Thời tiết lạnh khô vào mùa đông dễ khiến môi trở nên nứt nẻ, thậm chí chảy máu. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ giới thiệu cho bạn 6 cách đơn giản để trả lại làn môi mềm mại, mượt mà. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Uống đủ nước
Môi khô nứt xuất phát từ tình trạng thiếu ẩm của cơ thể. Vì vậy, bạn nên cung cấp cho cơ thể đủ 2 lít nước mỗi ngày. Cố gắng uống 1-2 ly nước ấm vào sáng sớm lúc dạ dày rỗng và 1 ly nước trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể đào thải độc tố và cung cấp đủ nước suốt cả ngày.
Thoa dầu dừa, dầu oliu hoặc mật ong
Dầu dừa và dầu oliu rất tuyệt vời để dưỡng ẩm cho cả da và tóc. Dầu dừa và dầu oliu rất giàu vitamin E và các chất chống oxy hóa. Ngoài ra, chúng còn có tính kháng khuẩn và giữ ẩm rất tốt. Thoa một ít lên môi trước khi ngủ, đôi môi bạn sẽ trở nên mượt mà căng mọng vào buổi sáng thức dậy.
Dù là nguyên chất hay là son dưỡng tự nhiên từ dầu dừa hay dầu oliu đều rất tốt cho môi của bạn.
Ngoài dầu dừa và dầu oliu, mật ong cũng được xem là thần dược chữa làn môi khô nứt. Mật ong cũng có tính kháng khuẩn, đồng thời chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất. Trước khi đi ngủ, làm sạch môi rồi thoa 1 chút mật ong. Thói quen này không những giúp trị nứt môi mà còn giúp môi hồng hào nếu sử dụng lâu dài.
Đắp mặt nạ dưa leo cho môi
Dưa leo có hàm lượng dinh dưỡng cao với 96% là nước, còn lại lại các loại vitamin, muối khoáng hữu ích cho cơ thể. Nó cũng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao nên rất tốt cho đôi môi của bạn.
Bạn có thể cắt dưa chuột thành từng lát mỏng rồi xoa lên môi nứt nẻ. Để trong vòng 15 phút trước khi rửa sạch bằng nước. Làm cách này trước khi đi ngủ mỗi ngày có thể khiến môi được cải thiện rõ rệt.
Ngoài đắp trực tiếp lên môi, bạn cũng có thể uống nước ép dưa leo để bổ sung thêm khoáng chất và độ ấm.
Bỏ thói quen liếm môi
Khi môi bị khô, chúng ta thường có thói quen liếm môi để tạo ra độ ẩm cho môi. Nhưng sự thật là liếm môi chỉ khiến môi bớt khô tạm thời, sau đó sẽ làm tăng tình trạng khô nứt.
Lý do là vì trong thành phần nước bọt có chứa men amylase (một loại men thủy phân tinh bột). Khi liếm môi, lớp dịch nước bọt sẽ cung cấp độ ẩm tạm thời cho môi. Nhưng một thời gian sau khi tiếp xúc với không khí, nước trong dịch sẽ bay hơi, chỉ còn lại chất amylase bám trên bề mặt môi. Chính chất này làm cho môi bị co lại và khô ráp hơn trước.
Thử chuyển đổi kem đánh răng
Nhiều loại kem đánh răng có chứa thành phần natri lauryl sulfate có thể kích ứng khiến đôi môi khô và nứt nẻ. Nếu bạn đang khó chịu với đôi môi nứt nẻ, hãy thử đọc thành phần của kem đánh răng và chuyển đổi sang sử dụng kem đánh răng khác.
Thay đổi thói quen thở khi ngủ
Một số người thường thở bằng miệng khi ngủ. Thở miệng làm cho không khí liên tục đi qua đôi môi và làm môi khô nhanh chóng. Đây có thể là thói quen hoặc do một số nguyên nhân bệnh lý. Vì vậy, tốt nhất là bạn giữ ẩm cho đôi môi suốt cả ngày. Nên trao đổi với bác sĩ để chữa trị vấn đề về thở nếu là do nguyên nhân bệnh lý.
Nếu môi khô kèm ngứa hoặc nứt nẻ tiết dịch, đóng mài cần đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị.
Bài viết trên đã giới thiệu 6 cách khắc phục tình trạng làn môi nứt nẻ. Nếu sau khi làm theo những lời khuyên trên mà vẫn không thể khắc phục tình trạng khô môi và nứt nẻ, bạn nên đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Chế phẩm L-cystine là gì? L-cystine được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng Youmed tìm hiểu thêm nhé!
>> Xem thêm: Làm khỏe da, tóc, móng với viên uống L-cystine