câu lạc bộ offline thường xuyên. Ở Việt Nam, phong trào Flash mob nói chung, hiện chỉ mới bắt đầu bằng những cuộc “nhảy đồng diễn” rất được cộng đồng chú ý và ủng hộ bởi nhiều người cảm nhận được tính tích cực và thú vị, ngẫu hứng của phong trào này và cũng vì tại Việt Nam còn thiếu những phương tiện và nơi giải trí cho thanh thiếu niên
Tại sao Flash mob lại được yêu thích?
Nhờ khả năng lôi kéo đám đông và tính ngẫu hứng, tham gia Flash mob chẳng cần người tham gia phải là vũ công hay phải nhảy giỏi và không cần tập luyện nhiều, hoàn toàn có thể tham gia cùng, miễn là thật hết mình, thật cuồng nhiệt.
Chỉ cần bắt đầu từ một nhóm nhỏ, nhưng chỉ cần sau một vài động tác, rất nhiều bạn trẻ xung quanh sẽ nhanh chóng bị lôi kéo vào các điệu nhảy. Chưa kể đến sự chú ý của rất nhiều người đi đường xung quanh. Phần lớn ai cũng cảm thấy rất thú vị trước những màn nhảy nhót lôi cuốn và thần tốc của Flash mob.
Trình diễn Flash mob cần lựa chọn địa điểm phù hợp để tránh ách tắc giao thông
Từ Internet ảo chuyển sang đời sống thật
Flash mob đã nhanh chóng được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và một trong số đó là phục vụ cho tiếp thị quảng cáo. Một số công ty bắt đầu sử dụng các cuộc huy động chớp nhoáng để nâng cao hình ảnh, đánh bóng thương hiệu của mình. Họ nhận ra rằng hình thức quảng cáo này rất hợp với thị hiếu của thanh niên thời nay. Và nó không chỉ tác động trực tiếp đến người tham gia và người tận mắt chứng kiến sự kiện mà còn được truyền tải tới tất cả những ai xem lại sự kiện này thông qua email, tin nhắn, blog, diễn đàn, trang tin, trang video…
Hưởng ứng phong trào Chiếm lấy Phố Wall, nhóm biểu tình vận dụng flash mob đòi “Chiếm lấy Quảng trường Dataran Merdeka” tại Kuala Lumpur vào đêm Giao thừa 2011
Flash mob cũng bị một số bạn trẻ lợi dụng để tạo sự kiện gây sốc cộng đồng.
Flash mob cũng bị nhiều nhóm dùng để tập hợp nhanh một số người biểu tình vì mục đích chính trị, như trong chiến dịch Chiếm lấy Phố Wall. Như ngày 03 tháng 1 năm 2012, khoảng 200 người trong phong trào đã vận dụng Flash mob tại phòng đợi chính của sân bay New York để phản đối việc Tổng thống Obama ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) mà những người biểu tình coi là bất lợi cho quyền tự do dân sự . Hoặc là hơn 50 ngàn người đã biểu tình bất bạo động vào tháng 12 năm 2011 tại Moskva, Nga để phản đối chính phủ Putin “gian lận bầu cử” từ những lời kêu gọi từ internet
Sự cố pháp lý
Tháng 7 năm 2009, một cuộc diễu hành flash mob đã bị ngăn chặn tại trung tâm thành phố Braunschweig, Đức không phải vì lý do bạo lực mà là vì làm gián đoạn công việc kinh doanh và dịch vụ, do pháp luật hiện hành tại địa phương quy định phải có một giấy phép sử dụng không gian công cộng cho một sự kiện bất kỳ. Vào ngày 10 tháng 12 năm 2011, khoảng 2000 người đã theo một lời kêu gọi từ Facebook dự những cuộc nhậu say đông người trong những chiếc tàu điện tại München , Kết quả: Khoảng 50 tàu điện bị phá với thiệt hại lên đến 230.000 Euro và nhiều người bị kiện bồi thường.
