Vĩnh Phúc không chỉ giữ chân du khách bởi vẻ đẹp của một Tam Đảo mù sương, nét uy nghiêm của Thiền viện trúc lâm Tây Thiên hay nét đẹp thơ mộng của hồ Đại Lải mà còn bởi những món đặc sản ngon nức tiếng của nơi đây.
Hãy cùng điểm danh 10 món đặc sản Vĩnh Phúc khiến ai nếm thử một lần sẽ nhớ mãi.
1.Cá thính Lập Thạch
Món cá thính đặc sản Lập Thạch nổi tiếng do người dân Văn Quán sáng tạo ra. Xa xưa không có đê điều như bây giờ nên cứ đến mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, nước lũ tràn về ngập đầy đồng, cá theo nước vào, mọi người bắt được rất nhiều, ăn không hết, đem bán thì chợ xa và thiếu thuyền bè, phơi khô bảo quản cũng khó nên dân Văn Quán đã nghĩ ra cách làm cá thính.
Nguyên liệu làm nên món ăn này bao gồm cá tươi, ngô, đậu rang, muối, lá ổi. Loại cá làm ngon nhất là cá quả, cá mè, cá trôi. Cá tươi rửa sạch, mổ bỏ ruột, cạo sạch màng đen trong bụng cá, chặt vây rồi ướp muối trắng, xếp cá vào lọ nén.
Cá ướp xong đem vắt kiệt nước, lấy thính ngô, đậu nhét đầy vào bụng, vào mang cá, bóp kỹ rồi xếp vào lọ sành đã phơi khô, mỗi lượt cá cho thêm một lượt lá ổi. Trên cùng là rơm khô (đã nhặt hết lá chân, vò kỹ, rũ sạch) nhét chặt vào lọ, nhưng lưu ý là thường xuyên kiểm tra, nếu rơm nút trong lọ ướt phải thay ngay rơm khô khác để không bị hỏng.
Cá làm xong, 3 tháng sau lấy ra nướng than hoa mà ăn là ngon nhất. Nếu định để lâu thì sau 3 tháng phải lấy cá ra, thay thính mới, thay 3 lần bột thính mới cho cá vào lọ để làm chua như vậy có thể để lâu được vài năm.
Cá thính ăn không khô như cá mắm biển, không nhão như cá nướng tươi hoặc rán. Để miếng cá trên đĩa trông như miếng bánh đa mật. Gỡ cá ra thịt có màu mận chín. Khi ăn, những hạt thính thơm, giòn giòn sậm sựt hoà quyện với vị ngọt đậm của cá đọng mãi trên đầu lưỡi, tạo nên một vị hương lạ, hấp dẫn mà các món cá khác ở miền xuôi không có được.
2. Dứa Tam Dương
Dứa Tam Dương nhiều nước và rất ngọt
Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột giòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất.
Đến đây, du khách tha hồ “ăn” dứa đến no bụng với hai cách: Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống.
Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.
3. Tép dầu Đầm Vạc
Người xưa đã có câu ca dao để nói về món ăn nức tiếng này:
“Cỗ chín lợn mười trâu
Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”
Tép Dầu là một loại cá đặc trưng ở Đầm Vạc. Tép Dầu Đầm Vạc phần nhiều chỉ bằng cái lá tre, kích cỡ chiều dài của nó từ 5 – 7cm, chiều ngang chừng 1cm. Tép Dầu là loại cá không cần đầu tư nuôi thả cầu kỳ. Tép Dầu khi trưởng thành bụng đầy ắp trứng.
Từ tháng 8 đến hết tháng 10, khi sương chiều như làn khói xanh lam mờ tỏa trên mặt hồ, tép Dầu làm một cuộc hành trình quanh hồ đề đẻ trứng nhân giống cho tương lai thì người ta đi bắt chúng. Nhưng tép Dầu không thể tiệt chủng vì hàng triệu trứng trong bụng sẽ kế tiếp vòng đời của chúng. Và con tép Dầu có trứng mới là lúc ăn ngon nhất.
Tép Dầu Đầm Vạc không chỉ là món ăn dân dã của người dân Đầm Vạc từ thời xưa mà còn xuất hiện rất nhiều trong bữa ăn của các gia đình hay nhà hàng hiện nay.
Tép Dầu thường được nấu canh với dưa chua hoặc đem kho với các loại rau củ tùy sở thích của mỗi người. Tép Dầu Đầm Vạc đã trở thành một đặc sản góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm du lịch Vĩnh Yên và là món “ăn một lần có thể nhớ mãi”.
4. Chè kho Tứ Yên
Chè kho Tứ Yên.
Làng Tứ Yên, huyện Sông Lô có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi mà thế kỷ thứ 6, Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế.
Sau này nhân dân dựng miếu để thờ Lý Nam Đế và hằng năm mở tiệc vào ngày 24 – 27 tháng 5 (âm lịch), cỗ cũng phải có món chè kho để tưởng niệm sự kiện lịch sử trên.
Dù xuất hiện từ rất lâu đời nhưng chè kho Tứ Yên vẫn luôn hấp dẫn bất kì du khách nào đặt chân tới Tứ Yên, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Từng miếng chè kho mịn như nhung, thơm mùi đặc trưng của đậu xanh và hương bưởi được xếp ngay ngắn vào đĩa phục vụ thực khách.
Đưa miếng chè vào miệng, ta sẽ cảm nhận được vị thanh ngọt có chút cay cay của gừng nên ăn không hề bị ngán.
5. Tiên Tửu Ngọc Hoa
Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa.
Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa là đặc sản của Yên Lạc- Vĩnh Phúc. Dừa sau khi chọn được trái ngon, sẽ được gọt sạch bong phần xơ vỏ. Sau đó, người ta tiêm vào dừa một hỗn hợp nếp cái đã trộn men và đem hàn thật kín.
Cứ thế, rượu được ủ cho tới khi tỏa hương thơm mát sẽ được mang ra dùng. Rượu có vị cay nồng xen lẫn vị ngọt thanh của dừa nên rất lạ miệng.
6. Bánh ngõa Lũng Ngoại
Bánh ngõa là loại bán đặc sản nổi tiếng của làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Loại bánh đặc biệt này được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, mật mía hoặc đường.
Hương vị bùi bùi, ngọt ngọt, càng nhai càng thấy béo ngậy của bánh ngõa chắc chắn sẽ làm du khách nhớ mãi không quên.
7. Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường
Bánh trùng mật mía.
Bánh trùng mật mía được người dân Vĩnh Tường gọi là bánh “anh em” với bánh trôi, bánh chay bởi cách làm chúng gần giống nhau. Nhưng nét riêng biệt của loại bánh này đó là bánh không hề có nhân.
Bánh mật mía hấp dẫn bởi màu đỏ cánh gián của mật mía, mùi thơm dịu nhẹ của gừng cùng chút vừng rang vàng được rắc lên trên. Lớp bánh trắng trẻo bên trong hòa quyện với vị mật đậm ngọt, vị vừng bùi bùi làm thực khách ăn mãi mà không hề thấy ngán. Nếu có dịp ghé qua Vĩnh Tường nhất định bạn đừng quên nếm thử bánh trùng mật mía đặc sản nhé.
8. Bánh gio Tây Đình
Bánh gio Tây Đình (Bình Xuyên) – còn gọi là bánh nắng – ngon có tiếng, hơn hẳn các nơi khác về cả màu sắc và hương vị. Bí mật làm nên tấm bánh gio ở Tây Đình nằm trong khâu chọn nguyên liệu, cách ngâm gạo và thời điểm gói bánh, luộc bánh…
Khác với bánh gio của những vùng miền khác, bánh gio Tây Đình có màu vàng nâu quyến rũ, có vị thanh mát, dễ ăn.
9. Bò tái kiến đốt
Bò tái kiến đốt.
Bò tái kiến đốt là một món ăn đặc sản rất đặc biệt của Vĩnh Phúc. Người ta lấy những miếng thịt bò từ 1 – 2kg đặt vào những ổ kiến to trên các cây lớn, chọc cho lũ kiến ra khỏi tổ bâu vào đốt lấy miếng thịt.
Những miếng thịt này sẽ được rửa sạch lại bằng nước muối pha loãng, để ráo rồi đem nướng chín trên bếp than hồng rực.
Khi ăn hương vị của mỗi miếng thịt lại khác nhau bởi mỗi loại kiến lại cho ra những mùi vị đặc trưng riêng: kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt,…
Đây không chỉ là món ăn đặc sản mà nó còn có giá trị trong việc phòng và chữa bệnh thần kinh và thấp khớp.
10. Su su Tam Đảo
Với lợi thế khí hậu thuận lợi, Tam Đảo là vùng trồng nhiều su su nhất của Vĩnh Phúc. Su su Tam Đảo có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như ngọn su su xào, ngọn su su luộc, quả su su xào…
Bất cứ du khách nào đến Tam Đảo nghỉ dưỡng nhất định đều sẽ thưởng thức bằng được món đặc sản này và mua ngọn su su về làm quà cho bạn bè và người thân./.
Theo TTXVN