Không chỉ vào mùa đông, thời tiết lạnh da mặt mới bị mốc. Nắng nóng, hóa chất và những thói quen không tốt cũng có thể là nguyên nhân khiến da bị mốc
Làn da bị mốc, nứt nẻ, bong tróc trở nên sần sùi và xấu xí. Ngay cả khi bạn sở hữu kỹ năng trang điểm chuyên nghiệp cũng khó khắc phục được làn da bị mốc. Vậy đâu là nguyên nhân và cách chữa mặt bị mốc như thế nào?
Nguyên nhân da mặt bị nẻ mốc
Da có cơ chế tiết ra chất nhờn tự nhiên để cân bằng độ ẩm và bảo vệ các tế bào khỏi bị nhiễm trùng. Khi da tiết quá nhiều dầu có thể dẫn đến nổi mụn. Mặt khác, khi da không tiết đủ chất nhờn sẽ dẫn đến bị khô, ngứa, bị bong tróc hoặc hình thành các mảng đỏ trên mặt. Da thiếu nước cũng gây ra tình trạng xỉn màu và sần sùi.
Một số nguyên nhân khiến da mặt bị khô bao gồm:
- Thời tiết lạnh và khô
- Da tiếp xúc với hóa chất mạnh trong xà phòng hoặc các sản phẩm rửa mặt khác
- Độ pH trên da mất cân bằng
- Mắc các bệnh da liễu như viêm da dị ứng, vảy nến
- Mắc một số bệnh như tiểu đường, suy giáp
- Hút thuốc nhiều
- Da bị tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài
Cách chữa mặt bị mốc có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất phụ thuộc vào nguyên nhân gây khô da và mức độ nghiêm trọng của mỗi người. Phương pháp điều trị cho các loại da thường, da khô, da dầu hoặc da hỗn hợp cũng không giống nhau.
Các cách chữa da mặt bị nẻ mốc
1. Da mặt bong tróc vào mùa đông, đừng rửa mặt bằng nước quá nóng
Không gì tuyệt vời hơn khi được tắm nước nóng vào mùa đông, nhưng sử dụng nước quá nóng để tắm và rửa mặt thực sự là kẻ thù của làn da khô. Bác sĩ da liễu người Mỹ Anne Chapas giải thích rằng nước nóng sẽ làm tăng sự bay hơi nước tự nhiên của da, từ đó khiến da dễ bị khô.
Tất cả những gì bạn nên làm là rửa mặt nhanh với nước ấm vừa phải. Để củng cố và bảo vệ hàng rào giữ ẩm của da, hãy chọn những loại sữa rửa mặt có chiết xuất từ dầu đậu nành giàu axit béo hoặc các loại dầu thực vật khác.
2. Da khô bong tróc vào mùa đông, hãy thoa kem dưỡng ẩm dày hơn
Sau khi rửa mặt, dùng khăn mềm thấm khô da và thoa kem dưỡng ẩm. Chọn một loại kem hoặc dầu dưỡng dày hơn kem dưỡng da bạn sử dụng trong mùa hè. Kem dưỡng da có kết cấu dày hơn giúp niêm phong các thành phần dưỡng ẩm vào da, giúp chúng bám dính lâu dài và chữa lành vết thương khi da bị nứt nẻ, bong tróc.
Các chuyên gia da liễu khẳng định axit hyaluronic và glycerin có thể giúp tăng cường độ ẩm hiệu quả. Vì vậy bạn nên dưỡng ẩm nhiều lớp với huyết thanh dưỡng ẩm có chứa những thành phần này.
3. Cách trị nẻ mặt vào mùa đông: Dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày
Điều quan trọng là đừng quên thoa kem dưỡng ẩm vào buổi sáng và trước khi ngủ. Kem dưỡng da ban đêm sẽ giúp làm mềm da và giữ ẩm ngay cả khi bạn ngủ.
Bên cạnh đó, luôn mang theo bên mình một lọ xịt khoáng để bạn có thể cấp ẩm cho da bất cứ lúc nào cảm thấy da bị khô.
4. Cách chữa mặt bị mốc: Tẩy da chết vừa phải
Một làn da thô ráp, thiếu nước vẫn cần tẩy tế bào chết để lấy đi lớp da bị bong tróc. Tuy nhiên, tẩy da chết quá nhiều có thể làm giảm độ ẩm và làm trầm trọng thêm việc kích ứng da.
Nếu bạn nhận thấy da bị bong hay mẩn đỏ khi tẩy tế bào chết, hãy thay thế các sản phẩm tẩy da chết hóa học bằng các nguyên liệu tự nhiên từ trái cây hoặc các loại dầu hạt. Tránh sử dụng các axit mạnh như axit glycolic và các chất tẩy da chết thô ráp như đường và muối, đồng thời sử dụng sản phẩm tẩy da chết không quá một lần mỗi tuần.
Tránh làm trầy xước da. Cho dù da bị khô, ngứa, nứt nẻ đến đâu cũng không nên gãi, chà xát quá mạnh khiến da bị tổn thương. Da bị tổn thương sẽ khiến da mất nhiều độ ẩm hơn. Thay vào đó, hãy thoa thuốc mỡ dưỡng ẩm hoặc dầu dưỡng để làm dịu và bảo vệ làn da ngay lập tức.
>>> Bạn có thể quan tâm: ĐẮP MẶT NẠ MẬT ONG ĐỂ DA SÁNG ĐẸP
5. Cách trị mốc da mặt: Tạo độ ẩm cho không gian sống của bạn
Không khí khô là một trong những nguyên nhân khiến da mặt bị mốc. Trong khi đó, dù sử dụng chế độ làm mát hay làm ấm thì việc dùng điều hòa cũng khiến không khí trong nhà bị khô.
Vì vậy, để tạo để bổ sung độ ẩm vào không khí, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm cho ngôi nhà của bạn. Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn có thể đặt một chậu nước trong phòng để gia tăng độ ẩm cho không khí trong nhà.
6. Cách chữa mặt bị mốc: Uống đủ nước
Việc bổ sung nhiều nước, dưỡng chất từ chế độ ăn và các sản phẩm chăm sóc sẽ giúp cho tế bào khỏe mạnh và có liên quan trực tiếp đến quá trình tái tạo tế bào da, đó là chìa khóa cho làn da sáng. Bởi vậy hãy cố gắng uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Không nên uống nước dồn dập mà nên chia thành nhiều cữ trong ngày. Nên uống từ từ, nhấp nháp từng ngụm một sẽ giúp cơ thể thẩm thấu được tốt hơn.
7. Mùa đông da mặt bị mốc, đừng quên bôi kem chống nắng
Trong ánh nắng mặt trời gồm ba loại tia cực tím là UVA, UVB và UVC. Cả ba loại tia này đều gây tác hại cho làn da của bạn, đặc biệt là tia UVA. Ngay cả vào mùa đông, tia UVA vẫn có thể xuyên qua lớp mây và sương để tác động lên làn da của bạn. Tia UVA cũng là kẻ thù của làn da bong tróc, nhạy cảm và nứt nẻ.
Chính vì thế, sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF thích hợp sẽ giúp hình thành một lớp áo giáp giúp bảo vệ da khỏi tác hại từ các tia cực tím. Hơn nữa, trong một số loại kem chống nắng có bổ sung dưỡng chất cấp ẩm giúp làm dịu và mướt da trong những ngày mùa đông khô hanh.
>>> Xem thêm: 6 MẶT NẠ DƯỠNG ẨM CHO DA KHÔ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam