8 nét văn hóa yêu đương ở Mỹ có thể bạn chưa biết

van hoa yeu duong o My

Hẹn hò với một anh chàng hay cô nàng người Mỹ dễ thương trong lúc du học chắc chắn sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Để tránh rơi vào những tình huống bất đồng “văn hóa hẹn hò” không mong muốn thì bạn nhớ nắm rõ những quy luật bất thành văn trong chuyện hò hẹn của người Mỹ dưới đây.

 

Buổi gặp mặt đầu tiên chỉ để làm quen

Việc hai người có cảm tình với nhau quyết định có một cuộc gặp mặt riêng tư là điều rất đỗi tự nhiên. Tuy vậy bạn nên lưu ý dù lần gặp gỡ đầu tiên có thoải mái và đáng nhớ đến đâu thì cũng chỉ để hai người hiểu nhau hơn chứ không là cột mốc xác định mối quan hệ yêu đương chính thức.

 

Do đó bạn đừng nên nghĩ đối phương đồng ý gặp mặt trong buổi hẹn đầu đồng nghĩa với việc họ muốn làm người yêu của mình. Trong tình huống bạn cảm thấy đối phương không thích hợp với bản thân thì bạn có thể lịch sự từ chối nếu người kia muốn có cuộc hẹn thứ hai. Bạn không nên ngại ngùng trong việc từ chối vì nếu bạn không có tình ý gì với người ta mà vẫn gieo rắc hy vọng cho họ thì sẽ bị xem là bất lịch sự và thiếu tôn trọng người khác.

 

Về vấn đề tình phí cho buổi hẹn đầu tiên, bạn cứ mặc định “mạnh ai nấy trả” cho dễ bề ứng xử nếu trước đó đối phương không hề ngỏ ý mời bạn.

 

 

Hẹn hò không đồng nghĩa với chính thức yêu nhau

Ngay cả khi hai người tiếp tục có những buổi hẹn đi chơi khác sau lần đầu tiên thì cũng không có nghĩa hai người chính thức là người yêu. Một buổi đi chơi tất nhiên không đủ để bạn và đối phương hiểu hết về nhau nên nếu còn hứng thú thì cả hai vẫn có thể tiếp tục gặp gỡ để tìm hiểu. Vì bấy giờ hai người chưa là gì của nhau nên đối phương có thể sẽ gặp gỡ một số người khác theo cách thức tương tự và bạn cũng được phép hẹn gặp những đối tượng khác mà không bị xem là “một tay bắt nhiều cá”.

 

Hai người chỉ được xem là chính thức yêu nhau khi cùng ngồi xuống và thảo luận trực tiếp về vấn đề này. Bạn hoàn toàn có thể là người chủ động đưa ra yêu cầu muốn trở thành người yêu của đối phương. Nếu họ đồng ý thì cả hai thành người yêu chính thức còn khi hai bạn cứ đi chơi với nhau nhưng chẳng ai ngỏ lời trước thì mối quan hệ này sẽ được xếp vào hạng mục “không xác định”.

 

 

“Tình một đêm” hoặc “yêu nhiều người cùng lúc” vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ

Việc các bạn sinh viên đại học Mỹ trải qua tình một đêm (one night stand) hoặc có mối quan hệ với nhiều người một lúc (open relationship) là một hiện trạng có thật ở Mỹ. Nếu bạn có quen với người bạn nào đó có những mối quan hệ thế này thì cũng đừng vội vàng đánh giá hay phán xét họ vì văn hóa yêu đương của Mỹ là vậy. Miễn hai người có thống nhất rõ ràng về tính chất của mối quan hệ thì không ai có quyền trách đối phương về việc không chung thủy hay thiếu trách nhiệm.

 

Chính vì thế nên nếu ai đó tiếp cận bạn chỉ vì muốn có tình một đêm thì bạn đừng mong họ có ý định quen mình lâu dài. Bạn hoàn toàn có thể từ chối lời đề nghị nhưng nếu đồng ý thì phải chấp nhận việc sau một đêm cả hai sẽ không là gì của nhau. Còn nếu bạn chịu quen với một người tự xác nhận bản thân đang trong tình trạng “open relationship” thì phải chấp nhận họ có qua lại với những đối tượng khác ngoài mình.

 

Tuy nhiên bạn nên nhớ mình không nhất thiết phải cố gắng hòa nhập với văn hóa hẹn hò kiểu Mỹ này nếu bản thân thật sự không thích. Khi bạn thấy khó chịu hoặc không thoải mái với các kiểu mối quan hệ này thì hãy mạnh dạn từ chối. Quan trọng nhất là bạn luôn phải hỏi rõ tính chất mối quan hệ của cả hai để tránh có những ảo tưởng sai lệch.

