Sử dụng trà gừng mật ong, nước giá đỗ, tận dụng cam thảo,… là những mẹo chữa mất giọng khẩn cấp được áp dụng khá phổ biến. Nếu triệu chứng có mức độ nhẹ đến trung bình, thực hiện đều đặn những mẹo này có thể làm dịu niêm mạc cổ họng, giảm viêm thanh quản và cải thiện triệu chứng mất tiếng, khàn giọng,…
Một số nguyên nhân gây mất giọng
Mất giọng là tình trạng không thể phát âm và giao tiếp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và hoạt động làm việc của một số đối tượng như giáo viên, ca sĩ, MC, hoạt náo viên,…
Mất giọng có thể xảy ra do những nguyên nhân phổ biến sau đây:
- La hét, hát và nói quá nhiều hoặc quá to
- Thường xuyên hút thuốc lá, dùng rượu bia
- Bị cảm cúm hoặc cảm lạnh
- Dị ứng phấn hoa hoặc thực phẩm
- Trào ngược dạ dày
- Viêm thanh quản mãn tính
Ngoài những nguyên nhân này, mất giọng cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, bệnh Parkinson,…
Nếu do những bệnh lý trên gây ra, mất giọng thường không thể thuyên giảm khi áp dụng các mẹo chữa tại nhà. Trong trường hợp này, bạn nên liên lạc với bác sĩ chuyên khoa để được áp dụng các biện pháp chuyên sâu.
5 Mẹo chữa mất giọng khẩn cấp có thể áp dụng tại nhà
Các mẹo chữa mất giọng khẩn cấp chỉ áp dụng với những trường hợp mất giọng do những nguyên nhân thông thường như la hét quá mức, cảm, viêm thanh quản,…
1. Uống trà gừng và mật ong
Hoạt chất Gingerol trong gừng có đặc tính dược lý mạnh. Thành phần này có khả năng chống lại virus gây bệnh cảm lạnh và cảm cúm thông thường. Ngoài ra, Gingerol còn có khả năng làm giảm viêm ở cổ họng và dây thanh.
Trong khi đó, các hợp chất thực vật trong mật ong có tác dụng làm dịu mô thanh quản và niêm mạc cổ họng. Hơn nữa sử dụng mật ong còn có khả năng chống viêm và phục hồi các cơ quan bị tổn thương. Do đó dùng trà gừng và mật ong giúp bạn ức chế tác nhân gây nhiễm trùng, làm dịu và chữa lành tổn thương ở dây thanh quản và cổ họng.
Chuẩn bị:
- 3 thìa mật ong nguyên chất (không nên dùng mật ong pha tạp)
- 3 – 5 lát gừng thái mỏng
- 300 – 500ml nước sôi
Thực hiện:
- Thả gừng vào nước sôi và hãm trong khoảng 10 phút
- Thêm mật ong vào và khuấy đều
- Sau đó nhấp từng ngụm để trà thấm vào niêm mạc hầu họng
2. Sử dụng nước giá đỗ
Giá đỗ có chứa nhiều vitamin C, phytochemical, acid amin và khoáng chất. Các thành phần trong giá đỗ không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn hỗ trợ chữa mất giọng và khàn tiếng.
Sử dụng nước giá đỗ là một trong những mẹo chữa mất giọng khẩn cấp được nhiều người áp dụng. Thực hiện cách này khoảng 2 – 3 ngày bạn sẽ nhận thấy cổ họng dịu và có thể giao tiếp trở lại.
Chuẩn bị:
- 50g giá đỗ
- 1 ít muối
Thực hiện:
- Làm sạch giá đỗ và để ráo
- Sau đó chần qua nước sôi và để nguội bớt
- Vắt giá đỗ lấy nước và thêm ít muối
- Nhấp từng ngụm uống để cải thiện tình trạng khàn và mất giọng
3. Dùng trà xanh và chanh làm dịu cổ họng
Các polyphenol trong trà xanh có khả năng chống oxy hóa và giảm viêm tốt. Hợp chất này giúp làm dịu cổ họng sưng nóng, cải thiện hiện tượng viêm ở dây thanh và giúp loãng dịch đờm ứ đọng.
