Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước đang ở ngưỡng báo động. Nguồn nước ngọt sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người ngày càng cạn kiệt. Chính vì thế, chúng ta cần có nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước sạch. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về 5 biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước hiệu quả và dễ dàng thực hiện nhất.
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước và cạn kiệt nguồn nước sạch. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này chính là con người và tự nhiên.
Do sinh hoạt của con người
Trong đời sống hàng ngày, con người đã thải ra môi trường một lượng rác thải rất lớn. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
Nước thải, rác thải sinh hoạt đến từ mọi nơi: từ gia đình, khách sạn, cơ quan, bệnh viện, trường học,… nói chung là bất kể nơi nào có người sinh sống, làm việc. Rác thải, nước thải tỉ lệ thuận với chất lượng cuộc sống của con người. Tức là chất lượng cuộc sống của con người càng cao thì lượng nước thải ra ngoài môi trường càng lớn.
Do hoạt động sản xuất nông nghiệp
Các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt đều gây ô nhiễm nguồn nước. Đó chính là thức ăn dư thừa, nước tiểu, chất thải chưa qua xử lý đã xả thẳng ra ngoài môi trường. Hoặc lượng hóa chất, thuốc trừ sâu dư thừa có thể gây ô nhiễm cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm.
Thực trạng hiện nay cho thấy, đa phần nông dân đều sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu,… với hàm lượng quá rất nhiều lần cho phép. Chưa kể đến vỏ chai thuốc không được thu gom, vứt bừa bãi ngay tại ruộng. Lượng hóa chất tồn dư sẽ ngấm dần xuống các tầng nước ngầm và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Do hoạt động sản xuất công nghiệp
Nền công nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển kéo theo lượng chất thải, rác thải từ các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được xử lý ngày càng nhiều hơn. Đây chính là lý do khiến chất lượng nguồn nước sạch ngày càng suy giảm, cạn kiệt.
Một số tác nhân khác
Các hiện tượng tự nhiên như: lũ lụt, mưa, băng tuyết tan cũng là nguyên nhân khiến môi trường nước bị ô nhiễm. Không chỉ có vậy, xác cây cối hoặc động vật sau khi chết đi sẽ bị phân hủy thành các chất hữu cơ. Một phần trong số đó sẽ ngấm sâu vào đất, tác động và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Hậu quả khi nguồn nước ô nhiễm
Khi nguồn nước bị ô nhiễm kéo theo vô vàn hệ lụy nghiêm trọng. Và con người chính là nạn nhân đầu tiên hứng chịu những hậu quả đó. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà ô nhiễm môi trường nước còn gây nên thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội.
Với sức khỏe con người
Ô nhiễm nước có thể không gây hại đến sức khỏe con người ngay lập tức nhưng chúng sẽ để lại hậu quả lâu dài nếu phải sử dụng, tiếp xúc nhiều. Các dạng ô nhiễm nguồn nước khác nhau sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo những cách khác nhau.
Kim loại nặng có trong chất thải công nghiệp tích lũy trong ao hồ xả thải. Chúng gây hại với các sinh vật sống trong nước như động vật có vỏ, cá, tôm,… sau đó là gây hại cho người ăn chúng. Kim loại nặng trong nước có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, gây chậm phát triển và thậm chí là ung thư.
Chất thải công nghiệp gây độc hại trực tiếp đến sức khỏe của thủy hải sản. Một số độc tố trong đó chỉ có tác động nhẹ trong khi có những chất độc khác có thể gây nên tử vong. Chất độc này gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, ngộ độc cấp tính hoặc suy sinh sản.
Chất ô nhiễm từ nước thải thường gây nên các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng đến các loại thủy sinh, sinh vật trên cạn thông qua nước uống. Nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật là một vấn đề rất nặng đối với các nước đang phát triển. Các loại dịch bệnh từ nguồn nước bẩn như sốt thương hàn, dịch tả là nguyên nhấn chính khiến tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng cao.
Các hạt sunfat từ những cơn mưa axit gây hại cho sức khỏe các vi sinh vật ở ao, hồ, sông. Thậm chí là gây tử vong. Các hạt lơ lửng này có trong nước ngọt và chúng làm giảm chất lượng nước uống của sinh vật biển, con người. Các hạt này còn làm giảm lượng ánh sáng mặt trời tác động tới mặt nước. Điều này làm gián đoạn sự phát triển của vi sinh vật và quá trình quang hợp của thực vật.
Với kinh tế xã hội
Ô nhiễm nguồn nước có thể gây nhiều tổn hại lớn cho nền kinh tế bởi chi phí để xử lý và ngăn ngừa ô nhiễm là rất lớn. Chất thải không dễ dàng bị phân hủy mà nhanh chóng tích tụ lại trong nước rồi chảy ra các đại dương.
Ô nhiễm nguồn nước ngầm có thể được ngăn chặn bằng cách xử lý ô nhiễm các vùng nước gần đó. Có một số cách để ngăn ngừa ô nhiễm nước như: bộ lọc cát, bộ lọc sinh học, hóa chất.
Những kỹ thuật này tuy đơn giản những lại tiêu tốn nhiều chi phí để duy trì. Thế nhưng các biện pháp phòng trừ này lại có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc làm sạch lại nguồn nước đã bị ô nhiễm. Chi phí cho việc làm sạch nguồn nước cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
-
Vị trí ô nhiễm nguồn nước sẽ xác định được chi phí dọn dẹp. Nếu ô nhiễm ở khu vực thuận tiện đi lại thì chi phí làm sạch nước sẽ thấp hơn.
-
Quy mô khu vực ô nhiễm nước càng lớn thì chi phí đầu tư cho việc xử lý ô nhiễm càng tốn kém.
-
Loại chất gây ô nhiễm môi trường nước: Có một số chất độc hại gây ô nhiễm sẽ khó để làm sạch hơn các chất khác. Chính vì thế chi phí bỏ ra cũng lớn hơn.
5 Biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước
Dưới đây là 5 biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước đơn giản, dễ thực hiện và mang lại kết quả tốt nhất:
Xử lý rác sinh hoạt đúng cách
Đầu tiên cần chuẩn bị những vật dụng chứa rác có nắp đậy kín và phải đủ lớn để chứa được tất cả rác thải ra trong ngày, nhất là tại các khu tập thể, nơi công cộng. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách, hợp vệ sinh để tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
Xử lý nước thải đúng cách
Đối với nước thải, cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải (dạng cống ngầm kín) rồi sau đó mới cho đổ ra hệ thống công chung. Tránh tình trạng không xử lý mà xả tràn lan ra ngoài môi trường gây ô nhiễm nước. Đặc biệt, nước thải từ các khu công nghiệp, y tế cần phải xử lý cẩn thận, đúng theo quy định trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài.
Luôn tiết kiệm nước
Để tránh trường hợp nguồn nước sạch bị cạn kiệt thì chúng ta cần thực hiện phương châm tiết kiệm nước. Hãy giảm sự lãng phí bằng những cách đơn giản, thiết thực nhất như: tắt vòi nước khi đang đánh răng, kiểm tra và bảo dưỡng các đường ống dẫn nước thường xuyên, cải tạo bể chứa nhằm chống sự rò rỉ, thất thoát nước.
Bên cạnh đó, nên tận dụng những nguồn nước từ tự nhiên như nước mưa vào việc tưới cây, cọ rửa,… để tránh lãng phí nguồn nước sạch.
Hướng đến nông nghiệp xanh
Những người nông dân có thể hướng đến nền nông nghiệp xanh bằng cách xây dựng và thực hành các kế hoạch quản lý chất dinh dưỡng nông nghiệp. Điều này sẽ hạn chế được hàm lượng chất dinh dưỡng dư thừa ngấm vào đất, nước ngầm. Tác động từ thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu có thể được quản lý bằng cách sử dụng kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Hoặc kiểm soát dịch hại sinh học, giảm thiểu sâu bệnh và sự phụ thuộc vào chất hóa học, thuốc trừ sâu.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Đây chính là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ nguồn nước khỏi nguy cơ ô nhiễm. Chỉ cần mỗi chúng ta tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ nguồn nước sạch thì chúng ta sẽ có được một cộng đồng tốt. Có thể bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày như: Vứt rác thải vào đúng nơi quy định, không xả chất độc hại trực tiếp ra ngoài môi trường, sử dụng hàm lượng thuốc hóa học đúng theo hướng dẫn,…
Trên đây là 5 biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước hiệu quả, dễ dàng thực hiện nhất. Tuy nhiên, để xử lý được nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sạch thì không thể có kết quả ngay trong ngày một ngày hai mà cần có sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng trong thời gian dài. Hãy chung tay cùng cộng đồng bảo vệ nguồn nước sạch của chúng ta ngay hôm nay!