Tranh Đông Hồ, giá trị trường tồn
Làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nhắc đến tranh dân gian Đông Hồ là nhắc đến dòng tranh độc đáo bậc nhất ở nước ta, có sự kết hợp hết sức tinh tế, vừa giản dị mà trang trọng. Những ván khắc cổ nhất còn lại đến ngày nay có niên đại khoảng 200 năm và những ván khắc muộn cũng không có sự phá cách hay thay đổi phong cách gì nhiều.
Ván khắc và dụng cụ làm tranh Đông Hồ.
Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển nhưng nguyên tắc về kỹ thuật khắc ván, in tranh Đông Hồ hầu như vẫn được bảo tồn. Sự thay đổi hầu như chỉ ở đề tài hoặc chất liệu tạo nên sản phẩm. Để tạo ra được một sản phẩm tranh Đông Hồ hoàn chỉnh từ nội dung đến hình thức đề tài, bố cục, màu sắc và thơ, chú thích trên tranh đòi hỏi một sự tài hoa trong nét vẽ, nét khắc, súc tích, ý nhị trong việc đặt lời ngắn nhưng nêu lên được đầy đủ ý nghĩa.
Chữ trên tranh thường là thơ, câu đối hay những lời chúc tụng thậm chí là những câu nói đời thường nhưng lại có ý nghĩa rất rộng và sâu xa… Khi được đưa vào tranh, chữ không chỉ đóng vai trò là làm rõ nghĩa bức tranh mà còn làm tăng sự chặt chẽ và cân đối trong bố cục.
Tranh Đông Hồ “Vũ Đinh – Thiên Ất”.
Về đề tài, tranh dân gian Đông Hồ có một kho tàng các hình tượng quen thuộc, gần gũi như lợn, gà, vịt, trâu… Đối với thể loại tranh sinh hoạt hay tranh truyện cổ tích như Truyện Kiều, Thạch Sanh các nghệ nhân thường chọn ra hồi, cảnh đặc trưng nhất cho câu chuyện. Khi vẽ mẫu tranh các nghệ nhân thường sử dụng bút lông và mực nho vẽ lên bản giấy mỏng để khi dán vào tấm gỗ, nét vẽ thấm ra mặt giấy, nhờ đó mà các thợ khắc mới khắc được hình vẽ lên bản gỗ.
Ván gỗ khắc tranh Đông Hồ được chia làm 2 loại: ván nét và ván màu. Ván nét được làm bằng gỗ thị, gỗ thừng mực. Ván in màu được làm bằng gỗ giổi hay gỗ vàng tâm, là loại gỗ nhẹ, thớ mềm xốp, dễ hút màu, do đó in đượm màu thuốc cái. Tranh Đông Hồ dường như là trường hợp duy nhất dùng hai loại ván này.
Đối với những bức tranh khổ lớn như tranh chủ, Y Môn, hay tranh Tứ Bình, Tứ Quý thì ván in tranh không được làm to bằng khổ tranh mà được cắt nhỏ ra thành ba, bốn ván, rồi khi in người in tranh phải ghép các mảnh lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Để hoàn thành một tác phẩm phải có sự phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật và nghệ thuật, tức là người sáng tác mẫu, người khắc ván và thợ in.
Tranh Đông Hồ “Đại Cát Nghinh Xuân”.
Giấy in tranh có thể là giấy dó thường hoặc giấy dó quét điệp và màu để in tranh điệp chế tạo từ nguyên liệu và thảo mộc có trong tự nhiên. Vật liệu dùng để in tranh và dụng cụ gồm có giấy dó, màu, ván in, chổi thông, một tấm bìa và miếng xơ mướp (mút xốp).
Tranh Đông Hồ được in tranh theo phương thức sấp ván, nghĩa là cầm ván in mà dập xuống bố màu sao cho màu thấm đều vào hình khắc trên ván. Rồi ấn ván in lên tờ giấy như đóng dấu, sau đó lật ngửa tấm ván in có dính tờ giấy, rồi dùng xơ mướp xoa đều lên mặt sau cho nét đảm bảo không bị mất. Cuối cùng là lấy tờ giấy in lên khỏi ván in. Khi in xong đợi tranh khô mới bắt đầu in màu tiếp theo.
Trình diễn làm Tranh dân gian Đông Hồ tại Hoàng thành Thăng Long.
