Thành phố Vinh là một địa điểm du lịch cho mọi người khi có kỳ nghỉ dài ngày. Tại đây có rất nhiều địa điểm nghỉ dưỡng, hoặc di tích lịch sử để bạn dạo chơi, xóa tan cái mệt của công việc.
Dưới đây là chia sẻ của xunghetoday về thành phố Vinh xinh đẹp nếu bạn có dịp đến đây du lịch.
Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh
Công trình Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh nằm ở Công viên Trung tâm, trên địa bàn phường Trường Thi, phía Bắc giáp đường Hồ Tùng Mậu, phía Đông giáp đường Trường Thi, phía Nam giáp đường Trần Phú (QL 1A Cũ).
Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào năm 2000, khánh thành vào 19 tháng 5 năm 2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quần thể quảng trường và tượng đài rộng 11ha, gồm nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống đài phun nước tạo cảnh, núi Chung mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê của Người.
Trên 1.650 loài cây tiêu biểu của mọi miền đất nước Việt Nam đã được đem về trồng, trên đỉnh có vườn cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhiều nhân vật quốc tế trồng trong những dịp đến viếng thăm.
Phượng Hoàng Trung Đô
Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay thuộc thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm.
Phượng Hoàng Trung Đô dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng Hoàng, một loài chim có ở trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do vua Quang Trung kiểm soát.
Thành cổ Nghệ An
Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vauban.
Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412 m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000 m², bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m).
Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.
Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu.
Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh thống đốc, phía nam có dinh bố chánh và án sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã có quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn của thành phố.
Văn Miếu Vinh (Đền Hồng Sơn)
Văn Miếu Vinh được xây dựng vào năm 1803 dưới triều vua Gia Long, là một công trình tiêu biểu của đạo học xứ Nghệ. Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi về Văn miếu Vinh như sau: Văn miếu Vinh ở địa phận xã Yên Dũng, phía đông tỉnh thành, phía tây là đền Khải Thánh.
Văn Miếu Vinh có diện tích rộng, bằng phẳng, tới 22.000m2. Với vị trí lấy đường tiếp nối đường thiên lý Bắc Nam mà tổ tiên vạch mở từ ngàn xưa làm chỗ đứng thì ta thấy bên phải là Võ Miếu (tức đền Hồng Sơn), bên trái là Văn Miếu: Văn tả, Võ hữu, cùng với Cửa Tiền nhìn ra bến sông Vĩnh và hướng về Nam, phía xa trước mặt là Lam Thành – lỵ sở cũ của trấn Nghệ An, như thế là cân đối cả về vị trí thờ tự và thuận cả về thuật phong thủy.
Văn miếu Vinh được bố trí có 3 cửa tam quan đều hướng về phía Nam (phía kinh đô triều Nguyễn). Trên cửa chính môn có tầng lầu đề bốn chữ ” Vạn thánh linh từ”. Hai bên cửa có đôi câu đối ánh màu sơn son thiếp vàng, toát lên niềm tự hào của dân Nghệ về đạo học: ” Nhật nguyệt trung thiên minh thánh đạo. Giang sơn đại địa tích Nhân văn”- (Đạo thánh sáng ngời như mặt trời, Mặt Trăng trong vũ trụ, Nhân văn được bồi tụ là do ở sông núi nơi đất này).
Phía trên là hạ điện. Giữa là thương điện. Hai bên có nhà tả vu với hữu vu. Sân lộ thiên ở giữa bốn ngôi nhà thâm nghiêm, tĩnh mịch. Xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, vườn cây cảnh và rừng cây.
Trải qua thời gian, biến cố thay đổi, nay di tích chỉ còn lại tòa Đại bái gồm 5 gian, 9 cột gỗ lim, mái trải rui bản lợp ngói mũi hài… Nền cũ đã được Công ty In Nghệ An trưng dụng và nhiều nhà dân lấn chiếm, sử dụng. Các đồ tế khí, bia đá được chuyển đến đền Hồng Sơn (Võ Miếu) để tạm cất giữ.
Cồn Mô – Ngã ba Bến Thủy
Cồn Mô được xây dựng thành tượng đài kỷ niệm cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, với chiều cao 10m, rộng 16.2m. Trên tượng đài khắc biểu tượng búa liềm, mặt trước gắn biểu tượng trống Xô Viết. Trên nền bia còn khắc ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra ở Cồn Mô.
Khu di tích ngã ba Bến Thủy có diện tích 6.400 m². Qua thời gian và chiến tranh tàn phá, cảnh vật thay đổi, cột điện lịch sử đã không còn nữa.
Nhưng tại đây, để ghi lại sự kiện lịch sử anh hùng của nhân dân, tỉnh Nghệ An và chính quyền thành phố Vinh đã xây dựng tượng đài công nông binh để giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh.
Đền thờ Vua Quang Trung
Đền thờ Vua Quang Trung được xây dựng với ý nghĩa muôn đời ghi nhớ công lao to lớn và tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của Hoàng Đế Quang Trung, góp phần nêu cao truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Đền toạ lạc trên đỉnh thứ 2 núi Dũng Quyết, cao 92m so với mực nước biển,cách đây 220 năm, ngày 1/10/1788 Vua Quang Trung hạ chiếu cho xây dựng Phượng Hoàng – Trung Đô.
Đó được xem là đất tứ linh có 4 chi: Chi hướng về Tây gọi là Long thủ (đầu Rồng), chi hướng phía Đông Nam gọi là Phượng dự (cánh Phượng Hoàng), chi hướng về Đông Bắc gọi là Quy bối (lưng Rùa), chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con Mèo).
Công trình bao gồm các hạng mục chính là Khu Tiền đường có diện tích 180 m², khu Trung đường có diện tích 160 m² và khu Hậu cung có diện tích 60 m², nhà Tả vu, Hữu vu, diện tích mỗi nhà 80 m².
