Cá kho làng Vũ Đại, chim to dần, bánh cuốn Phủ Lý, mắm cáy Bình Lục, rượu làng Vọc, chuối ngự Đại Hoàng, quýt Lý Nhân… là những món đặc sản bạn hãy nhớ thưởng thức khi có dịp ghé thăm tỉnh Hà Nam – quê hương của Chí Phèo.
Hà Nam nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hòa Bình, cách thủ đô 60 km về phía Nam. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng qua các tác phẩm của nhà văn Nam Cao và nhà thơ Nguyễn Khuyến mà còn được du khách ấn tượng với đặc sản riêng có của vùng nơi đây như: Cá kho làng Vũ Đại, chim to dần, bánh cuốn Phủ Lý, mắm cáy Bình Lục, rượu làng Vọc, chuối ngự Đại Hoàng, quýt Lý Nhân…
Cá kho làng Vũ Đại
Cá kho là món ăn tưởng chừng rất bình dị mà chắc hẳn không người dân Việt nào không biết. Nhưng cá kho làng Vũ Đại của xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân với bí quyết gia truyền được người dân địa phương lưu truyền suốt hàng trăm năm nay, đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên hương vị đặc sắc, xứng đáng là đặc sản nổi danh nhất vùng Hà Nam. Với cách kho độc đáo theo bí kíp gia truyền, nồi cá kho nơi đây ngon đậm đà đầy đủ vị thơm của cá, vị ngậy của thịt mỡ, vị chua của chanh và nhiều loại gia vị khác luôn sẵn có trong bếp của mỗi gia đình Việt.
Chim to dần
Khi nhắc đến Hà Nam thì dân “sành ăn” đều nhớ đến một món đặc sản nữa đó chính là “chim to dần”. Hiện nay trên phạm vi cả nước đã có nhiều quán “chim to dần” được mở ra, nhưng chỉ ở khu vực đường Biên Hòa, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng là nơi có những quán chim ngon nức tiếng và giữ được hương vị riêng.
Sở dĩ được gọi là “chim to dần” bởi khi thưởng thức thực khách sẽ được nếm hương vị của nhiều loại chim khác nhau từ bé như chim sẻ cho đến to như vịt trời.
Xem thêm:
Tour du lịch miền Bắc
Chim sẻ là loại chim nhỏ nhất bạn được thưởng thức
Bánh cuốn Phủ Lý
Trên đất nước Việt Nam có rất nhiều thương hiệu bánh cuốn nổi tiếng như: bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Cao Bằng, bánh cuốn trứng Lạng Sơn, bánh cuốn Hưng Yên, bánh cuốn chả mực Hạ Long – Quảng Ninh, bánh cuốn tôm Thái Bình… Nhưng nếu bạn có dịp thưởng thức những miếng thịt nướng vàng ruộm tuốt ra từ xiên chả còn nóng hổi, trông như những bông hoa cải và bánh cuốn trắng tinh, thơm mùi gạo, mềm, mỏng tang, dai, dùng cùng với hành phi thơm nức tiếng thì đó chính là bánh cuốn chả, hay thường gọi là bánh cuốn Phủ Lý.
Bánh cuốn Phủ Lý – đặc sản của vùng đất chiêm trũng
Bánh cuốn Phủ Lý tuy tráng không được mỏng, nhiều nhân mộc nhĩ cùng với hành phi, nhưng có nét đặc trưng đó là được ăn kết hợp với chả nướng, các loại rau thơm cùng nước chấm nóng và các loại gia vị khác mà chỉ có riêng ở thương hiệu bánh cuốn này.
Mắm cáy Bình Lục
Ở Hà Nam, mắm cáy có nhiều nơi thế nhưng nghề làm mắm cáy phát triển mạnh nhất ở huyện Bình Lục. Mắm cáy ở đây được chế biến công phu: Những con cáy nhỏ được lột yếm, bóc trắng, giã cho thật nhuyễn, trộn muối rồi đem ủ kín trong vại. Sự cầu kỳ của món ăn đòi hỏi người dân phải phơi đủ nắng, đủ sương sao cho thật ngấu mới đem dùng. Mắm ngon sẽ có màu sắc rất bắt mắt, mắm hội đủ mùi vị, có vị mằn mặn của muối, vị béo, bùi của giềng, vị ấm nóng của gừng…
Rượu làng Vọc
Việt Nam là đất nước có nhiều làng nghề nấu rượu truyền thống và Làng Vọc thuộc xã Vũ Bản, Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam với bao đời truyền nối, đã nổi tiếng với một công thức chưng cất rượu rất riêng là: nấu bằng gạo ủ men ta – thứ men gồm 36 vị thuốc Bắc.
Bình rượu làng Vọc
Chính vì thế để làm được những hũ rượu ngon sẽ mất nhiều công sức, số lượng rượu làm ra không nhiều nhưng đổi lại, rượu làng Vọc mùi vị cực kỳ hấp dẫn, với vị thơm ngọt, vị đậm đà mà không gắt và đặc biệt là rất an toàn, lỡ có uống quá chén thì cũng không lo đau đầu.
Bún Tái Kênh
Sở dĩ được gọi là Bún Tái Kênh bởi thương hiệu bún này được sản xuất tại làng Tái Kênh thuộc xã Đinh Xá, huyện Bình Lục (nay là Tái Kênh, Đinh Xá, Phủ Lý) được thực khách ấn tượng bởi sự trắng, trong, săn sợi mà không hề sử dụng chất bảo quản. Cũng như những làng nghề bún khác, Bún Tái Kênh phải trải qua nhiều giai đoạn ngâm gạo, xay gạo, nhào nặn bột, luộc, giã theo bí truyền riêng của gia đình, dòng họ trong làng mà mới có thành quả là những lá bún, vắt bún ngon lành.
Chuối Ngự Đại Hoàng
Nói đến đặc sản tiến vua, ngoài cá kho làng Vũ Đại, quýt Lý Nhân, nếu không kể đến chuối Ngự Đại Hoàng thì thật thiết sót. Chuối ngự ở vùng này không giống như chuối ngự trâu quả to, ăn nhạt. Với đặc trưng là buồng chuối khá nhỏ nhưng rất đẹp, quả căng tròn, vàng óng, cuống xanh, đầu ruồi có 3 chiếc tua cong đẹp mắt. Khi ăn chuối có vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon.
Quýt Lý Nhân
Quýt Lý Nhân với đặc trưng là quả dẹt, vỏ giòn, mỏng, khi chín màu vàng ươm, bên trong mọng nước và bên ngoài vỏ có nhiều tinh dầu. Nếu dùng tay bóc vỏ thấy mùi thanh mát tỏa ra dễ chịu.
Quýt Lý Nhân ngày trước từng dùng làm đặc sản tiến vua và ngày nay không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi sắp tới gần bạn hãy tìm hiểu và lựa chọn cho mình món đặc sản phù hợp của vùng đất chiêm trũng Hà Nam để cùng gia đình và bạn bè thưởng thức nhé.