Bến Tre là xứ sở của dừa, những rừng dừa bạt ngàn và đời sống con người cũng gắn bó rất nhiều với cây dừa. Bên cạnh những món ăn ngon được chế biến với dừa, đặc sản Bến Tre còn được nhiều người biết đến với những món ăn dung dị nhưng sự căng tràn phóng khoáng đã được gửi gắm vào từng món ăn dân giã như chính con người nơi đây.
1. Cơm dừa Bến Tre
Hình ảnh món cơm dừa ngày nay hiếm có người nấu vì món ăn này rất cầu kỳ và tốn thời gian. Để làm cơm dừa, người ta dùng gạo ngon và phải vo sạch bằng nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm. Chọn trái dừa ngon, người ta để nguyên trái mà không động chạm gì đến phần bên trong quả dừa, chỉ gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Sau đó, họ cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy “nồi cơm dừa”. Tiếp theo là cho gạo vào trái dừa, sau đó đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại.
Cơm dừa ăn nóng mới ngon. Nếu để lâu, hạt cơm trắng sẽ bị thấm thêm hơi dầu từ dừa sẽ ngả sang màu vàng nhạt. Món ăn kèm với cơm dừa là tôm rang thì mới “đúng điệu”. Sau khi bỏ tôm lên chảo rang người ta cho nước cốt dừa vào chảo để lửa riu riu. Đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ quạch là coi như đã xong món tôm rang dừa. Lúc này thịt tôm ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn.
2. Bánh tráng Mỹ Lồng
Mỹ Lồng, Bến Tre trứ danh nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. HÌnh ảnh bánh tráng nướng trên bếp than cho vừa chín hai mặt, dậy mùi của dừa quyện với bột, lấy ra ăn nóng là ngon nhất. Giòn giòn như bất cứ loại bánh tráng nào nhưng dừa đem lại cho nó vị thơm ngọt không bánh tráng ở đâu sánh bằng.
3. Bánh phồng Sơn Đốc
Bánh phồng là niềm tự hào của người dân Sơn Đốc, Bến Tre. Mùi hương gạo nếp, hương dừa phảng phất trong từng chiếc bánh phồng nhỏ nhắn luôn khiến những người xa quê nhớ hoài. Bánh phồng ở đây còn có tên gọi dân gian là bánh phồng chuồi. Miếng bánh nhỏ nhưng dày hơn nơi khác, khi nướng sẽ phồng to. Nướng bánh tráng lẫn bánh phồng ngon nhất là trên ngọn lửa rơm hoặc lửa than. Người Nam Bộ thường chẻ một đoạn sống lá dừa xòe ra như nan quạt để nướng bánh. Người nướng phải nhanh tay lăn trở để bánh nóng chín và giòn đều.
4. Chuối đập
Món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa này không những là món khoái khẩu của các cô cậu thích ăn vặt mà còn là nỗi nhớ nhung của những người xa quê. Chuối đập khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường. Chuối được lựa chọn phải là chuối xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối chín quá thì nướng lên bị nhão, không ngon.
Sau khi bóc vỏ, chuối được cắt lát cho vào túi ni lông đập dẹt rồi cho lên bếp nướng đến khi chuyển sàng màu vàng óng và dậy mùi thơm. Chuối nướng được chấm cùng với nước cốt dừa đặc quánh, là món ăn lót dạ mỗi buổi chiều rất thú vị.
5. Bánh xèo ốc gạo
Bánh xèo không còn là món xa lạ với người Nam Bộ nhưng bánh xèo ốc gạo lại là món đặc sản của cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách – Bến Tre). Cồn này là một trong những nơi hiếm hoi ở miền Tây có số lượng sinh sản của ốc gạo đông đảo nhất. Hàng năm, ốc gạo sinh sôi nhiều nhất vào tháng 4-5 âm lịch, nhưng con ốc gạo đạt đỉnh điểm về số lượng phải vào Tết Đoan Ngọ.
Ốc gạo thịt trắng đục, béo thơm và thường được chế thành món ốc gạo xào sả ớt và làm nhân bánh xèo thay cho tôm, thịt. Ốc cùng hành tây xắt mỏng được xào chín rồi làm nhân bánh, cuốn cùng rau thơm làm cải bẹ, xà lách, đọt bứa…. mùi vị rất khác biệt. Khi ăn cảm nhận con ốc ngọt, sần sật lẫn trong các mùi rau khiến thực khách cứ muốn ăn mãi mà không bị ngán.
6. Bánh canh bột xắt
Miền Tây là xứ sở của bánh canh bột xắt, những vùng khác còn gọi là bánh canh bột gạo. Tựu chung, nguyên liệu chính của món bánh canh này là bột gạo, tùy vào cách chế biến mà có tên gọi khác nhau. Để làm bánh canh bột xắt, người nấu phải cán bột ra thớt rồi xắt từng thanh mỏng bỏ vào nồi nên có tên gọi là bánh canh bột xắt.
