Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là niềm tự hào của dân tộc ta, Nhân dân ta. Người đã để lại một di sản vô cùng quý giá và bất diệt cho toàn Đảng, toàn dân ta, đó là hệ thống tư tưởng và tấm gương đạo đức của mình. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã, đang và mãi là chủ trương lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có cán bộ, chiến sỹ phòng hậu cần, Học viện Cảnh sát Nhân dân
Học gì qua tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Mình
Bởi vì, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh để nhân dân ta phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khó khăn để tiến lên. Đặc biệt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là một biện pháp quan trọng để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái “có tính nghiêm trọng” về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta học những gì trong kho tàng tư tưởng, và tấm gương đạo đức vô cùng vĩ đại của Người. Theo tôi, mỗi đoàn viên, thanh niên trong đơn vị cần học những điều sau đây:
Thứ nhất, lòng yêu nước thương dân.
Yêu nước thương dân là tư tưởng và phẩm chất đạo đức tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với lực lượng Công an Nhân dân, năm 1950, tại Trường Công an Trung cấp – Khóa I, Bác dạy: Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ cần phải nêu cao tinh thần yêu nước vì đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chân chính, đoàn kết, giúp đỡ nhân dân vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ của quân đội, của cán bố, chiến sĩ. Tôn trọng nhân dân, không lấy cái kim sợi chỉ của nhân dân là phẩm chất, nét văn hóa của chiến sỹ Công an Nhân dân; Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, trong chi đoàn, chi bộ, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trước mọi mưu đồ của các thế lực bên ngoài hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng với nhân dân. Mọi biểu hiện cục bộ, bản vị là trái với tinh thần yêu nước chân chính. Phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, quyết tâm phấn đấu vì sự bình yên của nhân dân và xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp.
Thứ hai, học tập tấm gương mẫu mực về “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Sinh thời, là Chủ tịch nước – người đứng đầu một quốc gia được hưởng những đặc quyền dành cho nguyên thủ, nhưng những bữa ăn hàng ngày của Bác vẫn thật thanh đạm chỉ rau dưa, cà muối… Khi trở về Thủ đô, Bác không ở trong dinh thự sang trọng dành cho nguyên thủ quốc gia mà ở trong ngôi nhà dành cho người thợ điện. Đồ dùng cho sinh hoạt hàng ngày của Bác cũng thật giản dị: áo kaki đã bạc màu, đôi dép làm từ lốp cao su… Người lý giải cho việc làm của mình bằng một lý do hết sức thuyết phục đó là trong điều kiện đất nước còn đang hết sức khó khăn, nghèo khổ thì Người không thể một mình hưởng thụ.
Học tập và làm theo tấm gương này của Người, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị cần tích cực học tập và lao động với tinh thần sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, biết quý trọng công sức và tài sản trong đơn vị, không xa hoa, lãng phí. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Nhận thức rõ nhiệm vụ, công việc của mình là bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, vì vậy trước tiên phải nêu cao tấm gương sống, học tập và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đối xử chân thành, khiêm tốn với bạn bè, đồng nghiệp, không chạy theo thành tích, không vì lợi ích cá nhân mà bao che khuyết điểm, để lọt tội phạm. Cần chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, vị kỷ trong đời sống quân nhân. Tránh tình trạng việc gì có lợi cho mình thì hăng hái, việc gì không “kiếm chác” được cho riêng mình thì thờ ơ, lãnh đạm.
Thứ ba, học ý chí và nghị lực tinh thần to lớn trong công việc.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chuỗi những năm tháng hoạt động cực kỳ khó khăn, gian khổ, thậm chí có những lúc cận kề giữa sự sống và cái chết, nhưng Người vẫn luôn kiên trì, bình tĩnh, chủ động vượt qua mọi thử thách để đạt được mục tiêu đề ra là đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Khi đứng trong lực lượng công an, mỗi một chiến sỹ cũng cần xác định rõ cho mình nhiệm vụ cao cả, đặc biệt với đặc trưng là đơn vị hậu cần thì điều này càng được đặt ra hơn bao giờ hết. Bản thân mỗi người sĩ công an trước hết cần vượt qua chính mình, vượt qua những cám dỗ đời thường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì tính chất đặc thù của công việc có lúc người sĩ quan phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn, đứng trước những cám dỗ về vật chất. Vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi chiến sỹ trong đơn vị cần không ngừng rèn luyện cho mình một ý chí quyết tâm to lớn để vượt qua những khó khăn, thử thách trong hiện tại và tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành vĩ nhân bằng con đường tự học, tự nghiên cứu. Người dạy chúng ta luôn có một tinh thần vững chắc, một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu, học tập và lao động. Không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì cũng phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi. Đây là bài học tinh thần, bài học nghị lực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy thế hệ trẻ phải có niềm tin và sự phấn đấu nỗ lực của chính bản thân chúng ta.
Đại úy Nguyễn Xuân Trường
Học viện Cảnh sát Nhân dân