Mứt Tết không chỉ là món “khai vị” không thể thiếu trong dịp đầu xuân mà còn trở thành nét đẹp văn hóa lâu đời, thể hiện sự sum họp, đoàn viên của mỗi gia đình.
I. Mứt là gì?
Nhắc đến Tết Nguyên đán thì không thể không nhắc đến mứt Tết. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì mứt Tết hẳn sẽ là món “khai vị” đặc biệt, thường được bày trên bàn trà của mỗi gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Mứt là một món ăn ngọt, được chế biến từ một số loại trái cây và nấu cùng với đường đến độ khô khoảng 70%. Do đó, bên ngoài mứt thường có lớp đường bao quanh, kết hợp với hương vị đặc trưng của trái cây tạo nên món ăn thanh ngọt, nhấm nháp cùng ly trà nóng thì quả là tuyệt vời.
Mứt là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.
II. Vì sao trong dịp Tết Nguyên đán luôn có khay mứt mời khách?
Một hình ảnh quen thuộc trong dịp Tết Nguyên đán là những khay đựng bánh kẹo, đựng các loại hạt và mứt Tết. Trước là để đãi khách, sau là để cả nhà cùng quây quần bên nhau, nhâm nhi những loại mứt thơm ngọt. Một khay mứt truyền thống luôn có hình tròn, được chia thành 8 ô với các loại mứt khác nhau như: hạt dưa, mứt gừng, mứt dừa, mứt hạt sen, mứt bí… Điều này tương ứng với các vị chua, cay, ngọt, bùi của cuộc sống cũng như thể hiện khí trời của 4 mùa trong năm.
Khay mứt Tết có đầy đủ các hương vị ngọt, bùi, đắng, cay… tượng trưng cho hương vị của cuộc sống.
Ngoài ra, nhiều người còn quan niệm rằng, việc gia chủ mời bạn thưởng thức mứt gì cũng tương ứng với lời chúc của họ dành cho bạn trong dịp năm mới. Dưới đây là một số ý nghĩa của các loại mứt Tết phổ biến:
– Mứt hạt sen: Năm mới sum họp, con cháu đầy nhà.
– Mứt dừa: Gia đình quây quần, hạnh phúc sum vầy.
– Mứt cà chua: May mắn, tài lộc, phú quý
– Mứt gừng: Cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm
– Mứt đậu phộng (mứt lạc): Biểu tượng cho sự trường thọ, sống lâu trăm tuổi
– Mứt bí: Cầu mong sức khỏe tốt, có sự phát triển trong năm mới
– Mứt tắc: Mang lại vận may, an lành
– Mứt Atiso đỏ: Sắc đỏ may mắn cả năm
– Mứt cà rốt: Biểu tượng cho sự phú quý, giàu sang
III. Các loại mứt không thể thiếu dịp Tết Nguyên đán
1. Mứt dừa
Cách làm mứt dừa không khó, bạn hoàn toàn có thể tự làm món mứt Tết thơm ngọt này ngay tại nhà.
Mứt dừa là loại mứt quen thuộc, không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết. Do có vị thơm béo, kết hợp với lớp đường ngọt bao quanh nên mứt dừa được rất nhiều người ưa chuộng. Thông thường, mứt dừa được chế biến từ cơm dừa cắt mỏng. Sau đó, người ta sẽ trộn thêm màu thực phẩm và nấu cùng đường để món ăn thêm bắt mắt hơn. Tùy theo sở thích, bạn có thể lựa chọn các loại mứt dừa khác nhau như: mứt dừa sợi, mứt dừa non, mứt dừa viên…
2. Mứt hạt sen
Mứt hạt sen có vị thanh thanh, bùi bùi đặc trưng.
Hạt sen có vị thơm bùi, thanh mát nên khi được chế biến thành mứt sẽ đem đến hương vị tuyệt hảo. Đầu tiên, người ta sẽ lựa chọn các hạt sen đạt chuẩn, còn tươi ngon ngay từ vụ hè. Sau đó sẽ đem đi phơi khô đến khi gần cuối năm mới đem ra ngào đường, làm mứt. Những viên mứt hạt sen tròn tròn, màu vàng đẹp mắt được bọc lớp đường bên ngoài vừa ngọt ngào vừa tinh tế.
3. Mứt cà chua
Sắc đỏ của mứt cà chua tượng trưng cho sự may mắn trong năm tới.
Cà chua giàu vitamin C, vitamin A… có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, do mang màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn nên trong các khay mứt truyền thống sẽ chẳng thể nào thiếu mứt cà chua. Món mứt này có vị ngọt đậm đà và thường được chế biến khá cầu kỳ.
4. Mứt gừng
Do có vị cay nồng nên mứt gừng thường được dùng để uống kèm trà nóng.
Mứt gừng được nhiều người yêu thích bởi vị nồng ấm đặc trưng, vừa có tác dụng làm ấm người có giúp kích thích tiêu hóa, chống trướng bụng, đầy hơi. Những ngày đầu năm, chẳng còn gì thích hợp hơn khi cùng gia đình nhấm nháp miếng mứt gừng cay cay, thưởng thức ly trà nóng và chia sẻ với nhau câu chuyện năm cũ.
