23 Tết, thắc mắc sao Ông Táo cưỡi cá chép mà không là… con khác?

Từ ngàn đời nay, cứ đến ngày 23 tháng chạp, người Việt có tục lệ thả cá chép đưa Ông Táo về trời.

Nhắc đến Ông Táo không thể không nhắc đến “trợ tá” thân cận – cá chép. Dù Tết nay có nhiều khác biệt với tết xưa, nhưng người Việt vẫn gìn giữ tục thả cá chép để thể hiện sự tôn kính với tín ngưỡng dân gian.

Theo truyền thuyết xa xưa, ba vị Táo quân: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kì là những vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Họ quyết định may rủi, phúc họa đồng thời ngăn cản ma quỷ giữ bình yên cho gia đình. Vì vậy, tục cúng Ông Táo ngoài mang ý nghĩa cầu mong ấm no, đầy đủ song song đó còn mang ý nghĩa thờ “thần Bếp” cai quản chuyện bếp núc.


Lễ vật trong Tết Ông Táo không thể thiếu một chậu cá chép vàng. (Ảnh: Phunuonline)
Lễ vật trong Tết Ông Táo không thể thiếu một chậu cá chép vàng. (Ảnh: Phunuonline)

Người Việt tin rằng: hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Lễ vật cúng Ông Táo thường được chuẩn bị rất chu đáo: hương hoa, vàng mã, hoa tươi, mâm cơm mặn đủ món và có một thứ nhất định không thể thiếu đó là cá chép vàng. Cuộc sống hiện đại khiến những tập tục truyền thống dần thay đổi nhưng quan niệm Táo quân cưỡi cá chép chầu Ngọc Hoàng vẫn được mọi người lưu giữ cho đến tận ngày nay.

Vậy tại sao không phải là rồng, công, phượng… mà cá chép lại được chọn trở thành “siêu xe” của Táo quân trong những ngày giáp Tết?

Theo truyền thuyết, Táo quân cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, cá chép được chọn phải là cá chép còn sống bơi trong chậu nước, chỉ có thế cá chép mới có thể hóa rồng bay lên trời. Rồng là biểu tượng của thịnh vượng, và chính thần lực “hóa rồng” đặc biệt này khiến cá chép được chọn trở thành linh vật theo Ông Táo về trời.

Song song đó, trong dân gian còn lưu truyền truyền thuyết rằng: cá chép vàng là loài cá tiên xưa sống trên Thiên đình, vì phạm phải lỗi sai nên bị đày xuống trần gian. Và chỉ mỗi dịp 23 tháng Chạp hằng năm mới được theo ông Táo về trời.  


Cá chép những ngày Tết Ông Táo luôn rơi vào tình trạng "cháy hàng". (Ảnh: Tuổi trẻ)
Cá chép những ngày Tết Ông Táo luôn rơi vào tình trạng “cháy hàng”. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong tâm thức người Việt, “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” từ lâu đã trở thành một biểu tượng của sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, kiên trì để chinh phục thành công. Bên cạnh đó, cá chép gắn liền với môi trường sông nước phù hợp với bối cảnh truyền thống của nước ta gắn bó với nghề làm lúa nước. Cá chép còn là loài vật quen thuộc, dễ đánh bắt và tìm kiếm, nên dù gia đình khá giả hay khó khăn vẫn có điều kiện để sắm sửa đủ đầy đồ vật cúng kiếng trong Tết Táo quân.

Cứ thế, đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, sau khi khấn vái bên mâm lễ vật, người Việt có tục lệ thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chép đưa ông Táo về trời trình báo Ngọc Hoàng mọi việc xảy ra ở trần gian trong suốt một năm qua.

Rate this post

Viết một bình luận