Chiếc laptop nào tốt nhất? Lời đáp của câu hỏi này phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu, mục đích sử dụng, sở thích về màu sắc cũng như thiết kế của máy và ngân sách hiện có.
Tuy nhiên, để sở hữu một thiết bị phù hợp túi tiền và sở thích cá nhân đồng thời đảm bảo được chất lượng cần thiết, người dùng cũng nên xem xét đến những tiêu chí tiêu chuẩn của một chiếc laptop.
Bài viết này sẽ đề cập đến 10 tiêu chí quan trọng cần cân nhắc trước khi mua bất kì chiếc laptop nào.
Top 10 tiêu chí gồm:
-
Kích thước và loại máy
-
Chất lượng màn hình
-
Chất lượng bàn phím
-
CPU
-
RAM
-
Lưu trữ
-
Thời lượng pin
-
Cổng kết nối
-
Bảo mật
-
Chất lượng Build
1. Kích thước và loại máy
Kích thước của laptop là một trong nhiều tiêu chí cần cân nhắc kỹ lưỡng do không thể nâng cấp được như RAM hay ROM. Máy tính xách tay hiện nay có vô số các kích cỡ khác nhau như 11,6 – 17,3”, 13,3 – 15,6”, 11,6”, 12,5”, 13,5”, 14”,…
Nếu tính di động là ưu tiên tiên quyết hàng đầu, laptop màn hình 12,5 inch hoặc 13,4 inch có trong lượng từ 1 – 1,5kg là lựa chọn tốt ưu nhất mà người dùng không nên bỏ qua.
Tuy nhiên, điểm trừ thường thấy của các dòng máy nhỏ gọn là không hỗ trợ CPU Intel Core cao cấp hoặc card đồ họa rời. Do đó, nếu công việc đòi hỏi một thiết bị có hiệu năng cao và cần xử lý các tác vụ đồ họa phức tạp, người dùng cần xem xét những thiết bị kích thước lớn hơn như 13,5 inch, 15 inch.
Ngoài ra, laptop cũng được phân chia và xếp thành nhiều dòng khác nhau như Ultrabook, Notebook, Tablet 2 trong 1, Gaming,…Cụ thể, Ultrabook là những thiết bị có thiết kế thiên về kiểu dáng mỏng nhẹ, điển hình là là Zenbook của ASUS hoặc Surface Book 2 của Microsoft hay Yoga của Lenovo; Notebook là dòng laptop có xu hướng kết hợp hài hoà giữa hiệu năng và tính di động, điển hình là Dell XPS 13; Laptop có bàn phím rời hay còn gọi là Tablet 2 trong 1 vừa có thể sử dụng ở như laptop vừa có thể sử dụng như tablet, ứng viên sáng giá của danh mục này là Surface Pro 7, Surface Go 2 của Microsoft, Chromebook của Acer; Và cuối cùng là dòng Gaming laptop chú trọng vào phần cấu hình chuyên dụng để chơi game như dung lượng lớn, hệ thống tản nhiệt tốt, card màn hình rời,…
2. Chất lượng màn hình
Với việc phải dành hàng giờ liền mỗi ngày để làm việc trên laptop, tìm kiếm một thiết bị có chất lượng màn hình tốt mang đến không gian làm việc thoải mái, tự nhiên khi sử dụng cũng là một điều rất cần thiết.
Màn hình thường được chia làm hai loại chính: Có cảm ứng và không cảm ứng. Ngày nay, màn hình cảm ứng đã trở nên rất phổ biến, giúp người dùng tương tác dễ dàng và đơn giản hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của loại màn hình này là hay bị bóng và thường gây chói, hơi bất tiện cho game thủ hoặc những người dùng làm các công việc đòi hỏi độ chính xác màu sắc như chỉnh sửa hình ảnh, video,…
Về độ phân giải, 1920×1080 (Full HD) đang được đánh giá là độ phân giải tối thiểu tiêu chuẩn của PC. Nếu muốn tìm một PC tốt, người dùng nên chọn PC có độ phân giải tương tự hoặc cao hơn.
Hiện cũng có rất nhiều hãng đã bắt đầu trang bị màn hình 4K cực kỳ sắc nét và chất lượng. Tuy nhiên, giá bán của laptop màn hình 4K thường khá cao và thực sự chỉ đáng tiền đối với những người dùng làm công việc sáng tạo cần chất lượng hình ảnh cao.
Bên cạnh đó, nếu là một gamer, người dùng cần cân nhắc thêm đến tốc độ làm tươi của màn hình, tốc độ làm tươi càng lớn, game càng chạy mượt mà nhạy hơn. Màn hình lý tưởng nhất cho trải nghiệm gaming được PCWorld đề xuất có thời gian phản hồi nhỏ hơn 5ms và tốc độ làm tươi lớn hơn 144Hz.
Ngoài ra, góc nhìn của màn hình cũng là một yếu tố quan trọng. Thông thường, laptop có màn hình sử dụng công nghệ IPS sẽ mang đến góc nhìn rộng nhất và thoải mái nhất cho người dùng.
