Quảng Ngãi – mảnh đất đầy nắng gió và sự mặn mòi của biển khơi đã làm nên những đức tính quý báu của người dân xứ Quảng. Không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ những anh tài trong các cuộc kháng chiến mà còn là địa điểm quy tụ những danh lam, thắng cảnh say đắm lòng người bởi cái vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại nhưng cũng đầy chất thơ ở mỗi dòng nước, con sông. Quảng Ngãi có gì chơi? Cùng khám phá ngay những địa điểm du lịch nổi tiếng dưới đây để giúp bạn sắp xếp được lịch trình hợp lý trong hành trình du lịch Quảng Ngãi sắp tới nhé.
2
Núi Thiên Ấn – Quảng Ngãi
Thiên Ấn hay còn gọi là Kim Ấn Sơn là ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh Ấn Đông và phường Trương Quang Trọng, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 3,5 km. Đối với những người Quảng xa quê, núi Thiên Ấn như một nỗi nhớ chất đầy những yêu thương. Và đối với những người lữ khách khi ghé qua nơi đây, núi Thiên Ấn như một kỉ niệm khiến lòng họ da diết và tràn đầy những ưu tư. Đến với Thiên Ấn, các bạn sẽ cảm nhận được tình yêu, sự kì bí và sự bình yên đến lạ thường.
Lịch sử núi Thiên Ấn là huyền thoại gắn liền với hai vị thiền sư thế danh là Lê Duyệt, pháp danh Minh Hải, tự Phật Bảo, hiệu là Pháp Hóa hòa thượng, sinh năm Giáp Thân (1644) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Vị thiền sư này đã chọn núi Thiên Ấn là nơi dừng chân, dựng am ngày đêm tu thiền, giữ tâm thanh tịnh, giữ lòng an yên. Theo dân gian kể lại, ngài là người rất phúc hậu, sống vô cùng giản dị, ngài mang vẻ đẹp đúng nghĩa của người có danh phận thiền sư. Đồ ăn của ngài cũng chỉ là lá cây, củ rừng và uống nước trong hang để sống. Thế nhưng, một ngày cái hang cũng hết nước, vị hòa thượng đành phải tìm cách để tìm nguồn nước mới. Đó cũng chỉ nguyên nhân tạo ra nhiều điều bí ẩn tại núi Thiên Ấn Quảng Ngãi.
Trên đỉnh núi có một ngôi chùa cổ nằm dưới bóng cây cổ thụ, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716. Năm 1830, ngọn núi được khắc vào dinh tự; năm 1850, vưa Tự Đức đưa núi vào hàng danh sơn của đất nước và ghi vào từ điển. Núi Thiên Ấn được coi là đệ nhất thắng cảnh tại Quảng Ngãi và nơi đây cũng “núi thiên” đối với người dân Quảng Ngãi.
3
Chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi
Chùa Thiên Ấn khởi công xây dựng vào năm 1694, hoàn thành cuối năm 1695 (niên hiệu Chính Hòa thứ 15), đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong. Tổ khai sơn ngôi chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến (Trung Hoa) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am, sau đó dần dần trùng tu, mở rộng, thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.
Chùa Thiên Ấn có “giếng Phật” sâu 21 mét, nước mát trong, đào từ lúc khai sơn, và “chuông thần” do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Câu chuyện về nhà sư đào giếng Phật và lễ khai đỉnh chuông Thần đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được ghi lại trong nhiều thư tịch cổ.
4
Thiên Bút Phê Vân – Quảng Ngãi
Từ đỉnh Thiên Ấn, phóng tầm mắt vượt qua dòng sông Trà Khúc, xa về phía nam là núi Thiên Bút (núi Bút), tọa lạc tại địa phận phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.
Chỉ cao hơn 60 mét so với mặt nước biển, nhưng Thiên Bút có hình dáng cân đối, đỉnh núi thoai thoải vươn lên trời cao, từ cánh đồng Ngọc Áng ở phía đông nhìn lên, tựa như ngòi bút của đấng vô biên. Có những hoàng hôn kỳ thú, sườn núi chầm chậm khuất dần trong sương chiều, mây lam vấn vương trên đỉnh núi, ánh hồi quang từ phía trời tây bịn rịn dấu ngày. Cảnh tượng đất trời phóng khoáng, sơn thủy liên tình gợi lên hình ảnh bút trời phê vào mây gió. Bởi vậy cổ nhân mới đặt cho mỹ tự Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây).
5
Núi Long Phụng – Chùa Ông Rau – Quảng Ngãi
Núi Long Phụng, chùa Ông Rau thuộc xã Đức Thắng mang nhiều vẻ đẹp cổ kính, kỳ vĩ, là danh thắng đáng để thưởng ngoạn. Trên núi Long Phụng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí, trong đó có một ngôi chùa độc đáo, tọa lạc trên lưng chừng núi, mặt hướng ra biển Tân Định.
Chùa có nhiều tên gọi, như chùa Ông Rau, chùa Hang, chùa Cốc, vì người xưa đặt tên theo hình dáng chùa và đặc điểm riêng của vị trụ trì… Những vị cao niên ở đây kể rằng, từ xa xưa có một nhà sư không rõ danh tính, không đệ tử bổn đạo, không kinh kệ suốt ngày ngồi thiền ở hang đá này. Vị sư này không ăn ngũ cốc, chỉ ăn rau nên gọi ông là Ông Rau, hang động ông tu gọi là chùa Ông Rau.
