Trái bần là trái gì? Trái bần có mấy loại, nơi mua, ăn với gì ngon

Trái bần là loại quả có vị chua đặc trưng nên có thể ăn sống hoặc được dùng để nấu canh và món lẩu cũng đều rất ngon. Vậy trái bần là trái gì? Trái bần có mấy loại, nơi mua và ăn trái bần với gì là ngon nhất, hãy để chuyên mục Mẹo vào bếp bật mí cho bạn ngay nhé!

1. Trái bần là quả gì?

Trái bần là quả gì

Trái bần có tên khoa học là Sonneratia caseolaris (L.) Engl.(S.acida L.f), thuộc họ Bần (Sonneratiaceae). Nó được tìm thấy nhiều trong các bãi bùn thủy triều nhiệt đới trải dài từ châu Phi đến Indonesia.

Ở phía Nam xuống Đông Bắc nước Úc và New Caledonia người ta cũng tìm thấy loại trái này, đồng thời cũng phát triển ở phía Bắc chạy dài đển đảo Hải Nam của Trung Quốc và Philippines.

Trái bần là quả gì?

Đặc điểm của trái bần

Trái bần có hình tròn, hơi dẹt và có vị chua. Đuôi trái bần nhọn và phần cuống chỉa ra như các cánh ngôi sao. Lớp vỏ ngoài màu xanh lá cây khi còn non nhưng chuyển sang màu hơi vàng và thoảng hương thơm nhẹ khi chín.

Cây bần bắt đầu đâm hoa kết trái từ khoảng 3 tuổi: hoa có màu trắng hơi hồng và thường nở rộ vào tháng 6 đến tháng 9 âm lịch.

Quả bần có thể ăn sống, chấm muối ớt hoặc chấm mắm. Ngoài ra, loại quả này còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn có vị chua ngọt như canh chua.

Đặc điểm của trái bần

2. Cây bần mọc ở đâu?

Bộ rễ của cây bần khá rộng, có khả năng chịu ngập và tái sinh chồi mạnh, trong đó rễ phụ thường mọc nhô ra khỏi mặt bùn. Vì thế, cây bần là loại cây rừng ngập mặn nhiệt đới, có thể giữ đất chống sạt lở và chắn sóng.

Tại Việt Nam, cây bần thường hay mọc hoang và cũng được trồng ở rừng ngập mặn ven biển, nơi có nhiều bãi bồi và bùn như:

  • Miền Bắc: Bần thường mọc ven bờ biển và vùng cửa sông như ở Nghệ An, Hải Phòng và Hà Tĩnh.
  • Miền Nam: Bần hay mọc dày đặt ven sông rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cây bần mọc ở đâu?

3. Trái bần có mấy loại

Giống như các thực vật ngập mặn khác, cây bần cũng có nhiều loại, phổ biến nhất là:

Trái bần chua

Trái bần chua tên khoa học là Sonneratia caseolaris, loại này rất phổ biến và thường mọc ở ven sông. Hình dạng trái to tròn, nhìn mọng và có vị chua kèm với độ giòn cứng. Vì thế, trái bần chua dù chín hay còn non thì cũng rất được ưa chuộng để nấu món canh chua.

Ngoài ra, người ra cũng gọi trái bần chua là bần sẻ, bần dĩa, hải đồng, thủy liễu và bằng lăng tía.

Trái bần chua

Trái bần ổi

Trái bần ổi tên khoa học là Sonneratia ovata, loại này thường được trồng hơn là mọc dại. Hình dạng trái bần ổi hơi tròn trông như trái ổi. Vị ngọt hơn so với bần chua và có hương thơm nhẹ. Người ta cũng gọi trái bần ổi là bần hôi hoặc bần trứng.

Trái bần ổi

Trái bần trắng

Ngoài hai loại trái bần chua và trái bần ổi, thì bạn cũng có thể gặp bần trắng (tên khoa học là Sonneratia alba), bần đắng (tên khoa học Sonneratia Griffithii), bần vô cánh (tên khoa học Sonneratia apetala) và bần Hải Nam (tên khoa học Sonneratia hainanensis).

bần trắng

4. Trái bần mua ở đâu?

Vì môi trường sống của trái bần thường ở rừng ngập mặn, ven sông nên bạn có thể tìm mua chúng dễ dàng ở khu vực miền Tây, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, bạn vẫn có thể tìm mua ở chợ, cửa hàng nông sản và một số trang thương mại điện tử, thậm chí là dọc ven đường cũng có thể bắt gặp một số người bán trái bần.

