Ngày 15/09/2016 10:42 AM (GMT+7)
Những món đồ ăn vặt xuất xứ Trung Quốc, những món đồ có tác dụng gây ảo giác,…nguy hại cho trẻ nhỏ nhưng các em lại có thể tiếp cận do được bày bán công khai và có giá thành rẻ.
Sau mỗi giờ học, rất nhiều các em học sinh không về nhà ngay mà la cà các hàng quán trước cổng trường. Những món đồ ăn vặt, đồ chơi,…bày bán la liệt luôn thu hút các em bởi hình thức, giá thành và khẩu vị các em. Tuy nhiên, những món đồ đó không hề an toàn và ngày ngày cứ đầu độc các em dần dần.
Dưới đây là một số món đồ chơi, đồ ăn vặt có hại cho trẻ nhỏ được bày bán nhiều tại các cổng trường.
1. Miếng dán đồ chơi (sticker)
Trẻ em rất dễ bị cám dỗ bởi những miếng dán hoạt hình nhiều màu sắc. Các bé rất thích mua về dán đầy vào đồ dùng của mình. Tuy nhiên, món đồ tưởng chừng vô hại này mới đây đã “được” hệ thống cảnh báo RAPEX của Liên minh châu Âu EU đưa vào danh sách nguy hiểm.
Những sản phẩm này đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi Na Uy vì chứa những chất gây tổn hại đến cơ quan sinh sản, thậm chí có thể gây ung thư. Đặc biệt là hàm lượng DEHP, DINP trong các miếng dán (sticker) có nồng độ vượt mức cho phép. Những chất này có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng cách tiếp xúc qua da, qua đường miệng và cả đường hô hấp. Hội Y tế công cộng Mỹ đã cảnh bảo miếng dán chứa lượng PVC lớn và kêu gọi hành động để loại bỏ miếng dán hoạt hình khỏi nhà ở, trường học, bệnh viện và các trung tâm trông trẻ.
Trong một báo cáo của RAPEX, những sản phẩm này đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi Na Uy vì chứa những chất gây tổn hại đến cơ quan sinh sản, thậm chí có thể gây ung thư. (Ảnh minh họa)
2. Trang sức nhựa/kim loại dành cho trẻ em
Trẻ em, đặc biệt là các bé gái, đều rất thích những chiếc vòng, nhẫn, khuyên tai,…làm từ nhựa, kim loại vì hình dáng dễ thương. Tuy nhiên, tuy trông lấp lánh nhưng chúng không an toàn.
Đợt kiểm tra gần đây cho thấy đồ trang sức trẻ em làm từ kim loại, nhựa trong các cửa hàng đồng giá chứa hàm lượng chì cao, vượt quy định của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ. Chì có thể rỉ ra khỏi trang sức khi bé cắn hoặc ngậm, và ăn phải một lượng nhỏ các kim loại nặng có thể gây tổn hại cho sự phát triển não bộ của trẻ em.
Vì những món đồ như vậy không bao giờ được kiểm nghiệm nên tốt nhất bỏ chúng ra khỏi những món đồ bạn mua cho bé.
3. Bim bim
Món ăn vặt yêu thích của tất cả trẻ em luôn được liệt vào danh sách những thực phẩm độc hại nhất cho sức khỏe trẻ nhỏ. Nếu mỗi ngày ăn một gói bim bim thì trung bình một năm, cơ thể trẻ sẽ ‘rước’ vào 5 lít dầu. Các chất béo chuyển hóa, muối, chất phụ gia,…có trong bim bim dễ khiến thận bị quá tải, “bắt ép” tim phải làm việc quá sức, huyết áp bị tăng cao, gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị sâu răng, béo phì, lười ăn, thiếu chất, gây rối loạn hành vi,…
4. Thịt bò nghi làm từ xốp
Thịt bò cay cay, ngọt ngọt là món khoái khẩu của rất nhiều các em học sinh. Lượn lờ ở các trường tiểu học, trung học,…không khó để bắt gặp những gói thịt bò với mẫu mã hấp dẫn và giá thành rẻ chỉ khoảng 1.000 – 3.000 đồng.
Một người bán hàng khi được hỏi cho biết: “Sản phẩm này có phải làm từ thịt bò không, tôi không rõ. Tuy nhiên, giá mặt hàng này rất rẻ nên nhiều học sinh thích mua”. Khi thông tin “thịt bò” thực ra làm từ mút xốp xôn xao trên các trang mạng xã hội, Cục Quản lý nông, lâm, thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã vào cuộc và đưa ra bản kết luận về sản phẩm Sườn bò thơm cay. Theo kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm sườn bò này không có thịt nói chung và thịt bò nói riêng. Thành phần chính được ghi trên nhãn gồm bột mỳ, nước, dầu thực vật, đường, muối, ớt, bột gia vị, mỳ chính và phụ gia hương liệu.