6
Hà Nhai Vãn Độ – Quảng Ngãi
Hà Nhai vãn độ (Cảnh đò chiều ở bến Hà Nhai) là một thắng cảnh sông nước hữu tình nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, đoạn từ phía đông thôn Ngân Giang đổ xuống phía tây thôn Thọ Lộc.
Chính xác hơn, bến Hà Nhai là một chuỗi bến đò chừng 2 cây số, từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn: Bến Thọ Lộc, bến Chợ Hố, bến Biền, bến Đá, bến Ngân Giang; đối diện bên hữu ngạn là thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.
7
Thạch Ky Điếu Tẩu – Quảng Ngãi
Thạch Ky Điếu Tẩu được gọi dân dã là Ông câu trên ghềnh đá, đây là một vùng non nước hữu tình ở bờ nam cửa biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, cách Tp Quảng Ngãi 16km, về phía Đông Bắc.
Thạch Ky Điếu Tẩu gồm hai quả núi đá tọa lạc trên cửa biển Sa Kỳ. Có lẽ sự hào phóng của thiên nhiên đã ban tặng cho vùng cửa biển Sa Kỳ vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, với vẻ trầm tĩnh của đá hòa hợp với nhịp đập của sóng cùng với rừng dương liễu xanh và nắng vàng cát trắng đã tạo thành một bức tranh khá sinh động, hiền hòa giữa bộn bề cuộc sống.
8
Long Đầu Hí Thủy – Quảng Ngãi
Long Đầu sơn (núi Đầu Rồng) là tên một ngọn núi của dãy Long Sơn (núi Rồng), nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía tây núi Thiên Ấn, cạnh đường thiên lý Bắc – Nam, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.
Nhìn từ đỉnh núi Thiên Ấn, dãy Long Sơn nhấp nhô uốn lượn tựa như một con rồng thiêng, đuôi trầm mình trong vụng biển, thân hùng dũng băng qua bao la đồng ruộng núi đồi, đầu vươn về phía vực sông Trà. Tại đây, dòng nước từ thượng nguồn đổ về, sau nhiều lần quanh co uốn khúc, lại chảy thốc vào chân núi, ào ào cuộn xoáy dưới chân Long Đầu sơn, như thể đầu rồng đùa giỡn cùng con nước. Cảm vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa nên thơ của thắng cảnh nầy, Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh mới đặt cho mỹ tự “Long Đầu hý thủy” (Đầu Rồng giỡn nước).
9
Núi Cà Đam – Quảng Ngãi
Núi Cà Đam hay còn được với tên là Vân Phong, cao 1.431 m, là ngọn núi cao nhất trong các ngọn núi ở Quảng Ngãi. Núi nằm ở vùng giáp danh huyện miền núi là Sơn Hà, Trà Bồng và Sơn Tây, tại đây quanh năm mây trắng vờn quanh, khí hậu mát mẻ. Với địa hình núi cao, vực sâu, cộng thêm tục gìn giữ rừng thiêng núi cấm của tộc người Cor, nên nơi đây vẫn còn giữ được cảnh vật tự nhiên và khá nguyên vẹn. Những cánh rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú với nhiều loài quý hiếm giúp nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.
Núi Cà Đam đi vào lòng người bởi vẻ đẹp hoang sơ nên thơ hữu tình của miền sơn cước. Những bạt ngàn cây xanh, cùng thảm thực vật vô cùng phong phú cho những người yêu thích thiên nhiên. Từng rẫy quế xanh tốt thơm lừng cùng xóm nhà của đồng bào dân tộc Kor nằm chênh vênh giữa đại ngàn như điểm thêm nét tuyệt đẹp cho núi rừng Cà Đam. Khe suối trong vắt như những dải lụa vắt qua giữa núi rừng Cà Đam. Len lỏi trên núi cao là dòng thác Ba Tầng nước trắng ngần chảy ào ạt quanh năm tạo nên âm hưởng cho núi Cà Đam. Mùa hạ, khi mặt trời phản chiếu, dòng nước uốn cong như dải lụa mềm.
Bên cạnh đó, nhờ địa hình núi cao, vực sâu, lại thêm luật tục lâu đời gìn giữ rừng thiêng núi cấm của tộc người Cor nên khu vực Cà Đam vẫn còn giữ được sinh cảnh tự nhiên khá nguyên vẹn với những mảng rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm nổi bật lên trong đó là cây chè Cà Đam – một loài cây đã sinh sống trên vùng đất này hằng trăm năm, được người dân phát hiện, bảo vệ và khai thác rất hiệu quả. Người vùng xuôi nghe danh tiếng của chè Cà Đam đã lặn lội băng rừng lên đây thu mua đem về xuôi bán. Ngoài cây chè đặc sản, ở đây còn có sự hiện diện của loài sâm 7 lá, dù không nổi tiếng như những giống sâm khác, thế nhưng loài sâm này cũng đã tạo thêm thu nhập cho người dân bản địa, nhiều người miền xuôi thường tìm mua về để ngâm rượu, uống chữa bệnh.
10
Đèo Long Môn – Quảng Ngãi
Đèo Long Môn hay còn gọi là Đèo Cóp nằm trên đoạn đường tỉnh lộ 625 (TL 625) kéo dài từ ngã ba Thanh An đến ngã ba Sơn Kỳ, có khung cảnh đẹp không thua kém gì Tây Bắc. Đứng trên đèo, du khách có thể phóng tầm nhìn xuống toàn cảnh thung lũng Thanh An đẹp mê hoặc lòng người. Cung đường TL 625 ôm sát suối Bồ Nung uốn lượn gây ấn tượng với những ai đam mê khám phá. Tuy nhiên, càng đến gần Sơn Kỳ, đường càng khó đi, bởi vậy mà Đèo Long Môn rất thích hợp cho những dân phượt tài ba muốn chinh phục, khám phá.
