Ngoài các món ăn đặc sản quen thuộc như bánh gai, kẹo sìu châu, … thì thành phố Nam Định còn là “ thiên đường ẩm thực” với những món quà vặt ngon khó quên..
1. Bánh Xíu Páo
Vỏ xíu páo vàng ươm, nhân bùi béo ngậy, dậy mùi của thịt, tiêu xay. Các vị hòa quyện vào nhau khiến bánh trở thành món quà vặt thú vị của người dân thành Nam.
Bánh xíu páo với hình dáng nhỏ xinh đã theo chân người Hoa đến Nam Định từ rất lâu. Chiếc bánh giản dị, trông qua giống một chiếc bánh bao chiên nhưng nhân như bánh nướng và vỏ ngoài tựa bánh pía Sóc Trăng.
Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng tùy theo cách làm gia truyền của mỗi gia đình.
Để làm bánh ngon, người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm nhỏ, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián và thơm nức. Thịt xá xíu được cắt hột lựu trộn cùng với mộc nhĩ, mỡ lợn và nửa quả trứng gà luộc làm nhân.
Bên cạnh mùi vị hấp dẫn, bánh xíu páo cũng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, có đủ tinh bột, protein trong thịt, trứng, trở thành món ăn sáng hay ăn vặt mỗi chiều khá lý tưởng.
Bánh được bán trên nhiều con phố như Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong… với giá từ 8.000 đến 10.000 đồng một chiếc.
2. Bánh mì pate
Không giống như bánh mì thịt nướng, bánh mì nem khoai… ở Hà Nội, cũng không giống như bánh mì Sài Gòn với jambon, chả lụa, thịt xông khói và rau củ chua ngọt “cắn ngập răng”, bánh mì kẹp ở Nam Định đơn giản và nhẹ nhàng hơn một chút.
Chỉ là bánh mì giòn, kẹp thêm pate gan, đôi lúc thêm trứng ốp lếp, hành phi, chút đu đủ xanh trộn chua ngọt, rau mùi, tương ớt rồi rưới thứ nước mỡ hành thơm phưng phức. “Bánh mì chân cầu”, “ Bánh mì Nguyễn Du” là những “thương hiệu” bánh mì quen thuộc ở thành phố Nam Định mà ai cũng biết đến. Ngồi ở vỉa hè, cầm chiếc bánh mì nóng hổi lót giấy báo trên tay, cùng thưởng thức và “tám” chuyện , có lẽ thời học sinh ai ai cũng đã từng trải qua.
3. Xôi Xíu Nam Định
Xôi xíu gồm xôi trắng được đồ từ loại gạo nếp dẻo thơm nên hạt rất mềm, óng ả. Xôi được ăn cùng với thịt xá xíu, lạp xưởng và không thể thiếu thứ nước sốt thơm, đậm đà có vị cay nồng của hạt tiêu.
Một bát xôi được dọn ra vẫn còn nghi ngút khói, lẫn trong màu trắng tinh của những hạt nếp dẻo là miếng lạp xưởng hồng hồng, vài lát thịt xá xíu nạc và mềm. Chỉ cần trộn đều bát xôi, cảm nhận vị thơm thơm của nếp, vị ngọt của thịt lợn được hầm mềm như tan chảy trong miệng. Một bát xôi vào buổi sáng hay buổi tối lang thang thành Nam là đủ làm ấm bụng trong những ngày đông lạnh.
Trộn đều bát xôi, nếm thử một miếng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của gạo nếp dẻo thơm quyện với thịt xíu mềm ngọt, lạp xưởng bùi béo, nước sốt thịt đậm đà có vị cay của tiêu. Chỉ ăn một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi. Mang hơi hướng phong cách người Hoa nên hiện giờ trên những phố cổ: Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh… xôi xíu vẫn được bán nhiều.
4. Ốc luộc vỉa hè Nam Định
Ốc luộc là món ăn vặt yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tại Nam Định
Có rất nhiều loại ốc từ ốc bươu, ốc nhồi, ốc hương, ốc gai, ốc đá, ốc vặn… và tất cả những loại ốc này đều khiến người sành ăn phải mê mẩn.