Trái bần mua ở đâu?

5. Trái bần ăn với gì?

Trái bần dễ ăn, có vị chua và hơi chát đặc trưng, thỉnh thoảng có vị ngon kèm với hương thơm nhẹ. Vì thế, loại quả này có thể được thưởng thức theo nhiều cách khác nhau như:

Canh chua trái bần

Canh chua là món canh quen thuộc của người dân miền Tây và cũng rất được ưa dùng vào những ngày trời oi bức. Bạn có thể thay thế việc dùng me chua bằng trái bần khi nấu món canh này. Hương thơm và vị chua thanh của trái bần sẽ góp phần làm cho món canh chua trở nên đặc biệt hơn.

Khi nấu, bạn chỉ cần rửa sạch và gọt vỏ, rồi cắt làm đôi hoặc làm tư (đối với trái bần to). Sau đó, bạn cho vào nồi nước sôi và tiến hành nấu canh chua như bình thường.

Canh chua trái bần

Cá kho trái bần

Nhờ vị chua đặc trưng, bạn có thể dùng trái bần để làm món cá kho, như cá bông lau hoặc cá lóc. Tùy theo sở thích, bạn có thể dầm trái bần với nước ấm, rồi chắt lọc bã để lấy nước cốt cho vào nồi cá kho.

Hoặc bạn có thể gọt vỏ trái bần và cho nguyên quả vào kho chung với cá, khi ăn chỉ cần dầm nó ra và thưởng thức cùng với cơm và cá là được.

Cá kho bần

Trái bần chấm mắm

Quả bần có thể ăn sống để cảm nhận được vị chua và vị chát đặc trưng. Bạn nên chọn trái bần già vì có nhiều thịt và ít hạt để ăn. Sau đó, bạn rửa sạch bần với nước, để ráo trước khi chấm với muối ớt vị mặn cay hòa lẫn với vị chua của trái bần.

Ngoài ra, bạn có thể chấm bần với mắm sống như mắm cá lóc, mắm cá sặc hay mắm cá linh.

Trái bần chấm mắm

Lẩu bần chua

Lẩu bần chua cũng rất được yêu thích ở khu vực miền Tây không thua gì canh chua trái bần. Thưởng thức món lẩu có thể dùng nhiều loại cá như cá ngát, cá basa hoặc cá diêu hồng, thậm chí là cua đồng.

Cá có vị beo béo nguyện lẫn với vị chua thanh của trái bần, rồi húp “sột soạt” nước lẩu nóng hổi vào những ngày trời lạnh thì còn gì bằng. Hơn nữa, bạn có thể dùng lẩu bần chua vào những ngày trời nắng để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể nhờ vị chua từ vitamin C nữa đấy!

Lẩu bần chua

Gỏi bông bần

Ngoài trái bần, bạn cũng có thể dùng bông bần khi còn búp hoặc chỉ mới hé nở, để làm gỏi. Bạn chỉ cần tách bỏ cùi và nhụy bên trong, lấy phần cánh hoa đem ngâm vào nước muối pha loãng. Sau đó, vớt để ráo và trộn với hải sản hoặc tôm thịt heo đều được. Cách làm tương tự như các món gỏi khác vậy!

Gỏi bông bần

Mứt bần miền tây

Trái bần được làm sạch trước khi nghiền thành bột, rồi người ta dùng bột trái bần để nấu với đường phèn tạo thành mứt bần. Loại mứt này vẫn giữ được vị chua chua và hương thơm đặc trưng của trái bần, quyện lẫn với vị ngọt thanh của đường phèn.

Mứt bần miền tây

Với chia sẻ phía trên, hy vọng bạn biết thêm về trái bần là quả gì? Trái bần có mấy loại, nơi mua và ăn trái bần với gì ngon là ngon nhất. Chúc bạn có thêm nhiều món ăn ngon với loại quả dân gian này!

Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 26/04/2021

Rate this post

Viết một bình luận