Đèo Long Môn có nét thơ mộng độc đáo rất riêng tạo nên khung cảnh mộng mơ trữ trình, tạo cho khách du lịch cảm nhận thị giác khó tả khiến họ như vỡ òa trong cảm xúc. Chắc chắn chỉ cần một lần đi ngang cung đèo này, du khách sẽ không bao giờ quên được chuyên đi đầy thú vị và càng thêm yêu tỉnh Quảng Ngãi thân thương. Đứng từ đèo Long Môn ngắm tầm mắt nhìn ra xa, du khách sẽ thấy toàn cảnh thung lũng Thanh An thơ mộng nằm ngay cạnh những con đèo quanh co. Thiên nhiên nơi đây bao phủ cả một màu xanh tươi mới, tràn đầy sức sống: Màu xanh của trời, xanh của núi rừng, xanh của cỏ cây hoa lá chắc chắn sẽ khiến cho bất kì du khách nào đến đây đều không muốn về.
11
Đèo Vi Ô Lắc – Quảng Ngãi
Nằm ở độ cao hơn 1300m so với mực nước biển, con đèo mang tên Vi Ô Lắc được coi là một hình ảnh rất đặc trưng của vùng đất Quảng Ngãi nơi đây, sự cuốn hút từ sâu thẳm bên trong mỗi người hay đơn giản là những nét mộng mơ đang ngày một bộc lộ cho những ai đang khám phá vùng đất này. Sự quanh co uốn lượn của các cung đường cùng với không khí thơ mộng luôn mang đến những vẻ đẹp tuyệt mỹ khác mà rất khó có thể tìm kiếm. Thấp thoáng những hình ảnh đẹp tuyệt mỹ cùng hàng cỏ xanh tươi mọc hai bên đường khi du khách đi lên đèo là những nét ấn tượng nhất, thú vị nhất.
Di chuyển theo cung đường quanh co, uốn lượn của đèo Vi Ô Lắc, phượt thủ chắc chắn sẽ được mãn nhãn, với khung cảnh hoang sơ, khoáng đạt của chốn núi rừng. Những ruộng bậc thang dưới chân đèo trở nên huyền ảo hơn trong nắng chiều, những nóc nhà sàn thoắt ẩn, thoắt hiện trong sương sớm. Các cây thông già lấp ló dọc theo cung đường ngoằn ngoèo, rồi cả những đoạn đường đèo mây giăng kín lối sẽ khiến du khách vô cùng thích thú.
Sau khi chinh phục những đoạn đường gấp khúc và vách núi dựng đứng như thách thức, đứng trên đỉnh đèo Vi Ô Lắc vào lúc sáng sớm hoặc chiều buông, du khách sẽ được thưởng thức “đặc sản” sương và mây “sà” xuống trước mặt, phủ kín cả lối đi, tạo cảm giác thư thái, phiêu diêu… Đèo Vi Ô Lắc mùa hè ấn tượng với tiếng chim, còn mùa mưa có âm thanh của suối. Tiếng những dòng chảy trầm đục nghe như tiếng xe chạy trong lòng đất tạo cho núi rừng thêm vẻ hùng thiêng. Đèo Vi Ô Lắc có nét duyên dáng đặc biệt với cảnh quan thay đổi đặc biệt theo mùa, bên dưới phía chân đèo là đồng bằng mênh mông với ánh nắng chiếu lên những làn mây mờ ảo, tuyệt diệu đã thu hút không chỉ dân phượt mà còn trở thành mục tiêu du lịch của nhiều du khách.
12
Thành cổ Châu Sa – Quảng Ngãi
Thành cổ Châu Sa là thành đất duy nhất do người Chăm tạo dựng mang chiều sâu văn hoá tâm linh. Toạ lạc khu vực huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Thành cổ Châu Sa được xây dựng từ thế kỷ 10 với hai vòng thành của cảnh đẹp Quảng Ngãi này là thành nội và thành ngoại. Dọc hai bên con đường vào thành là hàng tre xanh mọc thẳng tắp, được xây dựng các chiến luỹ theo kiểu bàn cờ, trở thành khu căn cứ địa quân sự quan trọng của người Chăm. Thành cổ Châu Sa còn gắn liền với những huyền thoại, những nét văn hoá Champa lung linh, rực rỡ mang lại cho du khách sự tò mò khi tham quan địa điểm này.
13
Mũi ba Làng An – Quảng Ngãi
Mũi ba Làng An thuộc địa phận xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với tên được gọi do ba làng cùng có tên An là: Vân An, An Chuẩn và An Hải. Nơi đây là mũi đất cuối của bán đảo Châu Mỹ Đông, cách cù lao Ré khoảng 22 km về phía Tây Nam. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vùng đồi đất đá ong chạy dài ra tận biển hay đứng trên đồi cao hướng tầm mắt ra xung quanh để quan sát mọi hoạt động dưới chân đồi. Vẻ đẹp hoang sơ của Mũi Ba Làng An khiến cho nơi đây trở thành ấn tượng khó quên và khó lẫn với bất cứ địa danh nào.