Cách luộc ốc ngon thì có rất nhiều nhưng khi được hỏi thì có đến 70% các bạn trẻ cho biết rằng, món ốc luộc với sả và lá chanh là ngon nhất, hấp dẫn nhất. Ra đến quan ốc là phải gọi ngay cho mình một bát ốc luộc nóng hổi, vừa khều thịt ốc vừa thổi mới thấy ngon. Thú vị nhất là khi được hít hà hương ốc nóng, được chấm miếng thịt ốc vừa dai vừa giòn vào bát nước chấm ốc cay cay, thơm thơm… ngon không thể tả
5. Bún Đũa Thành Nam
Bún là món quen thuộc với chúng ta đã từ nghìn năm. Có biết bao món ăn từ bún: nào là bún cá, bún riêu, bún đậu, bún bò…Nhưng có một món bún làm mê mẩn những người dân Thành Nam, mà lại ít ai nhắc đến là món “bún đũa”.
Mặc dù món bún ở đâu cũng có nhưng món bún đũa ở Nam Định có nét khác biệt. Sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không nhũn. Bún đũa Nam Định dễ ăn không chỉ bởi vị thanh thanh nhẹ nhàng mà còn bởi vị thơm của cua và các gia vị món ăn này.
Thưởng thức một bát bún đang bốc khói với những sợi bún trắng to, nổi bật trên những những mảng gạch cua hồng hồng, một ít màu trắng của cọng giá và màu xanh của rau, húp một ít nước béo đậm đà kèm theo chút gia vị ớt khô chưng mỡ sẽ ngon dần đến rân rân cảm giác vô cùng thú vị.
Bún đũa Thành Nam mùa nào cũng được ưa chuộng cũng bởi ăn không quá no, nó rẻ hơn phở mà vẫn ngon lành, nhẹ nhàng hơn xôi và cũng không cầu kỳ như bún chả hay mỳ vằn thắn. Món bún đũa ấy ít khi nóng bỏng lưỡi. Không sao, thì chỉ là tạm lót lòng, cho đôi chân duỗi ra tí chút, đâu phải bữa tiệc linh đình mà kén chọn, chê bai. Tuy vậy, nhưng bát bún đũa riêu cua bình dị ấy có khi còn theo ta bao năm tháng sau này nữa cũng chưa biết chừng, nó sẽ thành kỷ niệm trên nẻo đường quê thân tình nồng đượm.
Mặc dù là món quà lót dạ bình dân, nhưng bún đũa đã trở thành một nét ẩm thực trong cuộc sống của người Thành Nam.
6. Bánh Gối
Bánh gối được coi là món quà “tâm hồn”của tuổi học trò. Bánh gối là món ăn ngon lại rẻ, dễ chế biến, thuờng được các nữ sinh chọn để “trổ tài” vào ngày nghỉ cuối tuần hay khi có dịp tụ họp nhóm bạn bè cùng lớp.
Có lẽ do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực Trung Hoa từ khu phố Tàu xưa nên bánh gối Nam Định hoàn toàn khác bánh gối Hà Nội từ cách chế biến, hình dáng cho đến cách thưởng thức.
Nếu bánh gối Hà Nội dùng vỏ bột trứng giòn, tỉ mẩn ngồi gấp vỏ đúng hình “gối”, chấm mắm chua ngọt dùng kèm rau sống thì ở Nam Định, bánh gối được làm từ vỏ bánh đa nem quết lớp bột mì ( nhân vẫn là miến, thịt, trứng) khi ăn bánh mềm, không bị ngấy.
Món bánh gối ăn hấp dẫn nhất là vào lúc tiết trời giá lạnh,cùng bạn bè bên bếp lửa hồng, người gói bánh, người nhặt rau, người nhanh tay lật giở những chiếc bánh vàng ruộm…để rồi cùng nhau thưởng thức mới thấy hết sức quyến rũ của món ăn do chính tay mình làm ra. Nếu không có điều kiện chế biến, những cô cậu học trò khi tan trường vào các buổi chiều mùa đông thường tìm đến hàng bánh gối ở các góc phố Bắc Ninh, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Nguyễn Du… TP Nam Định để thưởng thức.
7. Bún Cá Nam Định
Bún cá là món ăn quen thuộc với người dân Nam Định. Từ học sinh cho tới người đi làm, ai ai cũng đều yêu thích không chỉ bởi giá cả phù hợp mà còn bởi nó mang một hương vị rất đặc biệt, khó quên. Không biết ở những nơi khác thế nào nhưng ở Nam Định cứ ngày mùng 2 Tết trở đi, bất cứ hàng bún cá nào mở cửa đều đông nghịt khách.
Bún cá Nam Định không sang trọng như bún cá Hà Nội, cũng không cầu kì như bún cá Hải Phòng, nó đơn giản và mang hương vị đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ với mùi thơm từ rau cần, thì là và vị chua thanh từ cà chua và mẻ.
