Sinh nhật 1 tuổi đánh dấu một mốc hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Đặc biệt đối với việc ăn dặm thì đây thực sự là một ngày đáng mong đợi. Từ 1 tuổi, bé có thể ăn tất cả mọi thứ, không cần kiêng khem gì, nào mật ong, nào bánh mứt, kem chè, nào hải sản các kiểu, nào lạc vừng, nào trứng nguyên quả…Những thứ mà trước đây mẹ cẩn thận không cho bé ăn. Chả thế mà trong sinh nhật đầu tiên ở phương Tây, chúng ta thường thấy hình ảnh các em nhỏ ôm một cái bánh gatô hoặc cup cake thật to gặm ngấu nghiến, lem nhem mặt mũi, áo quần. Điều này cực kỳ hấp dẫn với chúng vì lần đầu tiên bé được ăn bánh ngọt mà!
Tất nhiên dù 1 tuổi là một dấu mốc thì sự thay đổi không phải ngày một, ngày hai. Mẹ vẫn phải chú ý các điều sau:
– Giới thiệu từng thứ một trong 1-2 ngày để phát hiện dị ứng nếu có;
– Tránh tối đa có thể các chất muối, đường, gia vị, chất béo động vật hoặc các loại chất béo chưa bão hòa, dầu cọ, dầu dừa…
– Ưu tiên thức ăn tươi tự chế biến, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
– Chú ý vấn đề an toàn khi cho con ăn: tránh các loại thức ăn nhỏ và cứng như các loại hạt lạc, đậu, các loại quả to phải bỏ hạt, thái lát mỏng hoặc thái que, các loại quả nhỏ như dâu, nho phải cắt làm 4…
Ngoài các vấn đề trên thì giai đoạn 1-2 tuổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ. Các vấn đề thường thấy như trẻ chỉ ăn món này mà không ăn món khác, thích thịt hơn rau, không ăn trái cây nguyên miếng, không ăn hành mùi, vừa ăn vừa xem TV, không biết tự xúc cơm … đều do bố mẹ không tập vào giai đoạn này. Đây là lúc trẻ dễ dàng tiếp nhận các món mới nhất, khẩu vị vẫn còn thay đổi, các thói quen ăn uống cũng bắt đầu từ đây. Vì thế, việc tạo một thói quen ăn uống lành mạnh chính là mục tiêu số 1 trong giai đoạn này, chứ không còn là ăn nhiều hay ít nữa. Thói quen ăn tốt sẽ theo bé cả đời, vô cùng có lợi cho sức khỏe của bé về sau lẫn khả năng thích nghi và tận hưởng cuộc sống.
Vậy thế nào là thói quen ăn uống lành mạnh:
– Ăn đầy đủ 5 nhóm thực phẩm (đường bột, đạm, rau quả, dầu mỡ và các sản phẩm sữa) một cách đa dạng nhất có thể, không kiêng khem, không thiên vị nhóm nào, món nào. Sẽ có những món bé thích hơn và những món bé không thích. Tuy nhiên, không cho bé ăn quá nhiều món bé thích và thử chế biến các cách khác nhau món bé ít thích. Mục đích là giúp bé mở rộng danh mục các thứ có thể ăn và tận dụng đối đa chất dinh dưỡng trong tất cả các loại thực phẩm.
– Hạn chế các thức ăn đã nêu ở phần trên
– Tập thói quen ăn đúng giờ, chỉ ăn khi đến bữa, tuyệt đối tránh ăn vặt. Ngoài 3 bữa chính ra bé có 2 bữa phụ lúc 10h sáng và 4h chiều để nạp thêm năng lượng. Tuyệt đối tránh những thứ nghèo dinh dưỡng, nhiều năng lượng rỗng như bánh kẹo, chè, nước ngọt … Ưu tiên các trái cây, phomát, sữa chua, bánh mỳ bơ, bánh gatô ít ngọt (muffin, cup cake …).