Bánh canh bột xắt thường là bánh canh vịt chấm với nước mắm gừng. Nhiều nơi người nấu cho tép non hay tôm khô vào để nước ngọt hơn. Thứ nước lèo trắng đục do bột gạo tạo nên làm cho bánh canh bột xắt khó mà lẫn được với các loại khác. Ở Sài Gòn và một số tỉnh thành khác cũng có phổ biến món này nhưng thưa thớt. Khi ăn bánh canh bột xắt ở Bến Tre, đừng quên kêu thêm chén huyết nếp béo ngậy.
7. Chuột dừa Bến Tre
Một điều khá ngộ nghĩnh là ngày nay, Bến Tre còn được biết đến với một món đặc sản chế biến từ loài làm hại cây dừa, đó là món chuột dừa. Chuột dừa có hình dạng giống như chuột đồng, nhưng có bộ răng sắc nhọn hơn, chuyên phá hoại cây dừa. Chúng ăn, hút chất ngọt từ tất cả các trái dừa tươi, khô. Vì thế thịt chuột dừa cũng thơm ngon và béo bùi. Chuột dừa sống trên cây, khá tinh khôn nên cần đến những người săn chuột chuyên nghiệp mới có thể bắt được.
Chuột dừa được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, nấu cà ri… Nhưng theo những người sành ăn thì ngon nhất vẫn là thịt chuột dừa hấp trong nồi cơm. Chuột được làm sạch, khi nấu cơm, lót một miếng lá chuối lên nồi cơm, rồi để chuột lên trên. Khi cơm chín cũng là lúc chuột chín. Thịt chuột dừa trắng phau và có một mùi thơm đặc biệt. Lấy chuột ra xé chấm với muối tiêu ớt và rau răm thì không thể chê được. Món này cũng giống như món đuông dừa, “chống chỉ định” cho những ai “yếu đuối”, “yếu tim” hay những cô nàng sợ chuột.
8. Đuông dừa
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến xứ sở của dừa. “Anh về miền đất xứ dừa/ Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông”. Đuông dừa hay còn gọi là sâu dừa – một trong những đặc sản Bến Tre. Phần củ hũ dừa béo ngậy, ngọt là nguồn thức ăn bổ dưỡng giúp cho những con đuông dừa phát triển.
Từ những con đuông dừa, người ta đã chế biến ra rất nhiều món ăn ngon như đuông lăn chiên bột, đuông nướng, thậm chí là ăn sống. Món đuông dừa chiên bột ăn giòn và rất béo. Để giảm độ béo có người ăn kèm với rau sống. Nhiều người sành ăn ở Việt Nam cũng phải công nhận đuông dừa là món ngon được liệt vào “siêu hạng”, vượt hẳn các thức ăn khác.
9. Cháo cua đồng
Về xứ ruộng mà không ăn cua đồng thì coi như chưa về ruộng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ruộng lúa bao la, cua đồng là sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân miệt ruộng. Cháo cua đồng phải nấu trong nồi đất mới bài bản, theo như cách của lưu dân phương Nam từ xưa tới đây đã biết cách dùng nồi đất nấu nướng để giữ nguyên hương vị của món ăn.
Cua đồng tách vỏ lấy gạch để nấu nước dùng, còn phần cua xay nhuyễn làm riêu cua. Cách làm này chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người dù ở Bắc hay Nam. Trong nồi cháo cua đồng ở Bến Tre, người ta thường cho cá, thịt, nấm, trứng vịt lộn, tôm. Quyết định cháo cua đồng ngon hay dở là ở rau ăn kèm. Cháo thường cùng rau đắng, ngắt đọt non bỏ vào nồi để vị đắng của rau át vị tanh của cá, cua. Thi thoảng, những ngày mát trời người ta còn bưng ra cho rổ rau đắng nhưng mát. Để tăng độ ngọt cho nồi cháo, rổ rau ăn kèm còn có mướp hương, mồng tơi, rau ngót, kèo nèo, bông bí, bông thiên lý tùy mùa.
10. Kẹo dừa Bến Tre
“Bến Tre nước ngọt sông dài/ Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh/ Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo/ Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”
Kẹo dừa Bến Tre ngon nhất nước và kẹo dừa Mỏ Cày là đặc biệt nhất Bến Tre. Không nơi nào làm kẹo dừa giống được ở đây. Không chỉ một loại, kẹo dừa còn mang trong nó sự kết hợp với sầu riêng, đậu phộng… tạo ra hương vị đa dạng cho người ăn, thể hiện sức sáng tạo trong lao động của người dân. Kẹo dừa dẻo, thơm, nồng nàn, ngọt đủ cho người đi xa nhớ, người ở gần thân.
Đến Bến Tre, ghé thăm các xưởng sẽ cảm nhận được hết cái hay khi chứng kiến các khâu làm kẹo, từ sơ chế nguyên liệu, cho đến nấu, cắt. Nếu thích, có thể xin được thử gói kẹo hay ăn ngay kẹo khi mới ra lò còn hây hẩy nóng sẽ thấy thú vị lắm. Đặc sản Vina hẹn gặp lại các bạn trong bài viết sau nhé.
dacsanvina.net