Đặc biệt, một bát bún cá “đóng mác” Nam Định không thể thiếu được một chút rau cần tái kèm theo chút thì là, hành hoa chẻ dài. Vị ngọt thanh của nước dùng, vị đậm đà của miếng cá chiên giòn tan, mùi thơm của các loại rau sống làm nên một hương vị rất khác của bún cá thành Nam.
8. Nem Nắm Nam Định
Cùng với nem nắm Giao Thủy, nem thính, nem tai, nem chạo… luôn là món ăn chơi nổi tiếng của đất Thành Nam. Ở khu Nhà Thờ hay các khu chợ, các quán nem thính, nộm, chả bì… luôn đông khách những buổi chiều. Thành phần món này gồm tai lợn, bì lợn thái nhỏ, mỡ lợn thái hạt lựu trộn với thính nếp thơm lừng, thêm chút tỏi băm, lá chanh, cuốn với lá sung, đinh lăng và các loại rau thơm rồi chấm với nước mắm Sa Châu được pha chua ngọt rất vừa miệng. Có thể ăn đơn thuần hoặc cuốn cùng bánh đa nem đều rất hấp dẫn.
Khi những món ăn thường ngày như thịt, cá, tôm khiến bạn cảm thấy quá quen thuộc hãy nghĩ đến nem nắm, một món ăn vừa lạ miệng vừa hấp dẫn.
Nếu có dịp đi du lịch đến Nam Định, bạn đừng quên nếm thử món ăn đặc sản này, một món ăn rẻ hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm và món ăn khác, nhưng hương vị truyền thống thì vô cùng tuyệt vời. Nó giúp bạn có một bữa ăn ngon miệng, thân mật, ấm cúng bên gia đình và người thân.
9. Bánh bột lọc
Nhắc đến bánh bột lọc, có lẽ các bạn sẽ nghĩ ngay đến những chiếc bột lọc nhân tôm trong veo kiểu Huế hay những bát bột lọc chan nước mắm chua ngọt nóng hổi chiều đông. Nhưng bánh bột lọc Nam Định không như thế, cũng là vỏ bánh bột lọc cơ bản, nhân bên trong chỉ có thịt, mộc nhĩ, không có tôm hay tép. Bánh bột lọc Nam Định được nặn cỡ to hơn một chút, khi hấp xong sẽ được chiên sơ qua dầu. Bột lọc chiên nhìn trắng trắng trong trong, vỏ ngoài giòn rụm, khi ăn cắt miếng, chấm cùng nước mắm chua ngọt và chút đu đủ xanh muối, vừa ngon vừa lạ. Ở Nam Định, món bánh này hay được bán cùng bánh khoai, ốc luộc… cho những ai khoái nhâm nhi món vặt.
10. Lục Tàu Xá Nam Định
Lục tàu xá là món ăn bắt nguồn từ Trung Hoa. Trước đây, Nam Định có rất nhiều người Hoa sinh sống có nhiều món ăn lạ. Bên cạnh bánh trôi tàu, chí mà phù, lục tàu xá là món chè ngon, bổ dưỡng được dân ta học theo, lưu truyền đến ngày nay. Theo tiếng Quảng Đông (Trung Quốc), lục tàu xá (lục đậu sa) có nghĩa là đậu xanh nát nhuyễn
Tàu xá không chỉ là món ăn ngon mà còn có tác dụng như một “bài thuốc bổ”, bởi bản thân các nhiên liệu dùng để nấu Tàu xá đều có vị thuốc. Ðậu xanh: tính mát, giải độc, giải nhiệt, cảm sốt và có tác dụng trừ ô cấu (trừ chất bẩn trong cơ thể); trần bì: có vị đắng the, giúp tiêu thực, thanh đờm, thanh phế quản. Ðó chính là nét độc đáo của món ăn này.
Chính vì lục tàu xá là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, vừa có hương vị độc đáo riêng, mà nó đã thành món ăn quen thuộc, ưa thích của đông đảo người dân Thành Nam.
Hiện tại món ăn này đến bây giờ được ít người ăn .