3. Chất lượng bàn phím
Đối với dân văn phòng và học sinh, sinh viên, gõ phím có thể được xem là tác vụ chính. Vì vậy việc mua laptop có bàn phím tốt là yếu tố quan trọng không nên bỏ qua.
Bàn phím phải đảm bảo có bố cục thoải mái với các phím có kích thước đầy đủ và khoảng cách giữa các phím đồng đều, hành trình phím phù hợp và độ nảy phím cao. Ngoài ra thì bàn phím tốt cũng phải đảm bảo có đèn nền và đây cũng là yếu tố tiên quyết khi xét đến bàn phím.
4. CPU
Đối với người dùng máy cần xử lý các tác vụ đơn giản như như lướt web, xem phim, nghe nhạc hay thực hiện các tác vụ văn phòng thì laptop với cấu hình Core i3 hay i5 được đánh giá là đủ dùng.
Đối những ai muốn tìm kiếm một thiết bị có hiệu suất tốt hơn thì nên xem xét laptop có bộ vi xử lý Core i7. Tuy nhiên, người dùng cũng cần lưu ý rằng với laptop Core i7 thường truyền tải một lượng lớn nhiệt qua đế máy. Đây có thể sẽ là nguyên nhân đáng lo ngại, đặc biệt đối với người dùng có thói quen để máy lên lòng hoặc trên đùi để sử dụng trong thời gian dài.
Laptop tích hợp bộ vi xử lý Core i9 của Intel mạnh mẽ hơn nhiều, thậm chí có thể cạnh tranh với máy tính để bàn về hiệu suất. Tuy nhiên, tính hiệu năng của PC Core i9 cũng đi kèm với giá thành khá cao.
Ngoài ra, nếu là một gamer thì CPU Ryzen Mobile của AMD sẽ là một sự lựa chọn hấp dẫn đáng xem xét. Các CPU Ryzen Mobile có xu hướng được ghép nối với chipset đồ họa của AMD, tốt hơn nhiều cho việc chơi game so với đồ họa tích hợp của Intel.
5. RAM
Ngày nay, với nhu cầu sử dụng ngày càng đa dạng, người dùng thông thường thường có xu hướng muốn chọn các dòng laptop có RAM 8GB – 16GB. Đối với các game thủ, laptop có RAM 32GB hoặc cao hơn chắc chắn sẽ cho trải nghiệm tốt hơn.
Bên cạnh RAM, người dùng cũng cần lưu ý đến một số thuật ngữ khác đi cạnh con số 8,16, 32GB RAM. Ví dụ như Laptop Gigabyte Aero 15 OLED có RAM DDR4 8GB thì DDR là từ viết tắt của Double Data Rate, 4 chính là thế hệ thiết kế phần cứng RAM của máy. DDR4 là thế hệ RAM gần đây nhất, RAM DDR5 dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2021. Nhìn chung, các thông số cao và đời mới thường tốt hơn thông số thấp và đời cũ hơn
Ngoài ra, con số đi sau DDR cũng cực kỳ quan trọng vì nó cho biết tốc độ truyền tải dữ liệu của RAM. Tương tự như tốc độ xung nhịp trên CPU, con số này đo tốc độ truyền tối đa theo lý thuyết. Đương nhiên số cao hơn sẽ tốt hơn và tốc độ cao hơn thì máy sẽ hoạt động nhanh hơn.
Tóm lại, laptop có RAM lớn hơn sẽ hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết người dùng sẽ không thấy được sự khác biệt nhiều giữa 16 và 32GB nếu không chạy các ứng dụng có dung lượng lớn. Ở thời điểm hiện tại, nếu không đủ kinh phí để sở hữu thiết bị có RAM cao, người dùng có thể mua máy có RAM thấp và nâng cấp sau khi có điều kiện.
6. Lưu trữ
Hard drives hay còn gọi ổ cứng đã từng rất thịnh hành, nhưng ngày nay không còn được ưa chuộng, đặc biệt là đối với các dòng laptop mỏng nhẹ. Do đó, ổ đĩa trạng thái rắn hay còn gọi là SSD hiện đang được được hầu hết các OEM (Original Equipment Manufacturer- nhà sản xuất phụ tùng gốc) sử dụng làm bộ nhớ tiêu chuẩn cho máy tính xách tay vì cung cấp tốc độ cao, chạy êm hơn ổ cứng mà còn không làm tăng quá nhiều trọng lượng của Laptop.
SSD giúp load chương trình, truy cập dữ liệu và giúp khởi động hệ thống nhanh chóng. Tuy nhiên điểm trừ duy nhất là SSD không cung cấp nhiều dung lượng như hard drive nên PC có ổ SSD 128, 256, 512GB thường có giá thành cao hơn cả PC có ổ cứng 1TB hoặc 2TB.
Bù lại, nhiều OEM laptop và PC hiện đã ghép nối một ổ SSD nhỏ hơn với một ổ cứng lớn hơn cho phép người sử dụng nhận được những lợi ích về tốc độ khi giữ hệ điều hành của họ trên bộ lưu trữ SSD, đồng thời có đủ không gian lưu trữ cho phần còn lại của dữ liệu.
