Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (thứ 4 từ phải sang), tặng hoa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và các chuyên gia tại buổi giao lưu trực tuyến – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phần lớn thắc mắc trong buổi giao lưu tựu trung vào những câu hỏi, theo ghi nhận cũng là nỗi niềm chung của hàng triệu phụ huynh, học sinh trên cả nước.
1. Vô lớp 10, chọn nhóm môn rồi có được thay đổi hay không?
* Ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT hướng dẫn “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD-ĐT”. Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định.
Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất… sẽ có những hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của học sinh cần tập trung ở sự phù hợp của định hướng nghề nghiệp của bản thân và tổ chức của nhà trường. Sở GD-ĐT và trường sẽ có những hướng dẫn khi Bộ GD-ĐT có các hướng dẫn mới.
2. Chọn thế nào khi lịch sử thành môn bắt buộc?
* Ông Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng trên mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở cấp trung học phổ thông. Do vậy, với các môn lựa chọn sẽ được xây dựng chương trình phù hợp với yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT đang thực hiện kế hoạch Chương trình lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học. Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu mà chương trình GDPT 2018 đã xây dựng.
Do vậy, hiện nay việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của học sinh cần tập trung ở sự phù hợp của định hướng nghề nghiệp của bản thân và tổ chức của nhà trường. Sở GD-ĐT và trường sẽ có thông tin khi có các hướng dẫn mới.
* Ông Lê Duy Tân (trưởng Phòng giáo dục trung học – Sở GD-ĐT): Khi Bộ GD-ĐT công bố môn lịch sử là môn học bắt buộc, việc chọn lựa 4 môn học sẽ có những điều chỉnh. Phương án phù hợp nhất là học sinh được chọn 4 môn các môn lựa chọn. Ngoài ra, việc tổ chức các môn học lựa chọn phụ thuộc nhiều vào điều kiện của nhà trường. Bạn cần tìm hiểu các thông tin do nhà trường tư vấn để chọn lựa phù hợp.
3. Chương trình mới, thi tốt nghiệp ra sao?
* Ông Nguyễn Bảo Quốc: Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hướng đến năng lực và phẩm chất của học sinh. Do vậy, chương trình GDPT 2018 sẽ gắn với các thay đổi phù hợp của việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn chi tiết.
Điều quan trọng là khi đã chọn các môn thế mạnh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp và với quá trình học tập, rèn luyện của các em để đạt được năng lực và các phẩm chất của môn học thì đánh giá cuối bậc học sẽ không phải là vấn đề khó vượt qua.
4. Chuyển trường phải làm sao?
* Ông Lê Duy Tân: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để thực hiện chương trình môn học. Do vậy, khi thay đổi chỗ học, học sinh thường gặp trở ngại trong việc học chuyển tiếp.
Sở GD-ĐT giao trách nhiệm cho các hiệu trưởng trong việc tìm hiểu quá trình học tập của học sinh tại trường cũ và khả năng đáp ứng của trường mình khi nhận học sinh chuyển trường. Trong trường hợp có sự khác biệt, trường tiếp nhận phải tổ chức các hình thức học bổ sung nhằm giúp học sinh được thuận lợi khi tiếp tục học tại trường của mình.
Không nên áp đặt
Việc chọn lựa môn học phụ huynh nên trao đổi để biết mong muốn của con, không nên áp đặt. Việc chọn khối dự thi đại học sẽ được xác định khi Bộ GD-ĐT và các trường đại học công bố.
Trong giai đoạn học sinh mới vào lớp 10 hiện nay, phụ huynh học sinh cần nắm rõ định hướng nghề nghiệp tương lai, năng lực hiện có của học sinh, nghề nghiệp truyền thống của gia đình (nếu có) để đưa ra nhiều dự kiến chọn lựa và lắng nghe ý kiến của con; tham khảo các cách thức tổ chức môn học lựa chọn của nhà trường để quyết định việc chọn lựa của mình.
Ông LÊ DUY TÂN (trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM)
* Bạn đọc Nguyễn Thanh: Thưa thầy, con tôi muốn thi vào lớp chuyên lý, sau khi trúng tuyển cháu có thể cho tổ hợp cả 3 môn khoa học tự nhiên lý, hóa, sinh và môn tin học không ạ, vì định hướng sau này có thể thi ĐH khối A hoặc B. Xin cảm ơn!
– Ông Nguyễn Thanh Tòng (hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc, Bình Tân, TP.HCM): Học sinh chọn 3 môn vật lý, hóa học, sinh học để định hướng sau này có thể thi ĐH theo khối A hoặc khối B là hợp lý, có thêm môn tin học thì tùy thuộc vào điều kiện nhà trường và quy định hiện nay.
* Bạn đọc Bảo Thy: Thưa cô, con dự định sẽ theo ngành thiết kế thời trang thì nên chọn tổ hợp môn như thế nào ạ? Cảm ơn cô.
– Bà Bùi Minh Tâm (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM): Em theo ngành thiết kế thời trang thì môn lựa chọn có môn mỹ thuật và các môn lựa chọn còn lại phù hợp với năng lực của em cũng như định hướng nghề nghiệp.
Em có thể tìm hiểu các trường ĐH có ngành thiết kế thời trang để xem các môn học yêu cầu đầu vào của trường, từ đó em sẽ có quyết định chọn môn học lựa chọn.
* Bạn đọc Thanh Trúc: Tổ hợp nào và khối nào sẽ có đa dạng sự lựa chọn ngành học và đi làm sau này ạ?
– Ông Nguyễn Minh (hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa): Hiện nay tổ hợp môn xét tuyển vào ĐH rất đa dạng, học sinh cần căn cứ vào năng lực học tập của mình, dự kiến trường ĐH theo học trong tương lai, tổ hợp môn xét tuyển của trường ĐH để lựa chọn môn học cho phù hợp ở bậc phổ thông.
Chọn tổ hợp môn học lớp 10 như thế nào, có được đổi lại không?