“Nếu muốn được tôn trọng, bạn cần có LQ. Vậy LQ là gì? Đó là chỉ số của lòng yêu thương, một chỉ số mà máy móc không bao giờ có được”, Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, chia sẻ.
Khi nói đến các chỉ số của con người, chúng ta thường nghe tới chỉ số IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) và chỉ số EQ (Emotional Quotient – chỉ số cảm xúc). Cả 2 chỉ số này đều là những thước đo giúp đánh giá một số phẩm chất của con người trên phương diện khoa học. Tuy nhiên, ngày nay có một chỉ số mới đang gây chú ý trong giới kinh doanh nói riêng và thế giới nói chung, đó là chỉ số LQ (Love Quotient – chỉ số trắc ẩn).
LQ khác gì EQ?
EQ là chỉ số đánh giá nhận thức của chúng ta về cảm xúc và cách cảm xúc ảnh hưởng đến giao tiếp. Còn LQ là chỉ số về khả năng thể hiện tình yêu của chúng ta với bản thân và với người khác. Điểm khác biệt lớn nhất chính là về mức độ trải nghiệm ở 2 chỉ số. Chỉ số EQ liên quan đến cả thể chất và trí tuệ, còn chỉ số LQ liên quan đến trái tim.
5 lý do khiến LQ cần thiết trong công việc
1. Qua lòng trắc ẩn, chúng ta trở thành những người biết học hỏi: Một giáo viên giỏi là giáo viên biết quan tâm tới học sinh đúng cách. Thông qua hành trình kinh doanh của mình, Jack Ma đã nhận thấy rằng một giáo viên tốt luôn mong học sinh làm tốt hơn mình. Trong công việc cũng vậy, chúng ta không thể mong đợi kết quả tốt nếu không học hỏi từ những người giỏi nhất. Sự trắc ẩn sẽ khuyến khích ta tìm tòi, học hỏi và truyền cảm hứng cho người khác thay vì đố kị lẫn nhau.
2. Qua lòng trắc ẩn, chúng ta biết lắng nghe người khác: Việc lắng nghe người khác là để cùng người đó cải thiện tình hình của họ. Biết lắng nghe đúng cách còn giúp đặt nền tảng cho một hệ thống giao tiếp hiệu quả trong công việc. Nhân viên có xu hướng ngưỡng mộ và tôn trọng những nhà lãnh đạo thực sự dành thời gian tìm hiểu và lắng nghe nhân viên của mình. Vì vậy, lòng trắc ẩn là một yếu tố cần thiết để duy trì các mối quan hệ ở nơi làm việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
Chúng ta thành công nhất là khi tự vượt qua chính mình để trở thành một phiên bản tốt hơn, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Ảnh minh hoạ
3. Qua lòng trắc ẩn, chúng ta biết cách tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình: Một phần của việc trở thành nhà lãnh đạo tốt là bỏ đi cái tôi và rèn luyện sự khiêm tốn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo biết khiêm tốn thường đạt được hiệu suất công việc và chất lượng kết quả cao hơn, đồng thời được nhân viên yêu quý và tôn trọng hơn so với những vị sếp khó tính. Sự trắc ẩn sẽ khơi dậy lòng khiêm tốn của chúng ta một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, lòng trắc ẩn còn giúp chúng ta nâng cao khả năng tự đánh giá năng lực và làm việc nhóm một cách hiệu quả.
4. Qua lòng trắc ẩn, chúng ta biết tôn vinh những thế hệ khác thế hệ của mình: Nhiều người đi trước thường cho rằng lớp trẻ là những con người bộp chộp, nhanh nhảu và có phần thiếu trách nhiệm trong công việc. Trong khi đó, một bộ phận giới trẻ khi đi làm lại thấy người lớn tuổi hơn là những người cổ hủ, không chịu bắt kịp xu hướng và làm chậm tiến độ công việc. Khi có lòng trắc ẩn, ta sẽ nhận ra mỗi thế hệ đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, qua đó giúp họ khai thác triệt để hơn tiềm năng của mình. Điều này không chỉ thúc đẩy cả bản thân lẫn doanh nghiệp cùng phát triển, mà còn tạo một môi trường làm việc lành mạnh.
5. Qua lòng trắc ẩn, chúng ta học cách định nghĩa sự thành công: Để phát triển ở bất cứ lĩnh vực nào trong công việc, chúng ta cần lấy “mọi người” làm trung tâm. Điều quan trọng là phải kiên cường trong những lúc gặp khó khăn và cùng nhau tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. “Sự thành công” trong công việc có nhiều cách đánh giá nhưng nếu đánh giá với lòng trắc ẩn, chúng ta sẽ thấy rằng mình thành công khi được đóng góp cho một tập thể lớn. Chúng ta thành công khi học cách giải quyết những vấn đề trước đây ta chưa từng gặp. Chúng ta thành công nhất là khi tự vượt qua chính mình để trở thành một phiên bản tốt hơn, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống.