7 Tựa Sách Ý Nghĩa Để Tặng Thầy Cô Trong Dịp 20/11
06/11/2020
20/11 là ngày nhà giáo Việt Nam, cũng là dịp để chúng ta bày tỏ sự tôn kính và lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo, những người đã dìu dắt chúng ta nên người. Nếu bạn vẫn chưa có ý tưởng gì về quà tặng thầy cô năm nay, hãy xem những gợi ý sau đây của NetaBooks nhé!
1. Nghề Thầy
Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi cuốn sách “Nghề thầy” được xuất bản lần đầu tiên (1944). Tuy nhiên, chong đèn lên và đọc nó trong tâm thế không rời bỏ những ngổn ngang của hiện thực và kìm nén suy tư, ta sẽ thấy những gì cụ viết trong cuốn sách, những lời tâm sự mà cụ giãi bày trong cuốn sách mỏng này vẫn còn nóng hổi.
Tất nhiên, có người sẽ bảo “in lại một cuốn sách đã xuất bản từ 1944 có cần thiết không khi mọi thứ ở đó đã trở thành…đồ cổ?”.
Không! Nhiều thứ, kể cả những tri thức giáo dục học ở trong sách vẫn còn nóng hổi! Cho dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết hơn là một công trình khảo cứu công phu của một học giả chủ trương lập thuyết, nhưng kì lạ thay, đa số những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận, hướng dẫn cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới, thậm chí nhiều giáo viên đương đại còn chưa với tới.
Nếu loại trừ đi cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua và tạm thay vào đó bằng một số từ ngữ đang được dùng phổ biến thậm chí là “thời thượng” ở hiện tại, ta sẽ thấy hình như cuốn sách được viết cho chính chúng ta, cho chính những người đang làm “nghề thầy” trong thế kỉ XXI này!
2. Đời Giáo Dở Khóc Dở Cười
Tác phẩm là tập truyện tranh hài hước tái hiện cuộc sống thường nhật của một người giáo viên điển hình: yêu nghề, hết lòng vì trẻ. Bên cạnh những phút giây được hưởng trái ngọt (khá là hiếm hoi) khi học trò ngoan, đáng yêu, hiếu học…, là (vô vàn) những câu hỏi trái khoáy rất đỗi hồn nhiên, nhưng người thầy chỉ biết “câm nín” hay “thở dài đánh thượt” với nét mặt khiến ai nhìn vào cũng phải bật cười (đặc biệt là khi nhìn vào đôi mắt của thầy).
Bên cạnh những hình vẽ từ đơn giản đến tinh tế, Đời giáo dở khóc dở cười đã thể hiện được trọn vẹn các sự kiện diễn ra quanh một người thầy.
Là những chuỗi ngày thường, thầy thì hào hứng còn trò thì làm thầy tưng hửng;
Là những khoảnh khắc hỏi xoáy đáp xoay giữa thầy và đám nhóc tì chưa biết buộc dây giày, chưa biết bóc sữa chua, chưa biết đọc, biết viết…;
Là suy nghĩ chỉ trẻ con mới có, rằng thầy cô không phải người thường;
Là những tình huống, chỉ nhà giáo mới thấu…
Chắc chắn rằng, với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, Đời giáo dở khóc dở cười sẽ là món quà tri ân của những cô cậu học trò tới các thầy cô; và cuốn sách cũng sẽ là cây “cầu kiều” mà các bậc phụ huynh gửi tới những người thầy, người cô thay lời cảm ơn vì đã dành bao tâm sức trong sự nghiệp trồng người.
3. Quà Tặng Của Thời Gian – Về Hưu Không Ưu Tư
Sau bao năm tháng quay cuồng công việc, đột nhiên bạn tự do! Chắc chắn phải có chút bất an rồi – lần đầu tiên mà. Không còn bị sai bảo làm này làm nọ – à, trừ cái người là một nửa của bạn ra, tất nhiên. Không phải dậy từ sớm tinh mơ ba chân bốn cẳng đi làm – mặc dù ở tuổi này có lẽ bạn cũng phải dậy lúc tờ mờ để đi vệ sinh. Không còn làm lụng cực nhọc tiền công rẻ mạt – ờ, không còn lương nữa…
Nhưng sẽ ổn thôi, vì giờ đây bạn có thể làm chuyện gì mình muốn – miễn hợp lý.
Dân số già và số người nghỉ hưu mỗi năm một tăng. Chẳng mấy chốc mà chỉ còn mấy mống mới ra trường làm việc toàn thời gian để trả lương hưu cho chừng 60 triệu người về hưu mất thôi. Chậc, vậy cũng đáng sau khi ta đã nuôi nấng chúng ăn học chừng ấy năm trời.
Bí quyết nghỉ hưu hạnh phúc là đừng nghĩ mình về hưu gì hết – hãy coi như là có một công việc mới! Và bạn không bị sa thải. Chơi đúng bài thì bạn sẽ có công việc này vài thập niên chứ chẳng ít.
4. Lớp Học Hạnh Phúc – Dạy, thở và học trong chánh niệm
Lớp học hạnh phúc là một chỉ dẫn thực hành giúp các nhà giáo dục có thể tìm ra con đường của riêng họ để đạt được sự hiệu quả và trọn vẹn sâu sắc hơn trong cuộc sống và công việc. Meena là một đại sứ của chánh niệm, sẽ chỉ dẫn cho chúng ta một cách cụ thể về việc làm thế nào để đưa chánh niệm thành nhiệm vụ ưu tiên trong lớp học, trong phòng nghỉ của giáo viên, và bất cứ nơi đâu mà ta tới trong suốt một ngày.