Tại Brighton, Anh Quốc, tháng 5 năm 2008, một cuộc tụ tập flash mob để ném gối ôm và bánh (Pie fight và pillow fight) do một lời kêu gọi đăng trên Facebook với gần 2000 người đã bị ngăn chặn vì lo ngại cho sức khỏe công cộng và an toàn. Mối quan tâm của cảnh sát đã được nâng cao bởi cuộc đấu nước flash mob liên quan đến hơn 350 người trang bị súng nước và xô nước đã gây thiệt hại hàng ngàn bảng Anh tại một công viên công cộng tại Quảng trường Thiên niên kỷ (Millennium Square), Leeds trước đó 1 tháng. Tháng 2 năm 2009, cảnh sát giao thông tại Luân Đôn đã yêu cầu ngừng sự kiện tổ chức “sàn nhảy im lặng” (silent disco) tại nhà ga thành phố .
Tại Hoa Kỳ trong năm 2009 và 2010, thành phố Philadelphia đã trải qua một làn sóng tội phạm qua flash mob, hoặc có ý định hoặc cố ý dẫn đến sự hủy diệt của tài sản tư nhân, bạo loạn, bạo lực, và gây thương tích cá nhân. Cảnh sát sử dụng vòi phun nước để giải tán đám đông và tạm giữ một ít người. Những sự kiện này đã được gọi là “cướp chớp nhoáng”, “tội phạm flash mob” hay “bạo lực flash mob” (“flash robs”, “flash mob crimes”, “flash mob violence”). Những nhóm tổ chức flash mob hợp pháp và hòa bình đã phản ứng không đồng ý với những từ ngữ này và xem đó là không chính xác và gây tổn hại cho tiếng tăm của phong trào flash mob
Ông Mark Leary, một giáo sư tâm lý học và thần kinh học tại Đại học Duke cho rằng: “Các thành phần bất hợp pháp và bạo lực cũng không phải là không giống như tội phạm thông thường, nơi một nhóm người làm điều gì đó bất hợp pháp,” tuy nhiên “phương tiện truyền thông xã hội đã thêm vào khả năng tập hợp nhanh một nhóm lớn người dân, mà cá nhân bình thường sẽ không cướp một cửa hàng hoặc bạo loạn, nhưng sẽ bị lôi cuốn để có hành động sai trái mà khó xác định tung tích từng cá nhân”
10 màn Flashmob gây “chấn động” thế giới
Flashmob Glee tại Seattle
Nếu bạn đang đi du lịch và đến thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ vào tháng 4 này, có lẽ bạn sẽ gặp được bất ngờ lớn không có trong bất cứ tài liệu du lịch nào. Đó là một số cuộc flashmob nhảy nhạc phim Glee diễn ra xung quanh thành phố vào buổi chiều chủ nhật, 10/4 vừa qua.
Flashmob tại siêu thị ở Manchester
Vào ngày 14 tháng 3 năm 2007, khoảng 50 người đã cố gắng tạo ra một ra khung cảnh giống như các vị khách bị đông cứng! Hoạt động này kéo dài tới những 4 phút và có tới 5 máy quay phim ghi lại cảnh này. Nếu đang mua đồ ở đây, có lẽ bạn sẽ phải rợn tóc gáy khi không biết điều gì đang xảy ra xung quanh mình! Ai đó khởi động cỗ máy dừng thời gian chăng?
Flashmob với các bà bầu nhảy breakdance tại London
Nếu bạn nghĩ rằng việc này là nguy hiểm, hãy nghĩ tới việc sinh em bé tại các quốc gia nghèo mà thiếu đi bệnh viện, hộ sinh hay thuốc thang. Flashmob này nằm trong một chuỗi hoạt động tại các thành phố Paris (Pháp), Berlin (Đức)… và trên toàn Canada trong năm 2008. Đây như một cách thức tỉnh mọi người về thực trạng hàng triệu phụ nữ tại các quốc gia kém phát triển không thể có được các điều kiện chăm sóc y tế cần thiết để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Bollywood Flashmob tại Quảng trường Thời đại
4/8/2009, hàng chục vũ công từ Bollywood bất ngờ trình diễn các điệu nhảy của mình ngay giữa quảng trường Thời đại nhằm hưởng ứng cho “Bollywood Hero”, một mini seri phim. Các ngôi sao của seri phim gồm có Chris Kattan, Neha Dhupia, Pooja Kumar và biên đạo múa Longinus Fernandes (tham gia chỉ đạo diễn xuất trong bộ phim nổi tiếng “Triệu phú khu ổ chuột”) cũng tham gia vào hoạt động.
