12 công dụng tuyệt vời của nước ép lựu

Nước ép lựu chứa hơn 100 chất phytochemical hay còn gọi là các hóa chất thực vật, những hóa chất tự nhiên tốt cho sức khỏe. Quả lựu đã được sử dụng để làm thuốc trong hàng ngàn năm.

Chất chống ôxy hóa

Đã từ rất lâu loài người đã biết đến những lợi ích của loại quả này với sức khỏe. Ngày nay nước ép lựu là một phần phổ biến của chế độ ăn uống lành mạnh.

Hạt lựu có màu đỏ rực rỡ là do polyphenol, một hợp chất chống ôxy hóa mạnh mẽ.

12 công dụng tuyệt vời của nước ép lựu - 1 Nước ép lựu có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư tiền liệt tuyến.

Nước ép lựu chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa cao hơn hầu hết các loại nước ép trái cây khác. Nó cũng có chất chống ôxy hóa cao gấp ba lần so với rượu vang đỏ và trà xanh. Các chất chống ôxy hóa trong nước ép lựu có thể giúp loại bỏ các gốc tự do, bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại và giảm tình trạng viêm.

Vitamin C

Nước ép của một quả lựu đã cung cấp hơn 40 phần trăm nhu cầu vitamin C hằng ngày. Vitamin C có thể bị phá vỡ khi được thanh trùng, vì vậy bạn hãy chọn nước ép lựu tự chế hoặc tươi để có được hầu hết các chất dinh dưỡng.

Phòng chống ung thư

Nước ép lựu gần đây đã gây tiếng vang khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nó có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư tiền liệt tuyến. Mặc dù có nhiều nghiên cứu về tác dụng của nước ép đối với ung thư tiền liệt tuyến, song các kết quả đưa ra mới chỉ là bước đầu.

Hiện chưa có nghiên cứu dài hạn trên con người để chứng minh rằng nước ép lựu giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên bạn vẫn nên thêm nó vào chế độ ăn uống hằng ngày.

Kìm hãm sự tiến triển của bệnh Alzheimer

Các chất chống ôxy hóa trong nước ép lựu và nồng độ cao của chúng được cho là giúp kìm hãm sự tiến triển của bệnh Alzheimer và bảo vệ trí nhớ.

Tốt cho tiêu hóa

Nước ép lựu có thể làm giảm tình trạng viêm trong ruột và cải thiện tiêu hóa. Nó có thể có lợi cho những người mắc bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và các bệnh viêm ruột khác.

Chống viêm

Nước ép lựu có tác dụng chống viêm mạnh vì giàu chất chống ôxy hóa. Nó có thể giúp giảm tình trạng viêm ở khắp cơ thể.

Giảm viêm khớp

Chất flavonol trong nước ép lựu có thể giúp ngăn chặn tình trạng viêm góp phần gây viêm xương khớp và tổn thương sụn. Nước trái cây đang được nghiên cứu về những tác dụng tiềm năng của nó đối với bệnh loãng xương, viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp khác.

Bệnh tim, huyết áp

Nước ép lựu được đánh giá là một trong những loại nước ép tốt nhất cho tim mạch. Nó có thể giúp bảo vệ tim và động mạch.

Các nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng nước ép lựu giúp cải thiện lưu lượng máu và giữ cho các động mạch không bị cứng và dày. Nó cũng có thể làm chậm sự phát triển của mảng bám và tích tụ cholesterol trong động mạch. Uống nước ép lựu hàng ngày cũng có thể giúp hạ huyết áp.

Nhưng lựu có thể phản ứng tiêu cực với thuốc huyết áp và cholesterol như statin. Vì thế, bạn hãy chắc chắn nói chuyện với bác sĩ trước khi thưởng thức loại nước ép tuyệt vời này.

Thuốc kháng virus

Lựu giàu vitamin C và các chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch khác như vitamin E. Vì thế, nước ép lựu có thể ngăn ngừa bệnh tật và chống nhiễm trùng. Lựu cũng đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Họ đang được nghiên cứu về tác dụng của chúng đối với các bệnh nhiễm trùng và virus thông thường.

Giàu vitamin

Ngoài vitamin C và vitamin E, nước ép lựu là nguồn cung cấp folate, kali và vitamin K dồi dào.

Cho dù bạn quyết định thêm nước ép lựu vào chế độ ăn uống hàng ngày hay chỉ thi thoảng thưởng thức thì cũng hãy đảm bảo đó là nước ép nguyên chất 100 phần trăm, không thêm đường.

Cải thiện trí nhớ

Theo một nghiên cứu gần đây, uống 237 ml nước ép lựu mỗi ngày trong 4 tuần có thể cải thiện việc học tập và trí nhớ.

Bệnh tiểu đường

Trong y học cổ truyền, lựu được sử dụng như một phương thuốc trong bệnh đái tháo đường ở Trung Đông và Ấn Độ. Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về tác dụng của lựu đối với bệnh đái tháo đường, nhưng nó có thể giúp giảm kháng insulin và hạ đường huyết.

Nam Phương (theo Medical News Today)

Rate this post

Viết một bình luận