1. Cau kiểng
Bác sĩ chuyên khoa 2, Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết, cau kiểng có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới, thường được tìm thấy ở các vùng của Ấn Độ và Philippines. Đây là loại cây nhiệt đới rất tốt cho việc sản xuất oxy. Nếu trong nhà có một hoặc hai bụi cau cảnh cây lớn có thể làm tăng mức oxy trong không gian sống.
Cau kiểng cần đất ẩm vừa phải, ưa thích ánh sáng hắt chứ không cần ánh sáng trực tiếp nên phù hợp đặt trong nhà.
Chúng không chỉ tạo ra hàm lượng oxy cao mà còn lọc sạch không khí, loại bỏ các chất ô nhiễm như formaldehyde, xylene, benzen và toluene. Điều này có lợi cho người bị viêm xoang, giúp cải thiện vấn đề hô hấp, làm thư giãn thoải mái tinh thần cho mọi người trong không gian sống.
2. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ có hiệu quả sản xuất oxy cao, có nguồn gốc từ châu Phi và Brazil. Bộ lá có vằn màu xanh đậm hoặc màu vàng nhìn rất đẹp mắt. Đây là một trong những loại cây trồng trong nhà được yêu thích nhất ngay cả trước khi người ta biết đến đặc tính tạo ra nhiều oxy của nó.
Cây lưỡi hổ ưa ánh sáng gián tiếp, có thể chịu được một lượng ánh nắng trực tiếp ít. Có thể sống được trong các khu vực thiếu ánh sáng trong nhà. Loài cây này cũng có thể làm sạch không khí bằng cách hấp thụ formaldehyde, nitơ oxit, xylen, benzen và trichloroethylene.
“Cây lưỡi hổ được cho là vẫn có thể tiếp tục sản xuất oxy ban đêm. Điều này giúp gia chủ ngủ ngon hơn vì cải thiện nhịp thở, giấc ngủ sâu hơn, khiến nó trở thành một loại cây tuyệt vời cho phòng ngủ”, bác sĩ Vũ cho hay.
3. Cây nhện
Cây nhện có sức sống mãnh liệt nhờ bộ rễ chùm chắc khỏe, bám chặt vào đất. Sau một thời gian chăm sóc, từ một bụi cây nhỏ có thể mọc ra rất nhiều cây con khác nhau. Cây nhện được đánh giá cao về khả năng sản xuất oxy.
4. Cây sanh
Còn gọi là si, xanh, gừa, thuộc họ dâu tằm, là một loại cây cảnh bonsai được trồng khá phổ biến trên thế giới, nhất là các vùng ở châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Loại cây này khá phổ biến trong cảnh quan nội thất, nó có khả năng thích ứng cao trong điều kiện ánh sáng hạn chế.
Khi trồng trong nhà, cây sanh được cắt tỉa và hạn chế chiều cao. Cây sanh là loại cây tốn ít công chăm sóc, nhưng cần tưới nước thường xuyên trong suốt thời kỳ phát triển, đất trồng cần thoát nước tốt.
Cây sanh có khả năng làm tăng nồng độ oxy và nó cũng được biết có thể lọc ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có hại (VOC) như formaldehyde, benzen và trichloroethylene.
5. Cúc đồng tiền
Có nguồn gốc từ Nam Phi, loài cây này có vô số kích thước và màu sắc khác nhau. Cam, hồng, vàng và trắng là một số màu phổ biến nhất của nó. Chúng có hoa đơn, hoa kép hoặc nhiều cánh.
Loài cây này thích ánh sáng mặt trời chói chang trong suốt mùa hè và mùa xuân, nhưng ánh nắng gián tiếp trong mùa đông, vì loài cây này có thể nở hoa một cách kỳ diệu trong suốt mùa đông. Tốt nhất nên đặt chúng ở những nơi có nhiều ánh sáng chiếu vào và trong đất có pha cát được giữ ẩm.
Theo nghiên cứu, cúc đồng tiền cũng loại bỏ các chất ô nhiễm từ không khí như formaldehyde, benzen và trichloroethylene. Chúng cũng giải phóng oxy vào ban đêm.
6. Cây lan ý
Lan ý có hoa màu trắng nổi bật rất đẹp. Đây cũng là một loại cây trồng ít bảo dưỡng và dễ thích nghi. Cây có nguồn gốc từ các khu rừng mưa nhiệt đới ở Mỹ.