Điểm độc đáo nữa là tranh Đông Hồ in mảng trước, in nét là công đoạn cuối cùng. Quy trình in màu theo thứ tự: đỏ, xanh, vàng, trắng… mỗi lần in chỉ in một màu. Để cho các mảng màu ăn khớp với nhau thì ở mỗi tấm ván đều có hai điểm cữ để đánh dấu cạnh ván in. Sau khi in xong các mảng màu, nghệ nhân làm tranh mới in ván nét đen được gọi là cắt nét, đây là công đoạn khó nhất đòi hỏi những nét không được chỗ đậm – chỗ nhạt.
Có bao nhiêu loại và treo tranh Đông Hồ thế nào?
Hai tác giả Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ chia tranh Đông Hồ làm 8 loại: Tranh chúc tụng, Tranh tôn giáo thờ cúng, Tranh cảnh vật, Tranh lịch sử, Tranh truyện, Tranh sinh hoạt xã hội, Tranh châm biếm, Tranh tuyên truyền cổ động. Mỗi loại tranh Đông Hồ lại được treo vào một dịp khác nhau cũng như những vị trí khác nhau trong nhà. Chẳng hạn:
– Tranh nhị bình: Cá Chép trông trăng và chim Công thường được treo hai bên ban thờ.
– Ngay cửa ra vào người ta dán tranh trấn trạch trừ tà có Vũ Đinh –Thiên Ất. Họ treo tranh Tử Vi trấn trạch và Huyền Đàn trấn môn. Vừa để trừ tà vừa có ý nghĩa cầu mong hạnh phúc.
Tranh Đông Hồ “Ông Táo”.
– Ngày hai mươi ba tháng chạp, treo tranh Ông Công, Ông Táo ở gian bếp.
– Tranh thờ thường dùng dịp Tết là tranh Tam phủ, Tứ phủ với nội dung khuyến thiện và trừng ác.
– Tranh gà Đại Cát vẽ hình con gà trống chân co, chân duỗi, giương cánh vỗ, trên có hai chữ Đại Cát hoặc Nghinh Xuân với ý nghĩa cầu chúc mọi người, mọi nhà đón xuân, ăn Tết vui vẻ, tốt lành và may mắn.
– Tranh Gà đàn thể hiện tấm lòng muốn đông con nhiều cháu và thể hiện cả tình mẫu tử, tình yêu thương đồng loại. Tạo cho chúng ta những liên tưởng về những bà mẹ Việt Nam tần tảo sớm chiều để nuôi nấng và chăm sóc cho những người con.
– Tranh Lợn ăn lá dáy muốn thể hiện cái tinh thần âm – dương bình hành, có thái cực là có lưỡng nghi có âm, có dương, đó là sự sinh tồn và phát triển. Những bức tranh vẽ Lợn đều chứa đựng tất cả những ước nguyện của người nông dân, khao khát cuộc sống sung túc, đông vui, hòa thuận và mạnh khỏe.
Tranh “Lợn ăn lá dáy”.
– Một năm có 12 tháng và con gà Trống được chọn là con vật của tháng giêng, người dân dán tranh gà ở cửa với mục đích vừa để cấm quỷ vừa có ý cầu may. Cũng vẽ về gà nhưng bức tranh Gà thư hùng lại mang ý nghĩa chúc nhau hạnh phúc, con đàn cháu đống, vợ chồng con cái sum họp, đầm ấm, no đủ.
– Bộ nhị bình: Quốc gia thịnh trị, Thiên hạ thái bình với mong ước đất nước được hòa bình, dân chúng được ấm no.
– Tranh Vinh hoa (bé trai ôm gà trống) biểu hiện cho lời chúc có con trai khỏe mạnh, lớn lên cuộc đời sẽ hiển vinh. Tranh Phú quý (bé gái ôm vịt) thể hiện cho nữ giới, cầu chúc cho sự hiền dịu và đông con.
– Tranh Phúc lộc song toàn lại mang ý nghĩa gia đình giàu có, con cái đông đúc. Tranh Em bé ôm con rùa thể hiện lời chúc cho sự trường tồn và sống lâu.
Tranh “Em bé ôm con rùa”.
Tranh Đông Hồ thiên về cách diễn tả những nét to, đơn giản, cô đọng, chắc khỏe, phù hợp với tình cảm hồn hậu và chất phác của người dân Việt Nam. Đặc trưng cơ bản của tranh dân gian Đông Hồ là diễn tả không gian ước lệ nhưng các nghệ nhân rất chú trọng trong việc tạo biểu đạt các động thái và tư thế của nhân vật trong tranh tạo được cái thần của nhân vật.
Trong quá trình phát triển, tranh dân gian Đông Hồ đã hình thành những phong cách riêng và độc đáo, sau này trở thành phong cách của dân tộc, phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.
Mai Trung Thứ, danh họa ‘triệu đô’ của mỹ thuật Việt