Đặt chân đến Mũi ba Làng An, một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Từ Trạm đèn ba Làng An đi ra đồi đất trống là mỏm ngoài cùng của mũi Ba Làng, từ đây bạn có thể nhìn thấy được bao quát khung cảnh của nơi đây. Một vùng biển xanh đẹp tựa Lý Sơn với bên dưới là những rạn san hồ đầy màu sắc và những gồ đá mang dấu tích của nham thạch đổ tràn chồng lên nhau trải dài theo hướng biển. Từ đây bạn cũng có thể nhìn thấy được đảo Lý Sơn ở đằng xa và những thuyền, thúng của ngư dân đang ra khơi đánh bắt. Ở đây còn có một ngọn hải đăng luôn chớp sáng, để dẫn lối tàu thuyền ra vào an toàn cảng Sa Kỳ.
14
Cửa biển Sa Cần – Quảng Ngãi
Sa Cần nằm ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển và ở ngay cạnh Vũng Quýt. Đây là một trong năm cửa biển của Quảng Ngãi và có tên gọi khác là Thái Cần hay Thế Cần. Sa Cần là 1 trong 5 cửa biển của Quảng Ngãi, nằm phía Đông Bắc huyện Bình Sơn, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Nơi đây không chỉ quyến rũ bởi thiên nhiên thơ mộng mà còn hấp dẫn bởi hoạt động sinh hoạt đặc trưng của ngư dân ven biển với tục thờ cá Ông, hội đua thuyền…
Sa Cần là cửa biển đẹp, cảnh sắc vô cùng nên thơ, trữ tình, nước rất êm. Đây là nơi sông Trà Bồng đổ ra biển, giữa lòng sông nổi lên một quả núi nhỏ có tên là hòn Bà với nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, diện tích ước chừng 400m2. Sách Đại Nam thống chí gọi đây là Ghềnh Thạch Bàn. Trên ngọn hòn Bà có ngôi miếu cổ thờ Võ Hậu, đứng từ đây có thể bao quát cả một vùng. Bên ngoài cửa biển, đối diện với hòn Bà là hòn Ông, được tạo nên bởi các khối đá và có cây cối xanh tốt. Ngoài ra còn có hòn Kẽm, núi Cổ Ngựa ở phía tả ngạn cửa biển. Tất cả cùng với vùng xung quanh tạo nên một Sa Cần vô cùng thơ mộng, quyến rũ.
Cửa biển Sa Cần không chỉ có cảnh quan kì thú mà còn là nơi nổi tiếng về sự giao thương với bên ngoài, nhất là với thương nhân buôn bán gốm sứ Trung Quốc. Ở đây ghe thuyền ra vào tấp nập và quanh đó là nhà cửa chen dày như phố. Làng chài 2 bên cửa biển mang vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình rợp bóng dừa và những rừng dương. Phía hữu ngạn còn có các ghềnh đá dựng đứng mặc sóng vỗ vào bờ ở xã Bình Thuận và Bình Đông. Tất cả khiến vẻ đẹp càng sinh động. Sự quyến rũ của Sa Cần không có chỉ có vậy. Đến đây, ngoài khám phá cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, du khách còn được khám phá văn hóa và nét sinh hoạt đặc trưng của ngư dân quanh cửa biển. Bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu tục thờ cá Ông, các hoạt động thú vị như hội đua thuyền, hát bả trạo…
15
Biển Dung Quất – Quảng Ngãi
Được bao bọc bởi những triền núi thoải, biển Dung Quất, không chỉ lặng gió, êm sóng mà còn nên thơ, rạo rực sức sống ẩn tiềm đầy hoang dại.
Nhiều người vẫn lầm tưởng khi nhắc về Dung Quất là nhắc đến cụm công nghiệp, cảng, nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam, nhưng quên rằng, ở dưới vùng trời của công trình chính là sóng xanh, cát trắng, phi lao trải dài, yên bình mà thanh thản đi qua năm tháng… cũng là nơi dừng chân của vua Lê Thánh Tông, và sự ra đời của tên gọi một đặc sản: “Rau câu” (ngày xưa gọi là Rau Cần).
Những nét hồn nhiên của bờ biển cùng khung cảnh thơ mộng ở bờ biển Dung Quất luôn mang một nét gì đó độc đáo khiến cho không ít người phải cảm thấy ngỡ ngàng về sự thơ mộng yên bình của bờ biển nơi này. Có lẽ điều kỳ diệu nhất cho một hành trình khám phá mới đó là thưởng ngoạn khung cảnh mộng mơ nơi đây và thả hồn về với biển, về với thiên nhiên dịu nhẹ
16
Bãi biển Sa Huỳnh – Quảng Ngãi
Bãi biển Sa Huỳnh hay còn gọi là Sa Hoàng (mang nghĩa là cát vàng), thuộc địa phận xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một bãi biển đẹp, thu hút rất nhiều du khách hàng năm. Biển Sa Huỳnh còn mang đậm nét hoang sơ, chạy dài khoảng 5 km, cong hình lưỡi liềm với triền cát vàng mịn, óng ả, được điểm tô thêm bằng những thảm cỏ xanh, hoa dại cùng hàng dương nhiều năm tuổi.
Bãi tắm thoải thoải, không có đá ngầm, Sa Huỳnh là nơi lý tưởng để du khách có thể đắm mình trong làn nước mát hay tản bộ dọc bờ biển để ngắm nhìn bức tranh trời đất, non nước hữu tình. Ngoài ra, du khách có thể ngồi thuyền đi dọc theo núi Cấm, tham quan hang Hóc Mó, hang Én… và cũng có thể tắm ở những bãi tắm đầy vẻ hoang sơ như: Hóc Mó, Bàu Nú… hay khám phá đảo khỉ với nhiều động vật hoang dã.
17
Biển Mỹ Khê – Quảng Ngãi
Cách thành phố khoảng 25 phút xe máy, tọa lạc giữa những cánh rừng phi lao bạt ngàn, biển Mỹ Khê được xem là một trong những bãi biển hoang sơ độc đáo nhất nhì Quảng Ngãi, nơi được những kí giả người Pháp so sánh với những bãi biển đầy nắng ở miền Nam nước Pháp.
Biển Mỹ Khê được thiên nhiên ưu ái cho bãi cát trắng nõn, dài và êm mịn, bên cạnh đó là rừng dương liễu xanh mát, mềm mại làm nôn nao bao tâm hồn lãng mạn. Khoảnh khắc đẹp nhất ở biển Mỹ Khê chính là thời khắc của bình minh hay hoàng hôn, lúc mà mặt trời vừa kịp gieo ánh sáng trên những đọt xanh còn đẫm sương đêm hay rút về vũ trụ để lại đôi ba vệt vàng ấm áp trên bãi biển.
Một chuyến picnic, cắm trại dưới những tán xanh rì, mát lồng lộng tại biển Mỹ Khê để thưởng ngoạn trời chiều cũng là một trong những nguồn cảm hứng đầy ý vị cho gia đình và các bạn trẻ khi đến với Quảng Ngãi.
18
Biển Khe Hai – Quảng Ngãi
Biển Khe Hai là một trong những cảnh đẹp Quảng Ngãi thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Biển Khe Hai nằm thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, cách quốc lộ 1A khoảng 3km về phía Đông. Bạn sẽ thấy bãi cát trắng mịn trải dài với những rặng phi lao xanh ngút ngàn tạo thành hình vòng cung. Phóng tầm mắt ra xa là những ngọn núi chạy dài lan ra biển.
Vào mùa du lịch, rất nhiều du khách tới đây nghỉ ngơi và tắm biển. Nằm dài trên bãi biển hoang sơ, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thoải mái, thư giãn.
19
Bãi biển Châu Me – Quảng Ngãi
Châu Me là một bãi biển với vẻ hoang sơ, thơ mộng, yên tĩnh cộng với không khí trong lành. Với bãi cát trắng mịn, những ghềnh đá trải dài, rừng phi lao uốn lượn quanh bãi biển cùng với những chiếc thuyền thúng của người dân nơi đây, tất cả đã tạo cho Châu Me một nét đẹp rất riêng, không lẫn với các bãi biển khác.
20
Bãi Dừa – Quảng Ngãi
Để cho tâm hồn dào dạt giữa nước non, xanh mát giữa rừng dừa, đó cũng là một cái thú tao nhã khi đến với Bãi Dừa ( Nghĩa Hòa) cách trung tâm khoảng 10km hướng về phía Đông.
Bãi Dừa đơn sơ, thuần túy với những rừng dừa mướt mát, bạt ngàn, như đúng cái tên gọi của nó, cho nên đến với đất xứ này mà không thử ngồi dưới gốc dừa, rồi uống một ngụm nước dừa tươi hay ăn miếng thịt cá hấp nước dừa thì thật cứ thấy thiêu thiếu điều gì đó! Nói chứ nước dừa ở đây thơm, lành, thanh, mát rất đặc trưng, thấm đến đâu thì sảng khoái, ngọt ngào đến đó.
Vì không quá xa trung tâm nên Bãi Dừa thường là điểm đến thường xuyên của nhiều bạn trẻ, gia đình và các đoàn khách du lịch, đặc biệt khi mà gần đây còn được đầu tư khu sinh thái, nghỉ dưỡng, vì thế rừng dừa mà cũng trở nên hấp dẫn hơn.
21
Đảo Bé – Quảng Ngãi
Không ồn ào, không đông đúc người đến người đi như đảo Lớn hay còn gọi là đảo Lý Sơn, đảo Bé (đảo An Bình) vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của mình với nhịp sống thanh bình, để từng khoảnh khắc trôi đi đều đáng quý vô cùng. Đúng như tên gọi, đảo Bé nhỏ xíu, lượn lờ một vòng là ôm hết cả đảo Bé vào lòng. Bờ biển bị xắt xẻ thành nhiều phần khác nhau bởi các bãi đá đen tuyền nhiều hình khối thú vị, cùng với biển và cát tạo nên khung cảnh hết sức đẹp mắt. Đến đảo Bé, đứng ở vị trí nào trên dải biển gió lộng kia, du khách vẫn tìm được khung hình như ý để check-in ‘mệt nghỉ’.
Du lịch Quảng Ngãi vi vu đảo Bé tắm biển, lang thang trên các con đường quê bát ngát lúa xanh hay ngồi yên ngắm bóng dừa đung đưa cùng gió, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm người ta thổn thức rồi. Gọi là đảo Bé mà sao nhiều trải nghiệm đến thế, muốn đi lắm rồi.
22
Làng bích họa Bình An – Quảng Ngãi
Nhằm tạo điểm nhấn phát triển du lịch, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, huyện Bình Sơn mời nhóm họa sĩ về đi thực địa lấy cảm hứng sáng tác tranh 3D phát sáng ca ngợi tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Cor ở xã Bình An, một bản làng thanh bình ở thôn Thọ An, xã Bình An.
23
Thạch Bích Tà Dương – Quảng Ngãi
Thạch Bích sơn, tên nôm quen thuộc là núi Đá Vách, nằm về phía đông Nam huyện Sơn Hà, giáp giới huyện Minh Long, cao khoảng 1.500 mét. Đây là ngọn danh sơn vào hàng cao nhất, hùng vỹ và hiểm trở nhất tỉnh Quảng Ngãi. Vùng núi non, thung lũng châu tuần chung quanh Thạch Bích với nhiều sông suối, hẻm vực là địa bàn quần cư từ lâu đời của tộc người H’re.
