Vào ngày đầu tiên đi làm, bất cứ ai cũng muốn có thể tạo được sự thân thiện, hòa đồng với những đồng nghiệp trong công ty dù là người mới bắt đầu đi làm hay những người đã đi làm lâu năm. Do đó, kinh nghiệm ngày đầu đi làm chính là sự cần thiết để có thể tạo dựng được mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp. Còn chần chừ gì mà không tìm hiểu ngay nào!
I. Nên chuẩn bị gì cho ngày đầu tiên đi làm
1. Tìm hiểu tất cả về công việc của mình
Có thể trong buổi phỏng vấn bạn đã được nhà tuyển dụng phổ biến sơ qua về nhiệm vụ hoặc các công việc mà mình đảm nhận ở vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ hơn về quy trình hay những trách nhiệm tối thiểu để không quá bỡ ngỡ khi được giao việc.
Trong quá trình làm việc sẽ không thể tránh khi phải giúp đỡ mọi người xung quanh. Do đó, bạn nên tìm hiểu về công việc để có thể giúp vừa giúp đỡ được mọi người vừa có thể xây dựng mối quan hệ của các đồng nghiệp trong công ty.
Tìm việc làm, tuyển dụng Nhân sự có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Quan hệ lao động – PR Nội bộ
– Nhân viên Tuyển Dụng
2. Tìm hiểu trước về công ty, cấp trên
Bạn cần nắm rõ về văn hóa, nội quy công ty trong ngày đầu đi làm để tránh mắc các lỗi không đáng có và giữ được sự hòa đồng với mọi người. Ngoài các kiến thức chung, bạn cũng nên biết về sơ đồ nhân sự công ty để biết được mình đang được quản lý bởi ai và sẽ làm việc với những ai.
Hãy đọc các bài báo cáo, bản tin nội bộ để hiểu về tình hình công ty. Có thể bạn sẽ biết được những thông tin thú vị để trao đổi với mọi người nhằm xóa bỏ bớt khoảng cách giữa nhân viên cũ – nhân viên mới.
3. Các vật dụng cần thiết
Thông qua việc tìm hiểu về công việc, bạn có thể sẽ biết được cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết nào để sử dụng trong quá trình làm việc: laptop, sổ, bút, giấy note,… Ngoài ra, bạn sẽ cần ghi chép và lưu lại những kiến thức từ các đồng nghiệp hay cấp trên, nên đừng quên luôn mang theo sổ và bút bên mình nhé!
Thêm vào đó, bạn nên chuẩn bị những loại giấy tờ cần thiết để làm các thủ tục hành chính khi phòng nhân sự yêu cầu. Và để cho ngày đầu đi làm suôn sẻ, bạn đừng quên sạc pin điện thoại, laptop hay mang theo dây sạc, sạc dự phòng nhé!
4. Trang phục lịch sự, chỉn chu
Thông qua quá trình tìm hiểu cũng như sự quan sát khi đến công ty phỏng vấn, bạn có thể biết sơ qua về văn hóa công ty và trang phục đi làm mà mọi người thường dùng. Điều này giúp bạn lựa chọn những bộ quần áo phù hợp nhất, có thể là màu sắc nhẹ nhàng và trông gọn gàng. Qua đó, mọi người thấy được sự chỉn chu, lịch sự trong tác phong của bạn và có thể giúp bạn xóa được khoảng cách với các đồng nghiệp.
5. Một phần giới thiệu thật ấn tượng
Để mọi người nắm nhanh được các thông tin cơ bản của nhân viên mới như tên, tuổi, quê quán, công việc trước đây,… thì không thể thiếu phần giới thiệu bản thân. Đây cũng chính là phần có thể khiến mọi người chú ý đến bạn bởi những thông tin thú vị. Vậy nên, đừng quên chuẩn bị một phần giới thiệu thật ấn tượng nhé!