“Lan ý là một trong những loại cây lọc không khí hiệu quả nhất, vì nó cũng giải phóng oxy vào ban đêm, cũng như tăng độ ẩm lên 5% và tạo cho bạn một giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì những loại cây này rất độc đối với mèo”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
7. Nha đam
Nha đam được nhiều người biết đến với nhiều đặc tính chữa bệnh và sản xuất oxy. Nha đam được FDA chấp thuận để làm hương liệu, được sử dụng trong mỹ phẩm và nhiều sản phẩm chăm sóc da khác nhau có thể được sử dụng như thực phẩm bổ sung và được sử dụng rộng rãi cho các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược.
Nha đam cũng có tác dụng làm sạch không khí các chất độc như andehit và benzen, và nó tạo ra oxy vào ban đêm.
8. Cây trầu bà
Trầu bà là một loài thực vật có hoa trong họ ráy (Araceae). Chúng phát triển tốt trong ánh sáng gián tiếp, cũng như các khu vực thiếu ánh sáng. Chúng cũng có thể thích nghi với cả loại đất khô và đất nhiều ẩm, đất giàu dinh dưỡng hay đất nghèo dinh dưỡng.
Đây là loài cây có khả năng cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thụ cả formaldehyde, benzen và carbon monoxide. Nó cũng giải phóng oxy vào ban đêm.
9. Cây thường xuân
Cây thường xuân (dây lá nho, dây nguyệt quế) trồng tạo hàng rào, cổng hoa, treo ban công, bên cửa sổ vừa là, cảnh bởi lá đẹp, sống lâu năm. Cây còn có tác dụng thanh lọc không khí giúp trong lành và đuổi muỗi hiệu quả. Cây ưa bóng râm trồng treo trong nhà, văn phòng, ban công, nhà bếp hoặc ngoài trời, nhưng nhiệt độ không quá cao.
Cây có khả năng hấp thu nhiều chất gây ô nhiễm, đặc biệt là fomandehit, benzen, xylen và toluen.
10. Thiết mộc lan
Thiết mộc lan được lựa chọn làm cây cảnh trưng bày giúp không gian nhà ở, văn phòng, chỗ làm việc,… trở nên tươi mới và thoáng mát hơn. Cây thiết mộc lan có sức sống mãnh liệt, sinh trưởng và phát triển nhanh, thế nên loại cây này được nhiều khách hàng lựa chọn trồng ở ngoài trời, trong nhà hoặc trồng thủy canh để bàn rất bắt mắt… Đặc biệt, thiết mộc lan có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ các độ tố có hại cho sức khỏe như monoxide de carbone, benzene, toluene, formallhelyde,…
Bác sĩ Vũ cho biết, nếu như ban ngày cây xanh hấp thụ năng lượng mặt trời, nước, khí CO2 để hình thành tinh bột, đường và nhả ra ngoài không khí O2 thì vào ban đêm cây ngừng quang hợp nhưng vẫn diễn ra quá trình hô hấp. Trong quá trình quang hợp của cây xanh vào ban đêm, cây sẽ hút khí O2 trong không khí để tạo ra năng lượng duy trì hoạt động sống và thải ra ngoài khí CO2 và hơi nước.
Trong khi đó, con người cũng hít khí O2 và thải ra khí CO2, điều này khiến chúng ta dễ bị ngạt thở khi ngủ trong một căn phòng đóng kín có nhiều cây xanh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nhiều chuyên gia về thực vật và sức khỏe khẳng định rằng có rất ít nguy cơ về bất kỳ tác hại nghiêm trọng nào từ cây trồng trong phòng ngủ. Rủi ro đặc biệt thấp trong một không gian được thông gió tốt.
Tuy nhiên, nếu bạn có một phòng ngủ nhỏ, hoặc không có hệ thống thông gió tốt thì nên thận trọng đối với các không gian có đặc điểm như vậy, tốt nhất là không nên trồng cây. Có một số loài thực vật nhất định (ví dụ như cây lưỡi hổ) sản xuất oxy vào ban đêm và được coi là có lợi cho giấc ngủ. Nếu bạn lo lắng về bất kỳ rủi ro sức khỏe nào, thì có thể chú ý lựa chọn loại cây trưng bày trong phòng ngủ vào ban đêm.