11. Chè Bưởi
Mang hơi hướng chè bưởi An Giang với cùi bưởi giòn, đậu xanh thơm thảo, ngọt bùi, cốt dừa béo ngậy nhưng chè bưởi Nam Định lại có nét riêng đặc trưng. Chè bưởi được múc vào từng chén nhỏ, để nguội, làm lạnh và đặc biệt không dùng kèm đá để giữ được hương vị nguyên thủy của món chè. Không vội vã, nhâm nhi từng chút chè bưởi trong cái chén con con mới thấy hết được hương vị thanh mát, tinh tế của món chè dân dã này. Nam Định chỉ một địa chỉ chè bưởi duy nhất trên phố Nguyễn Du. Dù đã truyền qua mấy đời nhưng hương vị chè bưởi cho đến tận bây giờ vẫn không hề thay đổi.
12. Kem Xôi
Kem xôi được làm theo kiểu xôi vò truyền thống, tơi nhưng rất mềm dẻo, thơm bùi và có vị mằn mặn. Món xôi này ăn kèm với muỗng kem ngọt lịm tươi mát và dừa non sấy khó thực sự là một sự kết hợp hoàn hảo. Phủ lên trên là những miếng dừa non sấy khô ăn lạ miệng, thú vị. Kem xôi – chè bưởi luôn là cặp đôi quà vặt “hot” luôn cháy hàng mỗi ngày.
13. Cháo Sườn Thành Nam
Khi tiết trời đang chuyển dần sang cái nóng oi ả của mùa hè, không khí trở nên ngột ngạt, oi bức và cái tiết mùa ấy còn đem theo nhiều bệnh cảm mạo thông thường, các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà người dân dễ mắc phải. Nhiều người bỏ tiền ra mua thuốc chữa trị, có người tự tay vào bếp nấu cho mình một bát cháo hành tía tô, người có thời gian chạy đi mua một báo cháo sườn thêm mấy cái quẩy và nhúm tía tô cho người bệnh ăn giải cảm. Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực ra không lạ chút nào, mùa nóng mà được bát cháo sườn nóng hổi trên tay vừa ăn vừa quệt mồi hôi vừa cảm nhận vị béo ngậy của sườn, cái giòn giòn của quẩy, sự tan biến của hạt gạo xay nhuyễn và cái hanh nồng cay cay xộc lên mũi của hạt tiêu và tía tô…làm cho bất kì ai cũng “khoái”.
Người Thành Nam vốn khó tính trong ăn uống vậy mà bị “quật đổ” ngay mỗi khi cầm bát cháo sườn, cháo quẩy trên tay. Cùng với Bánh cuốn, phở bò, cháo sườn, cháo quẩy đã trở thành món quà ngon-bổ-rẻ cho người dân Nam Định và du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố này.
14. Bánh cuốn Làng Kênh
Bánh cuốn làng Kênh không có nhân thịt nhưng vẫn hấp dẫn người ăn ở màu trắng trong và mềm thơm của bánh. Người dân làng Kênh vẫn thường nói vui với nhau rằng “bánh cuốn làng Kênh như cô nàng đỏng đảnh” kể cũng không ngoa.
Ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành Nam (Nam Định) lại chẳng một lần say hương vị đậm đà, thơm ngậy của bánh cuốn làng Kênh. Những tấm bánh tráng mỏng tang, trắng trong ăn một lần nhớ mãi…
Đưa tấm bánh mỏng tang lên miệng, hương thơm của bánh cùng cái giòn rụm của hành phi, mùi thơm của cà cuống mới khiến ta cảm nhận hết hương hồn của bánh cuốn làng Kênh…
15. Bún Chả Nam Định
Bún chả là thức ăn thông thường. Ngày nghỉ cuối tuần, các bà vợ có thể làm để đãi chồng con. Đâu đây trên các đường phố, trong các khu chợ ở nhiều địa phương trong cả nước, ta vẫn gặp những hàng bún chả khói thơm nghi ngút.
Bún chả là thứ quà mà về nhà không phải ăn cơm nữa. Vào buổi đẹp trời, hứng chí lên ta rủ vợ con đi ăn, hoặc rủ thêm vài ba người bạn. Gian nhà nhỏ, vài dãy bàn đơn sơ nhưng sạch sẽ, một không gian êm đềm chứa chan tình thân thiện. Người uống rượu, người uống bia, có người lại uống nước ngọt… Bún chả tươi cười với tất cả.
16. Bánh Mỳ Bít Tết
Bánh mỳ bít tết Hai Bà Trưng – Nam Định (đoạn giáp cửa Đông) lúc nào cũng đảm bảo tiêu chí nóng bỏng và đậm đà, không cần thêm xì dầu vẫn vừa miệng. Khi ăn thực khách thường rắc thêm chút hạt tiêu, chấm bánh mỳ nhiều vỏ nướng giòn tan với nước tiết từ các nguyên liệu thịt, trứng trong quá trình rán, rất hợp khẩu vị của nhiều người.