6. Những chủ đề để bàn luận khi ăn trưa, uống cà phê
Để tăng sự thân thiết với đồng nghiệp thì những buổi ăn trưa, uống cà phê chính là thời gian thích hợp để mọi người cùng tìm hiểu và trò chuyện về nhau. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu qua các chủ đề được mọi người chú ý hay những câu chuyện thời sự để có thể thảo luận cùng mọi người nhé. Ngoài ra để tránh việc gây lúng túng hay có thể xảy ra mâu thuẫn, bạn nên tránh đề cập đến những chủ đề như tôn giáo, chính trị, quan điểm cá nhân,…
7. Ngủ đủ giấc
Chắc chắn rằng chúng ta đều không muốn phải làm việc trong trạng thái thiếu năng lượng, đặc biệt là trong ngày đầu đi làm. Do đó, bạn cần nghỉ ngơi sớm và chắc rằng bản thân đã ngủ đủ giấc trước khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên. Khi đã ở trạng thái thoải mái nhất, bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận, lưu trữ được nhiều thông tin cũng như làm việc hiệu quả hơn.
8. Dậy sớm
Ngoài sự thoải mái cho ngày đầu tiên đi làm, bạn cũng cần sự tỉnh táo để có thể quan sát và học hỏi thêm nhiều kiến thức cho công việc mới. Vì vậy, việc dậy sớm là rất cần thiết, không những cho bạn thời gian để chuẩn bị về tinh thần, trang phục mà còn cho bạn thời gian để chuẩn bị những vật dụng cần thiết đáp ứng công việc.
II. Những điều bạn nên làm trong ngày đầu đi làm
1. Đến sớm, đúng giờ
Cũng như khi đi phỏng vấn, trong ngày đầu tiên đi làm, bạn nên đến sớm hơn thời gian quy định từ 10 – 15 phút. Không những có thời gian để chỉnh lại trang phục mà bạn còn có thời gian để đi xung quanh công ty và làm quen với môi trường làm việc mới. Bạn có thể gặp và nói chuyện với đồng nghiệp mới khi đi làm sớm đấy nhé!
2. Năng lượng dồi dào, tích cực
Khi đi làm với một trạng thái tích cực và thoải mái sẽ giúp bạn có thể hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Đặc biệt trong ngày đầu tiên đi làm, năng lượng tích cực sẽ tạo được sự gần gũi, hòa đồng giữa bạn và đồng nghiệp mới cũng như giúp bạn gây ấn tượng tốt với sự vui vẻ, tích cực trong mắt mọi người.
3. Lịch sự, chân thành
Luôn hoà nhã và vui vẻ với mọi người, tạo sự thân thiện với đồng nghiệp mới trong ngày đầu đi làm. Cho mọi người thấy được sự chân thành muốn tìm hiểu công việc cũng như đồng nghiệp để có thể xóa bỏ khoảng cách giữa nhân viên mới và nhân viên cũ. Từ đó, xây dựng nên tình đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc.
4. Tác phong chuyên nghiệp, tự tin, nhanh nhẹn
Tác phong trong ngày đầu đi làm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ánh nhìn của mọi người, đặt biệt là cấp trên. Do đó, bạn cần trang bị cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp và nhanh nhẹn thông qua hành động, lời nói, cách ăn mặc để nhận được nhiều thiện cảm của mọi người hơn.
5. Chủ động trong công việc
Có thể trong ngày đầu đi làm bạn sẽ có nhiều khoảng thời gian trống vì chưa có nhiều nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bạn nên chủ động xin hỗ trợ và giúp đỡ mọi người. Đây cũng là cách để lấy kinh nghiệm cho công việc hiện tại và có thể kết nối được với mọi người dễ dàng hơn.
6. Cầu tiến, ham học hỏi
Đối với một người mới như bạn, mọi người chưa thực sự biết được năng lực làm việc của bạn. Do đó, thông qua tinh thần ham học hỏi, sự quan tâm đến những việc xung quanh sẽ giúp cho mọi người nhìn rõ được mong muốn tìm hiểu và gắn bó lâu dài của bạn với công việc này. Mọi người sẽ có thể hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc cũng như giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn.
7. Lắng nghe và quan sát
Việc luôn lắng nghe để tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm từ cấp trên cũng như đồng nghiệp cũ là điều luôn cần thiết trong công việc. Đặc biệt là đối với những nhân viên mới đi làm ngày đầu tiên. Từ những thông tin đó, bạn sẽ biết thêm nhiều về văn hóa, cách vận hành và bộ máy hoạt động của công ty để có thể đảm nhận thêm nhiều công việc cũng như cởi mở hơn trong việc kết nối với những đồng nghiệp cũ.
