Bảo hiểm là một công cụ để quản lý rủi ro tài chính trong cuộc sống của mọi người. Ý nghĩa thực sự của việc mua bảo hiểm là quản lý rủi ro tài chính cho bản thân hoặc gia đình bạn và giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do rủi ro gây ra. Đây không phải là vấn đề đơn giản vì vậy trước khi mua bảo hiểm bạn phải xác định rất rõ, cách thức để đạt được mục đích quản lý rủi ro.
1. Chưa tìm đúng người tư vấn
Cái gọi là “bảo hiểm lừa đảo”, không phải hợp đồng bảo hiểm lừa dối bạn mà là người đã bán bảo hiểm cho bạn. Người đó có thể đã truyền đạt thông tin sai cho bạn vì sự thiếu chuyên nghiệp hoặc có thể cố tình đánh lừa bạn bằng cách giả mạo thông tin, mục đích cuối cùng là để bạn mua bảo hiểm.
Vì vậy, tìm đúng người tư vấn là ưu tiên hàng đầu khi mua bảo hiểm. Một tư vấn viên bảo hiểm đáng tin cậy phải có ít nhất hai yếu tố sau.
– Đứng về phía người được bảo hiểm chứ không phải là đại diện cho quyền lợi của công ty bảo hiểm. Trong trường hợp có tranh chấp khiếu nại hãy bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm thay vì giúp công ty bảo hiểm giải quyết vấn đề.
– Chuyên nghiệp: Tư vấn rất rõ ràng về các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, điều khoản nào có lợi cho bên mua bảo hiểm và điều khoản nào không thuận lợi cho bên mua bảo hiểm. Đồng thời giúp bên mua bảo hiểm giải quyết các vấn đề thực tế một cách khoa học.
2. Mua quá muộn
Chúng ta không thể đoán trước rủi ro sẽ xảy ra khi nào và nhiều người hối hận vì đã không mua bảo hiểm sau khi rủi ro xảy ra. Vì vậy vẫn có câu nói: Không ai biết cái nào có trước cái nào có sau giữa ngày mai và rủi ro. Mua bảo hiểm càng sớm càng tốt.
Bạn nên mua 4 loại bảo hiểm cá nhân chính bao gồm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm nhân thọ. Chúng đều liên quan đến tuổi tác hoặc sức khỏe của người được bảo hiểm. Đặc biệt, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có những yêu cầu vô cùng khắt khe về sức khỏe.
Trước 25 tuổi, nhiều người hầu như không khám sức khỏe hoặc chỉ khám đơn giản để hoàn thành hồ sơ vào các công ty để làm việc. Sau tuổi 25, việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm sẽ khiến bạn do dự vì giá trị quá cao. Nhưng ở tuổi này, nhiều người đã có bệnh, tuy không cần điều trị và không nguy hại đến tính mạng nhưng đã trở thành “cái gai trong mắt” những người bán bảo hiểm. Khi chúng ta già đi, không ai có cơ thể khỏe lên theo từng năm, thậm chí nhiều loại bệnh nếu mắc còn khiến bạn mất tư cách được bảo hiểm. Và bạn càng lớn tuổi thì phí bảo hiểm càng cao.
3. Thường giấu giếm sự thật về bệnh nền
Khi bạn đăng ký mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe. Chẳng hạn như bạn đã nằm viện chưa? Kết quả khám sức khỏe có bất thường không? Người thân trong gia đình đã bao giờ bị bệnh chưa? Nếu bạn cố tình giấu giếm và không nói ra sự thật thì đừng trách công ty bảo hiểm không chịu chi trả.
Hai điểm cần được nhấn mạnh ở đây:
– Đừng đánh giá thấp khả năng của các công ty bảo hiểm. Họ có thể tìm ra bất kỳ manh mối nếu bạn có bệnh án.
– Một số nhân viên bán bảo hiểm để ký thành công hợp đồng đã cố tình đánh lừa khách hàng với nhiều lý do để họ không nói sự thật ra. Chẳng hạn như: Công ty bảo hiểm không thể tìm thấy, ai mà biết được bệnh của bạn,…
Nhưng một khi rủi ro xảy ra, nếu công ty từ chối bồi thường do bạn không nói sự thật thì đó sẽ là tổn thất thực sự.
4. Không biết cách áp dụng công thức: “Người lớn trước tiên, sau đó đến trẻ em”
Trước hết, chúng ta phải làm rõ rằng việc phân bổ hợp đồng bảo hiểm cho các thành viên trong nhà nên được xem xét trên quan điểm như thế nào. Vì chúng ta không thể đoán trước được rủi ro sẽ xảy ra với ai. Nếu ngân sách đủ thì bạn nên mua bảo hiểm cho người già, bản thân và con cái trong gia đình cùng một lúc.
Còn khái niệm “người lớn trước, trẻ em sau” được đề cập ở đây có nghĩa là khi bạn có ngân sách hạn hẹp, phải lựa chọn giữa người lớn và trẻ em thì buộc phải áp dụng phương pháp “người lớn trước, trẻ em sau”.
Cái gọi là “người lớn có trước, trẻ em sau” là để chỉ việc mua bảo hiểm cho người có thể kiếm nhiều tiền nhất trong gia đình trước. Họ là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Nếu có rủi ro xảy ra với họ, toàn bộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng, vì vậy họ phải được bảo vệ trước.
5. Mua theo cảm tính mà không lập kế hoạch trước
Bạn có thể nhớ lại mình đã mua bảo hiểm đầu tiên trong đời như thế nào? Hầu hết mọi người nghe nói về một sản phẩm bảo hiểm, được quảng cáo và mua nó. Trên thực tế, sản phẩm này được thiết kế cho những rủi ro nào? Đó có phải là rủi ro mà bạn lo lắng nhất không?
Chiến lược chính xác cho việc mua bảo hiểm là:
Bước 1: Tùy theo hoàn cảnh gia đình, tình hình tài chính, mục tiêu tài chính và các yếu tố khác để bạn lập một kế hoạch bảo vệ toàn diện bằng bảo hiểm.
Bước 2: Lựa chọn sản phẩm bảo hiểm cụ thể theo phương án bảo vệ toàn diện theo đúng kế hoạch.
6. Phải rõ ràng: Trước tiên là bảo vệ con người, sau đó là tiền bạc
Mọi người có thể hiểu nguyên tắc này. Suy cho cùng, con người là quan trọng nhất. Con người ta khi còn sống vẫn có thể kiếm được tiền. Hơn nữa, có nhiều loại bảo hiểm tài chính là những người sống càng lâu thì quyền lợi họ có thể nhận được càng cao.
Đây là 6 nguyên tắc mua bảo hiểm đúng cách. Nếu làm được 6 điều này thì mua “bảo hiểm” sẽ không làm bạn thiệt thòi đâu.
Theo Nhịp sống Việt/ Báo Tổ quốc