6 kỹ năng cần có của một PT

Personal Trainer (PT) đang được biết đến là một nghề xu hướng cho giới trẻ với nhiều tiềm năng phát triển. Để trở thành PT chúng ta cần có một body cân đối, một sức khỏe dồi dào và tinh thần nhiệt huyết. Tuy nhiên chỉ như vậy là chưa đủ.

Ai cũng có thể làm PT nhưng để trở thành một PT sống được với đam mê, làm được việc và tạo ra giá trị (thu nhập cao, sức khỏe cho khách hàng) bạn sẽ cần học tập, trau dồi liên tục để có được 6 kỹ năng sau đây:

 

1. Kỹ năng tự học: 

Kiến thức về tập luyện, giải phẫu, dinh dưỡng liên tục được cập nhật theo thời gian. Nếu bạn không có kỹ năng tự học, bạn sẽ đứng yên tại chỗ với những kiến thức lạc hậu.

Một sự thật là kiến thức đang được chia sẻ tràn lan trên mạng nhưng không phải lúc nào cũng là thông tin khoa học chuẩn xác.

Chính bạn cần có tư duy để vừa cập nhật kiến thức nhưng không bị sa đà vào những định hướng sai lầm. 

Vậy tư duy được hình thành bằng cách nào? Bằng cách dành thời gian tự học.

Tự học là kỹ năng đầu tiên bạn cần để có thể liên tục phát triển.

Tự học là tự quan sát, cảm nhận, đọc hiểu, đặt câu hỏi và tự phản biện.

Không chỉ dừng lại ở những kiến thức chuyên môn bạn cần phải tự học thêm những kỹ năng quan trọng như quan sát và giao tiếp.

Sau khi rời ghế nhà trường sẽ không có người nào thúc giục bạn học tập mỗi khi bạn lười biếng.

Hãy từng bước loại bỏ thói lười biếng và rèn luyện khả năng tự học bạn sẽ phát triển tốt với nghề huấn luyện viên cá nhân. 

2. Kỹ năng tạo động lực:

Tạo động lực là khơi dậy tinh thần tập luyện của khách hàng, khơi dậy tinh thần làm việc của đồng nghiệp.

Điều này giúp họ phát triển được tiềm năng bên trong chưa được khai phá.

Vậy tại sao PT cần có kỹ năng này?

Vì khách hàng trả tiền cho PT với mong muốn có một buổi tập tràn đầy động lực và hứng khởi. Gọi việc này là truyền cảm hứng cũng không sai.

Tạo động lực không đồng nghĩa với hét vào tai để khách hàng cảm thấy sung sức hay nắm chặt tay và hô vang một câu khẩu hiệu “đa cấp”.

Biết cách tạo động lực giúp bạn tăng thu nhập và cơ hội thăng tiến

Cách tạo động lực tinh tế và hiệu quả nhất là khi bạn thiết kế được một giáo án phù hợp. Giáo án không làm học viên nản chí, thích hợp với sức khỏe của họ để họ tập luyện lâu dài.

Đó là với khách hàng, PT cũng cần biết cách tạo động lực cho đồng nghiệp, tại sao vậy?

Nếu bạn muốn phát triển lên các vị trí lãnh đạo bạn cần biết cách giúp đỡ các đồng nghiệp, tạo động lực để họ vượt qua những thời khắc khó khăn.

PT sẽ có thu nhập cao khi biết cách tạo động lực tốt cho khách hàng và phát triển trở thành lãnh đạo nếu làm được điều đó cho đồng nghiệp.

Vậy nên sự nhiệt huyết, kỹ năng tạo động lực là không thể thiếu nếu bạn muốn trở thành PT.

 

3. Kỹ năng giao tiếp:

Giao tiếp là hành động truyền tải ý tưởng của mình đến người khác. Nó hỗ trợ đắc lực cho bạn trong công việc và sự phát triển.

Giao tiếp bao gồm giao tiếp không lời (ngôn ngữ cơ thể) và giao tiếp có lời. Giao tiếp tốt là khi người đối diện hiểu đúng thông điệp mà bạn đưa ra. 

Đây là cả 2 khía cạnh mà bạn cần thực hành và nâng cao mỗi ngày để trở thành một PT tài năng.

Giao tiếp bao gồm giao tiếp không lời và giao tiếp có lời, PT cần thực hành và nâng cao chúng mỗi ngày.

Trong huấn luyện, nếu bạn không có khả năng giao tiếp tốt, bạn sẽ không thể truyền tải, giảng giải cho khách hàng lý do tại sao họ nên tập luyện cùng bạn.

Ví dụ bạn có một giải pháp tuyệt vời để giảm cân cho khách hàng đó là giảm mỡ bằng cách tăng cơ. Nhưng khi bạn trình bày bạn lại sa đà vào việc tăng cơ khiến khách hàng sợ vì “nhỡ đâu mình sẽ bị thô thì sao”. 

Giao tiếp tốt trong trường hợp của PT phải có sự thấu hiểu tâm lý, không gây sợ hãi và thuyết phục được khách hàng tập luyện cùng mình.

