4 bước để tạo dựng thành công cho bản thân

4 bước để tạo dựng thành công cho bản thân

Thành công là điều mà bất kỳ ai cũng khao khát có được. Đó là cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn khi chinh phục được những mục tiêu to lớn trong cuộc sống và đồng thời được tất cả mọi người xung quanh công nhận. Hành trình để đạt đến thành công luôn đầy thách thức, đòi hỏi bạn phải kiên trì và không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Cùng Việc Tốt Nhất tìm hiểu cách để tạo dựng thành công cho bản thân chỉ với 4 bước qua bài viết sau bạn nhé!

1. Tạo động lực để luôn tiến về phía trước

Thiết lập và duy trì động lực để thúc đẩy bản thân tiến bộ qua từng ngày là việc vô cùng cần thiết để tạo dựng thành công. Có thể kết quả không như bạn mong muốn trong tuần, tháng hoặc năm vừa qua. Nhưng thay vì cảm thấy mất tinh thần vì mọi thứ không như kỳ vọng, hãy tự hào vì bạn đã không ngừng cố gắng trong suốt thời gian chinh phục những mục tiêu đã đặt ra. Nếu bạn biết mình đã có sự tiến bộ qua từng ngày, không nên nản lòng cho dù phải mất nhiều thời gian hơn mong đợi để đạt được thành công. Hãy luôn tạo động lực cho bản thân và giữ tinh thần lạc quan để tiến về phía trước.

4 bước để tạo dựng thành công cho bản thân hình ảnh 1Tạo động lực cho bản thân phát triển

Nhiều người nổi tiếng hàng đầu thế giới đã đạt được những thành công vĩ đại nhất khi tuổi đời không còn trẻ và sau rất nhiều lần thất bại. Đại tá Harland Sanders bắt đầu chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC khi ông đã ở tuổi 60 và tạo nên thành công vang dội. Stephen King, tác giả tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng và J. K. Rowling, tác giả của bộ truyện Harry Potter, đã bị rất nhiều nhà xuất bản từ chối trước khi họ có được những tác phẩm đầu tiên được xuất bản và thành công ấn tượng sau đó. Travis Kalanick, người sáng lập Uber, một trong những công ty khởi nghiệp lớn và thành công nhất trên thế giới hiện nay, bắt đầu khởi nghiệp khi anh đã ở tuổi 30 sau những nỗ lực khởi nghiệp thất bại trước đó. Nếu bất kỳ ai trong số những người nổi tiếng này để những thất bại khiến bản thân mất động lực và từ bỏ mục tiêu của mình, bạn sẽ không bao giờ được biết đến những cống hiến tuyệt vời của họ dành cho thế giới ngày hôm nay.

Không nên bám sát các mốc thời gian đã đặt ra một cách cứng nhắc. Hãy lập kế hoạch, kiên trì với mục tiêu, thay đổi linh hoạt nếu thấy cần thiết và quan trọng nhất là tập trung vào việc luôn tiến về phía trước với kế hoạch đã đặt ra ban đầu. Cho dù bạn đang ở trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời như nỗ lực để thăng tiến trong công ty, thay đổi công việc, hay bắt đầu khởi nghiệp, hãy luôn giữ tinh thần cầu tiến. Những thay đổi nhỏ qua từng ngày sẽ mang đến những bước tiến lớn cho tương lai, chỉ cần bạn không bỏ cuộc.

2. Thiết lập những suy nghĩ đúng đắn

Suy nghĩ của bạn tạo nên chính con người bạn. Suy nghĩ sẽ tạo nên một cái khung cho cuộc sống. Chúng là nền tảng để xây dựng hệ tư duy đúng đắn. Thay đổi cách bạn suy nghĩ và hành động là điều vô cùng quan trọng. Trong hành trình chinh phục thành công, bạn sẽ phải nếm trải rất nhiều thất bại. Nếu cứ khăng khăng giữ những suy nghĩ bảo thủ cho bản thân và không chịu thay đổi, cho dù có nhận được những sự hỗ trợ rất thuận lợi từ bên ngoài, thì cách bạn tư duy và hành động vẫn sẽ chẳng khác đi. Và chắc chắn là kết quả sau đó cũng sẽ không tốt hơn so với những lần trước đó. Điều quan trọng nhất là hãy giữ tư duy cởi mở để chọn được cách suy nghĩ đúng đắn và phù hợp cho bản thân, từ đó rút kinh nghiệm cho những sai lầm trong quá khứ.

3. Rèn luyện khả năng tự đánh giá

Bạn cần phải biết cách đánh giá những mục tiêu mà mình đã đề ra. Một mục tiêu phù hợp cho bản thân không phải là những thứ quá hão huyền, cũng không phải là những điều quá nhỏ bé và chẳng mang lại giá trị cho cuộc sống. Để rèn luyện khả năng tự đánh giá, hãy tập trung vào bức tranh toàn diện trong kế hoạch cuộc sống của bạn, không chỉ là một mục tiêu ở một mảng nào đó. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu kế hoạch của bạn có đang đi đúng hướng hay không? Bạn có đang tận hưởng cuộc sống hiện tại và tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành hình mẫu mà bạn muốn trong tương lai không? Bạn có hài lòng với tiến độ đã đạt được không?… Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp bạn đánh giá vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Tự đánh giá một cách thường xuyên sẽ giúp bạn đi đúng con đường mà mình đã chọn. Hãy đánh giá mọi vấn đề một cách khách quan và kỹ lưỡng nhất. Nếu có sai sót, bạn vẫn có cơ hội phát hiện sớm để khắc phục vấn đề. Nếu cảm thấy cách bạn chinh phục mục tiêu có hiệu quả và tiến bộ, nghĩa là bạn đang đi đúng con đường dẫn đến thành công. Hãy nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân và chú ý đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất khi đánh giá vấn đề.

Cố gắng chia mục tiêu lớn thành nhiều mục tiêu nhỏ hơn để dễ theo dõi và đánh giá. Khi một mục tiêu được chia nhỏ ra, bạn sẽ dễ dàng chinh phục được chúng hơn và cảm nhận rõ hơn về sự tiến bộ của mình. Thay vì đặt ra mục tiêu là được thăng tiến trong công ty, hãy chia mục tiêu lớn này thành các mục tiêu nhỏ hơn như đạt được kết quả công việc vượt mức KPI trong năm, phát triển thêm các kỹ năng cần thiết cho công việc, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các phòng ban khác… Sớm hay muộn, bạn sẽ khiến bản thân trở nên có giá trị hơn trong công ty và mọi người sẽ phải công nhận điều đó. Và sau khi chinh phục được những mục tiêu nhỏ, chắc chắn mục tiêu lớn sẽ hoàn thành.

Hãy linh hoạt thay đổi nếu những gì đang làm không mang lại hiệu quả. Sau khi vạch ra kế hoạch, hãy luôn tự hỏi bản thân về những thay đổi bạn cần làm để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đừng nhầm lẫn giữa đam mê và sự cố chấp. Kiên định với mục tiêu đặt ra là tốt, nhưng tùy vào hoàn cảnh và tình hình thực tế, hãy có cách điều chỉnh phù hợp để đạt được sự tiến bộ qua từng ngày.

4. Tự định đoạt tương lai

Việc đi làm cho một doanh nghiệp dù lớn đến đâu hoặc bạn đang giữ chức vụ cao thế nào vẫn có rủi ro. Bạn là người đi làm và cống hiến cho một tổ chức không phải do mình làm chủ. Do đó, bạn không nắm quyền định đoạt cho nguồn thu nhập cá nhân. Thành công là khi cuộc sống là do chính bạn định đoạt, không phải bất kỳ tổ chức nào. Do vậy, đến một thời điểm nào đó, bạn nhất định phải tạo ra thêm nguồn thu nhập khác giúp bản thân mình tự chủ, độc lập, có thể là kinh doanh riêng, hoặc thậm chí là khởi nghiệp. Khởi đầu mới luôn đầy rẫy khó khăn, nhưng hãy thoát ra khỏi vùng an toàn của mình và mơ về một cuộc sống mà bạn làm toàn tự do về mọi thứ.

4 bước để tạo dựng thành công cho bản thân hình ảnh 2Bạn nên có những kế hoạch dài hạn cho tương lai của mình

Hành trình tạo dựng thành công cho bản thân không hề dễ dàng. Nhưng dù có đang trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy cố gắng qua từng ngày, duy trì động lực để luôn tiến về phía trước. Hãy chọn cho mình cách tư duy đúng đắn, rèn luyện khả năng tự đánh giá và đặt ra tham vọng làm chủ cuộc sống của mình. Làm được những điều này, thành công sẽ đến với bạn một ngày không xa.

Rate this post

Viết một bình luận