24
Hồ Thạch Nham – Quảng Ngãi
Ngược dòng Trà Giang về phía thượng nguồn, qua các thắng cảnh Long Đầu Hí Thuỷ, Hà Nhai Vãn Độ và những cồn bãi nên thơ, đến nơi giáp ranh ba huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa ta gặp công trình thuỷ nông Thạch Nham. Đập nước ngăn dòng sông Trà hợp với thế núi tạo nên một hồ nước lớn.
Phong cảnh Thạch Nham mỗi mùa một vẻ nhưng thú vị nhất vẫn là những ngày đẹp trời, vượt qua đèo Bẻ Lá, theo con đường bộ phía nam hồ đi về phía Sơn Nham mà ngắm nhìn cảnh bình minh hay hoàng hôn nghiêng trên sông núi.
25
Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Ngãi
Bảo tàng Quảng Ngãi được thành lập vào năm 1989 trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng Nghĩa Bình. Đây là bảo tàng khảo cứu địa phương có nhiệm vụ giới thiệu lịch sử của tỉnh nhà cho đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc nói chung cũng như di tích lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh.
Với diện tích 17.000m2, trưng bày trong nội thất, Bảo tàng đã thể hiện đầy đủ các chủ đề về nền văn hoá Sa Huỳnh cổ được phát hiện đầu tiên tại Quảng Ngãi, văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như dân tộc Kinh, Hrê, Ca dong, Kor.
26
Suối Chí – Quảng Ngãi
Thắng cảnh Suối Chí với diện tích rộng khoảng 15 ha, nằm cách Thành phố Quảng Ngãi 24 km về phía Nam, thuộc địa bàn thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông. Đây được xem là một thắng cảnh đẹp của huyện Nghĩa Hành nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển du lịch sinh thái.
Suối Chí nằm ẩn mình dưới khu rừng nguyên sinh, tổng diện tích của khu rừng 1.012ha, nhân dân nơi đây thường gọi khu rừng này là rừng Cộng đồng vì toàn bộ khu rừng này đã được giao cho 350 hộ dân thuộc hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông quản lý. Tổng chiều dài của dòng suối khoảng 4km tính từ đầu nguồn đến khi hợp lưu với dòng sông Vệ. Điều đặc biệt ở dòng suối này là chưa bao giờ cạn nước, quanh năm, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn tuôn chảy dòng nước trong vắt dội vào khe đá tung bọt trắng xóa.
27
Suối nước nóng Đức Lân – Quảng Ngãi
Ở thôn Tú Sơn và thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân có hai suối nước khoáng nóng độc đáo. Suối khoáng nóng là món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này.
Suối nằm ngay giữa cánh đồng. Nguồn suối này có nhiệt độ từ 40 – 80oC, chứa nhiều loại muối khoáng khác nhau như muối natriclorua, kaliclorua, muối bicacbonat, có tác dụng chữa được nhiều bệnh ngoài da và các bệnh về xương khớp. Suối khoáng ở thôn Tú Sơn còn hoang sơ, còn suối khoáng Thạch Trụ ở đã xây dựng các giếng lấy nước và các bể tắm xi măng, thu hút khá đông du khách đến tắm và lấy nước về dùng.
28
Thác Trắng Minh Long – Quảng Ngãi
Du khách ghé thăm Thác Trắng Minh Long là điểm đến mới lạ trong chuyến du lịch đến Quảng Ngãi. Thiên nhiên tuyệt vời Thác Trắng cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhất tại đây.
Thác Trắng toạ lạc tại xã Thanh An, huyện Minh Long, Quảng Ngãi với chiều cao khoảng 45m. Những thác nước đổ từ trên cao xuống tung bọt trắng xoá, cảm nhận làn nước trong lành, mát mẻ khiến thác trở nên kỳ vĩ hơn bao giờ hết. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trong lành đã khiến Thác Trắng có sức quyến rũ thật mãnh liệt.
Nếu thác Trắng kỳ vĩ bao nhiêu thì hồ nước rộng lớn lại yên bình, nhẹ nhàng bấy nhiêu. Hồ nước có diện tích khoảng 100m2 với những hòn đá phủ màu rêu, men theo con đường đến thác là ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền.
Tham quan Thác Trắng, hít thở không khí tuyệt vời nơi đây chắc chắn sẽ mang lại cho bạn cảm giác dễ chịu sau những áp lực mệt mỏi công việc.
29
Thác Lũng Ồ – Quảng Ngãi
Từ TP Quảng Ngãi, theo con đường quốc lộ 1A đến Thạch Trụ rồi ngược đường lên Ba Tơ để tìm về thác Lũng Ồ, sẽ đi qua đèo Đá Chát. Còn ngược đường từ TP Quảng Ngãi lên Nghĩa Hành – Ba Tơ, ngoài đèo Đá Chát, sẽ vượt qua hai con đèo nữa là đèo Eo Gió, đèo Bỏ Giáp với cung đường quanh co uốn lượn.
Theo đồng bào dân tộc H’re địa phương, thác Lũng Ồ bắt nguồn từ những dãy núi đá tai mèo cao chất ngất đổ về suối Mang Kế tạo thành thác nước cao trắng xóa mát lạnh quanh năm.
Cũng theo dân địa phương, trong mùa đông, dòng thác chảy khá mạnh tuôn qua những phiến đá lớn phát ra tiếng kêu nghe ồ ồ nên mới gọi là thác Lũng Ồ.
