Bạn đang bắt đầu học tiếng Đức, hay bạn đã học tiếng Đức được một thời gian rồi?
Bạn gặp khó khăn với việc tiếp thu kiến thức và cảm thấy chán nản, mất hứng thú với việc học?
Có rất nhiều bạn đã hỏi rằng “Làm thế nào để học tốt tiếng Đức?”. Những lời khuyên, những kinh nghiệm tôi đã có nhiều lần chia sẻ với các bạn trên YouTube. Vậy nhưng, hôm nay chúng ta hãy trả lời cho câu hỏi này ở một khía cạnh khác đi một chút. Thay vì “Làm thế nào để học tốt tiếng Đức?”, chúng ta hãy suy nghĩ xem điều gì dẫn đến việc chúng ta học mãi mà vẫn không giỏi, không có tiến bộ.
Sau đây là 10 lý do phổ biến nhất. Bạn hãy xem xem điều gì là đúng với bản thân mình và cố gắng điều chỉnh nhé.
1. Không có mục tiêu rõ ràng
Cũng giống như một con thuyền đi ra khơi, nếu không có một đích đến cụ thể thì nó sẽ cứ mãi lênh đênh trên biển, chẳng biết khi nào mới đến bờ. Điều này vừa tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc. Với việc học ngoại ngữ cũng vậy. Bạn hãy xác định mục tiêu mà bạn muốn hoặc phải đạt được và cố gắng không ngừng để hoàn thành điều đó. Để biết được trình độ phù hợp cho nhu cầu của mình bạn có thể xem lại bài viết “Điều bạn cần biết khi bắt đầu học tiếng Đức”.
Chỉ khi có một mục tiêu cụ thể, bạn mới có được cho mình một
động lực mạnh mẽ để học tập. Nếu như bạn thiết tha đạt được một điều gì quan trọng
đối với bạn, trong bạn sẽ phát ra nguồn năng lượng và sức tập trung cao độ không
gì sánh bằng. Và chính điều này sẽ giúp bạn đạt được điều mà bạn muốn.
2. Không lên cho mình thời gian học cụ thể
Dù là ai trong cuộc sống này, mỗi người trong chúng ta đều chỉ có trong quỹ thời gian của mình 24 tiếng một ngày. Người THÀNH CÔNG hơn người THẤT BẠI ở chỗ họ biết cách sử dụng thời gian một cách khôn ngoan.
Để việc học có hiệu quả, bạn hãy tự lên cho mình một thời gian biểu cụ thể. Không có một công thức chung nào cho tất cả mọi người. Bạn phải là người hiểu rõ bản thân mình nhất, rồi thử nghiệm để xem cách nào là phù hợp với mình.
Gợi ý cho bạn:
Có người tiếp thu kiến thức tốt nhất là vào buổi sáng, có người lại là buổi tối. Vậy tùy theo sở thích và lịch làm việc của mình, bạn hãy dành từ 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để ôn lại bài, làm bài tập, học từ vựng, tập viết, v.v. Trong khoảng thời gian này, bạn hãy cố gắng tập trung nhất có thể. Hãy tắt điện thoại hay bất cứ vật dụng nào có thể làm bạn sao nhãng. Bạn không nhất thiết ngày nào cũng học, vì học như vậy có thể khiến bạn mệt mỏi và làm khả năng tiếp thu kiến thức bị giảm. Thay vào đó, bạn có thể học 2 – 3 buổi một tuần. Việc chia thời gian học đều đặn như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc bạn học 5 tiếng một tuần trong một buổi.
Nếu như chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến kì thi, tất nhiên là bạn sẽ phải học nhiều hơn, tối thiểu là 8 tiếng một ngày (tính thời gian học trên lớp + thời gian ôn bài tại nhà). Dù học có nhiều như thế nào đi nữa, bạn cũng nhớ dành thời gian nghỉ giải lao giữa các phần học. Việc học liên tục nhiều tiếng đồng hồ sẽ khiến cho sự tập trung của bạn bị giảm đi và việc học lúc này sẽ không còn hiệu quả nữa. Bạn hãy tham khảo thời gian nghỉ giải lao như sau:
– sau 10 phút học: nghỉ 1 phút
– sau 30 phút học: nghỉ 5 phút
– sau 2 tiếng học: nghỉ 15-20 phút
– sau 4 tiếng học: nghỉ 1-2 tiếng
Trong thời gian nghỉ giải lao, bạn không nên sử dụng điện thoại, lướt mạng, v.v. mà hãy đứng lên vận động cơ thể, nạp năng lượng bằng cách ăn uống, ra ngoài hít thở không khí trong lành hay ngồi thiền, v.v.
3. Học theo quá nhiều tài liệu mà không có chọn lọc
Ngày nay, các bạn có nhiều thuận lợi hơn so với tôi của cách đây 14 năm, khi mới bắt đầu học tiếng Đức. Khi ấy, tôi chỉ học với sách giáo trình mà mình có. Lúc rảnh rỗi thì ngồi nghe đĩa CD kèm theo giáo trình, nghe đi nghe lại để làm quen với ngữ điệu. Rồi thỉnh thoảng cũng có xem thời sự trên kênh truyền hình cab Deutsche Welle (mặc dù chẳng hiểu gì mấy). Nhưng điều quan trọng là mình được tiếp xúc với tiếng Đức chuẩn.
Còn bây giờ, với sự phát triển của internet, các bạn có quá nhiều sự lựa chọn để trau dồi khả năng tiếng Đức của mình. Nhưng cũng bởi quá nhiều sự lựa chọn mà nhiều bạn cảm thấy…hoang mang, không biết bắt đầu như thế nào.
Các bạn tiếp nhận hết những gì mình tìm được trên mạng mà không quan tâm xem nó có cần thiết và phù hợp với trình độ mình đang học. Ví dụ như ở trình độ A1, bạn chưa cần quan tâm tới Cách thành lập câu bị động hay Động từ đi với giới từ, vì những kiến thức này là cho trình độ B1.
Cũng có nhiều kiến thức ngữ pháp sẽ được chia ra, học dần theo từng trình độ, chứ không học hết một lúc. Ví dụ như ở trình độ A1, bạn chỉ làm quen với Konjunktiv II qua động từ “hätten” với ngữ cảnh mua sắm “Ich hätte gern ein Kilo Tomaten” (Tôi muốn một cân cà chua). Khi này, bạn chưa cần tìm hiểu tất cả cách sử dụng của Konjunktiv II, mà kiến thức này bạn sẽ học đầy đủ khi lên trình độ B1.
Đây là một số những tài liệu chia ra từng trình độ bạn có thể tham khảo:
🌷 Ngữ pháp A1: http://bit.ly/2WevsQY
🌷 Ngữ pháp A2: http://bit.ly/2YXXdKD
🌷 Ngữ pháp B1: http://bit.ly/2W4bCDd
🌷 Ngữ pháp B2: http://bit.ly/30VzCw5
🌷 Ngữ pháp C1: http://bit.ly/2KgqRGL
🌷 Bài tập ngữ pháp A1 – C2: http://bit.ly/2XiOORD
(còn nữa)
Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn cảm thấy có ích.