Phú Yên hiền hoà là điểm hẹn trữ tình đối với mọi hành trình, dù là ngắn hoặc dài ngày. Có dịp vi vu đến “vùng đất thơ”, #teamKlook đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức hết các đặc sản Phú Yên thơm ngon nhé.
Ăn gì ở Phú Yên? Đi Phú Yên du lịch tự túc thì nên mua món ngon gì về làm quà? Cùng tìm lời giải đáp ngay bên dưới đây.
1. Mắt Cá Ngừ Đại Dương Phú Yên
Mắt cá ngừ đại dương là món
đặc sản địa phương
mà bạn có thể tìm thấy ở khắp Phú Yên, từ nhà hàng cao cấp đến tiệm ăn bình dân. Cách chế biến thông dụng nhất là hấp hoặc hầm mềm cùng thuốc bắc, gia vị, tỏi, hành, ớt… Mỗi phần mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc có giá khoảng 40.000đ, gồm 1 đến 2 mắt – có kích cỡ bằng một chén cơm hoặc to hơn. Đây là món ăn bài thuốc giàu dưỡng chất, được người dân Phú Yên lẫn du khách phương xa ưa chuộng.
2. Khô Bò Một Nắng Muối Kiến Vàng
Để làm được
khô bò một nắng Phú Yên
có hương vị “chuẩn”, người ta phải chọn thịt bò có nguồn gốc từ vùng núi Sơn Hòa, được chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ. Thịt bò, sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị đậm đà, sẽ được phơi nắng, sấy phô rồi phơi sương. Quá trình “một nắng, hai sương” phức tạp này đã góp phần tạo nên hương vị thơm ngon khó diễn tả bằng lời cho món khô bò một nắng Phú Yên. Để trải nghiệm vị giác thêm phần hoàn hảo, bạn nên thưởng thức khô bò một nắng cùng với muối kiến vàng, loại muối độc-nhất-vô-nhị được làm từ kiến, trứng kiến, muối, sả, ớt… Thịt bò mặn mà, dai mềm kết hợp cùng vị chua cay của muối kiến vàng – quả thật đã tạo nên tổ hợp “điểm mười”.
3. “Bò Gù” Phú Yên
“Bò Gù” thực chất là tên gọi vui của cá ngừ đại dương ở Phú Yên. Bên cạnh đặc sản mắt cá ngừ đại dương vốn dĩ đã quá nổi tiếng, cá ngừ đại dương còn được chế biến thành nhiều món ngon Phú Yên thừa sức làm “say lòng” thực khách. Kể “sương sương” thôi thì đã có lườn cá ngừ nướng, gỏi bao tử cá ngừ, cháo cá ngừ, cá ngừ ăn sống chấm mù tạt (sashimi)… Cá ngừ đại dương Phú Yên thường sở hữu kích thước “khủng”, nặng từ 40kg đến 60kg, thớ thịt săn chắc với độ béo đặc trưng. Đi
du lịch Phú Yên tự túc
, bạn đừng quên thưởng thức món “bò gù” miền biển nhé.
4. “Gà Nước Mặn” Phú Yên
Tương tự như “Bò Gù”, “Gà Nước Mặn” là biệt danh của cá bò hòm, loài động vật sinh sống chủ yếu ở vùng biển Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận và Phú Yên. Sở hữu lớp da cứng và ngoại hình “xù xì”, ít ai biết rằng thịt cá bò hòm lại trắng phau, dai, béo và thơm như thịt gà – chỉ có xương sống mà không có xương dăm. Chẳng cần chế biến phức tạp, chỉ việc nướng chín cá bò hòm trên than hồng rồi ăn kèm với rau sống, nước chấm mặn ngọt là bạn đã có ngay món ngon Phú Yên cực phẩm.
5. Cá Mương Nướng
Nếu thích ăn cá, Phú Yên chắc chắn là “thiên đường ẩm thực” dành cho bạn. Bên cạnh cá bò hòm, vùng đất sơn thuỷ hài hoà này có sở hữu một món đặc sản trứ danh khác là cá mương nướng. Đây là loại cá nước ngọt kích cỡ nhỏ, thường được đánh bắt tự nhiên ở khu vực sông, suối – nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá mương sông Ngân Sơn. Cá mương nướng (hoặc chiên áp chảo) sẽ có lớp vẩy giòn tan, thịt chắc và ngọt – ăn với nước mắm Gành Đỏ càng thêm “bắt vị”.