Ngoài ra, việc quan sát những thứ xung quanh và mọi người cũng sẽ cho bạn biết thêm các thông tin về cách vận hành công việc, cách xưng hô trong văn hóa giao tiếp, cách ra quyết định trong công ty,… Khi đó, bạn sẽ biết cách điều chỉnh bản thân phù hợp với môi trường làm việc và có thể đảm nhận những công việc chuyên môn, cần nhiều kinh nghiệm hơn.
8. Luôn chân thành
Bạn nên biết rằng những việc xuất phát từ trái tim rồi cũng sẽ chạm tới được nhiều trái tim. Khi bạn đối đãi với mọi người bằng sự chân thành thì rồi một ngày “quả ngọt” sẽ đến với bạn.
Vì thế bất kể bạn làm gì, hãy cố gắng thực hiện bằng tất cả sự chân thành mà bạn có. Dù là kết quả không tốt, bạn vẫn sẽ nhận về những đánh giá tích cực từ đồng nghiệp, cấp trên. Với những lỗi sai của bạn, họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cũng như hướng dẫn bạn cách để làm tốt và hiệu quả hơn cho công việc sau. Nhờ đó, quan hệ đồng nghiệp cũng sẽ tốt đẹp hơn!
9. Thân thiện, hòa đồng
Tất cả chúng ta đều biết rằng ấn tượng đầu tiên vô cùng quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến cả quá trình giao tiếp sau này. Vì thế nên việc bạn đến công ty với năng lượng tích cực, nở nụ cười và chào hỏi tất cả đồng nghiệp, hoặc cấp trên sẽ khiến cho mọi người có ấn tượng tốt.
Ngoài ra, sự thân thiện và hòa đồng của bạn sẽ giúp mối quan hệ với đồng nghiệp trở nên tích cực và gắn bó hơn. Một ngày đi làm với đầy năng lượng, bạn cũng sẽ cảm thấy công việc được xử lý nhanh chóng và thời gian tan ca như rút ngắn lại đấy.
10. Giới thiệu bản thân với mọi người
Ở một vài công ty, hình thức giới thiệu bản thân thông qua email hoặc bài phát biểu trước tập thể là điều không thể thiếu đối với những nhân viên mới. Đây sẽ là cơ hội thể hiện cá tính của bạn, cũng như giúp đồng nghiệp nắm được vài thông tin cơ bản về nhân viên mới một cách nhanh chóng.
Thế nên, hãy chắc rằng bạn đã sẵn sàng cho một bài phát biểu khoảng 30s trước mọi người về bản thân như bạn tên gì, đến từ đâu, công việc trước đây, vị trí hiện tại bạn đảm nhiệm tại công ty,… Hơn hết, bạn cần phải làm nổi bật cá tính của mình để mọi người ấn tượng có thể ghi nhớ nhé!
11. Làm quen với các đồng nghiệp
Nhiều bạn cho rằng, việc làm quen với đồng nghiệp trong ngày đầu đi làm sẽ không mấy quan trọng. Song nếu như bạn biết cách giao tiếp, những mối quan hệ này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi làm việc tại công ty. Một khi đã thân quen, bạn có thể hỏi nhiều hơn về công việc, nhận được sự hướng dẫn tận tình mỗi lúc gặp khó khăn và cả những “quy tắc ngầm” đấy.
Thế nên, hãy cố gắng làm quen thật nhiều với các đồng nghiệp trong ngày đầu đi làm. Từ những người bạn cùng nhóm, cùng phòng ban cho đến những người có liên quan đến công việc mà bạn sẽ đảm nhận.
Ngoài ra, đừng vội từ chối các buổi tụ tập cùng đồng nghiệp. Vì biết đâu bạn đang bỏ lỡ cơ hội làm quen với nhiều đồng nghiệp hoặc một vài mẩu câu chuyện thú vị nào đó trong công ty đấy!
