Cuộc sống cũng như một dòng sông dài, chẳng bao giờ bằng phẳng và êm xuôi mãi, hẳn sẽ có những khúc quanh, lúc sóng gió. Ai trong đời rồi cũng một lần cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng, lòng không thôi cảm thấy chới với giữa dòng đời xô bồ, bản thể nhỏ bé đến cùng cực, trong khoảnh khắc nhen nhóm ý nghĩ buông bỏ, tâm hồn gần như gục ngã, mất niềm tin, mất hi vọng, trước mặt chỉ còn là một khoảng không đen đặc, đầy đau đớn.
Vậy phải làm sao để tự tin bước qua những đoạn đường mấp mô mang tên bế tắc?
1. Bao dung những mất mát, đau thương
Không ai khôn lớn mà chưa từng phải qua những đau đớn, mất mát, hay bế tắc. Cuộc đời là vô thường, con người không ai hoàn hảo, những ngày tháng tồn tại trên cõi tạm này là tổng thể dung hòa của tốt, xấu, hạnh phúc, đau đớn ở những mức độ khác nhau.
Bất toàn là đặc tính chung của nhân loại. Bao dung, chấp nhận những thiếu sót của bản thân – nguyên nhân gây ra những bế tắc.
Bỏ qua những sai lầm của người khác – gián tiếp gây ra bế tắc của bản thân,
Xóa hết những chuyện tiến triển không như mong muốn – căn nguyên nảy sinh bế tắc.
Đây cũng là một cách vượt qua một trong ba tam độc trong cuộc đời. Điều này giúp tâm hồn bạn trở nên nhẹ nhàng hơn. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy mọi đau buồn, bất hạnh trong cuộc đời, là điều vốn dĩ phải xảy ra, dù thời gian có quay lại, nó vấn sẽ xảy ra, dù ngày đó bạn quẹo trái hay quẹo phải, đích đến của con đường ấy vẫn là sự bế tắc – thử thách cuộc đời mang đến để đánh giá sự kiên trì.
Tuy vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang phân biệt rõ khái niệm dung hòa những bế tắc trong cuộc sống để bản thân nhẹ nhàng hơn, có đủ tự tin để thực hiện mọi điều tốt hơn, với việc “lạm dụng” quy luật muôn đời, rằng con người ai rồi chẳng bế tắc, đau khổ để “ỉ lại”, coi đó là chuyện khách quan phải có, không nỗ lực vượt qua sóng gió, thử thách. Những ngày tháng bế tắc cũng như những hạt giống buồn, hãy ôm ấp chúng để xoa dịu rồi từ đó vươn lên, quên lãng mọi buồn vương, để vun xới một vùng đất mới, nhiều hạt giống vui vẻ, thành công, hạnh phúc hơn.
2. Quán chiếu từ Tâm
Khi gặp phải bế tắc, một cách thường thấy là con người rơi vào mệt mỏi, những suy nghĩ tiêu cực cứ thế ập đến. Hẳn đã có lúc, cái chết là điều duy nhất còn hiện diện trong tâm trí. Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ chỉ thấy cuộc sống toàn màu đen,những tổn thương nặng nề làm bạn mất phương hướng, không phân biệt được đúng – sai, phải – quấy, con mắt bi quan khiến bạn không còn thiện chí để sống.
Chính điều này, khiến bạn quên đi rằng, có một sự thật sẽ luôn đúng là gia đình, người thân, bạn bè vẫn luôn bên cạnh ta, bảo vệ, che chở, yêu thương ta vô điều kiện. Trong cuộc đời này, không phải ai bị thất vọng cũng trở thành tuyệt vọng và không phải ai tuyệt vọng cũng sẽ chịu chết chìm trong khổ đau mãi. Do đó, hãy có một cái nhìn quán chiếu từ Tâm thật bình thản, chính xác, để tìm ra mấu chốt của vấn đề, lần về cội nguồn của những đau thương, hiểu nó và từ từ giải quyết nó.
3. Tự trọng và đồng cảm
Tự trọng là một vũ khí khác để đối trị tâm sân hận. Điều này có nghĩa, bạn hãy nhìn nhận chính mình một cách chính xác, trung thực, khách quan nhất. Tức là không đề cao cũng không hạ thấp giá trị của chính mình, nắm bắt rõ nhất nhược điểm, ưu điểm của bản thân, để khi gặp phải một vướng mắc nào đó, bạn sẽ luôn biết mình là ai, mình ở đâu trong muôn trùng đất trời này.
Sự tự trọng này, giúp bạn ý thức được giá trị của bản thân, để bạn không cần phải tranh đấu để tự khẳng định lại mình khi bị người khác lăng mạ, để bạn đè nặng sự thất bại, đau đớn. Do đó, khi gặp phải bế tắc, bạn sẽ luôn nhận thức được rằng, dù người khác có xúc phạm, lăng mạ, cố gắng làm tổn thương đến bạn như thế nào cũng không thể thay đổi giá trị con người bạn.
