9 điều cần ghi nhớ khi uống thuốc cảm cúm

9 điều cần ghi nhớ khi uống thuốc cảm cúm - Ảnh 1.

Thuốc cảm lạnh và cảm cúm không kê đơn chỉ giúp giảm nhẹ một số triệu chứng.

Làm thế nào để chọn đúng thuốc cảm?

Khi bị cảm lạnh thông thường hoặc cúm, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng cùng lúc như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt, đau đầu, đau mình, đau họng, ho và tức ngực… Vì vậy, làm thế nào để lựa chọn một loại thuốc cảm không kê đơn (OTC) phù hợp? 

Hiện vẫn chưa có thuốc cảm cúm đặc hiệu, chỉ có một số loại thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng, giúp người bệnh bớt khó chịu và nhanh khỏi bệnh hơn. Các thuốc trị ho, cảm lạnh và cảm cúm không kê đơn trên thị trường chỉ giúp giảm nhẹ một số triệu chứng. Hiểu các thành phần hoạt tính khác nhau và các triệu chứng có thể giúp tìm ra loại thuốc cảm phù hợp nhất, cũng như tránh dùng các loại thuốc không cần thiết. Ví dụ, nếu người bệnh chỉ bị sổ mũi và đau họng không nên sử dụng các loại thuốc có thành phần để kiểm soát ho vì cơn ho giúp loại bỏ chất nhầy trong cổ họng.

  • Đối với viêm họng, đau đầu và đau cơ, thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen sẽ có tác dụng. Những loại thuốc này cũng làm giảm cơn sốt.
  • Chảy nước mũi, chảy nước mắt và hắt hơi có thể thuyên giảm bằng thuốc kháng histamine, như chlorpheniramine. Thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc kháng histamine vào ban ngày.
  • Nghẹt mũi đáp ứng tạm thời với thuốc thông mũi như phenylephrine và pseudoephedrine. Tuy nhiên, thuốc thông mũi có thể gây mất ngủ và kích động. Những loại thuốc này cũng có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, bệnh tim, huyết áp cao, các vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Một số loại thuốc thông mũi có sẵn dưới dạng xịt mũi nhưng không nên lạm dụng, vì sử dụng lâu hơn có thể dẫn đến tắc nghẽn hồi phục.
  • Đối với triệu chứng ho: Các thành phần thuốc ho phổ biến là guaifenesin (có thể giúp làm sạch chất nhầy) và dextromethorphan (một chất giảm ho). Guaifenesin tương đối an toàn; mặt khác, việc sử dụng quá nhiều dextromethorphan có thể làm tăng huyết áp, gây ra nhịp tim không đều và khiến bạn cảm thấy chóng mặt.

9 điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc cảm

Cảm cúm thường không gây nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh hầu hết đều tự chữa tại nhà (theo chỉ định của bác sĩ) và thường tự khỏi sau khoảng 5 – 7 ngày, khi hệ miễn dịch chiến thắng bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần lưu ý: 

1. Không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm, bởi kháng sinh chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn chứ không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do virus gây ra, trong đó có cảm cúm. Vì thế, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, cần dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Không sử dụng bất kỳ loại thuốc cảm đa triệu chứng nào để an thần hoặc làm gây buồn ngủ.

3. Nếu dùng nhiều loại thuốc cùng lúc, cần lưu ý các thành phần có trong các loại thuốc này. Đặc biệt, paracetamol có trong nhiều loại thuốc ho và cảm lạnh, cũng như trong một số loại thuốc giảm đau theo toa. Mặc dù an toàn ở liều lượng thấp, nhưng có thể gây độc cho gan ở liều lượng cao (trên 4 gam mỗi ngày), vì vậy cần kiểm tra nhãn thông tin thuốc trước khi sử dụng.

4. Đừng cho rằng thuốc không cần kê đơn là an toàn, hãy đọc kỹ nhãn thông tin thuốc trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đồng thời tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào xảy ra.

5. Đối với thuốc dạng lỏng, sử dụng thiết bị đo lường đi kèm để đong liều lượng thuốc chính xác và không được uống quá liều lượng khuyến cáo.

6. Nếu bị đau họng dữ dội, hoặc nếu kèm theo sốt cao, nhức đầu, phát ban, buồn nôn hoặc nôn mửa, hãy liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

7. Một số loại thuốc cảm đa triệu chứng có thể tương tác với các loại thuốc khác. Nếu bạn đang sử dụng các thuốc theo toa như thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) hoặc thuốc trầm cảm cần thận trọng.

8. Thuốc không kê đơn (OTC) có thể giúp chữa nhiều triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, người bị cảm cúm có thể sẽ không gặp phải tất cả các triệu chứng có thể có. Loại thuốc cần chọn sẽ phụ thuộc vào từng triệu chứng cụ thể.

9. Cảm lạnh, cúm và COVID-19: Rất khó phân biệt giữa các triệu chứng của COVID-19, cúm và cảm lạnh. Nếu có các triệu chứng như đau họng, đau đầu, sốt, khó thở, đau cơ, ho hoặc sổ mũi, bạn có thể cần phải tự cách ly và được chuyên gia y tế đánh giá. Bạn cũng có thể cần làm xét nghiệm COVID-19. Hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Rate this post

Viết một bình luận