Đền thờ vua Quang Trung là một phần của núi Dũng Quyết là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn tại thành phố Vinh. Diện tích của toàn khu du lịch này là vào khoảng gần 160 ha, được chia thành nhiều hạng mục như: khách sạn, nhà nghỉ hướng nhìn ra sông Lam. Khu vui chơi, đền chùa thờ…
Muốn lên đây tham quan chiêm ngưỡng cảnh đẹp, quý khách có thể leo bộ lên đỉnh núi. Tuy nhiên quãng đường khá xa. Vì vậy quý khách nên chọn đi bằng xe máy hay ô tô để lên núi. Ở trên có sẵn bãi đỗ xe. Cung đường quanh co, uốn lượn và khá dốc sẽ cho quý vị mang lại cho quý vị một sự thú vị hiếm có.
Chùa Cần Linh
Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Đã được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, trên một vùng đất trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên tường, huyện Hưng Nguyên. Nay thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh.
Chùa thờ Phật Thích Ca – vị tổ của đạo Phật – và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5.208 m², gồm có các kiến trúc sau: Tam quan, bái đường, chính điện, tăng đường, nhà tả vu, hữu vu. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng.
Du thuyền trên sông Lam
Sông Lam xưa có tên là Sông Cả (sông mẹ). Du thuyền trên sông Lam, bạn sẽ được nghe các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh tha thiết trên sông và được ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng nằm ven sông Lam của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An như Đền Ông Hoàng Mười, khu di tích cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong của vùng quê Hưng Nguyên, đến với Đình Trung Cần và Hoành Sơn, khu di tích Kim Liên, lăng và mộ Mai Hắc Đế, khu di tích danh nhân Phan Bội Châu…
Từ bến thuyền Hưng Hòa, ngược nguồn dòng Lam bạn sẽ đến với quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ và sẽ được đắm chìm trong giai điệu mượt mà của ca trù Cổ Đạm…
Đền ông Hoàng Mười
Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ. Ngôi đền hơn 400 năm tuổi thờ chính là Ông Hoàng Mười, ngoài ra còn thờ các vị Phúc Thần.
Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của dải đất miền Trung. Sự linh thiêng của ngôi đền chính là điểm hút du khách thập phương đến tham quan, dâng hương và thành tâm cầu nguyện. Nếu có cơ hội du lịch Nghệ An, du khách nên một lần ghé thăm đền Quan Hoàng Mười.
Đền Ông Hoàng Mười ở đâu? Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An hay Hà Tĩnh? Đền Ông Hoàng Mười cách thành phố Vinh bao xa? Đây là những câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Đền Ông Hoàng Mười thuộc địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 7km.
Đền Ông Hoàng Mười ngoài thờ chính Quan Hoàng Mười, nơi đây còn thờ các vị Phúc Thần như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ, Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung,…
Vào những ngày hội chính, đền thờ ông Mười Nghệ An tấp nập du khách đến hành hương. Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An cầu gì? Người dân nơi đây đồn rằng “đến đền Quan Hoàng Mười cầu được ước thấy”, đó cũng chính là lý do nơi đây thu hút du khách thập phương ghé thăm cầu bình an, may mắn và đón nhiều tài lộc.
Ăn gì ở thành phố Vinh?.
Ăn uống
Thành phố Vinh nói riêng và Nghệ an nói chung có nền văn hoá ẩm thực dồi dào. Nơi đây hội tụ nền văn hoá ẩm thực giữ bản sắc rất riêng của Xứ Nghệ. Đến với thành phố Vinh các bạn có thể ăn các món như súp lươn, miến lươn, bánh mướt xáo, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn…
Ban đêm bạn có thể ghé khu chợ đêm thành phố Vinh để tìm hiểu văn hoá ẩm thực nơi đây, với đầy đủ các món ngon và đặc sản truyền thống. Ngoài ra, trên ngã tư ga và khu vực tam giác quỷ có những hàng xôi chuyên bán về đêm rất ngon.
Mua gì làm quà khi du lịch thành phố Vinh?
Nghệ An có rất nhiều đặc sản nổi tiếng bạn có thể mua làm quà như: kẹo cu đơ, nhút, tương bần, bánh gai Xứ dừa ….
Ngoài những đặc sản truyền thống bạn có thể mua thêm những đặc sản có theo mùa như: cam xã Đoài, cam Bãi phủ, bưởi Hồng Quang Tiến…
Phương tiện di chuyển đến Vinh
Để đến được thành phố Vinh bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện như tàu hoả, xe khách hoặc máy bay. Tuỳ vào tình hình tài chính của bạn.
Thành phố Vinh cách Hà Nội khoảng 289 km theo tuyến QL 1A (hoặc 337 km theo đường Hồ Chí Minh). Nếu đi từ Hà Nội, bạn có thể chọn các loại phương tiện di chuyển:
Có rất nhiều xe khách chạy tuyến Hà Nội – Vinh từ bến xe Nước Ngầm.
Thời gian di chuyển từ Hà Nội, đến TP Vinh mất khoảng 6 tiếng (xe khách); hoặc 7 tiếng (tàu hỏa); hoặc 1 tiếng (máy bay).
Còn nếu xa hơn như Sài Gòn thì bạn nên sử dụng máy bay, tuy nhiên bạn có thể di chuyển bằng tàu hoả hoặc xe khách tuỳ theo nhu cầu và tài chính cá nhân từng người. Hiện nay đã có tuyến bay Vinh – Sài Gòn và ngược lại. Vì vậy bạn có thể tha hồ lựa chọn cách di chuyển phù hợp cho mình.
TÌM KHÁCH SẠN GẦN ĐỊA ĐIỂM NÀY