7 nguyên nhân ăn nhiều nhưng không tăng cân – VnExpress

Bữa ăn không đảm bảo năng lượng, giờ giấc thất thường, mắc các bệnh lý liên quan… là những nguyên nhân phổ biến khiến ăn nhiều nhưng không tăng cân.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng – Trưởng Nutrihome Lê Đại Hành, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến một người khó tăng cân ngay cả khi họ ăn nhiều. Để khắc phục hiệu quả bạn cần phải xác định đúng nguyên nhân, từ đó đưa ra chỉ định điều trị, thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống khoa học.

Nhiều người gặp phải tình trạng ăn nhiều nhưng không tăng cân. Ảnh Shutterstock

Nhiều người gặp phải tình trạng ăn nhiều nhưng không tăng cân. Ảnh Shutterstock

Theo đó, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng khuyến cáo có 7 nguyên nhân phổ biến cản trở sự tăng cân của một người.

Bữa ăn không đảm bảo năng lượng, dinh dưỡng

Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ăn hoài không mập ở nhiều người do các bữa ăn hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể cần, dù bạn có vẻ ăn số lượng nhiều. Khi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng từ thực phẩm, cơ thể sẽ tự động chuyển sang sử dụng lượng glucose dự trữ trong gan, cơ bắp hoặc chuyển hóa các tế bào mỡ và protein thành năng lượng để sử dụng. Do đó, nếu việc sử dụng năng lượng dự trữ xảy ra trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể gầy ốm, không thể tăng cân, giảm khả năng miễn dịch, sức chịu đựng kém.

Chế độ ăn uống thất thường

Thói quen ăn uống thất thường của một người được biểu hiện qua việc: thường xuyên bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, ăn uống giờ giấc không cố định, ăn quá nhiều trong một bữa. Ăn uống thất thường làm chênh lệch nồng độ đường huyết và các thành phần dinh dưỡng trong cơ thể ở những thời điểm khác nhau. Khi bị đói, cơ thể sẽ sử dụng nguồn glucose, mỡ và protein dự trữ; nhưng khi ăn quá no, năng lượng dư thừa có xu hướng chuyển thành mỡ xấu trong cơ thể.

Mắc các bệnh lý

Một người nếu có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và chia đều chúng trong các bữa ăn hàng ngày nhưng ăn hoài vẫn không mập hoặc không duy trì được cân nặng như mong muốn có thể nghi ngờ mình đang mắc một trong các bệnh lý: cường giáp, đái tháo đường (hay tiểu đường), bệnh viêm ruột, rối loạn ăn uống.

Bệnh cường giáp làm tăng mức chuyển hóa, đốt calo nhiều hơn bình thường nên có thể khiến bạn ăn nhiều không tăng cân. Ảnh Shutterstock

Bệnh cường giáp làm tăng mức chuyển hóa, đốt calo nhiều hơn bình thường nên có thể khiến bạn ăn nhiều không tăng cân. Ảnh Shutterstock

Quá trình chuyển hóa năng lượng cao

Những người có “cơ địa” ăn nhiều nhưng không tăng cân thường có quá trình chuyển hóa năng lượng cao, khiến cơ thể khó tăng cân. Nói dễ hiểu, chuyển hóa năng lượng cao là mức năng lượng tiêu hao cho các hoạt động hàng ngày cao hơn so hơn với người bình thường. Dấu hiệu để nhận biết người ăn nhiều không tăng cân là da luôn nóng, tim đập nhanh… Để hạn chế quá trình này, bạn cần tránh nước ngọt, các chất kích thích và bổ sung những thực phẩm có tính hàn, mát trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

Khó chuyển hóa năng lượng thành cân nặng

Đây là một nguyên nhân ít người biết đến. Người có “cơ địa” gầy khó hấp thu, gầy kinh niên thường có tốc độ chuyển hóa năng lượng thành cân nặng chậm hơn người bình thường, dẫn đến khó tăng cân.

Lười vận động và tập thể dục thể thao

Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng thông tin, trong suy nghĩ của một số người, hạn chế vận động sẽ làm giảm tiêu hao năng lượng từ đó giúp tăng cân nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Luyện tập thể dục thể thao sẽ kích thích và điều hòa quá trình chuyển hóa, hấp thu chất dinh dưỡng tốt, tăng sự dẻo dai và khối lượng cơ bắp của cơ thể.

Ngoài ra, luyện tập còn giúp tăng mật độ xương của cơ thể, góp phần tăng cân, hạn chế tình trạng loãng xương trong tương lai.

Lười vận động là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó tăng cân. Ảnh Shutterstock

Lười vận động là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó tăng cân. Ảnh Shutterstock

Uống thuốc gây ảnh hưởng hệ vi sinh đường ruột

Theo bác sĩ Duy Tùng, một số loại thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh điều trị bệnh có thể gây tác động xấu đến hệ vi sinh đường ruột. Từ đó gây chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy cũng như hạn chế sự hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, ảnh hưởng đến cân nặng.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng ăn nhiều nhưng không tăng cân còn có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như do tập luyện quá sức; thói quen sinh hoạt chưa khoa học (sử dụng chất kích thích và các đồ uống có cồn, thiếu ngủ…); nhiễm ký sinh trùng giun sán; di truyền và do cơ địa…

“Nếu rơi vào tình trạng ăn nhiều nhưng không tăng cân trong thời gian dài, bạn có thể đến khám dinh dưỡng để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cân trở lại và duy trì cân nặng ổn định”, bác sĩ Duy Tùng cho biết.

Bác sĩ Tùng lưu ý thêm, mỗi người nên tránh tùy tiện sử dụng thuốc tăng cân. Các loại thuốc tăng cân hay thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có nghiên cứu khoa học rõ ràng sẽ dễ gây hại cho sức khỏe, khiến cơ thể giữ nước, tích tụ mỡ thừa và gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như suy tế bào gan, suy chức năng thận.

Bình An

Rate this post

Viết một bình luận