12. Đừng ngại ngần giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp
Có thể trong ngày đầu đi làm, bạn sẽ chưa quen với môi trường làm việc mới. Vì vậy, việc giao tiếp với đồng nghiệp cũ, đặc biệt là cấp trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không nên duy trì tình trạng này quá lâu, bởi điều này sẽ khiến bạn có cảm giác bị cô lập và khiến cho cấp trên có cái nhìn không tích cực về bạn. Do đó, nên tận dụng thời gian để trò chuyện và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, mẹo nhỏ dành cho những bạn đang gặp khó khăn trong việc giao tiếp công sở. Chính là, bạn nên thử bắt đầu câu chuyện về một vài vấn đề trong công việc. Tin chắc rằng, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ tận tình và mối quan hệ đồng nghiệp sẽ trở nên gắn bó, khăng khít hơn đấy!
13. Mạnh dạn đặt câu hỏi khi không biết
Chúng ta luôn được khuyến khích đặt câu hỏi cho những vấn đề vượt ngoài tầm hiểu biết của mình. Điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức, tăng khả năng ghi nhớ,… Thế nên vào những ngày đầu đi làm, bạn nên mạnh dạn đặt các câu hỏi xoay quanh quy trình, cách vận hành, làm việc,… của công ty để nắm bắt thật nhanh công việc.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý một vài điểm khi đặt câu hỏi. Chẳng hạn như trước khi đặt câu hỏi cho sếp hay đồng nghiệp, bạn nên tự hỏi chính mình và tìm hiểu câu trả lời. Mặc khác, bạn cần tránh các câu hỏi lan man, không đúng trọng tâm công việc. Quan trọng hơn cả, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đang lắng nghe câu trả lời một cách chân thành, nghiêm túc.
14. Dành lời cảm ơn đến mọi người
Đôi khi trong công việc, chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ mọi người lại cho rằng đó là điều hiển nhiên phải thế. Vì vậy mà bỏ qua mất lời cảm ơn. Chắc chắn rằng đồng nghiệp của bạn sẽ không bận tâm lắm về điều đó. Song nếu nhận được lời cảm ơn, họ sẽ càng có cái nhìn thiện cảm hơn về bạn.
Đặc biệt với những người mới, mỗi lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ dù là nhỏ nhặt nhất như đường đến nhà vệ sinh, nơi pha cà phê, cách nối dây điện thoại,… sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp.
Tuy đây không hẳn là cách giúp bạn có thêm kinh nghiệm hoặc nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng sẽ là nền móng cho việc phát triển lâu dài trong tương lai. Vì thế nên, đừng ngại thể hiện sự cảm kích đối với những người đã giúp đỡ bạn thông qua lời cảm ơn đơn giản nhé!
15. Hoàn thành thật tốt công việc của ngày đầu
Vào những ngày đầu đi làm, bạn hẳn sẽ được giao cho những công việc đơn giản. Việc này sẽ giúp cho bạn làm quen với môi trường làm việc cũng như có thêm nhiều cơ hội giao tiếp, làm quen với các đồng nghiệp cũ. Vì thế nên, bạn nên hoàn thành thật tốt các công việc được giao dù là nhỏ nhất.
Tinh thần nhiệt huyết, năng nổ cùng với thái độ làm việc chăm chỉ sẽ là một điểm cộng lớn trong mắt lãnh đạo của bạn đấy!
III. Những điều bạn không nên làm trong ngày đầu đi làm
1. Thái độ thiếu nghiêm túc
Thái độ làm việc của bạn chính là chìa khóa để có được cảm tình của mọi người trong công ty. Sẽ không có ai muốn có một đồng nghiệp thiếu chuyên nghiệp và hay lơ là khi được giao nhiệm vụ. Do đó, bạn không nên thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc khi đang làm việc cũng như khi được cấp trên trao đổi các thông tin về công việc.
2. Nói nhiều hơn nghe
Trong ngày đầu tiên đi làm, bạn nên hòa đồng và vui vẻ với đồng nghiệp. Tuy nhiên, đừng chia sẻ và nói quá nhiều về cuộc sống, công việc trước đây của mình. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến mọi người và gây sự khó chịu cho họ, vì khi họ muốn biết họ sẽ hỏi bạn.
