Bánh ít lá gai Bình Định đã có lịch sử rất lâu đời, gắn liền với tuổi thơ của mỗi người dân miền trung. Hương vị đặc biệt khó có thể lẫn vào đâu được.
Bánh ít lá gai Bình Định là loại bánh đặc sản truyền thống, với cách làm yêu cầu về sự tỉ mỉ, cẩn thận. Bánh ít lá gai Bình Định có hương vị đặc biệt khiến các thực khách chỉ cần thưởng thức qua một lần sẽ không thể quên được hương vị mộc mạc của nó.
Món đặc sản này còn có cả một địa danh du lịch đại diện cho nó, Tháp Bánh Ít Bình Định. Hôm nay hãy cùng Miền Trung Có Gì? tìm hiểu nguồn gốc và cách làm món bánh ít Bình Định độc đáo này nhé!.
1. Giới thiệu về bánh ít lá gai
Nói về món đặc sản bánh ít lá gai Bình Định, thì mọi người thường liên tưởng ngày đến vị ngọt thanh, dẻo mềm, béo béo… của nếp, lá gai, đậu xanh hay là dừa, tất cả sẽ quện vào nhau tạo nên một hương vị chân chất, đậm tình người dân miền Trung.
Bánh ít lá gai dường như là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân miền Trung đặc biệt là vùng Tuy Phước Bình Định.
Đây cũng là nơi bắt nguồn nên món đặc sản nổi tiếng này. Bánh thường được dùng để ăn chơi, dùng làm quà cho bạn bè, người thân, đặc biệt là không thể thiếu trong các dịp cúng ông bà tổ tiên.
Cứ sau mỗi bữa tiệc, các cô các chú lại được gia chủ chia cho vài chiếc bánh ít, thường thì số lượng bánh sẽ dựa trên số lượng thành viên trong mỗi gia đình đấy, thật là thú vị phải không nào.
Đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa của người dân miền Trung ta, giúp gia đình hàng xóm gắn kết nhau hơn.
Để làm ra được những chiếc bánh đúng chất đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn. Làm bánh có ba công đoạn chính là làm vỏ bánh, nhận bánh, và gói bánh. Chúng ta hãy cùng bắt tay vào làm món bánh ít lá gai Bình Định ngay thôi thôi nào!
2. Bánh ít lá gai Bình Định nhân đậu xanh:
Nguyên liệu làm Bánh ít lá gai nhân đậu xanh cho 12 bánh:
- Lá gai làm bánh (không già, không non):
300gr
- Gừng tươi:
80gr
- Bột nếp:
250gr
- Đậu xanh:
150gr
- Dừa nạo:
150gr
- Đường cát:
210gr
- Dầu ăn:
100ml
- Mè trắng:
30gr
- Lá chuối tươi đã được phơi qua nắng
6 lá
- Muối
Tùy khẩu vị
Cách làm bánh ít lá gai nhân đậu xanh:
Vỏ bánh:
Cây lá gai làm bánh ít phải trưởng thành lá có hình trái tim là nguyên liệu chính để làm phần vỏ bánh. Xé lá gai thành 2 phần, tước bỏ phần cuốn để khi ăn không bị vướng các xơ.
Rửa sạch rồi cho lá gai vào nồi luộc với vài lá gừng để tăng độ thơm cho phần vỏ bánh, luộc lá gai khoảng 10 – 15 phút sau đó vớt ra.
Cắt nhỏ phần lá được luộc và cho vào cối hoặc máy xay sinh tố. Giã hoặc xay cho lá gai thật nhuyễn, đây là bước rất quan trọng quyết định phần vỏ bánh ít lá gai có được mềm mại, dẻo mịn hay không.
Giã phần lá gai bằng tay sẽ cho ra thành phẩm tốt hơn so với sử dụng các loại máy xay.
Xem thêm: Cách làm nem chua Bình Định chính gốc chợ Huyện
Cho 250gr bột nếp cùng 100gr đường và phần lá gai vừa xay vào và nhào trộn đều và cho vào cối giã nhuyễn cho đến khi các nguyên lệu hòa trộn với nhau, khi nhào trộn, cho một chút dầu ăn cho khỏi dính cối, tay và đồng thời giúp bánh mịn màng. Sau đó để cho bột nghỉ khoảng tầm 30 phút.
Lưu ý: Nếp dùng làm bánh ít lá gai Bình Định phải là nếp mới, thơm, đem vo kỹ, ngâm vài giờ với nước, sau đó xay nhuyễn ép bỏ nước để có được một khối bột dẻo.
Nhân bánh:
Dừa chọn trái vừa già tới, đem bào ra thành sợi. Đậu xanh làm nhân bánh cũng chọn loại một, hạt đều.
Đậu xanh vo sạch và ngâm khoảng từ 2 – 4 tiếng sau đó đem nấu chín. Xay đậu xanh với 110gr đường cùng một ít nước.
Bắt chảo đun nóng và đổ phần đậu xanh vừa xay vào chảo cùng với một ít muối, sên đậu xanh cho đến khi đậu khô và không còn bị dính tay.
Vo phần nhân tròn đều thành những viên vừa ăn. Chúng ta có thể thêm gừng trong phần nhân bánh. Ta cũng có thể cho thêm gừng vào trong quá trình nấu dừa hoặc cho thêm gừng trong quá trình giã đậu.
Gừng sẽ giúp cho món bánh thêm thơm ngon và đặc biệt, còn nếu bạn không thích ăn gừng thì bạn có thể bỏ qua bước này nhé.
Công đoạn gói và hấp bánh ít lá gai Bình Định:
Đây là công đoạn có thể xem là đơn giản nhất nhưng để cho chiếc bánh được đẹp mắt và giữ nếp trong suốt quá trình hấp thì phải đòi hỏi rất nhiều sự chỉnh chu và tỉ mỉ.
Sau khi cho bột nghỉ khoảng 30 phút, lấy bột ra và bắt đầu gói bánh. Thoa một ít dầu lên thớt và cho lượng bột bằng với phần nhân, cán mỏng. Tiếp theo cho nhân vào phần vỏ bột vừa được cán và vo tròn.
Cuối cùng thoa một ít dầu lên lá chuối, cho phần bánh vừa vo vào, thêm một ít mè lên trên phần bánh để tăng độ bắt mắt và hương thơm sau đó quấn lại.
Lá chuối rửa sạch đem phơi cho mềm lá hoặc nhanh hơn bạn có thể đem lá hơ qua lửa rồi sau đó mới đem gói bánh. Cắt lá thành hình vuông, gấp lá thành hình phễu, cho phần bánh đã có nhân vào và gói lại.
Chuẩn bị một cái nồi hấp và hấp bánh trong khoảng 30 phút là đã có một mẻ bánh rồi.
3. Bánh ít lá gai Bình Định nhân dừa:
Nguyên liệu làm bánh ít nhân dừa cho 12 bánh:
- Lá gai (không già, không non):
300gr
- Gừng tươi:
80gr
- Bột nếp:
250gr
- Đậu phộng rang:
150gr
- Dừa nạo:
300gr
- Đường cát:
210gr
- Dầu ăn:
100ml
- Mè trắng:
30gr
- Lá chuối tươi đã được phơi qua nắng
6 lá
- Muối
Tùy khẩu vị
Cách làm bánh ít lá gai nhân dừa:
Vỏ bánh:
Tương tự như cách làm bánh ít lá gai nhân đậu xanh. Cũng cho bột nghỉ 30 phút để chuẩn bị gói bánh.
Làm nhân dừa và đậu phộng:
Đun sôi 150ml nước lọc và 110gr đường cát trắng còn lại trong nồi. Khi thấy đường bắt đầu chuyển qua màu caramel thì nhanh tay cho dừa nạo vào, nấu thêm khoảng 5 – 10 phút. Cho thêm đậu phộng được giã nhỏ, bột năng vào hỗn hợp đường, đảo đều, để nguội và dùng tay vo tròn thành từng phần vừa ăn.
Bài viết liên quan: 3 Cách Làm Bánh In Nhân Dừa Non, Đậu Xanh, Truyền Thống Cực Đơn Giản
Gói và hấp bánh ít lá gai Bình Định:
Công đoạn gói và hấp cũng hơi giống so với chiếc bánh ít lá gai nhân đậu xanh.
Sau khi cho bột nghỉ khoảng 30 phút, lấy bột ra và bắt đầu gói bánh. Thoa một ít dầu lên thớt và cho lượng bột bằng với phần nhân, cán mỏng. Tiếp theo cho nhân vào phần vỏ bột vừa được cán và vo tròn.
Cuối cùng thoa một ít dầu lên lá chuối, cho phần bánh vừa vo vào, nhớ thêm mè vào nhé, sau đó quấn bánh lại thôi.
Lá chuối đem rửa sạch, phơi qua nắng sơ cho mềm lá hoặc hơ qua lửa rồi mới đem gói bánh. Cắt lá thành hình chữ nhật cho bánh vừa được vo tròn vào trong, gói bánh thành khối chữ nhật và gói kín hai đầu.
Bỏ vào nồi và hấp trong vòng 30 phút nữa nhé.
Xem thêm: Nguồn Gốc Và Cách Chế Biến Rượu Bầu Đá
Đánh giá thành phẩm bánh ít lá gai Bình Định:
Bánh ít lá gai Bình Định mang màu xanh đen đặc trưng của lá gai, phần bột dẻo thơm kết hợp cùng nhân đậu xanh, dừa bùi bùi ngọt ngào bên trong cùng với mè giúp tăng thêm độ thơm với lá gai, tất cả hòa cùng với nhau tạo nên một món bánh có tổng thể tuyệt vời hấp dẫn và độc đáo. Đây là một đặc sản dễ làm khiến cho ai ăn rồi sẽ nhớ mãi.
Hiện nay nguồn lá chuối trên thị trường khá khan hiếm nên giấy gói bánh đã được ra đời để giải quyết vấn đề này. Và giúp chúng ta gói bao đẹp ^^. Giấy gói bánh cũng giúp tăng sự bắt mắt, đều đẹp hơn cho bánh mà không làm mất đi vẻ truyền thống.
Bài viết liên quan:
Cách bảo quản bánh ít lá gai Bình Định:
Từ những nguyên liệu tươi và không có chất bảo quản nên thời gian sử dụng cũng như cách bảo quản bánh sẽ khó khăn hơn một chút. Bánh sau khi hấp có thể bảo quản ở điều kiện thoáng mát bình thường khoảng 10 ngày.
Thời gian dùng bánh khuyến khích là từ khoảng 3 cho đến 5 ngày để bánh có được chất lượng cũng như hương vị tốt nhất.
Nên hạn chế để bánh dưới mặt trời hoặc để ở những nơi có nhiệt độ thay đổi liên tục. Món bánh này có thể dùng làm quà cho gia đình, bạn bè hay người thân khi du khách ghé thăm Bình Định.
Như vậy, trong bài viết này chúng ta đã khám phá được 2 cách làm bánh ít lá gai Bình Định, thật đơn giản phải không nào. Nếu bạn có thắc mắc gì hãy để lại bình luận cho chúng mình nhé. Còn nếu chưa làm được mà muốn ăn bánh ít lá gai hãy ghé Bình Định nhé ^^.