– Khi ăn ngồi vào bàn đàng hoàng, tự xúc ăn, tuyệt đối không xem TV, ko chơi. Cái này phải thành nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu đã có thói quen xem TV hoặc đi rong thì phải “cai” từ từ. Mẹ không quá nóng vội, cũng không mủi lòng nếu con gào khóc, phải bình tĩnh đánh lạc hướng ban đầu bằng cách đưa cho nó một thứ đồ chơi, một quyển truyện nho nhỏ chẳng hạn để con chịu ngồi yên. Bước tiếp theo từ từ rút ngắn thời gian chơi/xem truyện, đồ chơi lại, thay vào đó kể các chuyện con thích như truyện cổ tích, chuyện con vật, chuyện các món ăn, đi công viên, trò chơi, chuyện trường lớp … tùy theo sở thích của bé. Mục tiêu cuối cùng là giúp con hiểu giờ ăn là để ăn (bao gồm sử dụng thìa, bát, dĩa, cốc; sử dụng tay; để đưa thức ăn vào miệng; biết nhai khi cần; biết cảm nhận các mùi vị khác nhau; nhận biết được các loại thức ăn cơ bản). Ngoài việc ăn ra thì trong giờ ăn được phép nói chuyện với các thành viên trong gia đình, ngoài ra không được có hoạt động nào khác.
Để bé học được thói quen tốt khi ăn, mẹ cần chú ý:
– Cố gắng cho trẻ hòa nhập với bữa ăn của cả nhà: ăn cùng giờ, ngồi cùng bàn, nếm thử các món của mọi người, khuyến khích trẻ bắt chước người lớn tự xúc ăn. Như vậy trẻ sẽ học được nhiều thứ, sẽ cảm thấy bữa ăn là lúc mọi người đều vui vẻ, chia sẻ và quan tâm đến nhau.
– Thức ăn làm riêng cho trẻ cần chú ý đến hình dáng, màu sắc. Tuổi này trẻ “ăn bằng mắt” mà!
– Cho từng chút thức ăn một trong đĩa/bát của bé, không cho nhiều một lúc sẽ làm bé ngại ăn, cũng là dạy cho bé biết kiểm soát lượng thức ăn đưa vào, biết lúc nào là đủ.
– Không chê bai nếu trẻ làm rơi vãi thức ăn, không giục giã hay thúc ép bé ăn hết thức ăn. Cứ để bé ăn theo kiểu của mình, với nhu cầu của mình. Việc tập cho bé tự xúc ăn là cả một quá trình dài. Thời gian đầu, khoảng 1 tuổi thì mẹ một thìa, bé một thìa. Bé xúc bằng thìa, bé bốc bằng tay, bé làm rơi vãi … Mẹ xúc cho bé bằng thìa còn lại và nhẹ nhàng trò chuyện với con. Dần dần đến khoảng 18 tháng bé sẽ không muốn mẹ giúp nữa mà thích tự làm tất cả. Mọi người hãy để con tập, chỉ giúp nếu bé đồng ý. Đừng bao giờ lo con ăn thiếu. Cơ thể nó luôn biết tự điều chỉnh, nếu ăn ít trong bữa chính bé sẽ tự động ăn nhiều và bữa phụ, hay ăn thêm các món tráng miệng.
Cuối cùng, một vấn đề làm đau đầu không ít bà mẹ, đó là một lúc nào đó trong khoảng 1-2 tuổi có thể bé sẽ đột ngột biếng ăn. Đây thực ra là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của cơ thể, mục đích để điều chỉnh lượng thức ăn nạp vào cho hợp với nhu cầu năng lượng hiện tại. Nếu như dưới 1 tuổi bé lớn rất nhanh, cân nặng và chiều cao tăng vọt mỗi tháng thì từ sau 1 tuổi bé lớn chậm lại. Nếu để ý sẽ thấy lượng bé ăn lúc 8 tháng và 12 tháng khác nhau một trời một vực thì lượng bé ăn lúc 12 tháng và 18 tháng không khác nhau là bao. Một lý do nữa của việc bỏ ăn là tâm lý muốn tự khẳng định mình, muốn tự quyết định mọi thứ. Có trẻ còn bỏ ăn hoặc ăn rất ít trong vài ba ngày liên tục.
Nói chung đây là thay đổi hoàn toàn bình thường và phù hợp với tự nhiên, không có gì phải lo lắng nếu bé vẫn vui vẻ, khỏe khoắn và phát triển bình thường. Mẹ không nên căng thẳng, hãy cho bé ăn thêm nhiều bữa phụ, tập trung vào các thứ nhiều dinh dưỡng như chuối, bánh mỳ, sữa, phomát… Từ từ bé sẽ thiết lập lại nhịp độ ăn theo nhu cầu. Ngược lại nếu bỏ ăn đi kèm với mệt mỏi, bỏ chơi, hay ốm vặt hoặc bé quá nhẹ cân so với TB lứa tuổi thì mẹ cần cho bé đi khám.
1. Thức ăn
Ngũ cốc (cereal)
Các loại ngũ cốc ăn liền
Ngũ cốc hạt nhiều mùi vị dành cho trẻ em (vd: Cherios)
Ngũ cốc dạng thanh, bánh dành cho trẻ em (vd: Heinz)
Các loại bánh ngọt (muffin, bagel, pancake, waffle, bánh gatô)
Bánh mỳ nướng ăn kèm bơ, phomát, mứt dâu, nutella…
Rau củ quả
Các loại nấm
Dưa chuột
Xà lách
Đậu Hà Lan dẹt (snow peas)
Tất cả các loại rau, quả gọt vỏ, bỏ hạt, thái nhỏ
Các loại nước trái cây không đường Tất cả các loại cá, hải sản tươi/ đông lạnh/ đóng hộp; giả cua (surimi)
Thịt cá
Các loại xúc xích, thịt hun khói (loại nạc, ít muối, phải làm nóng trước khi ăn)
Trứng nguyên quả
Các loại hạt như vừng, lạc, hạnh nhân … (nghiền nhỏ trong thức ăn hoặc dưới dạng bơ, vd: bơ lạc) Tất cả các loại phomát làm từ sữa tiệt trùng
Sản phẩm sữa
Các loại sữa chua hoa quả
Phomát tươi vị hoa quả (minigo, petit danimal…)
Các loại kem
Các loại bánh pudding (rice, milk…)
Các loại chè
Một số lưu ý về các loại thức ăn cho bé ở tuổi này:
– Ngũ cốc (cereal):
Như đã phân tích kỹ ở các bài trước, người Việt nói riêng và người châu Á nói chung có thói quen ăn gạo trắng xát kỹ là chính, dù là cơm, cháo hay bún phở… Tuy nhiên, gạo kiểu này thực ra chỉ có chủ yếu chất bột đường (năng lượng), còn lại rất nghèo vi chất dinh dưỡng (vitamin) do đã bị xay xát quá kỹ. Thêm vào đó, người Việt có thói quen ăn quá nhiều tinh bột, dẫn đến trẻ em béo phì nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng.
Về nguyên tắc, cần ăn đa dạng các loại ngũ cốc khác nhau ngoài gạo. Lưu ý là các loại ngũ cốc nguyên cám (whole grain), ít qua chế biến, không đường và các loại được bổ sung thêm vitamin, đặc biệt là sắt và vitamin A,B, là tốt nhất cho sức khỏe. Vì vậy, nên cố gắng cho con ăn các loại bánh mỳ, mỳ spaghetti, bột ngũ cốc các loại ăn liền. Ở nước ngoài có thể tìm mua couscous, pita, chapatti, craquelins … Nếu bé ăn được loại nguyên cám thì càng tốt, tuy nhiên loại này thường hơi cứng khó ăn nên phải làm quen từ từ. Vấn đề ưu tiên số 1 là không ăn ngày 3 bữa gạo (vd: sáng bún, trưa cháo, chiều cơm) mà nên luân phiên thay đổi. Cố gắng ăn ngày 3 thứ ngũ cốc khác nhau (vd: sáng cereal, trưa mỳ Ý, chiều cháo).
Các loại bánh ít ngọt, bánh mỳ, cereal thanh rất thích hợp cho bữa xế, ăn cùng sữa và trái cây.
– Rau củ quả:
Tuổi này bé ăn được tất cả các loại rau củ quả còn lại. Nên chọn rau củ quả theo nhóm 3 màu sau: đỏ, cam và xanh, màu càng đậm rau càng nhiều dinh dưỡng. Các loại rau củ nên hấp chín mềm, cắt miếng dài cho bé bốc ăn. Có thể làm thêm các loại sốt để chấm rau (HA sẽ nói kỹ ở phần các món ăn). Gần 2 tuổi, bé có thể ăn một số loại rau không nấu chín như cà chua, dưa chuột, nấm, quả bơ … gọt vỏ, bỏ hạt và thái mỏng. Riêng xà lách, nhất là ở VN cần cẩn thận vấn đề an toàn. Hơn nữa, trẻ con ít thích ăn nên món này thường bị loại khỏi thực đơn. Trong khi đó, khoai tây vừa được coi là rau vừa được coi là tinh bột, rất tốt cho trẻ.
Các loại quả nên làm 2 kiểu, một là hấp sơ và xay nhuyễn như khi còn nhỏ để đông lạnh, khi cần bổ sung nhiều và nhanh sẽ cho bé ăn. Mặt khác, cắt nhỏ các loại quả chín mềm như chuối, bơ, dưa hấu, xoài, đu đủ, cam quýt cho bé tập bốc ăn. Cac loại quả cứng như táo, lê, đào sau 18 tháng mới nên cho bé ăn tươi, nhớ phải thái mỏng không bé dễ hóc. Riêng các quả nho như dâu, nho, anh đào luôn luôn cắt làm 4 nếu bé dưới 4 tuổi, không cho ăn nguyên quả vì dễ hóc, nghẹn nguy hiểm.
Nước trái cây không nên uống nhiều (max 150 ml/ngày), nếu uống thì nên dùng loại không đường và phải pha loãng với nước lọc để tránh sâu răng.
– Thịt cá:
Sau 1 tuổi, nguy cơ dị ứng giảm rất nhiều, hệ tiêu hóa cũng trửơng thành hơn nên bé được ăn tất cả các loại cá và hải sản (cua, mực, nghêu, sò, ốc, hến …). Chỉ có vài điều sau cần lưu ý:
+ Luôn ăn thức ăn nấu chín kỹ;
+ Không ăn quá nhiều hải sản vì chúng không phải thực phẩm giàu dinh dưỡng, không dễ tiêu hóa và đặc biệt rất hay bị nhiễm độc (kháng sinh, hóa chất, chất thải) do môi trường sông ngòi bị ô nhiễm. Các loại cá biển (thu, chim, nục, mập …) còn chứa nhiều thuỷ ngân không tốt cho não trẻ. Ở các nước tiên tiến, môi trường đỡ ô nhiễm hơn VN, cá tôm được nuôi riêng biệt, xét nghiệm thành phần, kiểm tra chất lượng thường xuyên mà người ta vẫn khuyên chỉ ăn tối đa 2 bữa cá/tuần mà thôi. Ưu tiên cho trẻ ăn cá hồi vì loại này giàu omega rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ.
Tương tự, gan và các loại phủ tạng như tim, cật cũng không nên cho con ăn thường xuyên vì độ đạm cao, khó tiêu, nhiều vitamin A.
Sau 1 tuổi bé được ăn trứng cả quả. Có thể rán, luộc, hấp, bác, nấu súp, làm bánh … cho trẻ ăn.
Các loại xúc xích, thịt hun khói tuổi này cũng bắt đầu ăn được, tuy nhiên phải lưu ý đọc nhãn mác để chọn được loại nạc, ít muối, ít gia vị. Đặc biệt, thịt hun khói không phải thực phẩm chín kỹ, rất hay chứa vi khuẩn salmonella gây ngộ độc, tiêu chảy. Vì thế, nên làm nóng bằng lò vi sóng hoặc rán sơ trước khi cho bé ăn.
Sau 1 tuổi, bé được ăn lòng trắng trứng gà, tức là có thể cho bé ăn trứng nguyên quả. Tuy nhiên, luôn luôn ăn trứng chín kỹ, không ăn lòng đào, ốp lếp, vì lý do nhiễm khuẩn nêu trên. Một tuần bé có thể ăn đến 3 quả không có vấn đề gì. Đây là loại thực phẩm tự nhiên hoàn hảo, cân đối nhất về mặt dinh dưỡng, lại rẻ tiền và dễ chế biến, ăn được cả trong bữa chính lẫn bữa phụ. Mọi người nên cho bé ăn thường xuyên.
Các loại hạt như vừng, lạc, hạnh nhân cần nghiền nhỏ hoặc nấu trong thức ăn, không ăn nguyên hạt để tránh bị hóc. Đặc biệt bơ lạc là một loại thức ăn rất bổ dưỡng, nhất là với các bé nhẹ cân, cùng với trứng, quả bơ, chuối và các sản phẩm sữa.
– Sữa và các sản phẩm sữa:
Dù ở lứa tuổi nào thì sữa vẫn nên là thứ không thể thiếu mỗi ngày. Sữa nhiều đạm, canxi, vitamin D, rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Bản thân HA từ khi sinh ra đến giờ, chưa ngày nào không uống sữa và cảm thấy việc uống sữa rất có lợi cho sức khỏe. Đối với trẻ con thì càng lớn, khi đã ăn được mọi thứ một cách đa dạng, tất nhiên sữa không còn đóng vai trò thiết yếu như khi mới sinh ra. Tuy nhiên, nên cố gắng duy trì cho con ít nhất 500ml sữa mỗi ngày và không được quá 900ml để tránh việc bé bỏ ăn. Nếu bé còn bú mẹ thì rất tuyệt. Nếu không có thể cho bé uống sữa tươi loại có bổ sung vitamin A,D, không đường và nhiều chất béo (3,25%) cho đến 2 tuổi. (Sau 2 tuổi bắt đầu phải để ý đến lượng và loại chất béo nạp vào cơ thể trẻ, dầu thay cho bơ động vật, sữa 2% chất béo …). Nếu trẻ không thích sữa không đường thì có thể cho một chút bột cacao/socola để tạo mùi vị, song không nên lạm dụng vì các thứ này thường rất ngọt.
Tiếp tục cho con ăn các loại phomát, sữa chua (xem lại bài trước để biết thêm chi tiết).
Các món tráng miệng từ sữa như kem, chè sữa ít ngọt (tapioca, pouding au lait, pouding au riz…) cũng là thứ giàu dinh dưỡng.
Lưu ý: Trẻ con rất hảo ngọt, song đồ ngọt nói chung, nhất là các loại bánh kẹo, chè cháo không làm từ sữa không có lợi cho sức khỏe vì nó là năng lượng rỗng, nghèo dinh dưỡng, gây ngang bụng chán ăn và sâu răng. Mọi người cần hạn chế tối đa việc cho con ăn các thứ này.
Tiếp theo: Khẩu phần, thực đơn mẫu và các chế biến các món ăn cho trẻ 1-2 tuổi
Share this:
Like this:
Like
Loading…