6 nhóm dưỡng chất cần đặc biệt chú ý trong giai đoạn mang thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chế độ ăn cho bà bầu trong quá trình mang thai có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, tạo nguồn sữa mẹ và sự phát triển của trẻ sau này. Dinh dưỡng như thế nào cho đúng và cần đặc biệt chú ý bổ sung những dưỡng chất gì trong quá trình mang thai là điều các mẹ bầu quan tâm. Dưới đây là 6 nhóm dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu trong giai đoạn mang thai.

1. Sắt

Thực phẩm giàu sắt

Nhu cầu sắt của bà bầu theo khuyến cáo là 30mg sắt nguyên tố trên ngày trong suốt quá trình mang thai và sau sinh một tháng. Nếu chế độ ăn mẹ bầu không cung cấp đủ sắt dẫn tới thiếu sắt.

Ảnh hưởng của việc thiếu sắt:

  • Đối với mẹ: Gây thiếu máu hồng cầu nhỏ ở mẹ, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, tai biến sản khoa (Băng huyết sau sinh, nhiễm khuẩn sau sinh…)
  • Đối với bé: Bé nhẹ cân, giảm phát triển trí tuệ, thiếu máu sau sinh..

Các thực phẩm có nhiều sắt: Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, gan, tiết…các loại rau có nhiều sắt như rau dền, rau bina, các loại rau màu xanh…

2. Canxi

Canxi cần cho sự phát triển khung xương của thai nhi. Nhu cầu canxi trong suốt quá trình mang thai từ 800mg- 1000mg mỗi ngày, đặc biệt tăng trong giai đoạn cuối thai kỳ khoảng 1500mg trên ngày trong 3 tháng cuối và thời kỳ cho con búChế độ ăn của mẹ bầu không cung cấp đủ canxi dẫn đến:

  • Để cung cấp đủ cho thai thì cơ thể mẹ sẽ rút canxi từ xương của mẹ để bù lại lượng thiếu cho thai mẹ dễ bị đau nhức xương, răng dễ vỡ…
  • Trẻ sinh ra có thể bị còi xương.

Thực phẩm chứa nhiều canxi: Sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, cua, cá…Mẹ bầu có thể cung cấp qua ăn uống hoặc sử dụng viên uống bổ sung.>>> Hướng dẫn bổ sung canxi cho bà bầu trong suốt thai kỳ

Thực phẩm giàu canxi

3. Acid Folic

Chế độ ăn cho bà bầu không cung cấp đủ acid folic dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Acid folic có tác dụng chống lại thiếu sót của ống thần kinh. Nhu cầu khuyến cáo cho bà bầu là 400 – 800 mcg/ ngày.

Nguồn cung cấp acid folic: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… hoặc sử dụng viên uống có chứa acid folic.

>>> Hướng dẫn bổ sung vitamin tổng hợp và Acid Folic cho người chuẩn bị mang thai

4. Kẽm

Thực phẩm giàu kẽm

Nhu cầu kẽm cho mẹ bầu là 12mg/ ngày, chế độ ăn cho bà bầu nếu không cung cấp đủ kẽm, thiếu kẽm có thể dẫn đến:

  • Sảy thai
  • Thai chết lưu
  • Sinh non hoặc thai bị già tháng

Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, hải sản…

5. Iod

Mỗi ngày phụ nữ có thai nên cung cấp đủ từ 175 đến 220mcg iod. Thiếu iod có thể gây ra nhiều nguy cơ như:

  • Gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non.
  • Khi thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn.
  • Trẻ sơ sinh có thể bị khuyết tật bẩm sinh như nói ngọng, câm, điếc, liệt tay hoặc chân.

Nguồn cung cấp iod từ cá biển, sò, rong biển…. Phụ nữ mang thai nên sử dụng muối có hàm lượng iod cao.

6. Các loại vitamin cần thiết

  • Vitamin A

Thiếu vitamin A dẫn đến tăng tỉ lệ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới thị giác, gây khô mắt. Nhu cầu vitamin A cho phụ nữ mang thai là 750 mcg/ngày.

Nguồn cung cấp vitamin A từ các thực phẩm tự nhiên như trứng, sữa, gan…

Ngoài ra nguồn cung cấp caroten (Tiền chất của vitamin A khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A) bao gồm các loại rau xanh, rau dền, các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ (Cà rốt, gấc, bí đỏ…). Chế độ ăn cho bà bầu nếu đa dạng, dinh dưỡng tốt không cần bổ sung thêm vitamin A. Tránh bổ sung nhiều vitamin A có thể gây dị dạng thai nhi.

Các loại vitamin

  • Vitamin D

Loại vitamin cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, phospho. Nhu cầu vitamin D cho bà bầu là 800UI/ ngày.

Thiếu vitamin D gây giảm hấp thu canxi và phospho trẻ có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ.

Phụ nữ có thai có thể tăng cường lượng vitamin D bằng cách tắm nắng, ăn các thực phẩm giàu vitamin D như cá, bơ, trứng, sữa. Tuy nhiên nguồn cung cấp vitamin D từ thực phẩm khá nghèo nàn và khó hấp thu nên bà bầu có thể bổ sung bằng cách uống viên bổ sung vitamin D.

  • Vitamin B1

Vitamin B1 cần thiết cho quá trình chuyển hóa glucid, phòng chống bệnh beriberi (bệnh tê phù), nhu cầu cho cơ thể là khoảng 1,1mg/ ngày.

Chế độ ăn cho mẹ bầu nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 như: Ăn gạo không giã trắng quá, các hạt họ đậu…

  • Vitamin B2

Là loại vitamin tham gia vào quá trình tạo máu, thiếu vitamin B2 gây thiếu máu ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, nhu cầu vitamin B2 là khoảng 1,5mg/ngày.

Nguồn cung cấp là thịt động vật, sữa, các loại rau, đậu….

  • Vitamin C

Vai trò của vitamin C: Tham gia vào quá trình tạo kháng thể tăng sức đề kháng của cơ thể, làm tăng hấp thu sắt, góp phần làm giảm thiểu thiếu máu do thiếu sắt. Nhu cầu vitamin C cho phụ nữ có thai là 80mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 100mg/ ngày.

Vitamin C có nhiều trong quả chín, các loại quả như bưởi, cam, chanh, ổi, xoài… rau xanh. Ngoài ra mẹ có thể bổ sung thêm viên uống tổng hợp có chứa vitamin C.

Chế độ ăn uống cho mẹ bầu là rất quan trọng ảnh hưởng tới thế hệ sau này. Vì vậy mẹ bầu cần chú ý cung cấp đủ những nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thai nhi một cách hoàn thiện nhất.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

  • Nguồn tham khảo: Viện dinh dưỡng Quốc gia

Rate this post

Viết một bình luận