Nhìn chung, nếu muốn sở hữu một thiết bị đủ mạnh và đủ dùng, PC có dung lượng tối thiểu 256GB và ổ phụ không dưới 1TB là lựa chọn đáng cân nhắc nhất.Trường hợp laptop chỉ có ổ SSD, người dùng cần phải đảm bảo rằng máy có dung lượng lưu trữ không ít hơn 512GB.
7. Thời lượng pin
Thông thường, thời lượng pin mà các nhà sản xuất công bố cho sản phẩm không hoàn toàn dựa trên các trải nghiệm thực tế và chưa tính đến các biến số ảnh hưởng tới thời lượng pin như: độ sáng màn hình, độ phân giải, số lượng ứng dụng đang chạy, kết nối Wifi, Bluetooth,…
Ngoài ra hệ điều hành mà Laptop đang chạy cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thời lượng pin. Chính vì điều này mà các dòng Ultrabook và Chrome OS thường có xu hướng cung cấp thời lượng pin vượt trội hơn so với các PC Windows 10.
Tuy nhiên, có một phương pháp để đánh giá thời lượng pin đáng tin cậy đó là xem xét pin theo Watt-giờ (Wh) hoặc milliamp giờ (mAh). Những con số này càng lớn thì thời lượng pin thường dài. Ví dụ đối với Ultrabook 13,3-inch có định mức từ 44Wh đến 50Wh sẽ cung cấp thời gian sử dụng dài vượt trội.
Đặc biệt, người dùng cũng nên chọn các dòng laptop có hỗ trợ sạc nhanh. Trong trường hợp cần sử dụng máy gấp, tính năng sạc nhanh luôn được đánh giá là giải pháp cực kỳ hữu ích. Cụ thể như Surface Laptop 3 có khả năng sạc đầy 80% pin chỉ trong vòng một giờ sạc.
8. USB 3.0
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu công việc của người sử dụng, laptop có nhiều cổng USB để kết nối với hầu hết thiết bị và phụ kiện ngoại vi là rất cần thiết và thiết thực.
Ngoài tiện ích cơ bản mà USB mang lại như cho phép cắm ổ cứng hoặc ổ SSD bên ngoài, sao lưu dữ liệu và sử dụng chuột thông thường, USB 3.0 còn nhanh hơn khoảng mười lần so với USB 2.0. Điều này có nghĩa là truyền dữ liệu qua USB 3.0 mất ít thời gian hơn đáng kể.
Ngoài ra, nhiều thiết bị ngoại vi hiện đại cũng có xu hướng cung cấp hiệu suất tốt nhất trên USB 3.0 hoặc yêu cầu USB 3.0 để hoạt động.
Do đó, người dùng nên chọn cho mình các dòng laptop có cổng USB 3.1 cho phép thông lượng lên đến 10 gigabit, gấp đôi so với USB 3.0 hay cổng Thunderbolt 3 có tốc truyền lên đến 40 gigabit/ giây.
9. Bảo mật
Hiện tại, có rất nhiều cách để đăng nhập vào laptop như dùng mật khẩu, cảm biến vân tay, Face ID (nhận diện bằng khuôn mặt),…Trong khi nhận dạng khuôn mặt cho phép người dùng mở khóa PC trong nháy mắt thì các OEM lớn như ASUS, Dell, HP và Microsoft chọn cảm biến vân tay để bảo mật cho thiết bị của người dùng. Thậm chí, một số hãng còn tích hợp cảm biến vân tay vào bàn phím (Surface Laptop Go của Microsoft) rất thuận tiện để sử dụng, mang đến cảm giác an toàn và yên tâm cho người dùng.
Về khả năng bảo mật, người dùng có thể chọn cho mình các dòng PC có bảo mật bằng vân tay, password, hình ảnh hay nhận diện khuôn mặt tùy theo nhu cầu sử dụng và sở thích thích cá nhân.
10. Chất lượng Build của máy
Để giảm thiểu tình trạng laptop bị lỗi và hư hỏng khi chịu các tác động ngoại lực như rơi, va chạm, dính nước,…chất lượng Build là yếu tố quan trọng mà người dùng không nên xem nhẹ. Đa phần laptop hiện đại thường có thiết kế chắc chắn và chịu được các tác động từ môi trường như mưa, bụi và đi kèm với chứng nhận bảo vệ MIL-STD 810G.
MIL-STD 810G là tiêu chuẩn được Quân đội Hoa Kỳ sử dụng để chỉ ra độ bền tối thiểu của thiết bị. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này thường vượt qua 29 bài kiểm tra riêng biệt để đo khả năng chống sốc, nhiệt, lạnh, độ ẩm và nhiều vấn đề khác.
Do đó, người dùng cần tìm hiểu xem nhãn hiệu laptop mình định mua có công bố các bài thử nghiệm thực tế của sản phẩm đó hay không trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bạn! Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất của Microsoft.