30
Thác Cà Đú – Quảng Ngãi
Nổi tiếng với phong cảnh tự nhiên của núi sông, mang một nét đẹp hoang sơ đại ngàn, thác Cà Đú ở xã Trà Thủy là địa điểm du lịch lý thú của nhiều du khách gần xa đến du ngoạn, ngắm cảnh. Với không gian tự nhiên, nguyên thủy của hệ sinh thái, sự hoang sơ và thuần khiết, lần đầu tiên đến đây, cảnh tượng đầu tiên thu hút du khách là giữa màu xanh của núi rừng từ độ cao cả ngàn mét, hiện ra dòng nước chảy xiết, lấp lánh như bạc, tràn qua các khối đá khổng lồ tạo nên thác Cà Đú hùng vĩ.
31
Phố cổ Thu Xà – Quảng Ngãi
Theo những bậc cao niên, vạn Thu Xà xưa thuộc làng Tiên Sà (Tiên là trước. Sà là bè, tức bè rớ) tức là vạn của người Việt đầu tiên ở đất này và người dân làm nghề bè rớ). Còn tên gọi Thu Xà xuất phát từ địa hình nơi đây là vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước. Thu có nghĩa là lau lách, Xà có nghĩa là đầm nước.
Vùng đất đắc địa này từ xa xưa sớm trở thành thương cảng của người Việt. Những con tàu từ Hương Cảng, Ma Cao đã chọn nơi đây làm điểm tập kết “ăn hàng”. Rồi sau đó, người Minh Hương thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam đến đây cùng với người Việt bỏ công sức biến vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước thành phố Thu Xà. Thương cảng Thu Xà tồn tại phát triển qua nhiều thế kỷ. Cho mãi đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ đường sắt phát triển thì mất dần vai trò của nó.
32
Trường lũy Quảng Ngãi – Quảng Ngãi
Trường Lũy là công trình mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, được xây dựng bằng mồ hôi, công sức và sự hợp tác giữa hai cộng đồng người Hrê và người Việt.
Tuyến lũy dài 127,4km, trong đó trên đất Quảng Ngãi có 113km, chạy qua 8 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ với trên 30 xã. Hiện còn hơn 70 đồn (bảo) tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành); di tích Rum Đồn (Rừng Đồn) và di tích đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành)…
33
Cổ Lũy Cô Thôn – Quảng Ngãi
Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi) là một trong mười hai danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố sông biển, núi non, làng mạc. Xa ồn ào nhân thế mà không dứt bỏ cõi đời. Ở nơi quạnh vắng nhưng chẳng để mình đơn độc. Hòa vào thiên nhiên mà không chìm khuất, u trầm.
Tên gọi Cổ Lũy liên quan mật thiết đến địa danh Cổ Lũy động – danh xưng mà người Việt dùng để chỉ vùng đất của vương quốc Chăm nằm ở phía nam châu Amaravati, nay là tỉnh Quảng Ngãi.
34
Cánh đồng muối Sa Huỳnh – Quảng Ngãi
Cánh đồng muối Sa Huỳnh thuộc địa phận xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, là vựa muối lớn và quan trọng nhất miền Trung. Những ruộng muối nối tiếp nhau như mặt gương khổng lồ phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ, được tô điểm bởi vô số những đụn muối trắng tinh, tạo nên một bức tranh bình dị nhưng đặc sắc. Cánh đồng muối Sa Huỳnh được hình thành từ thế kỉ XIX và trải qua hơn 100 năm tồn tại, người dân nơi đây đã phát triển thành làng nghề truyền thống với giá trị không hề thua kém những làng nghề làm muối nổi tiếng khác. Hiện nay, làng Sa Huỳnh có khoảng gần 600 hộ dân theo nghề làm muối và cho sản lượng bình quân đạt 8.000 – 9.000 tấn, góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương.
Đến với Sa Huỳnh, du khách không chỉ được trải nghiệm thú ví trên đồng muối Sa Huỳnh, mà còn có dịp tới thăm nhiều cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này: Hóc Mó (một địa danh khá nổi tiếng về gành đá, rừng dương, biển và cát); bãi biển trung tâm ở Sa Huỳnh (ngoài bãi cát vàng – biển xanh đặc trưng, bãi biển trung tâm còn có độ dốc thấp, hướng thẳng vế phía mặt trời mọc, nằm cạnh tuyến đường sắt và quốc lộ 1A. Với rừng dương lâu năm, diện tích mặt bằng rộng nên rất tiện cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng), bãi biển Châu Me – một trong những bãi biển đẹp của miền Trung, biển xanh trong, cát vàng óng…
35
La Hà Thạch Trận – Quảng Ngãi
La Hà là tên một quần thể 4 ngọn núi nằm trên địa bàn thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, gồm núi Cao Cổ, núi Đá Chẻ, núi Voi và núi Hùm. La Hà được ông quan – thi sỹ Nguyễn Cư Trinh tặng cho mỹ tự La Hà thạch trận (Trận đá La Hà) và xem là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.
