(L. Wolframium, A. tungsten hoặc wolfram), W. Nguyên tố hoá học nhóm VI B, chu kì 6 bảng tuần hoàn các nguyên tố; số thứ tự 74; nguyên tử khối 183,85. Do nhà hoá học Thuỵ Điển Sêlơ (C. W. Scheele) phát hiện (1781) dưới dạng axit vonframic trong một khoáng vật được biết thời đó là seelit (scheelite) và người đồng hương của ông là Becman (T. Bergman) đã xác định kim loại mới này có thể tách được khỏi axit. Kí hiệu nguyên tố W là do Becxêliut (J. J. Berzelius) đặt. Kim loại nặng, trắng xám; chịu nhiệt; khối lượng riêng 19,3 g/cm3; tnc = 3.410 oC. Bền trong không khí ở nhiệt độ thường; tan trong hỗn hợp axit nitric và axit flohiđric. W khá hiếm: chỉ chiếm 1.10–4% khối lượng vỏ Trái Đất. Khoáng vật chính là vonframit, seelit, tungstit. Dùng để chế tạo thép siêu cứng và chịu nhiệt, thiết bị cắt nhanh, hợp kim; dùng trong kĩ thuật điện (làm dây tóc bóng đèn điện), trong kĩ thuật vô tuyến điện tử (catôt, anôt của các dụng cụ điện), vv.