Dầm cẳng : Dầm cẳng là cho gà đứng vào nước thuốc để nước thuốc ngấm vào chân gà cho gân cốt được săn chắc mạnh bạo đá đau đòn. Nước thuốc này do người nuôi gà tự chế lấy và cách pha chế như sau: dùng một cái siêu đất hay một cái hũ lớn, bên trong đổ nửa lít rượu trắng, hai lon sữa bò nước tiểu trẻ con, hai củ nghệ già to đâm nhuyễn, một nắm muối hột và một cục phèn chua bằng ngón chân cái đâm nhuyễn. Tất cả những thứ này đổ chung lại và ngâm trong vài ba ngày múc ra xài dần.
Nội dung trong bài viết
- THỨC ĂN GÀ NÒI
Khi dầm cẳng, ta lấy một cái siêu đất, đổ nước thuốc vào sao cho ngập đến gối gà, rồi bắt gà đứng vào trong đó. Bắt gà đứng yên như vậy vài mươi phút là vừa. Những lần đầu do chưa quen nên gà vùng vãy, ta nên cẩn thận kềm cạp bắt phải đứng yên, sau đó gà quen dần.
Gà sắp đá mới phải dầm cẳng, và dầm mươi lăm ngày liên tiếp càng tốt. Xin lưu ý, ta không nên dùng thuốc xoa bóp của ngựa đua, hay thuốc của những người luyện võ để dâm cẳng gà, vì thứ thuốc này mạnh lắm. Nước thuốc dầm cẳng gà không cần phải làm đặc, vì chỉ dùng lượng nghệ ít.
THỨC ĂN GÀ NÒI
Thức ăn chính của gà nòi là lúa. Gà nòi cũng thích ăn cơm, bắp, khoai, đậu, rau cỏ. Gà dưới bảy tháng tuổi ta cho chúng ăn lúa trộm cơm. Nếu thả rong thì chúng tự kiếm to thêm những thứ mà chúng thích.
Khi đã cách ly nhốt vào chuồng, bội thì thức ăn chính dành cho gà là lúa, cơm hay bắp hộp thỉnh thoảng mới cho ăn. Thúc cho gà mập, mỗi tuần nên cho ăn thêm một nắm đậu phộng. Gà cũng thích ăn rau cỏ, nhưng số lượng không nhiều.
Lúa cho gà nòi ăn nên lựa lúa chắc hột. Tốt nhất khi mua về nên đổ lúa vào thau, sau đó đổ đầy nước để vớt bỏ hết lúa lép, sau đó đem phơi lúa chắc cho gà ăn dần. Nhiều người cưng gà, mỗi ngày cho gà ăn lúa nảy mầm cũng tốt, nhưng không nên tập cho nó một thói quen sau này khó bỏ. Có người còn cho ăn cầu kỳ bằng cách nấu lúa với nghệ già đâm nhỏ. Khi lúa chín thì vớt ra phơi khô để gà ăn dần …
Thường trong bội hay chuồng gà nòi thường móc sẵn hai cái gáo (hoặc hai lon) một đựng lúa, một đựng nước cho gà ăn uống tùy thích. Ăn theo cách này thì gà không ăn no, bầu diều lúc nào cũng lưng lửng, vì vậy gà không mập. Vì vậy cách cho ăn tốt nhất là cho ăn theo bữa. Mỗi ngày ta nên cho gà ăn ba bữa : sáng, trưa và chiều. Đến giờ ăn ta mới đem lon (gáo) đựng đầy lúa ra cho ăn, gà đang đói nên ăn một mạch đến căng bầu diều. Khoảng nửa giờ sau ta trở lại lấy lon lúa đổ đem cất. Đến cữ ăn sau, bầu diều đã tiêu hết lúa nên gà đói và lại ăn đến căng bầu diều trở lại…
Ngoài thức ăn ngũ cốc, chủ yếu là lúa, gà nhốt rất thèm ăn đạm động vật như giun, dế, cào cào châu chấu, trứng kiến, ốc sên … Những thức ăn này nếu được thả rong, gà tự kiếm ăn phủ phê vì đã có sẵn trong thiên nhiên. Nuôi trong chuồng, mỗi tuần một đôi lần ta nên cung cấp cho gà vài con nhái, hoặc thằn lằn và những thứ mà ta có thể mua hoặc tự kiếm được như giun dế, trứng kiến, nhộng tằm, hoặc cá con … Đây là những món ăn thích khẩu và cũng rất cần thiết cho sức khỏe của gà
Về nước uống thì chỉ nên cho uống nước lạnh như nước giếng, nước máy, nước mưa, tức là những thứ nước mà người uống được. Nước cần phải trong sạch và phải thay hằng ngày. Mỗi lần thay nước là mỗi lần rửa sạch lon hay gáo đựng nước.