Flashmob nóng bỏng theo phong cách Beyonce
Năm 2009, hơn 100 cô gái nóng bỏng đã khiến giao thông phải ngừng trệ với xì-tai nhảy leggy (xì-tai nhảy nhằm phô diễn đôi chân dài) nổi tiếng của nữ ca sỹ Beyonce tại Piccadilly Circus, London, Anh. Họ muốn hưởng ứng buổi biểu diễn miễn phí Trident của Beyonce, được tổ chức vào tháng 11 năm đó.
13.957 người nhảy theo ca khúc Thriller của Michael Jackson tại Mexico
Hàng ngàn người hâm mộ MJ đã lập kỷ lục thế giới cho số lượng người lớn nhất cùng nhảy theo bài hát “Thriller” đồng thời tại một nơi. Jamie Panas thuộc tổ chức Guiness World Records cho biết 13.957 người đã thực hiện màn trình diễn này vào ngày 29/8/2009, nhân dịp sinh nhật lần thứ 51 của Jackson. Các fan hâm mộ, trong đó có nhiều người mặc trang phục giống như Zombie, nhảy “Thriller” tại thành phố Mexico theo sự dẫn dắt của một người đóng giả Michael Jackson đeo kính râm, mặc áo khoác màu đen và đeo găng tay trắng.
Flashmob vui nhộn tại Australia
Hơn 100 vũ công đã làm bãi biển Bondi, ngoại ô Sydney, nước Úc phải ngỡ ngàng với một màn flashmob có một không hai vào thứ 7, 14/11/2009. Màn trình diễn này được tổ chức bởi DJ Dan Murphy và một nhân vật rất nổi tiếng khác của nước Úc – Joyce Maynge.
Flashmob tại ga tàu trung tâm Sydney
Một màn flashmob làm bất ngờ hành khách tại ga tàu. “The Move Movement” là tên một chương trình từ thiện tổ chức bởi Quỹ Nghiên cứu Y tế Westmead (WMRF), khuyến khích một lối sống lành mạnh và năng động để ngăn ngừa bệnh tật. Màn Flashmob này được thực hiện bởi các sinh viên đến từ trường cao đẳng Ultimo và cao đẳng Randwick, học viện TAFE NSW Sydney, Úc.
Flashmob Waka Waka tại Milano, Ý
Những người hâm mộ Shakira tại Ý đã tổ chức một màn flashmob trong tiếng nhạc của bài ca World Cup 2010 – “Waka Waka” (This Time For Africa) vào ngày 19/6/2010. Trong đoạn video bạn có thể thấy cảnh diễn tập vào buổi sang tại khu Piazza Duom, nơi du khách cũng có thể tham gia.
Flashmob “I Got a Feeling”
Trong một sự kiện ngoài trời nhằm bắt đầu chương trình Oprah season thứ 24 năm 2010, hơn 20.000 người đã khiến một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới này phải khóc thét lên vì sung sướng! Toàn bộ đám đông đã trình diễn một đoạn nhảy được biên đạo theo ca khúc “I Got a Feeling” của nhóm Black Eyed Peas, khách mời của sự kiện. Oprah quả thật không chỉ sốc mà còn xúc động đến phát run lên! Đạo diễn Michael Gracey nói sự tương tác giữa Black Eyed Peas và đám đông đã làm cho màn flashmob quá sức hoàn hảo!
Giới trẻ “mê mẩn” nhảy Flash mob
Với âm nhạc sôi động, khả năng lôi kéo đám đông, các động tác tự nhiên và đặc biệt là tính ngẫu hứng, Flash Mob đang dần trở thành trào lưu khiến teen Việt mê mẩn.
Hình thức nhảy múa này du nhập vào Việt Nam thông qua những Clip tỏ tình độc đáo bằng Flash mob, hay những phân cảnh nhảy múa ngẫu hứng đầy sôi động của các bộ phim âm nhạc, và bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. ở TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt các câu lạc bộ nhảy Flash mob ra đời, chủ yếu là từ các hội, nhóm của những trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố.
Theo bạn Nguyễn Tấn Hậu – Chủ nhiệm CLB Flash mob, trường ĐH Luật TP.HCM thì: “Flash mob dịch sát nghĩa là “một cuộc huy động chớp nhoáng”, hiểu đơn giản hơn, Flash mob là hình thức nhảy múa một cách ngẫu hứng. Để bắt đầu một màn nhảy Flash mob, sẽ có một nhóm người tụ tập nhau ở nơi công cộng, họ nhảy múa, huy động mọi người trên đường phố cùng tham gia và sau khi nhảy xong họ tự động giải tán một cách nhanh chóng. Bất kể là ai, làm nghề gì, nếu muốn, đều có thể tham gia vào màn trình diễn đó”. Và chính sự ngẫu hứng, bất ngờ, những điệu nhảy đậm chất “đường phố” cũng như tính “quần chúng” đã khiến hình thức nhảy múa này được giới trẻ trên toàn thế giới ưa chuộng.
Ở TP. HCM, dễ dàng bắt gặp các nhóm bạn trẻ cùng nhau luyện tập Flash mob tại công viên hay những khu đất trống vùng ven. Trên các trang mạng xã hội như You tube, Face book, các diễn đàn dành cho tuổi teen, .v.v. cũng không khó để tìm thấy những clip nhảy Flash mob do chính teen Việt thực hiện. Các clip này mang đến những thông điệp rất ý nghĩa, gây được sự chú ý và sôi động không kém những màn trình diễn của nước ngoài.
Các kiểu Flash mob “kỳ quặc”
Bên cạnh những nhóm nhảy dàn dựng màn Flash mob sôi động, mang nhiều thông điệp ý nghĩa cũng có khá nhiều bạn trẻ hiểu sai lệch về Flash mob và sử dụng hình thức này để gây sự chú ý.
Điển hình như màn trình diễn “lạy gấu bông” của nhóm Improv Everywhere HaNoi (IEH). Sau khi đăng tải, clip “lạy gấu bông” đã khiến không ít người bị sốc. Trong khung cảnh thiếu ánh sáng, một bạn nam đeo khẩu trang đội gấu bông trên đầu chạy ra. Sau đó, có vài bạn trẻ chạy tới và quỳ sụp xuống lạy lấy lạy để, cứ một lát sau lại có hai ba bạn cùng tới lạy gấu bông và tiếp diễn như thế cho đến khi chàng trai bỏ gấu bông xuống thì đám đông đang quỳ lạy mới giải tán. Cảnh tượng này bị cho là “ma quái, kì dị”, không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam. Tương tự như thế, một nhóm Flash mob khác lại dàn dựng màn trình diễn “quái chiêu” không kém. Theo đó, các bạn trẻ đang đi đứng bình thường trên đường phố bỗng nhiên giơ tay lên bắn nhau rồi lăn đùng ra đất. Hành động này khiến người đi đường một phen giật mình, hoảng sợ. Sau khi bị cộng đồng mạng phản đối dữ dội, thành viên của các nhóm này đã lên tiếng nhận sai và cho rằng đó là những hành động nhất thời sốc nổi, chưa suy nghĩ cặn kẽ.
Về vấn đề này, bạn Phạm Trần Khánh Dương, đội trưởng đội Flash mob một CLB nhảy tại TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Mỗi nhóm nhảy Flash mob sẽ có cách thể hiện khác nhau, tùy theo quan điểm của mỗi nhóm. Những màn “lạy gấu bông” hay “bắn nhau rồi lăn đùng ra đất” vẫn thu hút sự chú ý của những người đi đường, vẫn huy động được đám đông và nhanh chóng giải tán nhưng với mình đó không phải là Flash mob. Mà chỉ là những hành động kì quặc để gây sự chú ý. Khi chuẩn bị một màn trình diễn, điều đầu tiên mình nghĩ đến là tất cả mọi người có tham gia được không? Có phù hợp với văn hóa Việt Nam hay không? Và điều gì sẽ đọng lại trong lòng người xem? Đó mới là quan trọng”.
Ngoài ra, vì bản chất của Flash mob là sự khuấy động đám đông nơi công cộng nên ở một khía cạnh nào đó các màn trình diễn Flash mob sẽ gây mất trật tự trên đường phố. Chính vì thế, các nhóm nhảy nên chọn địa điểm thật cẩn thận, tổ chức phải bài bản kỹ lưỡng, để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như: ách tắc giao thông, gây gổ, ẩu đả, .v.v. đã từng có tiền lệ ở một số màn trình diễn tại Việt Nam và nước ngoài.