Bỏ bữa sáng có tác động nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể chất của bạn.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và bạn cần quan tâm đến nó. Tuy nhiên, với cuộc sống bận rộn hiện đại ngày nay, nhiều người thường bỏ qua bữa sáng. Có nhiều lý do dẫn đến việc bỏ qua bữa sáng như không đủ thời gian để chuẩn bị thức ăn, muốn ngủ thêm chút nữa, vội vã tới công sở hay lớp học…
Bạn nên hiểu rằng, càng bận rộn và làm việc khuya, bữa sáng càng trở nên cần thiết. Các nghiên cứu chứng minh rằng khi chúng ta ngủ, cơ thể và tâm trí vẫn hoạt động bình thường. Do đó, sau một giấc ngủ dài từ 6-8 giờ, cơ thể có xu hướng mất nước và cần cung cấp dinh dưỡng. Bữa sáng với các món bổ dưỡng giúp cơ thể kịp thời bổ sung năng lượng và khởi đầu ngày mới năng động hơn. Bỏ bữa sáng không chỉ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng ngay lập tức mà còn gây ra các bệnh nặng và lâu dài. Dưới đây là một số tác hại đối với cơ thể nếu thường xuyên bỏ bữa sáng.
1. Bỏ bữa sáng tăng nguy cơ mắc một số bệnh
Bữa sáng cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể sau giấc ngủ dài.
Thiếu hụt dinh dưỡng là nguồn gốc của một số vấn đề sức khỏe, nhất là những bệnh có liên quan đến chuyển hóa. Một số nghiên cứu cũng chứng minh rằng những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng tỷ lệ béo phì do kháng insulin và ảnh hưởng tới sự điều tiết hormone. Những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ cao mắc các bệnh tim như tăng huyết áp và thậm chí đột quỵ.
2. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể sau thời gian nghỉ dài từ 6 – 8 giờ (có khi lâu hơn). Do đó, bỏ bữa sáng có thể làm tăng thời gian không được cung cấp thức ăn khiến cơ thể thiếu hụt thức ăn và dinh dưỡng cần thiết. Bữa sáng nên bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ và protein. Điều quan trọng là bạn nên ăn sáng, dù chỉ ăn một ít nhưng cũng cần thiết.
3. Có thể làm tăng lượng đường trong máu
Bỏ bữa sáng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và làm trầm trọng thêm cảm giác đói, thậm chí gây căng thẳng hay tức giận. Các nhà khoa học đã phát hiện ra có mối tương quan giữa lượng đường trong máu và tâm trạng của chúng ta. Khi lượng đường trong máu giảm xuống, tâm trạng cũng sẽ bị ảnh hưởng, khiến con người dễ cáu kỉnh và tức giận. Vì vậy, để giữ mức năng lượng ở mức cân bằng, điều quan trọng là phải ăn sáng lành mạnh.
4. Nhịn ăn sáng không giúp bạn giảm cân
Bữa sáng lành mạnh có tác động tốt tới việc giảm cân.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những người ăn bữa sáng lành mạnh có khả năng đốt cháy nhiều calo hơn những người không ăn. Do đó, nhịn ăn sáng thậm chí còn khiến bạn béo hơn do thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể. Kết luận này phá vỡ quan niệm thông thường rằng bỏ bữa sáng sẽ giúp giảm cân. Chúng ta nên lưu ý tới tầm quan trọng của việc ăn sáng lành mạnh.
5. Thèm ăn đồ ăn không lành mạnh
Không ăn sáng đồng nghĩa với việc không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Không được cung cấp chất dinh dưỡng trong một thời gian dài khiến cơ thể bắt đầu thèm ăn mà thường là do đói. Do đó bạn có xu hướng thèm các loại đồ ăn không lành mạnh và ăn nhiều hơn vào bữa trưa và bữa tối. Điều này không tốt cho sức khỏe. Ăn một bữa sáng lành mạnh là cách tốt nhất để nạp đầy đủ chất dinh dưỡng trong ngày và giúp bạn thức dậy nhanh hơn.
6. Bỏ bữa sáng sẽ khiến hệ miễn dịch bị ảnh hưởng
Thường xuyên bỏ bữa sáng làm giảm khả năng miễn dịch, khiến cơ thể gặp khó khăn khi đối phó và chiến đấu với các loại virus gây bệnh. Một bữa sáng lành mạnh giúp duy trì mức độ khỏe mạnh của các tế bào miễn dịch trong cơ thể chống lại nhiễm trùng và cải thiện hoạt động của các tế bào chiến đấu mà y học gọi là tế bào T.
Bỏ bữa sáng có tác động xấu đến cả tinh thần và thể chất của bạn. Vì vậy, dù có vội vàng đến đâu bạn cũng không nên bỏ qua bữa sáng. Hãy bắt đầu ngày mới bằng một bữa ăn sáng lành mạnh với ngũ cốc, yến mạch, kết hợp trái cây hoặc bất cứ món nào phù hợp và thuận tiện với bạn. Ngoài ra, hãy uống nước ngay khi thức dậy để bổ sung lượng nước cho cơ thể sau một đêm dài.
Theo Thiên Châu (Sức khỏe đời sống)