Dưới đây là 7 gợi ý sau giúp bạn cân đối chi tiêu trong gia đình để hành trình ra ở riêng được “xuôi chèo mát mái” với hạnh phúc trọn vẹn.
1. Chọn nhà ở
Đương nhiên là phải có nhà mới ra ở riêng được. Cho dù bạn mua hay thuê thì tốt nhất vẫn nên chọn nơi gần chỗ làm việc của cả hai vợ chồng. Nếu làm việc cách xa nhau thì nên chọn nhà ở khoảng cách giữa hai cơ quan. Đừng ngần ngại chọn căn nhà ưng ý gần nơi làm việc khi giá thuê hay bán cao hơn, vì số tiền chênh lệch này có thể vẫn thấp hơn so với tổng chi phí, bao gồm xăng xe, thời gian và công sức trong nhiều năm đi làm xa cộng lại.
2. Có đến đâu lo đến đấy
Ai cũng muốn bắt đầu một cuộc sống mới với đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, hãy xem xét toàn diện khả năng tài chính của mình trước khi mua sắm. Nếu “ngân sách” của bạn còn eo hẹp thì không nên mua sắm dàn trải mà tập trung vào các vật dụng thiết yếu trước. Sau đó, có đến đâu mua đến đấy. Hãy thận trọng với những món vay tiêu dùng và cả các chương trình mua trả góp vì người cuối cùng phải “còng lưng” trả nợ trong nhiều năm chính là bạn.
3. Cần mới mua
Chị Mai Thùy ở Gia Lâm, Hà Nội, kể, cách đây 5 năm chị mua chiếc lò vi sóng có chức năng nướng với giá 4.500.000 đồng, đắt gấp đôi sản phẩm cùng nhãn hiệu chỉ có chức năng hấp. Nhưng trong suốt thời gian qua, chị chỉ dùng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm. Chị thấy mình lãng phí khi bỏ tiền ra mua mà chưa một lần sử dụng đến chức năng nướng của lò vi sóng.
Rút kinh nghiệm từ chị Thùy, bạn nên nghĩ đến nhu cầu thực sự của mình trước khi mua sắm. Ngoài ra, bạn cũng nên biết rằng thiết bị nhiều chức năng thường có giá cao hơn nhưng độ bền và hiệu quả sử dụng của từng chức năng lại kém hơn.
4. Đắt xắt ra miếng
Nếu có điều kiện, bạn nên mua sản phẩm đắt tiền hơn. Mặc dù số tiền bỏ ra ban đầu lớn hơn so với mua một sản phẩm bình dân nhưng chất lượng sử dụng lại tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc giữa sản phẩm đắt tiền có chất lượng tốt thực sự với những sản phẩm đắt tiền chỉ vì nhà sản xuất chịu nhiều chi phí vào quảng cáo, thuê showroom…
5. Lên kế hoạch tài chính
Cần bỏ thói quen mỗi lần lấy lương xong cứ thoải mái chi tiêu mà không sợ cuối tháng hết tiền vì đã có bố mẹ. Bây giờ bạn phải làm chủ gia đình, tự kiếm tiền, tự chi tiêu. Vì vậy, cần biết tự cân đối thu chi hợp lý để tránh trường hợp đến cuối tháng cả nhà phải ăn… mỳ ăn liền.
6. Tài khoản “để dành”
Khác với thời gian mọi việc lớn đã có bố mẹ lo, bây giờ bạn đã có gia đình riêng với danh sách dài các khoản cần chi tiêu. Bạn cũng cần xác định ngay từ đầu sự cần thiết của “vốn gia đình”. Tài khoản để dành chính là chỗ dựa mỗi khi có một sự bất trắc nào đó xảy ra như đau ốm, bệnh tật, mất việc làm… Cách đơn giản nhất vẫn là lập một tài khoản tiết kiệm ở những ngân hàng uy tín, tuy lãi suất không cao nhưng đảm bảo an toàn hơn. Bạn cũng có thể tham khảo thêm các dịch vụ gửi tiết kiệm bằng USD hoặc vàng để đảm bảo lợi nhuận tối đa.
7. Tìm cơ hội đầu tư
Nếu bạn có một số tiền tạm thời “chưa biết để làm gì” hay khi đã tiết kiệm được một khoản tương đối, nên tìm cách đầu tư để thử cơ may trở nên giàu có. Tất nhiên, chuyện đầu tư thường có khả năng may rủi, bởi vậy bạn cũng nên thận trọng và đừng bao giờ dùng khoản tiền “phòng bất trắc” để đầu tư. Có thể học kinh nghiệm của tỉ phú Warren Buffett: “Phải biết lo sợ khi người khác tham lam và tham lam khi người khác lo sợ”.
Theo Tư Vấn Tiêu Dùng