Trong sự phát triển, nếu giao tiếp kém bạn sẽ không biết cách đề xuất tăng lương hoặc đề xuất những quyền lợi mà bạn xứng đáng được nhận. Từ đó có nguy cơ bỏ lỡ mất những cơ hội thăng tiến trong nghề PT.

 

4. Kỹ năng sư phạm:

Kỹ năng này có một vài điểm tương đồng với kỹ năng giao tiếp và là đặc trưng của những ngành nghề giảng dạy. Với PT bạn sẽ cần có kỹ năng này để giảng dạy phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau.

Kỹ năng “sư phạm” cụ thể ở đây là kỹ năng giảng dạy linh hoạt vì khách hàng của bạn có nhiều tuýp người khác nhau: có người học thức cao, có người dân lao động chân chất, có người già và có cả trẻ em,…

PT cần có kỹ năng để giảng dạy phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau.

Chắc chắn cách giảng dạy cho những nhóm khách hàng này sẽ có sự khác biệt. Người trí thức vẫn sẽ thoải mái khi bạn dạy chuyên môn sâu, còn khi dạy đại trà bạn cần chọn từ ngữ phổ thông tránh gây sự ức chế hoặc khó hiểu.

Cho dù bạn sở hữu kiến thức tuyệt vời, nhưng nếu khi bạn giảng dạy không ai hiểu thì kết quả bạn sẽ có rất ít học viên và nguồn thu nhập.

 

5. Kỹ năng quản lý công việc:

PT có nhiều đầu việc khác nhau trong một ngày, nếu không học cách quản lý chúng hài hòa thì công việc sẽ trở thành ác mộng. 

Thông thường PT cần phải làm tất cả những công việc sau trong 1 ngày:

  • Tư vấn khách hàng
  • Thiết kế chương trình
  • Hướng dẫn khách hàng
  • Chăm sóc khách hàng
  • Làm hợp đồng
  • Telesale
  • Học tập nâng cao chuyên môn.

PT có nhiều đầu việc khác nhau trong một ngày, nếu không quản lý được chúng thì công việc sẽ trở thành ác mộng.

Biết quản lý công việc là khi bạn biết sắp xếp những công việc kể trên theo thứ tự ưu tiên, biết việc gì nên làm trước, việc gì làm sau. 

Bạn cũng cần xem xét đến từng thời điểm trong tháng.

Ví dụ: Đầu tháng bạn nên tập trung vào chăm sóc và tăng số buổi dạy trong khi cuối tháng bạn sẽ cần có nhiều buổi tư vấn bán hàng hơn để hoàn thành doanh số tháng. 

Nắm được những điều cơ bản như trên sẽ giúp bạn tránh những căng thẳng không đáng có để duy trì hiệu quả công việc.

 

6. Kỹ năng bán hàng:

Thoạt đầu các bạn có thể chưa hiểu tại sao một HLV lại cần kỹ năng này nhưng đây là thứ giúp bạn tạo ra thu nhập mơ ước. Sự khác biệt của một người PT làm được việc nằm ở kỹ năng này.

Nếu bạn là một PT biết việc, bạn dừng lại ở việc biết cách dạy người khác tập luyện an toàn, hiệu quả. Nhưng nếu bạn là PT làm được việc bạn không chỉ dạy được mà còn thuyết phục được thêm nhiều người đến tập cùng với bạn, từ đó tăng thu nhập lên nhiều lần.

Sự khác biệt tạo nên một PT làm được việc nằm ở kỹ năng bán hàng.

Nhìn theo một hướng khác, khi có kỹ năng bán hàng tốt, bạn sẽ giúp được nhiều người thay đổi được vóc dáng và sức khỏe hơn. Vì nếu không có kỹ năng này có thể khách hàng sẽ từ chối bạn nhiều lần chỉ vì vấn đề giá cả. 

Phối kết hợp kỹ năng giao tiếp và sư phạm sẽ hỗ trợ bạn nâng cao kỹ năng bán hàng. Đừng ngại thực hành bán hàng vì bạn đang cung cấp giải pháp giúp khách hàng thay đổi tốt hơn.

 

TỔNG KẾT

Trên đây là 6 kỹ năng chính mà bạn cần liên tục trau dồi để trở thành một PT thực sự, làm được việc, sống được với đam mê và mang đến nhiều giá trị tích cực cho bản thân và xã hội.

Bạn có nhiều cách để tăng cường những kỹ năng này và tốt nhất bạn cần tìm cách hệ thống kiến thức mình đang có, điểm mạnh yếu của bản thân để có hướng cải thiện. 

Tuy nhiên, điều kiện quyết định sự thành công trong sự nghiệp PT hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người học. Những khóa học có đầy đủ và tuyệt vời tới đâu cũng sẽ vô ích nếu bản thân bạn không tự nhắc nhở mình trau dồi 6 kỹ năng này mỗi ngày.

Rate this post

Viết một bình luận