Trong tiếng Ấn Độ, từ “diwali” là cách viết gọn của từ “deepavali”, nghĩa là “dòng ánh sáng”, chính vì vậy lễ hội Diwali còn được gọi là Lễ hội ánh sáng. Vào những ngày lễ hội Diwali cả đất nước Ấn Độ trở nên rực rỡ trong ánh đèn, nến và pháo hoa.
Người dân Ấn Độ và Nepal cũng như tại các cộng đồng Ấn giáo khác trên thế giới ăn mừng lễ Diwali vào đêm 13 kỳ trăng khuyết (tức đêm 28) của tháng Ashwin – tháng 10 cho tới ngày thứ 2 của tháng Kartika – tháng 11 trong lịch Ấn Độ.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, mọi người có phong tục thắp đèn dầu bấc vải (gọi là dipa) để ăn mừng chiến thắng của thần Krishna trước Narakasura, biểu tượng cho chiến thắng của các thiện trước cái ác.
Lễ hội Diwali diễn ra trong thời gian 5 ngày, mỗi ngày là mang một ý nghĩa riêng:
– Ngày thứ nhất, ngày Dhanatrayodashi (hoặc Dhan Teras), là ngày của sự thịnh vượng và giàu có, người ta thường đi mua vàng và sắm đồ dùng gia đình.
– Ngày thứ hai, Naraka Chaturdashi, là ngày con quỷ Narakasura bị giết chết, mang ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối.
– Ngày thứ ba, Lakshmi Puja, là ngày quan trọng nhất trong dịp lễ hội. Các gia đình Ấn Độ cúng thần Lakshmi và thần Ganesa, vị thần của những khởi đầu tốt lành. Mọi người đốt đèn, nến ở khắp nơi trong nhà và ngoài phố.
– Ngày thứ tư, Govardhan Puja (còn gọi là Annakut), là ngày Krishna đánh bại Indra. Trong ngày này, các món đồ ăn được trang trí đẹp mắt và xếp thành từng ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho ngọn núi mà Krishma đã phải vượt qua. Các ông chồng thường tặng quà cho vợ vào ngày Govardhan Puja.
– Ngày thứ năm, Bhaduj, là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình cảm cho nhau.
Đây còn là thời điểm thể hiện những đặc trưng về đời sống tâm linh, xã hội của người Ấn. Đường phố, nơi diễn ra lễ hội được trang hoàng lộng lẫy với hình ảnh chim công sặc sỡ.