 

 

Quan hệ thể xác không đồng nghĩa với tình yêu

Quan điểm về quan hệ tình dục ở Mỹ khá tự do và phóng khoáng khi hai người không nhất thiết phải yêu nhau thì mới có thể quan hệ thể xác với nhau. Cả hai thậm chí còn không phải trải qua giai đoạn hẹn hò nhưng vẫn có thể “nhảy cóc” đến giai đoạn quan hệ tình dục nếu hai phía đồng ý.

 

Trong những tình huống đó, việc gần gũi thể xác chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt sinh lý. Vì vậy nếu bạn có thực hiện quan hệ tình dục với một người Mỹ thì chưa chắc họ muốn tạo dựng mối quan hệ tình cảm lâu dài và nghiêm túc với bạn. Nếu bạn xem đây là mối quan hệ nghiêm túc nhưng đối phương chỉ muốn quan hệ thể xác không có ràng buộc thì cả hai nên dừng lại.

 

 

Tự do thể hiện tình cảm chốn đông người

Người Mỹ nhìn chung khá thích thể hiện tình cảm với người mình yêu ở nơi công cộng. Hôn nhau, ôm nhau và quấn quít lấy nhau là những hành động phổ biến các cặp đôi đang yêu thường làm ở Mỹ. Tất nhiên mọi người chỉ chấp nhận khi những hành động thể hiện tình cảm này không diễn ra quá lố hoặc phản cảm.

 

Ở Việt Nam bạn ít thấy mọi người thể hiện tình cảm nơi đông người nên có thể sẽ phải làm quen dần với việc chứng kiến mọi người hôn nhau một cách tự nhiên ở Mỹ. Hoặc nếu người yêu muốn ôm hôn bạn ở giữa phố đông người thì cũng đừng quá khó chịu mà hãy tập làm quen với điều đó.

 

 

Dọn về sống chung trong lúc yêu nhau là chuyện bình thường

Dù chưa kết hôn nhưng hai người yêu nhau quyết định dọn về sống chung ở Mỹ là điều khá phổ biến. Khi đã dọn về ở chung thì người Mỹ sẵn sàng chịu trách nhiệm và hoàn toàn nghiêm túc với quyết định của mình. Việc dọn về sống chung của các cặp đôi không gây ra nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều như hình thức “sống thử” tương tự ở Việt Nam.

 

Nếu người yêu của bạn ngỏ ý muốn sống chung sau một khoảng thời gian yêu nhau thì bạn cũng đừng xem đó là hành động khiếm nhã hoặc vượt quá giới hạn. Tất nhiên bạn vẫn hoàn toàn có quyền từ chối nếu không muốn dọn ra ở chung với người yêu của mình.

 

 

Phụ huynh không can thiệp vào chuyện yêu đương của con cái

Ở Mỹ các bậc phụ huynh không quá xen vào chuyện yêu đương của con mình như tại các quốc gia Châu Á. Người Mỹ khi đến tuổi 18 đã được xem là trưởng thành và được quyền tự do đưa ra quyết định trong cuộc đời kể cả trong vấn đề tình yêu và hôn nhân.

 

Điều này ít nhiều sẽ giúp cho mối quan hệ yêu đương của bạn dễ thở hơn vì không cần quá lo lắng về việc nhị vị phụ huynh của người yêu nghĩ gì về mình. Nói vậy không có nghĩa bạn muốn đối xử với họ ra sao cũng được vì dù sao việc có mối quan hệ tốt với ba mẹ của người yêu cũng chẳng xấu mặt nào.

 

 

Hôn nhân không là điều bắt buộc

Ở Mỹ vẫn có trường hợp hai người yêu nhau và có con chung nhưng vẫn có thể không kết hôn với nhau. Trong quan niệm của người Mỹ, việc yêu nhau và kết hôn là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Một số người cần nhiều thời gian để chắc chắn bạn đời của mình là lựa chọn cuối cùng thì mới quyết định đi đến kết hôn.

 

Chính vì thế nếu bạn mong muốn tiến đến hôn nhân với người yêu của mình thì phải nói rõ điều này với họ. Việc họ yêu bạn, muốn có con với bạn không đồng nghĩa với chuyện họ muốn chính thức nên duyên cùng bạn dưới sự bảo hộ của luật pháp. Một lần nữa, cố gắng hiểu rõ tình trạng mối quan hệ của cả hai luôn là điều cần thiết.

 

Nguồn tham khảo: Love Devani, The Tiny Pharmacist

Rate this post

Viết một bình luận