Nước uống của gà nên để thường trực trong chuồng hay bội. Gà uống nước nhỉều nhất trong những ngày, giờ nóng nực, và sau các bữa ăn. Điều cần là nhớ châm nước, đừng để thiếu hụt.
Nước uống đêm : Uống nước đêm còn gọi là “Uống nước khuya” (Vì có người có thói quen cho gà uống nước vào lúc bốn năm giờ sáng) là cách ép gà uống cho căng bầu diều vào ban đêm cho nở cần. Cách uống nước này dành cho loại gà từ 7 tháng tuổi đến 2 năm tuổi. Những con gà sau tuổi này mà chủ trước không cho uống nước đêm, thì ta vẫn cho uống để cần nó được nở thêm.
Khoảng 10 giờ đêm, lúa bữa chiều của gà ăn đã tiêu gần hết, bầu diều gần xẹp, đó là lúc ta có thể cho gà uống nước đêm.
Cách thức cho gà uống nước như sau : múc một ca nước để sẵn, xong bắt gà ra. Người cho gà uống nước ngồi xổm xuổng, thuận tay nào thì để gà đứng theo chiểu ấy. Đầu gà cũng hướng phía trước như mình. Dùng cùi chỏ ép chặt mình gà vào chân mình để gà khỏi vùng vẫy, còn bàn tay thì vịn chặt đầu gà banh mỏ ra để trún nước vào …
Có người ngậm đầy một búng nước rồi ngậm mỏ gà trún nước từ từ vào … Hết búng này thì tiếp theo búng khác cho đến khi nào thấy bầu diều no nước thì thôi.
Có người dùng một đoạn trúc nhỏ chừng hơn gang tay (rỗng ruột) một đầu ngậm vào miệng mình, còn đầu kia thì đút vào họng gà để trún nước vào. Phương pháp này tuy hợp vệ sinh hơn, nhưng nếu kiềm không chặt sẽ gây thương tích cho miệng gà thì nguy.
Sau khi cho uống nước đêm xong, ta trả gà về chỗ ngủ của chúng. Việc cho gà uống nước đêm không hạn chế thời gian, nghĩa là cho uống liên tục từ tháng này sang tháng khác càng tốt.
Sau khi uống nước đêm xong, gà cảm thấy khỏe khoắn, sung sức, giấc ngủ sâu hơn. Muốn biết sức khỏe gà ra sao ta hãy theo dõi giọng gáy của nó. Khi khỏe mạnh gà gáy tiếng to, hùng dũng. Khi mỏi mệt hoặc đau ốm tiếng gáy của nó có âm độ yếu và khác lạ hơn những ngày thường.
Tóm lại, việc chăm sóc cho gà nòi, nhất là con gà trong thời kỳ đá độ, không thể làm qua loa cho lấy có được. Phải chăm lo từ chuồng, bội cho đến thức ăn nước uống, việc vỗ nghệ, dầm cẳng, uống nước đêm … cần phải thực hiện đầy đủ và đúng bài bản thì gà mới khỏe mạnh để đấu đá với gà người.
Việc chăm sóc cho gà đừng nên xem thường, vì đây là những bí quyết ít ai truyền lại cho ai. Ta đừng bắt chước những người nhiều tiền lắm bạc, dám bỏ ra bạc triệu để mua gà, nhưng về lại chăm sóc lôi thôi, chẳng hạn thay vì làm chuồng hay nhốt bội, lại cột chân gà bằng sợi dây dù, còn đầu đây kia thì cột vào xó nhà như giam lỏng một …người tù vậy ! …