Ngoài ra, các hợp chất thực vật trong trà xanh còn có tác dụng kháng khuẩn và giảm mức độ nhiễm trùng. Nếu bạn bị mất tiếng do cảm lạnh, cảm cúm và viêm thanh quản, việc uống trà xanh có thể hỗ trợ ức chế tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, mẹo chữa mất tiếng này còn được bổ sung thêm chanh. Chanh là loại quả chứa nhiều vitamin C, có tác dụng nâng cao miễn dịch và giảm hoạt động của virus ở đường hô hấp trên.
Chuẩn bị:
- 1 – 2 trà xanh túi lọc
- 1 thìa mật ong
- ¼ quả chanh
- 300ml nước sôi
Thực hiện:
- Hãm túi trà với nước sôi trong khoảng 5 phút
- Thêm mật ong vào và để trà ấm
- Vắt nước cốt chanh vào và uống
4. Trị mất tiếng bằng cam thảo
Cam thảo có tác động đến thần kinh trung ương nhằm kích thích xuất tiết ở khí quản và hầu họng, từ đó làm loãng dịch đờm ứ đọng. Hơn nữa các thành phần hóa học trong cam thảo như acid glucuronic và glycyrrhizincó khả năng giảm tính thẩm thấu của mao mạch và cải thiện hiện tượng viêm.
Vì vậy dùng cam thảo có thể chữa mất giọng khẩn cấp và làm dịu những triệu chứng của các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Chuẩn bị:
- 10g cam thảo sống
- 300ml nước sôi
Thực hiện:
- Rửa sạch và thái mỏng cam thảo
- Đem hãm với nước sôi trong khoảng 15 phút
- Uống từng ngụm trà cam thảo để làm dịu cổ họng và dây thanh
5. Chữa mất tiếng khẩn cấp với lá bạc hà
Bạc hà chứa acid rosmarinic có khả năng giảm viêm và chống oxy hóa. Vì vậy khi sử dụng bạc hà, hiện tượng sưng viêm ở dây thanh và cổ họng sẽ được cải thiện. Từ đó làm giãn không giãn trong thanh quản và giúp bạn dễ dàng khi phát âm.
Bên cạnh đó, tinh dầu và các thành phần trong bạc hà còn giúp tiêu diệt các vi khuẩn và vi sinh vật bám trong răng miệng. Thực hiện mẹo từ lá bạc hà thường xuyên còn hỗ trợ ức chế nhiễm trùng và đem lại hơi thở thơm mát.
Chuẩn bị:
- 3 – 5 lá bạc hà
Thực hiện:
- Rửa sạch bạc hà với nước và để ráo
- Sau đó nhai trực tiếp bạc hà, nuốt nước và nhả bã
Lưu ý khi thực hiện các mẹo chữa mất giọng khẩn cấp
Hầu hết các mẹo chữa mất giọng khẩn cấp chỉ có hiệu quả đối với những trường hợp có mức độ nhẹ đến trung bình. Với người bị mất giọng do các bệnh lý nghiêm trọng, tình trạng chỉ được cải thiện khi can thiệp các biện pháp chuyên sâu.
Ngoài ra để tác dụng của những cách chữa trên phát huy tối đa, bạn cần lưu ý một số thông tin quan trọng sau:
- Nên thực hiện mẹo chữa mất giọng từ 2 – 3 lần/ ngày và áp dụng liên tục cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hẳn.
- Cần hạn chế uống rượu bia, hút thuốc và dùng cà phê trong thời gian điều trị.
- Tăng cường bổ sung nước và chất lỏng (nước ép, sữa,…) để làm loãng đờm và giảm viêm ở thanh quản.
- Dùng nước muối loãng súc miệng khoảng 3 lần/ ngày nhằm xử lý dịch nhầy và làm dịu cảm giác khó chịu ở cổ họng.
- Nếu dịch đờm ứ gây khó thở, bạn cần xông mũi để tăng dẫn lưu và cải thiện tình trạng mất giọng.
- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều acid, gia vị và dầu mỡ.
- Dùng thuốc trong những trường hợp cần thiết, tuy nhiên bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để đề phòng rủi ro.
Với những trường hợp nhẹ, việc áp dụng các mẹo chữa mất giọng khẩn cấp ngay tại nhà có thể cải thiện triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên nếu tình trạng không thuyên giảm, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc và biện pháp khắc phục phù hợp.