Đồng cảm với cái tâm lương thiện, bạn sẽ luôn cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi người khác làm bạn tổn thương, đau đớn hoặc đẩy bạn đến bế tắc, mệt mỏi. Bởi bạn hiểu rằng, khi cố ý làm hại người khác, lương tâm của họ sẽ không được an lành, thanh thản. Khi đó trong lòng của bạn sẽ dễ tha thứ hơn, ân xá hơn.
Sự bế tắc sẽ từ từ được hóa giải, tâm hồn bạn không những được an yên, nhẹ nhõm mà còn biến chuyển những sân hận thành yêu thương, tha thứ.
4. Ngồi thiền, viếng thăm một ngôi chùa
Trong những thời khắc bế tắc, thất bại, mệt mỏi, cách tốt nhất để giúp bạn vượt qua những đau đớn là để Tâm được an yên, “nghỉ dưỡng”, dung hòa, tìm đến sự thanh bình.
Hãy thử ngồi thiền, hoặc viếng thăm một ngôi chùa, nghe những bài giảng kinh, để tâm hồn thanh tịnh, xóa tan mọi muộn phiền, lo toan, căng thẳng, bế tắc, thất bại. Nếu có cơ hội, hãy tham gia một khóa tu ngắn hạn, để thế giới xô bồ xung quanh bên ngoài khép lại, vỏn vẹn trong không gian tràn ngập đạo Phật, thì tâm hồn bạn sẽ cảm thấy an lạc hơn, thoải mái hơn.
Hãy tạo cho mình một thế giới nội tâm cân bằng, khi đó hiển nhiên sẽ đưa đến sự an bình của thế giới bên ngoài.
5. Hiểu về luật nhân quả, nghiệp báo
Hãy luôn tin rằng, mọi việc diễn biến trong cuộc đời này đều có cơ duyên của có. Sự bế tắc bạn đang gặp phải không phải hiển nhiên mà xuất hiện, đó là căn cơ, là nghiệp báo bạn phải trả cho những sai lầm của kiếp trước, hoặc cũng có thể chính là nhân quả cho những lần “gieo gió” trong quá khứ của bạn.
Đời là vô thường, là một chuỗi ngày phải trả nghiệp cho những sai lầm, nhằm hướng đến sự hoàn thiện. Hãy dành chút thời gian để chiêm nghiệm lại hành trình cuộc đời của chính mình, để nhìn nhận từng khoảnh khắc đúng – sai từng vượt qua, để hiểu hơn về nguyên nhân nảy sinh những bế tắc, thất bại trong hiện tại. Từ đó, hãy sống tuyệt vời hơn trong từng phút giây trên đời.
Vì vốn dĩ chúng sinh phải trải qua bao kiếp luân hồi sinh tử mới được làm người. Bởi được làm người là đáng quý, mỗi một giây phút của cuộc sống này là một diễm phúc của kiếp người, Đừng làm điều gì bất thiện, bởi luật nhân quả trên đời không trừ một ai, và theo đức Phật một người khi gieo nghiệp bất thiện thì sẽ phải chịu đau khổ trầm luân trong những kiếp sau.
Hiểu và tin vào luật nhân quả sẽ giúp bạn chuyển hóa mọi bế tắc, sân hận thành cảm giác thấu hiểu cuộc đời với tư cách một người hiểu biết, trí thức, sống bằng cái Tâm chân thành và tuyệt vời. Để từ đó, trong đối nhân xử thế, bạn sẽ luôn trân trọng mọi người với một tấm lòng từ bi nhất. Và hiển nhiên “gieo nhân nào, gặt quả nấy”, bạn sẽ luôn được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, xã hội, thành công sẽ luôn gõ cửa, bạn sẽ luôn an yên và hạnh phúc.
Cuộc đời vốn là một dòng sống, khúc quanh co, khúc thẳng tắp, lúc nước đầy, khi nước cạn. Bế tắc là điều cần có trong cuộc đời để thử bản năng mạnh mẽ, vượt lên trên tất cả mọi thương đau bằng trái tim tuyệt vời nhất, để hướng đến cõi niết bàn an yên và thanh tịnh. Do đó, đứng trước những bế tắc, đừng vội đầu hàng, thất bại tạo nên cuộc sống, vết thương tạo nên sự chững chạc, và bế tắc gây dựng nên một bản ngã kiên cường. Hãy tiếp tục đứng lên, mỉm cười và bước tiếp bằng một cái Tâm tuyệt vời nhất.
Bài viết: “5 cách vượt qua sự bế tắc trong cuộc sống
Tiểu Phương – Vườn hoa Phật giáo
Nguồn Blog Phật Giáo