Ẩm thực và sức khỏe
11 lưu ý để ăn tỏi sống đúng cách giúp tăng đề kháng phòng bệnh
1. Thành phần dinh dưỡng từ tỏi
Không những mang giá trị cao trong ẩm thực, với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, tỏi còn là vị thuốc nhiều lợi ích. Theo tài liệu từ Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam-Bộ Y tế, trong 100 gr tỏi sẽ chứa các thành phần dinh dưỡng như sau:
Thành phần dinh dưỡng
Hàm lượng
Nước
67.7g
Năng lượng
121Kcal
Protein
6.0g
Lipid
0.5g
Glucid
23.0g
Calci
24mg
Mangan
1.300mg
Kali
373mg
Tỏi rất phổ biến và hầu như luôn có mặt trong bếp, do đó việc dùng tỏi để trị bệnh, tăng cường sức khỏe là phương pháp tự nhiên đơn giản, dễ dùng và hiệu quả nhất.
2. Ăn tỏi sống có tác dụng gì?
Trong tỏi có rất nhiều các hoạt chất chứa lưu huỳnh như thiosulfinate (allicin), diallyl disulfide và allylpropyl disulfide. Tuy nhiên, các hoạt chất này chỉ được hoạt hoá khi củ tỏi được đập dập, nghiền nát hoặc nhai và sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao. Do đó, nếu sử dụng với mục đích y học thì ăn tỏi sống mỗi ngày chính là cách hữu hiệu nhất.
Điều trị cảm cúm
Có tính sát khuẩn mạnh và chứa Allicin (một thành phần giúp đặc trị bệnh cảm cúm khá hiệu quả, giúp long đờm, dễ thở, bớt ho và không bị nghẹt mũi) nên khi bị cảm cúm ăn tỏi sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch giúp bạn chống lại những cơn cảm lạnh thông thường.
Trị ho
Tỏi có thuộc tính ấm, khả năng khử hàn ẩm tốt, do đó ăn tỏi sống mỗi ngày chẳng những giúp bạn mau chóng phục hồi sức khỏe mà còn giảm ho hiệu quả.
Lọc độc tố trong máu
Allicin chứa trong tỏi sẽ giúp cơ thể loại bỏ những chất độc hại, tăng cường các tế bào bạch cầu thêm khỏe mạnh, đồng thời allicin còn giúp loại bỏ nicotine để thanh lọc máu và làm sạch hệ hô hấp.
Giảm huyết áp
Khi bạn nghiền và nhai tỏi sống sẽ tiết ra một enzyme gọi là alliinase, dẫn đến sự hình thành allicin, hoạt chất có khả năng làm giảm huyết áp tương tự như các loại thuốc chuyên dùng. Sử dụng tỏi mỗi ngày chính là một trong những phương thuốc chữa bệnh huyết áp cao đơn giản, hiệu quả nhất.
Tốt cho tim mạch
Khi cholesterol xấu tăng lên trong cơ thể, các chất béo lắng đọng trong mạch máu tăng lên, điều này có thể làm giảm lưu lượng máu và gây đột quỵ cho người bệnh. Tỏi có khả năng làm giảm cholesterol, nhờ vậy, thường xuyên ăn tỏi rất tốt cho tim mạch.
Tỏi còn có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp và giảm ngưng tập tiểu cầu ở người lớn, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.
Tỏi cũng có đặc tính chống đông, do đó làm giảm nguy cơ đau tim, xuất huyết não và các triệu chứng khác với hiệu quả rất tốt.
Giảm stress oxy hóa
Stress oxy hóa là tình trạng các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể bị mất cân bằng. Stress oxy hóa gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tăng huyết áp, bệnh tim, thoái hóa thần kinh hay ung thư,…
Việc sử dụng tỏi không những có thể giúp tăng enzyme chống oxy hóa ở người, mà còn giảm đáng kể stress oxy hóa ở những người có huyết áp cao.
Ngăn ngừa Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một nguyên nhân của chứng giảm trí nhớ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy.
Chất dinh dưỡng có trong tỏi giúp bảo vệ tế bào não chống lão hóa, làm giảm cholesterol, hạ huyết áp và có thể ngăn ngừa được các bệnh thần kinh liên quan đến tuổi tác như bệnh mất trí Alzheimer.
Chắc khỏe xương
Tỏi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng hữu ích cho hệ xương như kẽm, mangan, vitamin B6, vitamin C. Trong đó, lượng mangan cao, cùng với các enzyme và chất chống oxy hóa lại rất cần thiết cho sự hình thành xương, các mô liên kết, chuyển hóa xương và sự hấp thụ canxi.
Nhờ vậy, những bệnh nhân về xương khớp sẽ được cải thiện và giảm đau nhức rõ rệt nếu thường xuyên ăn tỏi sống. Đồng thời, ăn tỏi sống còn giúp tăng lượng nội tiết tố estrogen giúp làm chậm quá trình loãng xương ở phụ nữ.
Phòng bệnh ung thư
Trong một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn tỏi mỗi ngày sẽ giúp bạn có khả năng chống lại nhiều căn bệnh ung thư quái ác như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng nhờ các hợp chất allicin có trong tỏi.
Điều trị mụn trứng cá
Hợp chất hữu cơ allicin trong tỏi có khả năng cản trở sự hoạt động của các gốc tự do và tiêu diệt vi khuẩn. Ở dạng phân hủy, allicin chuyển hóa thành axit sulfenic, tạo phản ứng nhanh với các gốc tự do, giúp phòng ngừa sẹo mụn, các bệnh ngoài da và dị ứng.
Trị rụng tóc
Theo nghiên cứu năm 2007 trên tạp chí Da liễu Ấn Độ phát hiện một loại gel có chứa tỏi giúp điều trị hiệu quả bệnh rụng tóc và kích thích tóc mọc nhanh hơn.
Trị giun
Tỏi là vị thuốc trị giun đặc biệt, có tác dụng với tất cả các loại giun, kể cả giun đũa và đặc biệt là giun kim.
3. Ăn tỏi sống thế nào để đạt hiệu quả nhất?
Nhiều người cho rằng ăn càng nhiều tỏi sẽ tốt cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều tỏi, vì dễ kích thích trực tiếp, có thể gây viêm loét dạ dày, thiếu máu, hại đến gan và mắt.
Hơn nữa, chất allicin có trong tỏi có thể gây chứng tan máu. Những người mắc bệnh tim, huyết áp cao hay tiểu đường lại càng phải cẩn trọng khi dùng tỏi. Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày ăn khoảng 10g tỏi là tốt nhất để tỏi có thể phát huy công dụng trị bệnh hữu hiệu.
Ăn tỏi đúng cách là băm tỏi thật nhuyễn, đặt trong không khí 10-15 phút mới ăn hoặc chế biến. Vì trong tỏi không có allicin tự do, chỉ sau khi băm nhuyễn, dưới tác dụng của enzyme thì tỏi mới phóng thích ra chất allicin. Tỏi băm nhuyễn, dù nấu chín vẫn bảo tồn được 60% tác dụng dược lý.
4. Ăn tỏi thế nào để không bị hôi miệng
Tác dụng bảo vệ sức khỏe của tỏi mỗi người đều biết, trên thực tế có nhiều người không ăn tỏi, vì e rằng sau khi ăn tỏi sẽ hôi miệng, ảnh hưởng khi giao tiếp với người khác.
Thật ra, sau khi ăn tỏi bạn có thể loại bỏ mùi hôi khó chịu bằng các cách như sau:
- Trà xanh: Chỉ cần nhai một vài lá trà, nên nhai chậm cho đến khi nước bọt hóa giải lá chè rồi nuốt từ từ. Bạn cũng có thể uống nước chè đặc hoặc dùng nước trà súc miệng, giúp khử mùi hiệu quả sau khi ăn tỏi.
- Chanh: Ngậm một lát chanh cắt nhỏ trong miệng hoặc vắt một ít nước cốt chanh hòa với nước và súc miệng sau khi ăn.
- Cần tây: Tận dụng cần tây còn dư trong bếp để chữa hôi miệng bằng cách nhai sống 1-2 nhánh cần tây, mùi cần tây sẽ át mùi tỏi nhanh chóng.
- Sữa bò: Một nghiên cứu chỉ ra rằng uống 200ml sữa bò làm giảm 50% sự có mặt của ally methyl sulphide là hợp chất gây ra mùi hôi có trong miệng sau khi ăn tỏi. Vì thế có thể uống sữa bò sau khi ăn để chữa mùi hôi miệng.
- Nước muối: Pha một muỗng cà phê muối với một ly nước. Súc miệng bằng nước muối giúp khử rất nhanh mùi hôi khó chịu do tỏi gây ra.
- Cà phê đen không đường: Nhâm nhi với một ly cà phê đen không đường giúp giảm bớt mùi hôi sau khi ăn tỏi. Nếu không uống được cà phê đen bạn có thể dùng để súc miệng cũng rất công hiệu.
- Baking soda: Sử dụng một ít bột baking soda để đánh răng hoặc hòa tan với nước ấm để súc miệng sẽ đánh bay mùi hôi miệng của tỏi.
5. Mười một lưu ý cần tránh khi ăn tỏi
- Ăn tỏi quá nhiều sẽ khiến dạ dày dễ bị kích thích trực tiếp, đồng thời chất allicin trong tỏi có thể gây ra chứng loãng máu, do đó mỗi ngày bạn chỉ nên ăn 1-2 tép tỏi (10g) mà thôi.
- Bệnh nhân dùng các thuốc chống đông máu và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel thì không nên đồng thời dùng tỏi vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Nên tránh dùng các chế phẩm từ tỏi khoảng một tuần trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu kéo dài trong và sau phẫu thuật.
- Không nên ăn tỏi khi đói vì có thể gây ra cảm giác khó chịu như đầy chướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy và rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.
- Không nên đắp tỏi tươi vì có thể gây cảm giác rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước tại chỗ.
Phụ nữ khi cho con bú không nên sử dụng tỏi vì hoạt chất của tỏi có thể được tiết qua sữa mẹ và có thể làm cho trẻ sơ sinh bị đau bụng. - Người có bệnh liên quan tới mắt, thị lực yếu không nên ăn nhiều tỏi vì tỏi có thể kích thích mắt, dễ gây viêm bầu mắt, viêm kết mạc mắt.
- Không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy vì allicin trong tỏi sẽ kích thích thành ruột, dẫn tới phù nề, nghẽn mạch máu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Người có tiền sử mắc các bệnh về gan không nên ăn tỏi vì tỏi có tính nóng, vị cay, làm nóng gan, lâu dài sẽ gây tổn thương cho gan.
- Không ăn tỏi cùng các thực phẩm như thịt chó, thịt gà, trứng, cá trắm.
- Người thể trạng suy yếu không nên ăn nhiều tỏi vì ăn tỏi quá nhiều làm tiêu tan khí huyết, loãng khí, hao máu, sinh đờm, phát nhiệt