36
Di tích khởi nghĩa Trà Bồng – Quảng Ngãi
Quần thể di tích khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi gồm nhiều điểm di tích nằm ở 8 xã, thị trấn thuộc huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng, đó là các địa điểm: Gò Rô (xã Trà Phong), Nước Xoay (Trà Thọ), đồn Eo Chim (Trà Lãnh), đồn Làng Ngãi (Trà Thọ) đồn Tà Lạt (Trà Lâm), đồn Đá Liếp (Trà Hiệp), đồn Xây dựng (Trà Sơn), Lô cốt trung tâm (thị trấn Trà Xuân)…
37
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng – Quảng Ngãi
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc ba tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai và Bình Định được thành lập từ năm 2004 sở hữu nhiều cảnh quan kì vĩ và hệ sinh thái đa dạng, được định hướng phát triển cả về mặt du lịch và cả về mặt nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên. Với những ưu đãi của thiên nhiên về tài nguyên rừng nhiệt đới, về cảnh quan sông suối, thác ghềnh, Khu bảo tồn Kon Chư Răng có điều kiện rất thuận lợi cho việc tổ chức loại hình du lịch Trekking và du lịch sinh thái cho các đối tượng thích mạo hiểm, thích thăm thú cảnh núi rừng chim muông, thích cảnh quan sông thác hùng vỹ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với gần 15.500ha rừng đặc dụng, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước được công bố tại các Hội thảo về bảo tồn thiên nhiên thì nơi đây còn hội tụ đủ các tiêu chí của một di sản thiên nhiên, địa chất và môi trường. Cùng với sự đa dạng về hệ sinh thái vùng nhiệt đới, Kon Chư Răng còn được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Hệ thống thác nước tại đây được xếp vào bậc nhất quốc gia, trong đó có 12 ngọn thác có độ cao từ 10m trở lên. Với những tiềm năng và lợi thế của cảnh quan và hệ sinh thái, Kon Chư Răng có tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
38
Khu chứng tích Sơn Mỹ – Quảng Ngãi
Khu chứng tích Sơn Mỹ, nằm cạnh quốc lộ 24B, thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm Tp Quảng Ngãi chừng 12km về phía Đông Bắc. Đây là nơi vừa gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ (the massacre at Sonmy), hay còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai (the massacre at Mylai).
39
Cung đường Trường Sơn Đông: 630 – 623 – 626 – 622 – Quảng Ngãi
Cung đường Trường Sơn Đông trong địa phận tỉnh Quảng Ngãi đi qua các tỉnh lộ 630, 623, 626, 622 sẽ thực sự thoả mãn các phượt thủ bởi đèo dốc liên tục không ngừng. Dài 134km tính từ Đắk Cua, Ngọc Tem (ranh giới tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum) đến ga Bình Sơn, đường Trường Sơn Đông mang đến những khung cảnh choáng ngợp.
Không nên đi cung đường này vào mùa mưa bởi rất nhiều nguy hiểm rình rập, đất đá có thể sạc lở bất cứ lúc nào. Thời gian thích hợp nhất để khám phá là vừa kết thúc mùa mưa, đó là khi các loài hoa dọc đường Trường Sơn bung nở, không khí mát mẻ dễ chịu sẽ mang đến cho bạn cái nhìn đẹp nhất về cung đường huyền hoại này.
40
Điện Trường Bà – Quảng Ngãi
Điện Trường Bà tọa lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Nằm ngay sát đường liên huyện Trà Bồng – Tây Trà, từ điện Trường Bà nhìn ra là một cánh đồng lúa xanh, sau lưng là rừng quế và con sông Trà Bồng trong xanh lững lờ trôi qua những bản làng. Trước điện là cây si già ôm choàng lấy cổng với những nhánh cây tỏa rộng che bóng, mang cho ngôi đền một nét cổ xưa, trầm mặc.
Đây là một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Kor và cả dân tộc Chăm. Đây là di tích tín ngưỡng tương đối đặc biệt, một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa – huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm, và hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng.
41
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Quảng Ngãi
Được biết đến là một khu lưu niệm của một cố thủ tướng vô cùng được nhiều người yêu mến, địa danh này còn mang nhiều ý nghĩa giá trị lịch sử lớn lao mà không ít người bị thu hút, khó cưỡng lại mỗi khi quay trở về cùng đất Quảng Ngãi thơ mộng. Khu lưu niệm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng có vị trí tọa lạc tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi đây đang được coi là nơi lưu giữ rất nhiều những kỷ vật, những món đồ vô cùng sâu sắc khiến không ít người khi tham quan sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ và những nét mới mẻ vô cùng. Sự đánh giá và hiểu thấu sẽ làm cho tất cả như được về cuộc sống của cố thủ tướng.
Khu lưu niệm rộng hơn 2 ha gồm các khu: Nhà đón khách, phòng chiếu phim tư liệu về cuộc đời cố thủ tướng, nhà trưng bày tranh ảnh, hiện vật lưu niệm. Khu nhà thờ họ Phạm, nhà lưu niệm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc trong những năm 1936-1937, khu mộ thân sinh của cố thủ tướng cùng hệ thống sân vườn cây cảnh đường nội bộ. Khu lưu niệm đã được Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa – thông tin, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia trao tặng hơn 450 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong nhiều giai đọan lịch sử của dân tộc.
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở thành điểm tham quan hấp dẫn, giàu ý nghĩa của tỉnh Quảng Ngãi. Đây không những là sự bày tỏ lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước, nhân dânđối với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nơi bảo tồn, lưu giữ những kỷ vật quí báu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông, mà còn là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương Quảng Ngãi anh hùng đối với các thế hệ con cháu mai sau.
Đến đây, chắc hẳn bạn đã hết thắc mắc “Quảng Ngãi có gì chơi” rồi phải không? Nếu bạn đến với Quảng Ngãi thì hãy ghé thăm những địa điểm du lịch trên đây để khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này nhé. Bạn sẽ không phải thất vọng đâu. Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch tại Quảng Ngãi thật vui vẻ và nhiều ý nghĩa.