Cũng như khi làm việc, bạn không nên vội đóng góp ý kiến khi chưa thực sự hiểu vấn đề đang bàn luận hay khi chưa được hỏi tới, điều này sẽ gây gián đoạn cuộc thảo luận và khiến mọi người không hài lòng về bạn.
3. Thể hiện quá nhiều
Để lại ấn tượng tốt cho mọi người là điều nên làm như việc giới thiệu bản thân, giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình,… Tuy nhiên, bạn cũng nên giữ chừng mực vì không phải đồng nghiệp nào cũng muốn nhận sự giúp đỡ của bạn. Họ có thể sẽ nghĩ bạn đang thể hiện quá nhiều về bản thân. Chắc hẳn, đây là điều không đáng có trong ngày đầu đi làm đâu nhỉ?
4. Không chịu học hỏi, thiếu sự cầu tiến
Khi thay đổi công việc, đồng nghĩa với việc bạn phải thích nghi với môi trường mới và học hỏi thêm những kiến thức từ các đồng nghiệp, cấp trên. Vì vậy, nếu bạn không chịu học hỏi và thiếu đi sự cầu tiến trong công việc sẽ khiến cho mình bị thụt lùi. Đặc biệt là không được đồng nghiệp quý mến cũng như cấp trên trọng dụng.
5. Phàn nàn, phán xét mọi thứ xung quanh
Đừng vội đánh giá bất cứ ai khi họ vô tình không cười ngay lúc bạn chào, hay phàn nàn về công việc nào đó mà bạn không thể hoàn thành. Có thể họ đã không thấy khi bạn chào hoặc với công việc đó, bạn đã lựa chọn sai cách thực hiện.
Nếu bạn cứ luôn phàn nàn, phát xét mọi thứ xung quanh sẽ tạo nên định kiến và vô tình khiến cho bạn không thoải mái khi làm việc. Điều này sẽ làm cho bạn không thể hoàn thành công việc hiệu quả và không thể cởi mở với những đồng nghiệp trong công ty. Do đó, bạn nên ngừng phàn nàn mà thay vào đó hãy nhìn mọi thứ theo hướng tích cực để có thể dễ dàng hòa nhập hơn với mọi người.
6. So sánh, đề cập quá nhiều về công ty, đồng nghiệp, công việc cũ
Mỗi công ty sẽ có hướng hoạt động và phát triển riêng. Nếu bạn cứ luôn so sánh giữa công ty mới và cũ, và kể cả đồng nghiệp thì sẽ khiến cho mọi người có cái nhìn không tốt về bạn hay thậm chí là khó chịu. Vì vậy, bạn nên học cách làm quen mọi thứ hơn là so sánh.
7. Không cần phải cố gắng để gây ấn tượng với tất cả mọi người
Để có thể gây ấn tượng với mọi người bạn không nhất thiết phải xây dựng cho mình một hình ảnh quá hoàn hảo để rồi phải gồng mình duy trì hình ảnh đó. Bạn vẫn có nhiều cơ hội để gây ấn tượng với mọi người về sau. Vậy nên, trong ngày đầu tiên đi làm bạn hãy cứ là chính mình và thật thoải mái, cho mọi người thấy và hiểu đúng về con người bạn.
8. Làm việc quá sức
Nếu bạn cố gắng làm việc thật nhiều trong ngày đầu tiên là tốt nhưng vẫn phải chú ý sức khỏe và không nên làm quá sức, điều đó sẽ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi khi đi làm ngày hôm sau. Còn nếu bạn muốn xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và chăm chỉ theo cách này thì đây là cách không bền vững.
>>>Xem thêm:
>> Cách gửi CV qua email thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng
>> Cách viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng sau phỏng vấn ấn tượng
>> Cách viết mail hỏi kết quả phỏng vấn khéo léo, hiệu quả nhất
Bạn vừa tìm hiểu qua 31 điều nên làm cho ngày đầu tiên đi làm thật ấn tượng, suôn sẻ. Hy vọng bài viết này hữu ích và cung cấp cho bạn những thông tin thú vị. Đừng quên để lại bình luận và chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!