–
Thứ hai, 25/04/2022 18:00 (GMT+7)
Năm 2022, các trường đại học, đặc biệt các trường top đầu có xu hướng sử dụng kì thi đánh giá năng lực làm một trong những phương thức tuyển sinh. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí – đã có những chia sẻ về cách thức làm bài thi sao cho đạt kết quả tốt nhất.
Nhiều trường đại học top đầu sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực làm phương án tuyển sinh năm 2022.
Câu hỏi vận dụng từ thấp đến cao
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 65 trường đại học xác nhận lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) làm một trong những phương thức tuyển sinh năm 2022.
Thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ làm bài trên máy tính với 150 câu, chia làm ba phần: Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học – Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên – Xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Các câu hỏi được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Với cấu trúc đề thi như vậy, nhiều thí sinh lo lắng về việc các em học lệch thì có thể thi đạt kết quả tốt hay không?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN.
Trước băn khoăn của thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN – cho rằng, thực tế cho thấy, hầu hết thí sinh lớp 12 hiện nay đã phần nào “định hướng” theo khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Ở một mức độ nào đó, tất cả thí sinh đều gặp đôi chút khó khăn giống như nhau với phần Khoa học (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa).
“Tuy nhiên, nếu bạn đã xác định thi đánh giá năng lực thì hãy làm đề thi tham khảo sẽ thấy được mình cần tự luyện tập bổ sung những gì. Câu hỏi thi ĐGNL hướng tới đánh giá năng lực, từ cơ bản đến hiểu, vận dụng thấp đến cao. Do đó, các bạn sẽ khởi điểm giống nhau và năng lực, khả năng tư duy của thí sinh sẽ quyết định điểm bài thi” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhận định.
Không cần tham gia các lớp ôn luyện
Trước thực tế các trường đại học, đặc biệt trường top đầu có xu hướng sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực là phương thức tuyển sinh, nhiều thí sinh lo lắng, đổ xô tham gia các lớp học, lò luyện thi “cấp tốc”. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin, ngay sau khi ĐHQGHN tuyên bố sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển đại học, một số trung tâm, lớp luyện thi đã mở ra và quảng bá thu hút thí sinh ôn luyện.
Tuy nhiên, việc ôn luyện tại các trung tâm không mang lại kết quả gì cho thí sinh. Qua phản ánh của thí sinh trên các diễn đàn, mạng xã hội đều cho thấy, chính bản thân các thí sinh cũng có lời khuyên không nên ôn luyện tại các trung tâm.
“Những bạn đạt điểm thi ĐGNL cao nhất năm 2021 đều là những thí sinh tự học. Các bạn đó cũng đã có nhiều bài viết chia sẻ trên mạng xã hội và các diễn đàn học thuật về bài thi ĐGNL về kinh nghiệm tự học, chuẩn bị tâm lý vững vàng trước ngày thi” – ông Thảo nhấn mạnh.
Dành lời khuyên cho thí sinh dự định tham dự kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, việc đầu tiên, thí sinh làm bài thi tham khảo để thấy được các điểm mạnh yếu của mình, những phần kiến thức hổng cần ôn tập, bổ túc.
Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức nhiều đợt thi trong năm nên thí sinh có thể chọn ngày thi, ca thi. Sau khi hoàn tất các bước đăng ký dự thi, học sinh làm bài thi tham khảo, cân đối thời gian hợp lý cho từng phần thi.
“Trước ngày thi, hãy giữ gìn sức khỏe, ôn tập các phần kiến thức chuyên môn chưa làm tốt ở các đề thi tham khảo, kiểm tra lại địa điểm thi, ngày thi, giờ thi trên tài khoản cá nhân tại www.khaothi.vnu.edu.vn hoặc kiểm tra hộp thư điện tử (e-mail) để nhận các thông báo mới (nếu có) từ Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin.
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra lời khuyên rằng thí sinh chỉ nên thi một lần bởi vì về cơ bản nội dung không thay đổi nhiều về mặt khoa học đo lường khảo thí. Thi nhiều lần chỉ gây lãng phí xã hội.