15 Địa Điểm Du Lịch Hà Nội Chuẩn Không Cần Chỉnh – Klook Blog

Câu hỏi “Hà Nội có gì chơi” sẽ chẳng còn khiến #teamKlook phải đau đầu nữa. Dưới đây là danh sách các địa điểm du lịch Hà Nội kinh điển – bạn ắt hẳn phải check-in khi vi vu thành phố thủ đô. Cùng khám phá ngay và luôn nhé. 

Đặc điểm nào của

thủ đô Hà Nội

để lại trong bạn ấn tượng sâu sắc nhất? Đó là gánh hàng rong chở đầy cúc hoạ mi trên đường Phan Đình Phùng vào một chiều đầu đông, hương hoa sữa nồng nàn khiến người ta “nửa thương nửa ghét” hay khung cảnh náo nhiệt cạnh bờ

hồ Hoàn Kiếm

Hà Nội – sở hữu nét đẹp đa diện, dung hoà giữa hiện đại và truyền thống – chưa từng khiến du khách cảm thấy nhàm chán. Sau mỗi hành trình ở thủ đô, dù là lần đầu tiên vi vu hay đã “quen mặt” với mọi ngóc ngách, #teamKlook đều góp nhặt được đa dạng trải nghiệm vui chơi, giải trí, khám phá thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, ẩm thực…; mà mỗi kỷ niệm đều rất đỗi đặc trưng và khó quên. Nếu vẫn chưa biết phải bắt đầu khám phá Hà Nội từ đâu thì hãy để Klook Vietnam mách bạn các địa điểm du lịch “chuẩn không cần chỉnh” ở Hà Nội nhé.

1. Văn Miếu – Quốc Tử Giám

  • Địa chỉ: 58, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội

dia-diem-du-lich-ha-noi

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của Việt Nam, bao gồm khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hồ Văn và vườn Giám. Được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông (khoảng năm 1070), Văn Miếu là nơi thờ Chu Công, Khổng Tử và Tứ Phối. Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên tại Việt Nam – được vua Lý Nhân Tông cho thành lập thêm vào năm 1076. Toạ lạc ở phía Nam Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là địa điểm lui tới thường xuyên của giới sinh viên, học sinh Hà Thành, nhằm cầu nguyện điều may mắn trên con đường khoa cử. Nếu muốn tìm hiểu về một Đại Việt nghìn năm văn hiến và mục sở thị kiến trúc đặc trưng của thời đầu nhà Nguyễn, bạn nhất định không được “lỡ hẹn” với địa điểm du lịch Hà Nội này đâu đấy. 

Xem thêm chi tiết về

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

ở bài viết dưới đây nhé!

2. Khuê Văn Các 

Khuê Văn Các

Nguồn ảnh: Wikipedia

Nằm trong Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805, bởi Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn đương thời. Đây là một lầu vuông tám mái, cao gần chín thước, bao gồm bốn mái hạ và bốn mái thượng. Gác Văn Khuê – có nghĩa là “vẻ đẹp của sao Khuê” – dựng trên một nền vuông cao lát gạch Bát Tràng, sở hữu kiến trúc rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mặt trụ có chạm trổ hoa văn sắc sảo. Tầng trên là gỗ sơn son thếp vàng. Phần mái lợp (góc mái và bờ nóc) làm bằng chất liệu vôi cát hoặc đất nung có độ bền cao. 

Thuở xa xưa, Khuê Văn Các là nơi họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Gác tuy nhỏ nhưng có diện mạo hài hoà, nằm cạnh giếng Thiên Quang trong veo và những cây cổ thụ xanh tốt.

3. Nhà Thờ Lớn Hà Nội

  • Địa chỉ: 40 Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Giờ mở cửa: 08:00–11:00, 14:00–17:00, từ Thứ Hai đến Thứ Bảy | 07:00–10:30, 15:00–21:00, Chủ Nhật. 

Nhà Thờ Lớn Hà Nội

Chẳng biết từ bao giờ, Nhà Thờ Lớn Hà Nội đã trở thành địa điểm “sống ảo” quen thuộc của #teamKlook khi đi du lịch thủ đô. Nằm giữa điểm giao thoa của phố Nhà Thờ, phố Nhà Chung và phố Lý Quốc Sư, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tạo điểm nhấn khác biệt bởi lối kiến trúc Gothic cổ điển pha lẫn phong cách Đông Dương lãng mạn. Ít người biết rằng đây là nhà thờ Thiên Chúa Giáo lâu đời bậc nhất kiêm công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên ở Hà Nội. Nhờ vào vị trí thuận lợi, sát cạnh nhiều địa điểm ăn uống, giải trí nên Nhà Thờ Lớn Hà Nội thu hút đông đảo du khách lẫn người dân địa phương ghé thăm mỗi ngày. Bạn có thể đến đây chụp ảnh check-in rồi thoả thích ăn vặt và thưởng thức cốc “trà chanh nhà thờ” trứ danh đấy.

4. Nhà Hát Lớn Hà Nội

  • Địa chỉ: 01 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Giá vé tham khảo: từ 120.000đ đến 400.000đ 

Nhà Hát Lớn Hà Nội được người Pháp khởi công xây dựng theo hình mẫu ban đầu là Nhà Hát Opéra Garnier ở Paris nhưng với quy mô nhỏ hơn. Với “tuổi đời” hơn 100 năm (từ 1911 đến nay), Nhà Hát Lớn Hà Nội đã trở thành “gương mặt đại diện” cho nét đẹp thành phố. Du khách có thể kết hợp tham quan kiến trúc Nhà Hát Lớn Hà Nội và xem các buổi trình diễn nghệ thuật đặc sắc. Xung quanh quảng trường Nhà Hát Lớn quy tụ nhiều địa điểm ăn uống, tham quan, vui chơi và giải trí đặc sắc. Rất đáng để #teamKlook ghé thăm đấy. 

Hãy xem thêm chi tiết về

Nhà Hát Lớn Hà Nội

ở bài viết dưới đây nhé!

5. Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam

  • Địa chỉ: Đ. Nguyễn Văn Huyên, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội 

  • Giờ mở cửa: 08:30–17:30, Thứ Ba – Chủ Nhật | Thứ Hai nghỉ

Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam

Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam – thành lập vào năm 1981 tại Hà Nội – được miêu tả như bức tranh sinh động về văn hoá và lịch sử của 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Với tổng diện tích 3.27 héc-ta, công trình kiến trúc này là “đứa con tinh thần” của kiến trúc sư người Pháp Veronique Dollfus (chuyên về nội thất) và kiến trúc sư Hà Đức Linh. Có ba khu vực chính tại Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam: khu trưng bày ngoài trời, toà nhà Trống Đồng và khu trưng bày Đông Nam Á. Đến đây, du khách có thể mục sở thị các hiện vật hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi như vũ khí, trang phục, nhạc cụ, y phục,… cũng như biết thêm thông tin thú vị về đời sống tinh thần của người Việt Nam cổ xưa – từ đó, thấu hiểu màu sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

6. Hồ Hoàn Kiếm

 Hồ Hoàn Kiếm

Có thể #teamKlook chưa biết: bên cạnh cái tên Hồ Gươm – gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ hoàn trả kiếm thần cho rùa thần –

Hồ Hoàn Kiếm

từng được gọi là Hồ Lục Thuỷ bởi mặt nước quanh năm trong xanh. Đây là điểm xuất phát lý tưởng nếu bạn muốn khám phá những khu phố cổ nổi tiếng Hà Thành, đơn cử như Lương Văn Can, Hàng Ngang, Hàng Đào, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Hàng Bài… Một vài địa điểm tham quan mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Hồ Hoàn Kiếm là Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Đền Thờ Vua Lê, Đền Bà Kiệu…

Dù là sáng sớm tinh mơ hay đã về đêm muộn, Hồ Hoàn Kiếm đều có sức sống rất riêng. Đông đảo người dân địa phương và khách du lịch đến đây để tập thể dục, tản bộ ngắm cảnh, tham quan di tích lịch sử, ăn uống, mua sắm. Vào dịp cuối tuần, khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm còn diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, trình diễn nghệ thuật đặc sắc. Nếu muốn cảm nhận năng lượng trẻ của Hà Nội, bạn nhất định phải đến Hồ Hoàn Kiếm đấy. 

7. Hồ Tây

Hồ Tây

Nguồn ảnh: datvietvnn

Hồ Tây có mặt từ thời vua Hùng, nằm ở quận Tây Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội – có chu vi khoảng 14,8 km và diện tích hơn 500 héc-ta. Hồ nước nổi tiếng kiều diễm này có sở hữu một vài tên gọi thú vị khác là Hồ Kim Ngưu, Dâm Đàm, Lãng Bạc, Đoài Hồ hay Đầm Xác Cáo. Theo nhiều chuyên gia địa chất, Hồ Tây vốn là một đoạn của sông Hồng, ngưng đọng do sông đổi dòng chảy nên tạo thành hồ nước ngọt tự nhiên. Một đặc điểm làm nên nét đẹp đặc trưng của Hồ Tây chính là màu sắc nước thay đổi theo khí hậu và thời điểm trong ngày – đảm bảo mang đến cho bạn trải nghiệm cực “mãn nhãn”. 

Có lẽ phải mất hơn một ngày để #teamKlook trải nghiệm hết các hoạt động du lịch nổi bậc ở gần Hồ Tây. Kể “sương sương” thôi thì đã có chèo SUP, đi Công Viên Nước Hồ Tây, chụp ảnh ở Thung Lũng Hoa Hồ Tây hay “du ngoạn âm nhạc” trên Phố Đi Bộ Trịnh Công Sơn. Khám phá về

Hồ Tây, Hà Nội

ở bài viết dưới đây nhé!

8. Bãi Đá Sông Hồng

Bãi Đá Sông Hồng

Nguồn ảnh: baogialai

Bạn yêu thích nhiếp ảnh? Bạn đang tìm kiếm địa điểm chụp ảnh “không đụng hàng” ở Hà Nội? Vậy thì Bãi Đá Sông Hồng là điểm đến lý tưởng tiếp theo cho hành trình vi vu của bạn. Nằm ở Ngõ 264, Âu Cơ, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội, Bãi Đá Sông Hồng sở hữu hẳn một vườn hoa ven sông rộng lớn được bố trí thành nhiều tiểu cảnh bắt mắt. Tại đây, #teamKlook dễ dàng tìm thấy bụi cỏ lau cao quá đầu người hay những loài hoa nhiệt đới rực rỡ sắc màu như thạch thảo tím, tam giác mạch, cúc hoạ mi… Thoả thích trổ tài “chụp choẹt” và làm mới Instagram của bạn nhé.

9. Quảng Trường Ba Đình – Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh 

  • Địa chỉ: Hùng Vương, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội

  • Giờ mở cửa: 5h00 – 22h00

Quảng Trường Ba Đình - Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh 

Quảng Trường Ba Đình – toạ lạc trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình – là quảng trường lớn và mang ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất Việt Nam. Đây là nơi Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tại Quảng Trường Ba Đình, vào những ngày lễ lớn, thường diễn ra các buổi diễu hành long trọng. Với chiều rộng 100m, chiều dài 320m, đây cũng là địa điểm vui chơi, tản bộ hóng mát, tham quan quen thuộc của người dân bản địa và du khách. 

Đến Quảng Trường Ba Đình, #teamKlook nhất định phải dành thời gian tham quan

Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh

. Chẳng những sở hữu kiến trúc kiên cố và độc đáo, công trình này còn lưu giữ tài sản tinh thần vô giá về vị “cha già dân tộc” Hồ Chí Minh và tình yêu của Người dành cho đất nước Việt Nam độc lập tự do.

10. Hồ Trúc Bạch

Hồ Trúc Bạch

Nguồn ảnh: dantri

Bên cạnh Hồ Gươm, Hồ Tây – vốn dĩ đã quá nổi tiếng – thì ở Hà Nội vẫn còn nhiều hồ đẹp khác; đơn cử như Hồ Trúc Bạch, toạ lạc phía Đông Bắc quận Ba Đình. Đây vốn dĩ là một phần của Hồ Tây, được dân làng Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) và Yên Hoa (nay là Yên Phụ) ngăn dòng để nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Vi vu Hồ Trúc Bạch, bạn có thể kết hợp tham quan nhiều di tích lịch sử đáng chú ý như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, đền Trung Tiên, chùa Châu Long, chùa Ngũ Xã… Mặc dù các làng cổ ở khu vực này đã bị thay thế bằng khu dân cư mới và công trình kiến trúc hiện đại, tản bộ quanh Hồ Trúc Bạch vẫn mang đến cảm giác an yên khó có thể miêu tả thành lời. 

11. Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam 

  • Địa chỉ: 66 Nguyễn Thái Học, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội

  • Giờ mở cửa: 8h30 – 17h00, Thứ Ba – Chủ Nhật | Thứ Hai nghỉ

Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam 

Nguồn ảnh: Wikipedia

Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam có tổng diện tích 4200m2, ra đời vào những năm 30 của thế kỷ 20. Đây là “nhà chung” của trên dưới 20.000 hiện vật từ các bộ sưu tập theo chủ đề Hội Hoạ, Điêu Khắc, Mỹ Thuật Truyền Thống, Gốm và Mỹ Thuật Nước Ngoài – với 2.200 hiện vật được thường xuyên trưng bày. Chỉ tính riêng chủ đề Mỹ Thuật Việt Nam (từ thời kỳ tiền sử đến hiện đại) , Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam đã và đang lưu giữ hơn 18.000 hiện vật. 

Kiến trúc Tây Phương độc đáo kết hợp với dáng dấp đình làng Việt Nam cũng là điểm cộng, biến nơi đây thành địa điểm check-in đầy thu hút đối với giới trẻ Hà Thành. Mời bạn đến Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam để chiêm ngưỡng di sản văn hóa nghệ thuật đầy sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

12. Làng Gốm Bát Tràng

Làng Gốm Bát Tràng

Dù có yêu thích nghệ thuật làm gốm cổ truyền hay không, bạn ắt hẳn đã nghe danh Làng Gốm Bát Tràng. Nằm ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, Làng Gốm Bát Tràng đã có hơn 500 năm tồn tại và phát triển, là “đầu não” sản xuất gốm sứ với những đơn vị nhỏ theo hộ gia đình bên cạnh các công ty quy mô lớn. Theo dòng thời gian, Làng Gốm Bát Tràng vẫn lưu giữ được giá trị nghệ thuật và nét văn hóa truyền thống đáng quý được đặt vào từng sản phẩm. Điều thú vị nhất khi du lịch

Làng Gốm Bát Tràng

là bạn sẽ được mục sở thị quy trình chế tạo gốm hết sức tỉ mỉ từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Đừng quên mang về nhà vài món đồ dùng, vật dụng trang trí… làm kỷ niệm nhé.

13. Chùa Một Cột

Chùa Một Cột

Kiến trúc “một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất” là ấn tượng đầu tiên khi nói đến Chùa Một Cột. Được xây dựng vào năm 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông và mất hơn 50 năm để hoàn thành (năm 1105), Chùa Một Cột mang theo ý nghĩa “phúc lành dài lâu”. Ngôi chùa này còn được biết đến với tên gọi Chùa Mật, Nhất Trụ Tháp, Liên Hoa Đài hoặc Diên Hựu Tự. Qua nhiều lần tu sửa, Chùa Một Cột hiện nay là thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ra đời vào năm 1955, lấy cảm hứng từ kiến trúc thời Nguyễn.

14. Khu Di Tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Khu Di Tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Nguồn ảnh: Wikipedia

Dù Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tấm gương về cuộc đời cần – kiệm – liêm – chính và lòng yêu nước của người luôn luôn sáng tỏ. Nếu là người đam mê khám phá lịch sử, xin mời bạn ghé thăm Khu Di Tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh (hay Khu Di Tích Phủ Chủ Tịch). Đây là nơi Bác sinh sống và làm việc từ 19/12/1954 đến 02/09/1969) – được xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Khu Di Tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh rộng hơn 14 hécta, bao gồm 16 công trình với lịch sử từ 40 năm đến hơn 100 năm “tuổi đời”. Nổi bậc nhất có thể kể đến là khu vực Nhà Sàn Bác Hồ, Nhà 54, Nhà 67, Giàn Hoa Phủ Chủ Tịch, Nhà Thủ Tướng, Nhà Ký Sắc Lệnh, Áo Cá Bác Hồ, Đường Xoài… #teamKlook chắc chắn sẽ cảm nhận được “cuộc đời cách mạng thật là sang” khi đến với địa điểm du lịch Hà Nội này đấy.

15. Cầu Long Biên

Cầu Long Biên

Nguồn ảnh: NLD

Có thể bạn chưa biết: Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc ngang sông Hồng, được xây dựng trong giai đoạn 1898 đến 1902. Thuở ban đầu, cầu có tên gọi Doumer, được người Pháp xây dựng với kỳ vọng sẽ trở thành công cụ phục vụ khai thác thuộc địa đắc lực tại Đông Dương và Việt Nam. Là công trình của công ty Daydé & Pillé (Paris, Pháp), Cầu Long Biên từng được biết đến như công trình xây dựng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khoa học xây dựng tiên tiến nên đảm bảo được cả yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật. Ngày nay, chiếc cầu “chứng nhân lịch sử này” nối liền quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm của Hà Nội, là toạ độ sống ảo đầy cảm xúc dành cho #teamKook bốn phương. 

Đọc thêm về

Cầu Long Biên

ở bài viết dưới đây nhé!

BETTERONAPP khi thanh toán để nhận được ưu đãi chiết khấu hấp dẫn nhé. 

#teamKlook ới ời, biết gì chưa? Bạn có thể thoả thích khám phá các địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng với lịch trình

tour trong ngày của Klook Vietnam

nè. Nhớ nhập thêm mã giảm giákhi thanh toán để nhận được ưu đãi chiết khấu hấp dẫn nhé.

Bạn đã chọn được địa điểm du lịch Hà Nội thú vị để khám phá trong hành trình sắp tới hay chưa? 

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

Rate this post

Viết một bình luận