Trẻ con vẫn luôn tin rằng thế giới quay xung quanh chúng, đó là lý do vì sao những cơn mè nheo xảy ra khá là thường xuyên. Chúng vẫn đang học hỏi và phát triển và những bậc phụ huynh chúng ta đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên kiến thức cũng như kỷ luật cho chúng. Dạy kỷ luật cho con không phải là đưa ra những hình phạt khi con không nghe lời, mà là dạy con cách kết nối và giao tiếp tốt để con có thể kiểm soát hành vi của bản thân tốt hơn.
Và đây là 7 mẹo được đưa ra bởi các chuyên gia:
Trẻ vẫn còn đang học cách kiểm soát cảm xúc nên những cơn mè nheo vẫn rất hay xảy ra (Ảnh minh họa).
1. Cúi xuống khi nói chuyện với con
Khi nói chuyện với con, hãy ngồi xuống hoặc cúi xuống nang bằng với tầm mắt của con. Làm như vậy sẽ giúp con cảm thấy an toàn hơn và cho con thấy rằng bạn bạn đang hoàn toàn chú tâm đến con và sẵn sang giúp đỡ, lắng nghe con.
Chuyên gia về phát triển trẻ em tại Anh Gill Connell cũng đã nói: “Chủ động lắng nghe là một trọng những cách quan trọng nhất để bạn có thể gửi đến con thông điệp ‘Con rất quan trọng với bố mẹ’. Hãy cúi xuống thấp đúng tầm của trẻ, lại gần và trao đổi ánh mắt với con.”
Cúi xuống khi nói chuyện với con cho con thấy là bạn quan tâm và sẵn sàng lắng nghe con.
2. Đưa ra cho con những lựa chọn
Ví dụ cả nhà bạn đang chuẩn bị ra ngoài nhưng con bạn nhất quyết không chịu thay quần áo để đi. Một bí kíp cực hay để con nghe lời chính là đưa ra cho con những lựa chọn. Hãy đưa ra hai bộ quần áo khác nhau và nói: “Con muốn mặc cái áo hình con gầu hay áo hình máy bay?” Cho con cơ hội để quyết định và được tự lập có thể “dập tắt” ngay cơn mè nheo không chịu nghe lời.
Tuy vậy, trong trường hợp con từ chối không lựa chọn cái nào thì cũng đừng đưa ra lựa chọn thứ ba mà hãy chọn cho con. Nếu con than phiền không thích, thì hãy giải thích cho con rằng chính con đã từ chối không chọn và từ bỏ quyền chọn lựa của mình.
3. Thể hiện sự thấu hiểu
Khi con mè nheo tức giận, thể hiện sự thông cảm và thấu hiểu cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn. Đó là một cách giải quyết vừa nhanh gọn mà lại vừa rất nhẹ nhàng và tình cảm. Những câu nói như: “Bố/mẹ hiểu con cảm thấy thế nào. Nếu là con, bố/mẹ cũng sẽ cảm thấy như thế…” sẽ giúp trẻ nguôi ngoai và quên đi cơn giận một cách nhanh chóng.
Thể hiện sự thông cảm và thấu hiểu cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn (Ảnh minh họa).
Bác sĩ tâm lý Michael Thompson chia sẻ: “Cũng giống như người lớn, trẻ con cũng muốn thấy rằng ý kiến của mình quan trọng và sẽ thường nổi giận nếu như bị nói rằng chúng sai. Việc ngay lập tức phủ nhận ý kiến và cảm xúc của trẻ sẽ khiến chúng mè nheo, giận dỗi.”
4. Bỏ những câu ra lệnh mang tính tiêu cực
Thông thường khi con không nghe lời, theo bản năng đa số các ông bố bà mẹ sẽ hét lên những câu ra lệnh như “Không được…”, “Dừng lại ngay…” hay “Đừng…”. Những câu như vậy có thể có hiệu quả, nhưng không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Bố mẹ nên nói với con mình hy vọng con sẽ cư xử thế nào và ngăn chặn những hành vi không ngoan trong tương lai.
5. Dạy cho con 3 bước để kiểm soát cảm xúc
Đây là một phương pháp tuyệt vời đến từ Dự án Lan tỏa sự quan tâm của Trường sau Đại học Giáo dục Havard. Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể áp dụng phương pháp để giải tỏa cảm xúc tiêu cực này. Nó gồm có 3 bước: dừng lại, hít thật sâu và đếm đến 5. Hãy luyện tập phương pháp này với con thường xuyên, để mỗi khi con bắt đầu giận dỗi thì hãy nhắc con tự thực hiện 3 bước này để tự bình tĩnh.
Hãy cùng luyện tập 3 bước tự kiểm soát cảm xúc cùng với con (Ảnh minh họa).
6. Tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân để có thể bình tĩnh và đồng cảm với con
Khi bố mẹ tức giận và quát tháo trẻ, trẻ cũng sẽ trở nên bực tức, khó chịu và sẽ khó hơn rất nhiều cho trẻ để có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân. Trẻ học hầu hết mọi thứ từ cha mẹ, chúng học từ cách bố mẹ hành động và cư xử. Vì thế, khi bạn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của bản thân và dễ dàng nổi giận, trẻ cũng sẽ bắt chước theo bạn.
Vì thế, để có thể dạy con, trước hết bố mẹ cần phải học cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân trước, làm một tấm gương tốt cho con noi theo.
7. Tránh mặt một lúc và quay lại sau
Để luôn giữ được bình tĩnh thì không phải là một chuyện dễ. Một biện pháp vô cùng hiệu quả là để ý xem lúc nào bạn không thể kiềm chế được nữa. Lúc đó, ngoài cảm giác tức giận thì có thể còn có cả những cảm xúc khác nữa như nỗi buồn, nỗi sợ và sự thất vọng. Bạn không cần phải kìm nén hay che giấu những cảm xúc đó, vì chúng cũng là cách để giúp sự tức giận vơi bớt đi. Tuy vậy, cũng không tốt khi để trẻ thấy được những cảm xúc đó ở bạn. Vì vậy, cách tốt nhất là nên tránh mặt đi chỗ khác một lúc và quay lại khi bạn đã bình tĩnh và cảm thấy sẵn sàng để nói chuyện với con.
Nguồn: parenting