Tri thức trong cuốn sách này có nền tảng là những trải nghiệm cá nhân của Meena trong việc sử dụng chánh niệm và thấu hiểu thay vì phản ứng với hoàn cảnh, từ đó nuôi dưỡng những gì tốt nhất trong bản thân chúng ta và trong học sinh, và có thể khéo léo chăm sóc cho những giây phút khó khăn.
Những bài giảng này phản ánh những phẩm chất căn bản của chánh niệm và từ bi, không mang tính tôn giáo. Những bài thực hành và chương trình dạy học trong cuốn sách chứa đựng những nền tảng cho việc tạo dựng bình an đích thực trên thế giới. Đó là sự giáo dục bình an mà học sinh, những nhà giáo dục, các gia đình và cả xã hội đều thực sự cần có.
5. Thầy Cô Giáo Hạnh Phúc Sẽ Thay Đổi Thế Giới (Trọn Bộ 2 Tập)
“Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” – bộ sách bạn đang cầm trên tay là một món quà đặc biệt quan trọng – hay nói cách khác là một sự trao truyền – từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tặng vào giai đoạn chín muồi của một nhân cách vĩ đại. Bạn sẽ thấy rằng nó là kết tinh tình thương sâu sắc của Thiền sư đối với những người trẻ và sự mong mỏi không ngừng về một nền giáo dục bồi dưỡng tài và đức cho các thế hệ mai sau. Ở mỗi trang, bạn có thể cảm được sự tôn vinh dành cho những con người đang thực hiện sứ mệnh này, thường là âm thầm không ai biết, và khối lượng công việc khổng lồ mà họ gánh vác từng ngày nhằm phục vụ cho công cuộc kiến tạo, chuyển hóa và hàn gắn thế giới của chúng ta từ dưới lên, từ thế hệ này sang thế hệ khác – đó là những người thầy, người cô. Đây cũng đồng thời là tác phẩm được kết tinh từ sự cộng tác đầy cảm hứng với giáo sư Katherine Weare, một nhà giáo dục và cũng là một giáo viên về chánh niệm, người đã có nhiều năm nghiên cứu những tác động của thực tập chánh niệm trong môi trường học đường, và đội ngũ các cây bút cố vấn, những học trò lớn của Thiền sư từ Làng Mai. Cùng nhau họ đã thiết kế một cẩm nang thiền tập mang tính đa diện và rất dễ sử dụng để giúp các thầy cô giáo có thể đem chánh niệm vào lớp học cũng như vào đời sống của chính mình bằng nhiều hình thức.
6. Người Thầy Đầu Tiên
Thầy Đuysen trong cuốn sách Người thầy đầu tiên đã phụng sự hết mình, đã hy sinh tất cả để cho ước mơ của trò An-tư-nai vượt lên, vươn lên, để sau này trở thành viện sỹ. Câu chuyện tạo ra sự xúc động rất lớn trong tôi. Hình ảnh 2 thầy trò cứ nằm mãi trong tâm tôi ngay từ khi đọc lần đầu tiên. Tôi phát nguyện học tập tấm gương của cả thầy Đuysen và trò An-tư-nai. Bởi kết quả của sự cố gắng và nỗ lực hết mình của cả thầy lẫn trò nằm trên mọi mong đợi và sự tưởng tượng của bất cứ ai, trong đó có tôi.
Ngay từ khi đọc sách, thầy Đuysen đã thành mẫu người mơ ước của tôi hồi nhỏ. Tôi (và có lẽ tất cả chúng ta trong thời nay) rất cần những thầy giáo Đuysen để gieo những ước mơ, để chăm sóc những hy vọng, để vun trồng những ý chí và tưới tắm những quyết tâm để bứt phá và lột xác, để lột xác thật nhiều học trò như An-tư-nai.
Có lẽ nhờ đọc Người thầy đầu tiên mà tôi đã quyết tâm cao độ và năm 1979 đã đỗ vào trường cấp 3 Chuyên ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Chuyện xảy ra cách đây đúng 40 năm. Để rồi ở ngôi trường đặc biệt này tôi không chỉ có một “người thầy đầu tiên” như cô Việt, cô Chung, thầy Hoạt, thầy Canh, và bao thầy cô khác.
7. Bài Giảng Cuối Cùng
Thực tế, đã có nhiều giáo sư được mời thuyết trình “Bài giảng cuối cùng” trước khi chia tay giảng đường. Khi đó họ thường chia sẻ về những thất bại cũng như những tinh hoa rút tỉa từ cuộc đời và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Trong khi nghe thuyết trình, cử tọa bao giờ cũng day dứt trước câu hỏi: Giả như đây là cơ hội cuối cùng thì ta có thể gửi gắm thông điệp gì đến mọi người? Nếu ngày mai phải ra đi thì ta muốn cái gì sẽ là di sản để lại cho đời?
Khi Randy Pausch, Giáo sư Tin học giảng dạy tại Carnegie Mellon, được yêu cầu thuyết trình một bài giảng như vậy, ông hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng, bởi ông vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông – “Chạm tay vào ước mơ tuổi thơ” – không phải là về cái chết mà là về quá trình vượt qua các chướng ngại, về việc lan tỏa cách thức hiện thực hóa ước mơ đến người khác và không bao giờ để hoài phí bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời (bởi “Thời gian là tất cả những gì bạn có. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bạn có ít hơn là bạn nghĩ”). Đó là triết lý mà Randy đúc kết từ cuộc sống.
Trong quyển sách này, Randy Pausch đã kết hợp nhuần nhụy giữa óc hài hước, văn phong cuốn hút và sự uyên thâm, đĩnh đạc, giúp cho bài giảng của ông trở thành một hiện tượng lưu dấu ấn trong lòng các thế hệ độc giả. Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách được chuyền tay nhau bởi nhiều thế hệ tương lai.