5. Mứt đậu phộng (mứt lạc)
Mứt đậu phộng là biểu tượng cho sự trường thọ.
Đậu phộng (lạc) là loạt hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng lại có vị bùi béo đặc trưng. Ngoài ra, loại mứt này còn có là biểu tượng cho sự trường thọ, sống lâu trăm tuổi. Vì vậy, nhiều gia đình đã tự tay làm mứt đậu phộng để thưởng thức trong dịp Tết.
6. Mứt me
Mứt me chua ngọt giúp bạn giải nhiệt cho cơ thể.
Trong Đông Y, me có vị chua, tính mát nên rất tốt cho hệ tiêu hóa cũng như thanh nhiệt, giải khát. Ngoài ra, mứt me cũng là món ăn có lợi cho phụ nữ đang mang thai như: giảm buồn nôn, ốm nghén, tăng sức đề kháng, chống suy nhược cơ thể… Nếu bạn thường xuyên ăn những món ăn cay, nóng trong dịp Tết thì thưởng thức một vài miếng mứt me sẽ giúp giải nhiệt cho cơ thể đấy!
7. Mứt bí
Mứt bí đao có vị thanh ngọt đặc trưng.
Bí không chỉ là thực phẩm chế biến trong các món ăn hàng ngày mà còn được dùng làm nguyên liệu cho món mứt bí thanh ngọt trong ngày Tết Nguyên đán. Mứt bí có hương thơm độc đáo, vị ngọt thanh vừa phải và có tác dụng tiêu độc, mát gan, lợi tiểu…
8. Mứt tắc (mứt quất)
Mứt tắc có tác dụng trị ho, tiêu đờm, giải nhiệt…
Với màu nâu vàng óng ả, hương vị chua ngọt thì mứt tắc chắc chắn sẽ là món mứt Tết siêu hấp dẫn không thể thiếu. Loại mứt này có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: giải khát, tiêu đờm, giúp giải rượu bia… Hơn nữa, mứt quất còn mang ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và phát tài trong năm mới.
9. Mứt kiwi
Mứt kiwi giúp khay mứt Tết thêm phần bắt mắt.
Để giúp khay mứt Tết thêm bắt mắt thì bạn không nên bỏ qua món mứt kiwi. Món mứt này có màu xanh hoặc vàng đặc trưng, vị chua ngọt dễ ăn nên ngay cả các em nhỏ cũng đều rất yêu thích.
10. Mứt cà rốt
Mứt cà rốt là biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý.
Cà rốt được xem như loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe như: tốt cho thị giác, thải độc gan, chống lão hóa, hạn chế các bệnh về tim mạch… Miếng mứt thường được thái lát, quyện đường và có độ ngọt, độ giòn vừa phải. Nếu bạn đang cần tìm một món mứt “healthy” thì đây chắc chắn sẽ là món ngon đãi khách trong dịp Tết đấy!
11. Mứt khoai lang
Mứt khoai lang dẻo hay mứt khoai lang giòn đều rất ngon miệng.
12. Mứt cam
Hương vị đặc trưng của mứt cam đảm bảo bạn sẽ nhóp nhép cả ngày đấy.
13. Mứt vỏ bưởi
Vỏ bưởi đem làm mứt không chỉ thơm mà còn có tác dụng ngừa viêm họng, hỗ trợ giảm cân cực hiệu quả.
14. Mứt khóm (mứt dứa)
Mứt khóm có vị chua ngọt đặc trưng, giúp bổ sung nhiều vitamin và hỗ trợ chứng ăn không tiêu.
15. Mứt Atiso đỏ (mứt hoa hồng)
Mứt Atiso đỏ có độ giòn, vị chua đặc trưng, giúp bổ sung vitamin C, vitamin A và chất chống oxy hóa.
16. Mứt khế
Khế sau khi được ép hết nước sẽ đem đi ngào cùng đường và gừng sợi, tạo nên vị thơm ngọt hài hòa.
17. Mứt cà chua bi
Mứt cà chua bi không quá ngọt, có vị chua nhẹ, dẻo dẻo rất dễ ăn.
18. Mứt củ sen
Ngoài dùng để xào nấu thông thường, củ sen còn được dùng để chế biến mứt. Mứt củ sen có độ giòn, ngon bùi khó cưỡng.
19. Mứt đu đủ
Mứt đu đủ dẻo ngọt, có vị cay the.
20. Mứt mãng cầu xiêm
Vị chua xen lẫn vị ngọt tạo nên hương vị độc đáo cho món mứt mãng cầu xiêm.
Xã hội ngày càng phát triển, càng hiện đại nhưng có những giá trị văn hóa ẩm thực sẽ chẳng bao giờ thay đổi, như: bánh chưng xanh, dưa hành, củ kiệu, khay mứt… sẽ chẳng thể nào thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Hy vọng bài viết trên đã cho bạn những gợi ý hữu ích về ý nghĩa cũng như công dụng đối với sức khỏe của mỗi loại mứt Tết. Chúc các bạn có một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc bên gia đình, người thân!