Sản phẩm “Hương bò thơm cay”
5. Kẹo giả thuốc lá
Nếu đi qua cổng trường cấp 1, cấp 2 mà thấy hình ảnh trẻ em ngậm “điếu thuốc” trên môi, có lẽ không ít phụ huynh phải giật mình. Tuy nhiên, rất có thể đó là những thanh kẹo giả thuốc lá – được bày bán một cách công khai ở trước nhiều cổng trường trên địa bàn Hà Nội.
Kẹo có giá bán rất rẻ, chỉ với 2.000 đồng là có thể mua được 1 hộp kẹo. Hiện tại, chưa cơ quan nào vào cuộc kiểm tra xem có độc tố hoặc có chất lượng không đảm bảo cho sức khỏe có trong thanh kẹo này hay không, song nhiều người cho rằng, không thể để tồn tại tình trạng trẻ em, học trò ngậm phì phèo thanh kẹo có hình thức y hệt điếu thuốc lá vì có thể tạo tiền đề cho trẻ em hút thuốc lá.
6. Xí muội, ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ
Rất nhiều hàng quán trước cổng trường thường bán những gói ô mai, xí muội,…không có nguồn gốc, xuất xứ. Trước đây, cơ quan chức năng TPHCM từnglập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng ô mai, xí muội và phát hiện hầu hết mặt hàng này được bày bán trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác.
Cơ quan chức năng cũng đã phải lấy mẫu xét nghiệm các tiêu chí: kim loại nặng, các chất cấm sử dụng trong thực phẩm như cyclamate, saccharine (có thể gây ung thư)…Kết quả cho thấy, sản phẩm có chứa chất cấm cyclamate và loại đường saccharin với hàm lượng vượt hơn 31 lần so với tiêu chuẩn của Việt Nam. (Chất cyclamate có thể gây ung thư gan, thận, phổi và tiểu đường, từ lâu đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm cho người).
Ô mai, xí muội không rõ nguồn gốc có thể gây ung thư (ảnh minh họa).
7. Trà sữa trân châu
Món trà sữa thơm ngọt, thanh mát với những hạt trân châu dẻo dẻo, dai dai là thức uống ưa chuộng của các em học sinh sau giờ tan trường. Tuy nhiên, vào năm 2012, các nhà nghiên cứu Đức từ Đại học Aachen đã phát hiện thấy dấu vết của hóa chất gây ung thư trong các mẫu trân châu được bán tại một cơ sở phía Tây Đức và có xuất xứ từ Đài Loan.
Tháng 10/2015, một đoạn phóng sự của Đài Truyền hình Sơn Đông, Trung Quốc tiết lộ sự thật về thành phần làm ra những viên trân châu dẻo dai ngon lành là từ… đế giày da và lốp xe cũ. Một phóng viên của đài thậm chí còn uống thử trà sữa trân châu, sau đó chụp CT sau 40 phút và kết quả ảnh chụp cho thấy dạ dày của phóng viên xuất hiện những chấm nhỏ li ti mãi không tan.
Kết quả ảnh chụp cho thấy dạ dày của phóng viên xuất hiện những chấm nhỏ li ti mãi không tan.
8. Ma túy ‘tem giấy’
Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao vì “tem giấy” hay “bùa lưỡi” được rao bán nhiều. Nó được “tung ra” dưới hình thức được tẩm vào những miếng giấy nhỏ (như con tem, kích thước 1,5×1,5cm), in hình ngộ nghĩnh, nhân vật nổi tiếng. Giá bán khá rẻ. Được sử dụng bằng cách le lưỡi liếm như dán tem hoặc ngậm đầu lưỡi.
Trong tem giấy, có chứa LSD (lysergic acid diethylamide) là chất bán tổng hợp từ nấm cựa gà. Sau khi liếm, ngậm “tem”, chất LSD sẽ đi vào cơ thể và có thời gian gây tác động kéo dài đến 12 giờ. Chỉ cần sử dụng 1 microgram/kg cân nặng sẽ gây ảo giác, loạn thần kéo dài đến vài ngày. Người có cân nặng thông thường (khoảng 50-60kg) thì chỉ cần dùng lượng nhỏ LSD bằng khoảng 1/3 hạt muối ăn là đã bị ảo giác.
Không khó để các em học sinh cấp 2, cấp 3 có thể mua được “tem giấy”
Theo Ngọc Trâm (Tổng hợp) (Khám Phá)