17. Bún Riêu Cua Nam Định
Bún riêu cua là một món ăn truyền thống dân dã gồm bún rối và riêu cua. Riêu cua là canh chua được nấu từ gạch cua, thân cua giã và lọc cùng với mẻ, cà chua, mỡ nước, nước mắm, muối, hành hoa.
Bún riêu ăn mùa hè rất mát nên được nhiều người rất ưa thích. Bạn có thể tìm được rất nhiều hàng quán bán bún riêu cua trên các đường phố Nam Định.
18. Bún Giả Cầy Nam Định
Nam Định món Bún Giả Cầy là món ăn khoái khẩu của người dân Thành Nam sau món ăn Phở. có thể khẳng định chưa đâu ở phía Bắc lại có quán Bún Giả Cầy nhiều như ở Nam Định.
Nếu như thịt cầy là một món đặc sản tuyệt vời của người Việt Nam, thì cùng với nó, giả cầy lại là cả một sự sáng tạo độc đáo. Cái món thịt thơm lừng, ươm vàng sóng sánh ấy mà ăn kèm với bún, với rau mùi, hành tây ngâm dấm thì không gì tuyệt bằng.
19. Bún Bung
Bún bung. Bún bung chỉ gồm chút bún, vài khoanh thịt chân giò thái mỏng, vài viên mọc, có thể thêm sườn hoặc móng giò tùy ý, cộng thêm 1,2 miêng chả xương xông lá lốt, chút dọc mùng chần xanh ngắt chan nước ninh từ xương. Riêng Nam Định mình có hàng cho thêm chuối xanh ninh nhừ nhưng miếng không bị nát, ăn vẫn còn độ bùi và đậm đà của chuối ngấm nước xương. Thậm chí có hàng còn cho thêm vài miếng đậu phụ rán vàng nữa.
20. Bánh bèo Nam Định
Không giống bánh bèo chén kiểu Huế, chỉ có bột gạo, đổ vào khuôn lá chuối vuông vuông như chiếc thuyền và hấp chín, rắc hành phi lên trên, khi ăn cắt bánh bèo thành những miếng nhỏ vuông vuông, chấm nước mắm chua chua, thêm chút hạt tiêu như nước chấm bánh cuốn.
Mùa đông, ngồi co ro bên cạnh đĩa bánh bèo, cảm nhận cái ấm áp tan trong miệng, lan trong người mới thấy thật thú vị và thấm thía hạnh phúc trong những điều giản dị nhất thế nào. Bánh bèo được bán ở một gian hàng nhỏ trong chợ Diên Hồng
21. Đậu Hoa Thành Nam
Khi mùa hè đã trở nên rực rỡ với những chói chang của nắng, người ta thường tìm cho mình những thức quà trong phút chốc của khoảng thời gian rảnh rỗi cho vui mồm vui miệng, thoả thói ăn quà vặt rất Á châu, cũng là để giải nhiệt.
Đậu hoa là một trong những thức quà Việt dành tặng thực khách điều đó.
“Đậu hoa” là tên gọi của người Nam Định mình dành cho món tào phớ trên khắp đất nước. Gọi như vậy gần với bản chất của nó nhất, mà cũng ý nghĩa hơn cả.
Ở Tp. Nam Định, những gánh đậu hoa bán rong đã không còn nhiều, nhưng mọc lên nhiều những quán nhỏ giản đơn, thân thiện với thực khách. Hầu hết các quán nằm trên vỉa hè những đường nhỏ, phỏ nhỏ, rất sạch sẽ, gọn gàng.
22. Chân gà nướng, sườn nướng, – Quang Trung, Nam Định.
Ăn chân gà nướng ở đâu? thì câu trả lời của các bạn trẻ sẽ nói ngay là Quang Trung – Món ăn vặt nổi tiếng của đất Nam Định và vẫn được rất nhiều người ưu chuộng
Phở bò, Bún đậu mắm tôm, Bánh khoai, bánh chuối, Cá mực, chỉ vàng nướng, Trà sữa, Cháo lưỡi, Bánh đa cá rô, Lạp xườn – xúc xích nướng, nem rán, …. Và còn rất nhiều món ăn vặt nổi tiếng của Đất Thành Nam chưa được liệt kê .
Nguồn: Hải Anh – Tintucnamdinh.vn
Xem thêm: Ẩm Thực Nam Định
Theo
Link bài gốc
Copy link