6. Cơm Gà Phú Yên
Trong hành trình khám phá ẩm thực Phú Yên, bạn đừng bỏ qua món cơm gà dễ ăn, dễ “thương nhớ”. Cơm được đảo đều trên bếp dầu cùng tỏi rồi nấu cùng nước luộc gà nên sở hữu sắc vàng bắt mắt cùng hương thơm đặc trưng. Thịt gà ngon ngọt, dai mềm nhưng không bị bở, ăn kèm với rau sống và nước chấm đậm đà. Bạn có thể thưởng thức cơm gà Phú Yên với nước mắm hoặc muối ớt xanh tuỳ sở thích đấy.
7. Xôi Bồ Câu
Điểm cộng lớn nhất của đặc sản xôi bồ câu Phú Yên là phần xôi nếp được hong cùng lá dứa; sau đó, đem hấp chín với thịt bồ câu đã xào sơ cùng gia vị. Cách chế biến này giúp xôi chín dẻo, không bị mềm hay khô, thấm đượm hương vị đậm đà của thịt bồ câu. Khi ăn, người ta sẽ kèm thêm một phần thịt bồ câu rô ti thơm phưng phức. Đây là loại bồ câu đã trưởng thành hoặc bồ câu ra ràng, da chín vàng giòn, thịt trắng mềm ngon ngọt – nói chung là “duyệt”.
8. Chả Dông
Từ tháng giêng đến tháng năm âm lịch, người dân xã Hoà Hiệp Bắc, Hoà Hiệp Trung, Hoà Tâm… lại rủ nhau đi bắt con dông – nguyên liệu chính làm nên món đặc sản chả dông danh tiếng. Thịt dông, sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị, sẽ được cuốn trong bánh tráng thành những cuốn nhỏ cỡ như ngón tay trỏ rồi chiên giòn. Quá trình đi bắt con dông không đơn giản; nhưng khi nhắc đến hương vị chả dông ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt thì mọi vất vả dường như đều xứng đáng.
9. Bánh Tráng Hoà Đa
Nếu bảo bánh tráng phơi sương của Tây Ninh độc đáo thì bánh tráng từ làng Hoà Đa, Phú Yên cũng không hề kém cạnh. Bánh tráng dày nhưng không bị cứng, dẻo thơm, mịn đều – là lựa chọn tuyệt vời cho các món cuốn, gỏi, xào, nộm hay thậm chí là nướng lên ăn không cũng vô cùng thích thú. Chẳng quá lời nếu bảo rằng bánh tráng Hoà Đa là mảnh ghép không thể thiếu khi bàn về nét đẹp văn hoá, ẩm thực Phú Yên.
10. Cốm Nếp Phong Hậu
Đối với người dân Phú Yên mà nói, cốm nếp Phong Hậu là cái tên gắn liền với ký ức tuổi thơ – đặc biệt trong những ngày cận Tết. Hương cốm nếp nồng nàn phảng phất trong không khí se lạnh tiết giao mùa càng khiến lòng người thêm nhung nhớ. Cắn một miếng cốm ngọt thanh vị đường cát, cảm nhận mùi nếp mới như tan ngay ra trên đầu lưỡi rồi nhấp một ngụm trà thơm – hạnh phúc đầu xuân có khi đơn giản chỉ là thế. Ngày nay, du khách có thể dễ dàng mua được cốm nếp Phong Hậu tại các cửa hàng đặc sản ở Phú Yên. Đây cũng là quà tặng đặc sản được nhiều #teamKlook yêu thích.
11. Gỏi Sứa Đầm Ô Loan
Vi vu đến Đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên), nếu không gặp phải ngày mưa bão, bạn ắt hẳn sẽ được thưởng thức món gỏi sứa nổi tiếng nơi này. Thịt sứa, sau khi trụng sơ qua nước sôi, được trộn cùng rau sống, đậu phộng rang, cơm dừa, nước chanh, nước mắm chua cay… rồi ăn kèm với bánh đa hoặc bánh tráng nước. Cách chế biến tuy đơn giản nhưng hương vị món này cực kỳ “dễ gây nghiện”, khiến du khách ăn một lần rồi lưu luyến mãi không thôi.
Đâu là đặc sản Phú Yên “chân ái” dành cho bạn?
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: