Bông điên điển, loại rau dân dã mọc hoang mé sông, bờ ao ấy vậy mà làm “say đắm” biết bao thực khách yêu ẩm thực. Và hôm nay, Cachnau.vn sẽ chia sẻ cùng bạn cách nấu canh chua bông điên điển. Đây là món ngon đặc sản miền Tây mùa nước nổi ai ăn cũng gật gù khen ngon.
1. Bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi miền Tây
Bông điên điển được người dân miền Tây ví von là “mai vàng mùa nước nổi”. Vì loài hoa này chỉ nở rộ vào mùa nước nổi của miền Tây, có nhiều ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang và Long An. Hoa chín có màu vàng, hương thơm rất đặc biệt, vị giòn, béo, hơi khá chát.
Cây bông điên điển thường mọc ở mé sông, bờ ao, đầm lầy, ruộng nước,… Mặc cho thân cây bị nhấn trong nước, những bông điên điển vẫn nở rộ, rực rỡ giữa trời đã trở thành hình ảnh ký ức của biết bao thế hệ người con miệt sông nước.
Cây bông điên điển thường mọc ở mé sông, bờ ao, đầm lầy, ruộng nước – Ảnh: Internet
Vượt ra khỏi cái mộc mạc, dung dị của quê hương miền Tây, bông điên điển ngày nay đã có mặt trong rất nhiều món ngon được lòng bao thực khách. Phải kể đến là món canh chua bông điên điển cá linh, lẩu mắm, bún cá điên điển, bánh xèo điên điển, gỏi bông điên điển.
2. 2 cách nấu canh chua bông điên điển đậm vị miền Tây Nam Bộ
2.1. Cách nấu canh chua bông điên điển với cá linh
Sản vật thiên nhiên đặc trưng mùa nước nổi miền Tây ngoài bông điên điển chính là cá linh. Người dân đã rất biết cách kết hợp 2 sản vật thiên nhiên này tạo nên món canh chua cá linh bông điên điển mang đậm vị quê hương.
Cùng Yeutre.vn bắt tay ngay vào nấu món ăn dân dã mà đậm đà tình quê này nhé.
2.1.1. Nguyên liệu món canh chua bông điên điển nấu với cá linh
- Cá linh: 500g
- Bông điên điển: 300g
- Bông so đũa: 200g
- Cà chua: 3 quả
- Me vắt: 1 vắt nhỏ hoặc 200g me trái
- Tỏi: 2 tép
- Ớt hiểm: 2 trái
- Rau nêm: ngò ôm, ngò gai
- Gia vị cần chuẩn bị: nước mắm, muối, đường, hạt nêm, dầu ăn, bột ngọt
2.1.2. Cách nấu canh chua bông điên điển cá linh đậm vị miền Tây
2.1.2.1. Sơ chế nguyên liệu
Làm sạch cá linh
- Người miền Tây thường không làm sạch vảy cá linh khi nấu canh chua vì đây là loại cá linh đồng. Nên sau khi bắt được hoặc mua về chỉ cần rửa sạch.
- Khi làm cá linh, bạn có thể bỏ hoặc giữ lại phần đầu nếu thích. Ngoài ra cá linh vốn có vị đắng nên nếu không thích ăn đắng, bạn nên bỏ phần bụng bên trong.
Người miền Tây thường không làm sạch vảy cá linh khi nấu canh chua – Ảnh: Internet
2.1.2.2. Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Bông điên điển ngắt bỏ phần cuống, rửa sạch, để ráo nước.
- Bông so đũa sau khi mua về cần ngắt bỏ phần nhụy vì phần này gây chát và đắng. Sau đó bạn nên ngâm trong nước muối loãng khoảng 10-15 phút. Rửa lại sạch với nước và vớt ra để ráo.
- Cà chua rửa sạch, cắt làm 4-6 miếng/ quả.
- Ớt rửa sạch, thái lát mỏng.
- Rau nêm rửa sạch, cắt nhỏ để nêm canh.
- Tỏi lột vỏ, băm nhỏ.
2.1.2.2. Các bước nấu canh chua bông điên điển cá linh
- Bắc nồi lên bếp và cho thêm khoảng 1-1,5l nước lọc. Đun nóng cho đến khi nước bắt đầu sôi lăn tăn thì nêm nếm gia vị
- Sau đó cho phần cá linh đã chuẩn bị vào nồi. Tiếp tục đun sôi.
- Trong thời gian chờ sôi, bạn làm nước cốt me nhé. Cho me ra tô và cho thêm một ít nước sôi. Lấy giá (muôi) dầm để me ra nước cốt. Dùng rây lọc lấy nước cốt.
- Bạn cho phần nước cốt này vào nồi canh. Tiếp tục đun sôi
- Khi cá chín, bạn cho hết phần bông điên điển và bông so đũa đã chuẩn bị vào nồi. Dùng giá (muôi) đảo nhẹ.
- Cho rau nêm vào nồi và tắt bếp ngay sau đó để tránh làm rau nêm bị đen và chín quá.
- Múc canh ra bát và thưởng thức. Để canh đậm đà và ngon miệng hơn, đừng quên chuẩn bị một chén nước mắm trong với ớt nhé.
Canh chua bông điên điển miền Tây phải có thêm ớt mới ngon – Ảnh: Internet
Canh chua bông điên điển cá linh là sự “hòa quyện” của vị ngọt cá, chua chua của me, bông điên điển thơm thoang thoảng cộng với một chút đắng chát nơi đầu lưỡi. Món ăn này vừa bổ dưỡng, lại ngon miệng.
2.2. Cách nấu canh chua bông điên điển với cá bông lau
Thay vì nấu với cá linh, chọn cá bông lau. Canh chua cá bông lau cũng khá quen với nhiều gia đình. Nay kết hợp bông điên điển bạn lại có thêm một kiểu nấu canh chua bông điên điển đúng kiểu miền Tây Nam Bộ rồi đó. Hãy cùng tham khảo nguyên liệu và công thức nấu ngay bên dưới đây.
2.2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bông điên điển: 300g
- Cá bông lau: 500g
- Cà chua: 3 quả
- Bông súng: 200g
- Me: 1 vắt nhỏ 50g hoặc 200g me trái
- Rau nêm: ngò gai, ngò ôm
- Ớt: 2 trái
- Tỏi: 3 tép
- Gia vị cần có: đường, muối, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn.
Người miền Tây thường nấu canh chua cá bông lau với bông súng – Ảnh: Internet
2.2.2. Cách nấu canh chua bông điên điển cá bông lau
2.2.2.1 Sơ chế nguyên liệu
Làm cá
- Cá bông lau làm sạch.
- Để khử mùi tanh cho cá, bạn rửa cá với chút muối.
- Rửa sạch lại với nước, cắt thành khúc mỏng vừa ăn.
- Cho ra rổ để ráo nước.
Cá bông lau sau khi làm sạch, cắt khúc vừa ăn – Ảnh: Internet
Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Bông điên điển ngắt bỏ phần cuống, rửa lại với nước sạch và vớt ra rổ để ráo nước.
- Cà chua rửa sạch, cắt thành 4-6 miếng/ quả.
- Bông súng lột vỏ, cắt thành khúc ngắn vừa ăn. Ngâm trong nước muối loãng khoảng 5-10 phút.
- Rau nêm rửa sạch, cắt khúc để nêm canh.
- Ớt rửa sạch, thái lát mỏng. Chia làm 2 phần. Một phần cho vào canh, một phần để làm nước chấm.
- Tỏi lột vỏ, băm nhỏ.
2.2.2.2. Các bước nấu canh chua
- Cho me vào tô, thêm một ít nước nóng. Dùng giá dầm để ra nước cốt. Lọc qua rây lấy nước cốt me.
- Bắc nồi lên bếp và cho vào khoảng 2 thìa cà phê dầu ăn. Đun nóng dầu thì cho tỏi băm nhỏ vào phi thơm.
- Để cá không bị tanh, bạn cho cá bông lau vào nồi chiên sơ qua ngay khi tỏi vừa vàng.
- Tiếp đến cho khoảng 1l nước và nước cốt me đã chuẩn bị vào nồi
- Khi nước sôi, bạn nêm nếm gia vị. Tiếp tục đun ở lửa vừa khoảng 5-10 phút.
- Khi cá chín, bạn cho bông súng và bông điên điển vào. Dùng giá đảo nhẹ.
- Khi canh sôi bùng lên, bạn cho rau nêm vào và tắt bếp.
Canh chua bông điên điển nấu với cá bông lau sau khi thành phẩm – Ảnh: Internet
Cách nấu canh chua bông điên điển chuẩn kiểu miền Tây Nam Bộ không phức tạp chút nào. Chúc bạn sẽ thành công với 2 công thức Cachnau.vn chia sẻ trên đây. Và, nhà mình sẽ thật hài lòng thỏa vị với món canh ngon vừa quen vừa lạ này nhé!
Thủy Nguyễn